Nhân viên làm việc trên dây chuyền lắp ráp sản xuất loa tại một nhà máy ở Phụ Dương, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc vào ngày 30/6/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
TRUNG QUỐC - Giữa lúc tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, Bắc Kinh đã dỡ bỏ các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra hoài nghi với cam kết mới của Bắc Kinh.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế từ năm 2021 đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất.
Các chuyên gia quan sát Trung Quốc tin rằng đó là nỗ lực của chế độ nhằm cứu nền kinh tế đang suy thoái và là một biện pháp khẩn cấp để đối phó với các khó khăn kinh tế hiện tại. Tuy nhiên, họ cho rằng chính sách này mâu thuẫn với trọng tâm cốt lõi của ĐCSTQ là an ninh chính trị, và do đó, về lâu dài, sự thay đổi chính sách sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã công bố “8 hành động” mà ĐCSTQ sẽ thực hiện tại Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh vào ngày 18/10, trong đó bao gồm “dỡ bỏ toàn diện các hạn chế đối với việc tiếp cận của đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất”.
Theo Yicai, một hãng truyền thông tài chính lớn của Trung Quốc, hầu hết các hạn chế đối với việc tiếp cận đầu tư nước ngoài trong danh sách năm 2021 của chế độ đã được dỡ bỏ, ngoại trừ hai lĩnh vực: đầu tư vào xuất bản và in ấn mà cổ đông phải là người Trung Quốc, và đầu tư vào ứng dụng công nghệ xử lý cho y học cổ truyền Trung Quốc cũng như việc sản xuất các sản phẩm thuốc theo toa bí mật của các loại thuốc độc quyền của Trung Quốc.
Về việc dỡ bỏ các hạn chế đầu tư vào sản xuất, chuyên gia kinh tế người Mỹ Davy Jun Huang nói với The Epoch Times rằng chính quyền Trung Quốc đã không hỗ trợ nhiều cho ngành sản xuất trong 10 năm qua, thay vào đó họ đầu tư một lượng lớn vốn vào CNTT và lĩnh vực ngân hàng di động.
“Họ [ĐCSTQ] ban đầu tin rằng họ có thể vượt qua các quốc gia khác thông qua CNTT và hy vọng thay đổi các quy tắc quốc tế thông qua ngành dịch vụ tài chính của mình. Nhưng cả hai con đường này đều không hiệu quả, vì vậy họ bắt đầu phát triển năng lượng mới và kết quả cuối cùng là cũng không thành công”, ông Huang nói. “Bây giờ, họ quay đầu lại và thấy rằng hoạt động kinh doanh hiệu quả thực sự là sản xuất, điều này đã thúc đẩy sự thay đổi trong chính sách kinh tế của họ”.
Chuyên gia kinh tế này cho biết, với nền kinh tế trì trệ hiện nay, Trung Quốc đang rất cần đơn đặt hàng sản xuất, công nghệ, sự quản lý và vốn nước ngoài nên nước này lại nới lỏng các hạn chế áp đặt vì lý do an ninh chính trị trong thời gian gần đây.
Ông Huang nói: “Nhưng y học Trung Quốc và xuất bản, hai lĩnh vực này không được mở cửa, trong khi tất cả những lĩnh vực khác đều được tự do hóa”.
Dữ liệu từ Bộ Thương mại của ĐCSTQ cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2023, lượng vốn nước ngoài thực tế được sử dụng trên toàn quốc là 847,17 tỷ CNY (nhân dân tệ) (115,8 tỷ USD), giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên con số này giảm trong ba năm.
Theo dữ liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố vào ngày 4/8, trong quý II năm nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ đạt 4,9 tỷ USD, giảm 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi dữ liệu so sánh được công bố lần đầu tiên vào năm 1998.
Tâm lý ‘tránh Trung Quốc'
Cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ toàn cầu tháng 9 của Bank of America, với 222 người tham gia, cho thấy không có nhà quản lý quỹ nào kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ mạnh mẽ hơn lên trong 12 tháng tới. “Tránh Trung Quốc” là tâm lý chiếm ưu thế, thứ được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19.
Ông Tai Chih-Yen, nhà nghiên cứu và là phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đánh giá chính sách khoa học và công nghệ thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của Đài Loan, nói với The Epoch Times: “Bằng cách loại bỏ các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài, một mặt, Trung Quốc hy vọng đầu tư nước ngoài sẽ sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển công nghệ. Mặt khác, trước tình hình đầu tư nước ngoài tiếp tục rời khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây, họ hy vọng rằng các chính sách mới có thể đẩy nhanh tốc độ quay trở lại của đầu tư nước ngoài”.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ông Tập tiếp tục nhấn mạnh đến an ninh chính trị của ĐCSTQ. ĐCSTQ gần đây đã sửa đổi Luật Chống gián điệp, có hiệu lực từ ngày 1/7.
Đã có nhiều vụ việc đột kích văn phòng công ty nước ngoài ở Trung Quốc và bắt giữ nhân viên của công ty nước ngoài khiến các doanh nhân nước ngoài khiếp sợ, chẳng hạn như vụ bắt giữ nhân viên của công ty Mintz Group của Mỹ và vụ bắt giữ một doanh nhân Nhật Bản của Astellas vì nghi ngờ hoạt động gián điệp.
Văn phòng đóng cửa của Tập đoàn Mintz được nhìn thấy trong một tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 24/03/2023. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)
Một số giám đốc điều hành công ty nước ngoài hiện đang ngại ngần trước việc đến Trung Quốc để kinh doanh.
Ông Tai cho rằng các quy định của Bắc Kinh đối với các doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc thực sự rất mâu thuẫn.
Ông nói: “Khi chính quyền ĐCSTQ có thể liên hệ bất cứ điều gì với an ninh quốc gia, nhiều hành vi đầu tư hoặc nhiều hành vi được phép trước đây giờ đây có thể dễ dàng dẫn đến nguy cơ bị bỏ tù”.
Liệu lời tuyên bố của Bắc Kinh có giá trị?
Ông Tai cho rằng với ĐCSTQ, cần phải chờ xem để xác định liệu ĐCSTQ có thực sự nhất quán với các chính sách đã nêu của mình hay không. Ông lấy ví dụ về việc ĐCSTQ đi ngược lại lời hứa không thay đổi hệ thống quản lý và luật pháp của Hong Kong trong 50 năm.
Ông Huang đồng ý rằng thế giới bên ngoài cần thận trọng về việc liệu ĐCSTQ có thể thực hiện được lời hứa của mình hay không, đồng thời nói thêm rằng sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và tăng cường xuất khẩu, nước này đã không thực hiện được lời hứa mở cửa thực sự như một thị trường tự do cho châu Âu và Mỹ.
Ông Vương Hách, một nhà quan sát tình hình Trung Quốc làm việc tại Mỹ, nói với NTD: “Do tình hình chính trị bất ổn của Trung Quốc và khả năng xảy ra những thay đổi đột ngột trong tình hình quốc tế - đặc biệt là hai cuộc chiến gần đây, chiến tranh Nga - Ukraine và Israel - Hamas - thế giới ngày càng trở nên hỗn loạn. ĐCSTQ có thể tấn công Đài Loan bất cứ lúc nào. Từ góc độ này, các doanh nhân nước ngoài có thể rất dè dặt khi đầu tư vào Trung Quốc và đang có những điều chỉnh sâu sắc”.
Ông nói về môi trường chính trị hiện tại: “ĐCSTQ sẽ rất khó đạt được mục tiêu ổn định đầu tư nước ngoài và ngoại thương”.
(Theo The Epoch Times)
(ntdvn.net , Bảo Nguyên biên dịch)