Đại diện Cấp cao của Liên minh Âu Châu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell đưa ra thông báo với giới truyền thông trước một cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại tại trụ sở của EU ở Brussels hôm 27/05/2024. (Ảnh: Francois Walschaerts/AFP qua Getty Images)
ÂU CHÂU - 19 công ty có trụ sở tại Trung Quốc nằm trong số 61 tổ chức bị trừng phạt vì ‘trực tiếp trợ giúp tổ hợp quân sự và công nghiệp của Nga’ trong cuộc chiến của nước này với Ukraine.
Liên minh Âu Châu (EU) đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 19 công ty Trung Quốc vì đóng vai trò trợ giúp Nga trong cuộc chiến tranh với Ukraine.
Theo danh sách do Tạp chí Chính thức của EU công bố, các công ty này được cho là trực tiếp trợ giúp tổ hợp quân sự và công nghiệp của Nga hoặc có liên kết thương mại hoặc liên kết khác với các tổ chức trợ giúp lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Nga.
19 công ty có trụ sở tại Trung Quốc à Hong Kong này nằm trong số 61 tổ chức bị áp các lệnh trừng phạt mới hôm 24/06 vì có vai trò “trực tiếp trợ giúp tổ hợp quân sự và công nghiệp của Nga” trong cuộc chiến tranh với Ukraine. Ngoài các tổ chức Trung Quốc đó, thì danh sách này còn có 9 công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ, 2 công ty ở Kyrgyzstan, còn Ấn Độ, Kazakhstan, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đều có 1 công ty.
Trong một tuyên bố, Hội đồng Âu Châu này cho biết nhiều tổ chức trong số này đã giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt của khối và mua “các mặt hàng nhạy cảm” được sử dụng trong drone hoặc các mặt hàng trợ giúp cho các chiến dịch quân sự của Điện Kremlin.
Brussels sẽ áp đặt các hạn chế thương mại chặt chẽ hơn đối với các tổ chức trong danh sách liên quan đến hàng hóa và sản phẩm có công dụng kép mà “có thể góp phần nâng cao công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Nga.”
Trong số các tổ chức nằm trong vòng trừng phạt mới nhất của EU có China Head Aerospace Group, một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh bị Bộ Ngân khố đưa vào danh sách đen hồi tháng 04/2023. Hoa Thịnh Đốn cáo buộc công ty Trung Quốc này cung cấp hình ảnh vệ tinh về các địa điểm ở Ukraine cho các tổ chức liên kết với tổ chức quân sự Wagner.
Một công ty đáng chú ý khác của Trung Quốc có tên trong gói trừng phạt là Công ty Đổi mới Công nghệ Cao 5G Thâm Quyến. Hồi tháng Tư, công ty công nghệ này đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách trừng phạt vì làm trung gian Trung Quốc cho Peleng, một công ty quốc phòng của Belarus mà Hoa Thịnh Đốn tin là cung cấp các hệ thống điều khiển hỏa lực cho xe tăng của Nga.
Đáp lại hành động mới nhất của khối này, chính quyền Trung Quốc đã hứa sẽ thực hiện “các biện pháp cần thiết” để bảo vệ lợi ích của các công ty của mình.
Trong một cuộc họp báo thường nhật hôm 25/06, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) bênh vực hoạt động thương mại của các công ty Trung Quốc với các đối tác Nga, nói rằng đó là “những trao đổi và hợp tác bình thường” và không nên “bị bên thứ ba can thiệp hoặc gây ảnh hưởng.”
Các lệnh trừng phạt mới của EU được áp dụng trong bối cảnh phương Tây tiếp tục lo ngại về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ủng hộ các nỗ lực chiến tranh của Điện Kremlin.
Người dân dọn dẹp các mảnh vỡ bên cạnh những ngôi nhà bị hư hại nặng sau trận pháo kích ở Pokrovsk, thuộc phía đông vùng Donetsk của Ukraine, hôm 24/06/2024. (Ảnh: Roman Pilipey/AFP qua Getty Images)
Đầu tháng này, chính phủ Hoa Kỳ công bố các lệnh trừng phạt mới đối với hơn 300 tổ chức và cá nhân, trong đó có nhiều tổ chức từ các nước thứ ba như Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Tư, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết ĐCSTQ đang “tiếp thêm sức mạnh” cho cuộc chiến của Nga với Ukraine, đồng thời lưu ý rằng Moscow sẽ “chật vật để duy trì cuộc tấn công vào Ukraine” nếu không có sự trợ giúp của Bắc Kinh.
Hôm 25/06, Bộ Ngoại Hoa Kỳ giao hoan nghênh các biện pháp trừng phạt mới của EU.
(Epochtimes Việt ngữ ; Cẩm An lược dịch)
(Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times)