Nguồn: Why Russia Has Never Accepted Ukrainian Independence, The Economist, 18/12/2021
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
(nghiencuuquocte.org)
Tám giờ tối Chủ nhật, ngày 08/12/1991, Mikhail Gorbachev, Tổng thống Liên Xô, nhận được một cuộc điện thoại bằng đường dây tối mật. Người ở đầu dây bên kia là Stanislav Shushkevich, một giáo sư vật lý khiêm tốn, người mà vài tháng trước đó, trong công cuộc cải tổ của Gorbachev, đã được giao đảm nhận chức vụ lãnh đạo Cộng hòa Belarus thuộc Liên Xô. Shushkevich gọi từ một cabin đi săn trong khu rừng Belovezh tươi đẹp để nói với nhà cải cách vĩ đại rằng, ông đã ‘mất việc’: Liên Xô đã kết thúc rồi.
Nhìn lại, dấu hiệu cáo chung đã xuất hiện từ tháng 8, khi KGB, những nhân vật Cộng sản cứng rắn và quân đội đã buộc Gorbachev chịu quản thúc tại gia, và tiến hành một cuộc đảo chính. Sau ba ngày kháng cự hòa bình, dẫn đầu bởi Boris Yeltsin, Tổng thống Cộng hòa Xô viết Nga, họ đã rút lui. Sự kiện đó đã loại trừ mọi khả năng quay trở lại một Liên Xô trong quá khứ. Nhưng Gorbachev vẫn nuôi hy vọng về một người kế nhiệm hậu Xô Viết theo chủ trương tự do, như một cách để có thể giữ, chí ít là, một số nước cộng hòa liên kết với nhau. Cuộc gọi của Shushkevich đã giết chết hy vọng cuối cùng đó.
Một trong những nguyên nhân là sự sụp đổ của nền kinh tế Nga. Như Yegor Gaidar, nhà cải cách kinh tế hàng đầu của Yeltsin, sau này đã viết, đó là mùa thu của “những hàng thực phẩm ôi thiu…những cửa hiệu trống rỗng… những người phụ nữ lang thang tìm kiếm thức ăn, bất cứ thứ gì có thể ăn được… mức lương trung bình là bảy đô la một tháng.” Để thực hiện thành công những cải cách sâu rộng mà Gaidar đề xuất, Yeltsin cần một nước Nga có khả năng kiểm soát tiền tệ của chính mình. Điều đó có nghĩa là phải rời khỏi Liên bang Xô viết.
Chính Shuskevich cũng bị thúc đẩy bởi nền kinh tế suy sụp. Ông mời Yeltsin đến cùng mình trong căn nhà nghỉ dưỡng ở rừng sâu, với hy vọng rằng, nếu làm hài lòng vị tổng thống thì khí đốt và điện của Nga sẽ tiếp tục được chuyển tới Belarus. Mùa đông sẽ vô cùng khó khăn nếu không có chúng. Địa điểm Shuskevich chọn là một nhà nghỉ có tên Viskuli, nơi Leonid Brezhnev và Nikita Khrushchev từng giải trí với trò bắn bò rừng và nhiều trò tiêu khiển khác (đây là lý do nó có đường dây điện thoại nối với Moscow).
Yeltsin đề nghị Leonid Kravchuk, Tổng thống Cộng hòa Ukraine, tham gia cùng họ. Chủ nhật trước đó, người dân Ukraine đã bỏ phiếu áp đảo để phê chuẩn tuyên bố độc lập, rời khỏi Liên bang Xô viết. Tuyên bố đó đã được Quốc Hội của họ, Rada, thông qua ngay sau cuộc đảo chính tháng 8.
Yeltsin muốn những gì Kravchuk đạt được ở Ukraine không đơn thuần chỉ vì lý do kinh tế. Ông tin rằng độc lập sẽ là yếu tố quan trọng để củng cố quyền lực của mình, và để theo đuổi nền dân chủ tự do. Ukraine, cho đến tận thế kỷ 19, chưa bao giờ là một lãnh thổ được xác định rõ ràng, đồng thời vẫn luôn là nơi cư trú của nhiều dân tộc khác nhau, với sự chia rẽ văn hóa sâu sắc. Việc nước này trở thành một quốc gia đơn nhất, độc lập, trong phạm vi biên giới cũ của Liên Xô đã tạo tiền lệ cho nước Nga đi theo cách tương tự, và bác bỏ nền độc lập của các lãnh thổ nổi loạn như Chechnya. Đó là lý do tại sao Cộng hòa Nga là một trong ba chính thể đầu tiên trên thế giới công nhận Ukraine là một quốc gia độc lập.
Dù một thế giới nơi Ukraine, Nga và Belarus hoàn toàn độc lập khỏi Liên Xô nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng một thế giới nơi ba nước này không ràng buộc với nhau theo bất kỳ cách thức nào sẽ là điều đáng lo ngại đối với một người Nga như Yeltsin. Vấn đề không chỉ ở việc Ukraine là quốc gia đông dân thứ hai, và có sức mạnh kinh tế cũng đứng thứ hai trong số các nước cộng hòa còn lại, mà các ngành công nghiệp của nước này còn tích hợp chặt chẽ với các ngành công nghiệp Nga. Câu hỏi cũng không phải chỉ nằm ở việc điều gì sẽ xảy ra với các lực lượng hạt nhân đặt tại Ukraine nhưng lại nằm dưới sự chỉ huy của chính quyền Liên Xô ở Moscow. Vấn đề đi sâu hơn nhiều.
Một năm trước, trong “Tái thiết nước Nga” (Rebuilding Russia), một bài luận đăng trên tờ báo được lưu hành rộng rãi nhất Liên Xô, Alexander Solzhenitsyn đã hỏi “Nước Nga chính xác là gì? Hôm nay, ngay lúc này đây? Và – quan trọng hơn – ngày mai thì sao?… Bản thân người Nga nghĩ rằng ranh giới vùng đất của mình là ở đâu?” Sự cần thiết phải để các nước Baltic ra đi là rõ ràng – và khi họ rời Liên Xô vào năm 1990, Solzhenitsyn, Yeltsin, và phần lớn nước Nga đã cùng nhau ngăn chặn nỗ lực của nhóm theo chủ nghĩa phục thù muốn giữ các nước này ở lại liên bang. Điều này cũng đúng với vùng Trung Á và Caucasus; những khu vực vốn dĩ là thuộc địa. Nhưng Belarus và Ukraine là một phần của ‘vùng lõi đô thị.’ Solzhenitsyn lập luận rằng mối quan hệ gắn kết giữa “Tiểu Nga” (tức Ukraine), “Đại Nga,” và Belarus với nhau cần phải được bảo vệ bằng mọi cách, trừ chiến tranh.
Suốt hàng thế kỷ, Ukraine đã định hình bản sắc Nga. Là trung tâm của một đại công quốc thời Trung cổ có tên gọi Kyivan Rus, kéo dài từ Biển Trắng ở phía bắc, đến Biển Đen ở phía nam, Kyiv được coi là cái nôi của văn hóa Nga và Belarus, đồng thời là nền tảng của đức tin Chính thống giáo của họ. Thống nhất với Ukraine là điều kiện cơ bản giúp người Nga cảm thấy mình là người châu Âu. Trong cuốn “Vương quốc đã mất” (Lost Kingdom, 2017), Serhii Plokhy, một sử gia người Ukraine, mô tả cách “huyền thoại về nguồn gốc của người Kyiv … đã trở thành nền tảng trong hệ tư tưởng của Đại Công quốc Moskva (Muscovy), khi chính thể này chuyển từ thần phục Mông Cổ thành một quốc gia có chủ quyền, và sau đó là một đế chế.” Đế chế Nga cần phải có Ukraine; và Nga không có lịch sử nào khác ngoài lịch sử một đế chế. Ý tưởng rằng Kyiv chỉ là thủ đô của một quốc gia láng giềng là điều không thể tưởng tượng đối với người Nga.
Nhưng với người Ukraine, chuyện không phải như vậy. Vào bữa tối đầu tiên ở Viskuli, khi Yeltsin và Kravchuk ngồi đối diện nhau, những ly rượu mừng đã giúp tình bạn chớm nở. Tuy nhiên, tình bạn mà Kravchuk mong muốn là loại thân tình đi kèm với một tấm séc cấp dưỡng đàng hoàng, chứ không phải loại đi kèm với những lời hứa suông.
Kravchuk sinh năm 1934 tại tỉnh Volhynia, miền tây Ukraine – khi đó là một phần của Ba Lan, nhưng đã được nhượng lại cho Liên Xô theo một điều khoản trong hiệp ước bất tương xâm mà nước này ký với Đức vào năm 1939. Tuổi thơ chìm trong cảnh thanh trừng sắc tộc, đàn áp, và chiến tranh đã dạy cho Kravchuk, như lời chính ông, “đi giữa những giọt mưa” [nghĩa là tránh được những khó khăn – ND]. Đó là một kỹ năng khiến ông trở thành một thành viên lý tưởng cho bộ máy cộng sản, sau đó là trở thành một người đấu tranh cho nền độc lập của Ukraine – không phải vì bất kỳ lý tưởng cao siêu nào, mà đơn giản là vì ông muốn có cơ hội điều hành đất nước của chính mình.
Trưng cầu dân ý đã trao cho ông cơ hội ấy, khi nền độc lập được đa số dân cư ở mọi vùng khắp đất nước tán thành, kể cả vùng phía tây trước đây thuộc về Áo-Hung, với các nhà thờ và quán cà phê theo lối kiến trúc Baroque, lẫn phía đông Xô viết hóa và công nghiệp hóa, nơi phần lớn 11 triệu dân Ukraine gốc Nga sinh sống. Kravchuk cần nhiều đáp ứng thiết thực từ Nga, nhưng ông cũng thừa nhận những lợi ích mà người Nga nhắm đến. Ông muốn có một mối quan hệ tốt đẹp với Yeltsin, và vì vậy đã quyết định đến buổi gặp mặt trong rừng. Nhưng ông không chủ tâm trao cho Nga một lối thoát khỏi liên minh theo bất kỳ cách nào sẽ làm tổn hại đến nền độc lập của Ukraine.
Thỏa thuận, ở dạng dự thảo, vào lúc 4 giờ sáng ngày Chủ nhật, đã đạt được những mục tiêu đó bằng một phương cách khá gọn gàng. Việc nước Nga đơn giản theo chân Ukraine tuyên bố độc lập sẽ tự nó giải quyết câu hỏi về các nước cộng hòa còn lại của Liên Xô. Vì vậy, thay vào đó, họ đã bãi bỏ chính Liên Xô.
Liên bang Xô viết được thành lập vào năm 1922, thông qua một tuyên bố chung của bốn nước cộng hòa Xô viết – Cộng hòa Liên bang Ngoại Kavkaz (TSFSR), Nga, Ukraine và Belarus. Với việc TSFSR đã bị chia cắt từ lâu, các tổng thống theo đó cũng xóa bỏ những gì mà các tiền bối của họ đã ràng buộc với nhau. Họ sử dụng từ Cộng đồng Các Quốc gia Độc lập (Commonwealth of Independent States, CIS) thay cho từ “liên minh” (union)– Kravchuk không cho phép sử dụng từ “liên minh”. Khối này chỉ có một vài thẩm quyền được xác định rõ ràng, và bất kỳ quốc gia hậu Xô viết nào cũng được hoan nghênh tham gia khối. Không có mối quan hệ đặc biệt nào giữa ba nước vùng Slavơ được đề cập.
Chiều hôm đó, ba vị lãnh đạo đã ký thỏa thuận, theo đó tuyên bố rằng “Liên Xô với tư cách là một chủ thể của luật pháp quốc tế, và thực thể địa chính trị, đã không còn tồn tại.” Công việc tiếp theo thuộc về người trẻ nhất trong số ba tổng thống – cũng là người kém nhiệt tình nhất với những gì họ vừa làm – đó là thông báo cho Moscow về những gì đã xảy ra.
Gorbachev đã nổi giận. Tầm quan trọng của Ukraine không phải là một vấn đề trừu tượng đối với ông. Giống như Solzhenitsyn, ông là con của một người mẹ Ukraine và một người cha Nga. Ông lớn lên cùng những khúc hát Ukraine và đọc sách của Nicolai Gogol, người đã biến những câu chuyện dân gian của quê hương mình thành một kho tàng thơ văn phong phú sau khi chuyển đến St. Petersburg. Sự ra đời của Liên Xô có nghĩa là Gorbachev và những người giống như ông, dù có nguồn gốc lai lịch ra sao, đều mang trong mình hai bản sắc: Nga và Ukraine.
Quan trọng hơn, dù cuộc đảo chính thất bại đã khiến việc tan rã ít nhiều là không thể tránh khỏi, nhưng việc giải thể một đế chế đa sắc tộc với 250 triệu dân vẫn là một chủ đề gây chấn động. Như Solzhenitsyn đã viết trong bài “Tái thiết nước Nga”, “Chiếc đồng hồ chủ nghĩa cộng sản đã ngừng chạy. Nhưng tòa tháp bằng bê tông của nó vẫn chưa sụp đổ. Và chúng ta phải cẩn thận để không bị đè bẹp bên dưới đống đổ nát, thay vì giành được tự do.” Thực tế là trong đống đổ nát đó, nếu quả thật có một đống đổ nát, tồn tại một kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, nằm rải rác giữa bốn quốc gia riêng biệt (ba nước Slavơ và Kazakhstan), và điều này khiến các chính khách trên khắp thế giới lo sợ. Khi kinh tế rơi vào suy thoái, Gorbachev đã đến gặp Tổng thống George Bush để vay 10 đến 15 tỷ đô la, và lúc ấy mối quan tâm hàng đầu của Bush là mối đe dọa hạt nhân. Lo lắng tương tự đã khiến Gorbachev phản đối sự ly khai của Ukraine trong một bài phát biểu được đưa ra ngay trước cuộc đảo chính vào tháng 8. “Anh có nhận ra mình đã làm gì không?” Gorbachev hỏi Shushkevich. “Nếu Bush phát hiện ra chuyện này thì sao?”
Câu hỏi đó thật ra đang được trả lời trên một trong những đường dây điện thoại khác của cabin. Andrei Kozyrev, bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Nga, đã gặp chút khó khăn khi tìm cách gọi cho Bush. Một nhân viên lễ tân của Bộ Ngoại giao Mỹ (do Kozyrev không có số trực tiếp của Nhà Trắng nên phải gọi qua Bộ Ngoại giao) nói với người đàn ông có chất giọng Nga, đang yêu cầu cô kết nối một người tên Yeltsin với Tổng thống Mỹ, rằng cô ấy “không có tâm trạng tham gia mấy trò chơi khăm.” Kozyrev cũng không thể cho số để Bộ Ngoại giao Mỹ liên hệ lại, để có thể chứng minh sự thành thật của bản thân: vì ông không biết số điện thoại của cabin nơi ông đang gọi đi. Tuy nhiên, cuối cùng thì ông cũng được kết nối, và trở thành phiên dịch viên trong lúc Yeltsin giải thích với Bush rằng kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới hiện nằm trong tay một thứ gọi là Cộng đồng các Quốc gia Độc lập.
Gorbachev không rõ Bush sẽ phản ứng như thế nào, và bản thân Bush cũng vậy. Đoạn nhật ký thu âm mà Tổng thống Mỹ ghi lại vào ngày hôm sau đã tràn ngập những câu hỏi đầy lo lắng: “Đêm thứ Hai này, tôi chợt thấy mình lo nghĩ nhiều về hành động quân sự. Quân đội [Liên Xô] ở đâu – họ đang rất im ắng. Chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu nó có vượt khỏi tầm kiểm soát? Gorbachev sẽ từ chức? Hay ông ta sẽ cố gắng chống trả? Yeltsin có cẩn trọng suy xét mọi chuyện chưa? Đây quả là một tình huống khó khăn – rất khó khăn.” Mối nghi ngờ tương tự cũng len lỏi trong tâm trí của ba vị tổng thống trong rừng. Khi Yeltsin và đoàn tùy tùng quay trở lại Moscow, họ nói đùa về việc máy bay của mình bị bắn rơi. Tiếng cười không hoàn toàn che giấu được nỗi lo.
Thế nhưng, những vụ bắn hạ máy bay, cùng với sự vi phạm chủ quyền của Ukraine, việc chiếm đóng Crimea, cùng sự tái khẳng định rằng di sản của Kyivian Rus có nghĩa là các quốc gia phải bị ‘xích’ lại chung với nhau, và sự đảo ngược của Belarus sang chế độ độc tài – tất cả các sự kiện này đều đã lần lượt xảy ra, dẫn đến việc vào một tháng 12 của 30 năm sau đó, ít nhất 70.000 quân Nga đã tiến gần đến biên giới Ukraine và, trong một diễn biến khác, hàng nghìn người tị nạn Trung Đông đã mắc kẹt trong chính khu rừng Belovezh. Câu hỏi từng có vẻ đã được giải quyết về mối quan hệ thời hậu Xô Viết giữa ba quốc gia lại một lần nữa trở thành mối quan tâm địa chính trị lớn.
Tuy nhiên, ngày trước, khi đứng giữa những cây thông phủ đầy tuyết, sau khi rời cuộc họp, Yeltsin đã ngập trong cảm giác nhẹ nhàng và tự do. Ông hồi tưởng “khi ký thỏa thuận này, Nga đã chọn một con đường khác, con đường phát triển nội bộ hơn là trở thành một đế chế… Đất nước đang vứt bỏ hình ảnh truyền thống là ‘cường quốc của một nửa thế giới,’ hình ảnh về cuộc xung đột vũ trang với các nền văn minh Tây phương, và vai trò cảnh sát trong việc giải quyết các xung đột sắc tộc. Giờ khắc cuối cùng của đế chế Xô Viết đã điểm.” Có thể sự phụ thuộc lẫn nhau một cách phức tạp giữa Nga và Ukraine không quan trọng nhiều như chúng ta nghĩ; một quốc gia dân chủ thôi là đủ rồi. Có thể vấn đề chính là trí tưởng tượng của chúng ta đã sai lầm.
(Còn tiếp 2 phần)