Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)

 

 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đi khắp thế giới để đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ, đồng thời củng cố thị trường xuất cảng khi thặng dư thương mại của nước này tăng lên.

 

 

Sau khi Trung Quốc đơn phương dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với một số thành viên của Nghị viện Âu châu vào tuần trước, chánh phủ nước này đã nói rất rõ rằng họ không chỉ quyết định chơi đẹp.

 

 

Bắc Kinh đã nhấn mạnh cái giá phải trả để dỡ bỏ lệnh trừng phạt – vốn được áp dụng cách đây bốn năm trong một cuộc tranh chấp xoay quanh cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương – là sự hợp tác với Trung Quốc về thương mại.

 

 

Quách Gia Côn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, “Nỗ lực chung của chúng ta… nhằm duy trì hệ thống thương mại đa phương và thúc đẩy tự do hóa thương mại… sẽ mang lại sự ổn định và chắc chắn cần thiết cho nền kinh tế thế giới.”

 

 

Nỗ lực xích lại gần EU của Bắc Kinh chỉ là một phần trong chiến dịch quyến rũ toàn cầu điên cuồng mà Trung Quốc đã khai triển kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức quan thuế “ngày giải phóng” vào ngày 02/04.

 

 

Trong tháng qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm một loạt các đối tác thương mại quan trọng trong khu vực là Việt Nam, Campuchia, và Malaysia. Ông dự kiến sẽ gặp thêm một số nguyên thủ quốc gia khác tại Moscow, khi tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Vài ngày sau, Tập dự kiến sẽ tiếp Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva và các nhà lãnh đạo khu vực khác tại Bắc Kinh trong cuộc họp cấp bộ trưởng Trung Quốc-Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe.

 

 

Chiến dịch ngoại giao này nhấn mạnh rằng: đối với Trung Quốc, cuộc thương chiến mới nhất của Trump là một thời khắc quan trọng – vừa là cơ hội để đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ trên toàn thế giới, vừa là cơ hội để ngăn chặn mọi mối đe dọa đối với các thị trường xuất cảng khác của nước này.

 

 

Cầu trong nước yếu đã khiến Trung Quốc phải phụ thuộc vào thị trường bên ngoài để tiêu thụ sản phẩm từ các nhà máy khổng lồ của mình, vốn chiếm khoảng một phần ba tổng công suất sản xuất của thế giới.

 

 

Sự thống trị thương mại của Trung Quốc tăng lên bất chấp thuế quan. Biểu đồ thể hiện số lượng sản phẩm mà một quốc gia chiếm hơn 50% thị phần xuất cảng toàn cầu. Nguồn: Phân tích của CEPII dựa trên dữ liệu UN Comtrade.

 

 

Do đó, việc duy trì thị trường toàn cầu mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc có tầm quan trọng sống còn về mặt kinh tế – nếu không phải ở Mỹ, thì chí ít cũng ở các quốc gia khác.

 

 

Đối với nhiều quốc gia, đây là thông điệp mà họ không thể bỏ qua. Trong lúc Mỹ đe dọa áp dụng thuế quan trừng phạt “đối ứng”ngay cả với các nền kinh tế nghèo, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đang tuyệt vọng tìm cách duy trì hệ thống thương mại đa phương.

 

 

Neil Thomas, một thành viên của Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chánh sách Xã hội Á Châu, nói rằng: “Trung Quốc xem thời điểm hiện tại trong chánh sách đối ngoại của Mỹ là cơ hội vàng để giành được bạn bè và ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên khắp thế giới. Bắc Kinh đang định vị mình là nhà vô địch mới của toàn cầu hóa kinh tế sau khi Washington từ chối chương trình nghị sự đó.”

 

 

Tuy nhiên, thách thức chính đối với Bắc Kinh khi huy động sự ủng hộ toàn cầu là quan hệ thương mại căng thẳng với các quốc gia ngoài Mỹ.

 

 

Trung Quốc, quốc gia có thặng dư thương mại kỷ lục vào năm ngoái lên tới gần 1 nghìn tỷ đô la, đã gầy dựng sự thống trị áp đảo trong nhiều ngành công nghiệp, đến mức nhiều đối tác thương mại của nước này lo ngại sẽ bị hàng hóa Trung Quốc lấn át, thậm chí từ trước khi xảy ra xung đột thương mại hiện nay.

 

 

“Trung Quốc có thặng dư, không chỉ với Mỹ, không chỉ với Âu châu, mà với 172 nền kinh tế trên thế giới,” Bert Hofman, cựu Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, phát biểu tại một cuộc họp của Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Trung Quốc. “Và nếu bạn có thặng dư với 172 nền kinh tế trên thế giới, thì đó không hẳn là một vị thế quyền lực mềm tuyệt vời đâu.”

 

 

Ở tuổi 71, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vẫn duy trì lịch trình công du và chương trình nghị sự bận rộn khiến nhiều người trẻ tuổi phải xấu hổ.

 

 

Kể từ khi Trump phát động giai đoạn mới nhất của thương chiến, Vương đã gặp gỡ nhiều ngoại trưởng và nguyên thủ quốc gia của hầu hết mọi nơi trên thế giới, từ Nigeria và Thụy Sĩ đến Nhật Bản và Uzbekistan. Ông đã không bỏ lỡ cơ hội kêu gọi sự ủng hộ chống lại nỗ lực của Washington nhằm cô lập Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.

 

 

 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị giúp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xếp vị trí trước buổi chụp ảnh tại cuộc họp BRICS ở Rio de Janeiro. Kể từ khi Trump phát động giai đoạn mới nhất của thương chiến, Vương đã gặp gỡ nhiều ngoại trưởng trên khắp thế giới © Renato Spyrro/Reuters

 

 

 

Ông nói với Ngoại trưởng Nigeria Yusuf Tuggar tại Rio de Janeiro vào ngày 29/04, tại một cuộc họp của nhóm các quốc gia mới nổi BRICS rằng, “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước châu Phi… bao gồm cả Nigeria, để cùng nhau bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ, phản đối bá quyền và bắt nạt,” 

 

 

Những chuyến công du gần đây của Vương có nền tảng là những nỗ lực của Trung Quốc kể từ năm 2023, nhằm khôi phục quan hệ với các đối tác thương mại từng bị tổn hại trong đại dịch. Những chuyến đi này trải dài từ Australia, đất nước bị Trung Quốc chặn một số mặt hàng xuất cảng do Canberra kêu gọi Bắc Kinh điều tra nguồn gốc của Covid, đến Ấn Độ, nơi đã cho dừng các khoản đầu tư của Trung Quốc sau các cuộc đụng độ quân sự dọc biên giới Himalaya của hai nước vào năm 2020. Bắc Kinh cũng đã nối lại các cuộc họp ba bên với Nhật Bản và Nam Hàn, những đồng minh thân cận của Washington ở Đông Bắc Á.

 

 

Tôn Vân, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, cho biết những nỗ lực này đã được thúc đẩy bởi quyết định của Trump vào tháng trước khi công bố mức thuế quan “đối ứng” tàn khốc, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với phần còn lại của thế giới.

 

 

Dù Trung Quốc là nước phải chịu mức thuế nặng nề nhất, nhưng Trump cũng áp đặt mức thuế cao đối với nhiều nước khác, bao gồm một số đồng minh thân cận của Mỹ, trước khi quyết định tạm dừng áp thuế mới trong 90 ngày để đàm phán.

 

 

Tôn nhận xét “Bắc Kinh đã chuẩn bị tinh thần cho cơn cuồng phong liên quan đến quan hệ Mỹ-Trung, nhưng tôi không nghĩ họ ngờ rằng Mỹ sẽ trút giận lên toàn bộ phần còn lại của thế giới.”

 

 

Bà nói thêm rằng suy nghĩ đầu tiên của Bắc Kinh là “hãy khai thác cơ hội và thể hiện Trung Quốc là cường quốc ổn định hơn trên thế giới, và cố gắng lôi kéo các quốc gia đứng về phía mình.”

 

 

Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là bảo đảm sự ủng hộ của các nước láng giềng gần nhất ở Đông Nam Á. Các chuyên gia phân tích cho rằng chuyến công du của Tập Cận Bình tới Việt Nam, Malaysia, và Campuchia, ba nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là nhằm mục đích tăng cường quan hệ thương mại với khối này, vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Nhiều quốc gia trong số này cũng đóng vai trò là trung tâm tái xuất cảng, giúp các công ty sản xuất Trung Quốc tránh qsuan thuế khi vận chuyển hàng hóa đến Mỹ.

 

 

 

Thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong năm năm qua Biểu đồ thể thiện cán cân thương mại hàng năm của Trung Quốc, tính theo nghìn tỷ đô-la. Nguồn: Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

 

 

 

Chủ tịch Tập đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt. Anwar Ibrahim, Thủ tướng Malaysia, nước đang giữ chức chủ tịch ASEAN năm nay, đã nhất trí với Tập về việc thúc đẩy ký “sớm” phiên bản mới nhất của hiệp định thương mại tự do giữa khối này và Trung Quốc.

 

 

Ngược lại, Trump sẽ rất vất vả khi thuyết phục các nước Đông Nam Á cắt giảm đáng kể lượng hàng hóa trung chuyển từ Trung Quốc do quan hệ thương mại giữa họ với Bắc Kinh, chuyên gia phân tích Tom Miller của Gavekal nhận xét trong một ghi chú gần đây.

 

 

Miller nói thêm rằng các nước Đông Nam Á “sẽ cố gắng đàm phán để duy trì quyền vô được thị trường Mỹ, nhưng không phải theo cách chọc giận con rồng hùng mạnh ở ngay cạnh.”

 

 

Đối với các nước đang phát triển còn lại, Trung Quốc có thể dựa vào quan hệ kinh tế sâu sắc của mình để cân bằng với các nỗ lực vận động hành lang về thương mại của Mỹ.

 

 

Chánh phủ Trung Quốc không chỉ tìm cách xây dựng ảnh hưởng kinh tế ở các nước đang phát triển thông qua chương trình cơ sở hạ tầng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá 1 nghìn tỷ đô-la, mà các công ty Trung Quốc hiện còn ồ ạt đầu tư vào sản xuất tại các quốc gia này để chống lại thuế quan của Mỹ nhắm vào các hoạt động sản xuất trực tiếp tại Trung Quốc.

 

 

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đã tăng 10% vào năm ngoái lên 162 tỷ đô-la và tăng mạnh so với mức 117 tỷ đô-la vào năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch.

 

 

Theo lời Tiền Phong, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, “Trong những thập niên qua, Trung Quốc đã hợp tác với khoảng 150 quốc gia thông qua BRI, phần lớn trong số đó là các nước đang phát triển… đầu tư vào cảng, đường sắt và cơ sở hạ tầng.” Ông cũng chỉ ra rằng: “Hiện tại, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của các nước Nam phương toàn cầu, từ Phi châu đến châu Mỹ Latinh.”

 

 

Trung Quốc đang cố gắng lồng ghép những ưu tiên chánh trị của mình vào quan hệ thương mại và đầu tư ngày càng phát triển này – đưa ra một loạt “sáng kiến” bao gồm an ninh, phát triển, và các nguyên tắc quan hệ quốc tế ủng hộ việc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.

 

 

Người dân ở Phnom Penh, Campuchia, cầm ảnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni trong chuyến thăm của ông Tập vào tháng Tư nhằm củng cố quan hệ với các thành viên của khối thương mại ASEAN © Agence Kampuchea Press/Reuters

 

 

Trung Quốc từ lâu đã ủng hộ chủ nghĩa đa cực – một lập trường mà các học giả cho rằng cho đến nay chủ yếu nhằm mục đích làm suy yếu cái mà Bắc Kinh gọi là bá quyền của Mỹ.

 

 

Nhưng cuộc thương chiến của Trump có thể đã mang lại cho Bắc Kinh cơ hội mở rộng ảnh hưởng bằng cách đóng vai trò là người bảo vệ trật tự thương mại toàn cầu hiện tại thay cho Mỹ.

 

 

Vào tháng Ba, phát biểu tại Diễn đàn Á Châu Bác Ngao, một trong những hội nghị quốc tế hàng đầu của Bắc Kinh, Hoàng Ích Bình, Viện trưởng Viện Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, nói rằng “mặt tốt” của tình hình hiện tại là trật tự kinh tế toàn cầu đã được thiết lập, bao gồm Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, cùng nhiều tổ chức khác.

 

 

Hoàng tuyên bố “Dù ảnh hưởng của Mỹ có thể đang suy giảm, nhưng phần còn lại của thế giới vẫn nên hợp tác với nhau, và ít nhất là duy trì trật tự đó.”

 

 

Trump có thể đã trao cho Bắc Kinh động lực trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai siêu cường, nhưng Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với một số mối đe dọa tiềm tàng.

 

 

Đứng đầu trong số đó là sự phản đối từ các đối tác thương mại ngoài Mỹ, bao gồm EU, Brazil, Ấn Độ, và Thổ Nhĩ Kỳ, đối với thặng dư thương mại lớn của Trung Quốc về hàng hóa công nghiệp.

 

 

Theo nghiên cứu của giáo sư kinh tế Lư Phong thuộc Đại học Bắc Kinh, năm ngoái, Trung Quốc là đối tượng của 198 cuộc điều tra thương mại do các thành viên WTO tiến hành liên quan đến các cáo buộc bán phá giá hoặc trợ cấp bất hợp pháp, gấp đôi số liệu của một năm trước và chiếm gần một nửa tổng số vụ việc được báo cáo lên cơ quan thương mại toàn cầu này.

 

 

Hơn một nửa các vụ kiện thương mại chống lại Trung Quốc năm ngoái được khởi xướng bởi các nước đang phát triển, bao gồm Ấn Độ, Brazil, và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay cả đối tác thân cận của họ là Nga cũng đã phản đối việc xuất cảng xe hơi của Trung Quốc.

 

 

Hofman, cựu giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, nói rằng ngày càng có nhiều thị trường mới nổi, từ Brazil đến Ấn Độ, đang cố gắng ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc. “Nếu Trung Quốc tin rằng họ có thể dễ dàng chuyển 2,5 điểm phần trăm GDP mà họ hiện đang xuất cảng sang Mỹ đến một nơi khác, thì điều đó sẽ không xảy ra,” ông khẳng định.

 

 

Đối tượng khó nhằn nhất trong chiến lược ngoại giao quyến rũ của Trung Quốc – và cũng là một trong những đối tượng quan trọng nhất về mặt thương mại – được dự đoán sẽ là EU.

 

 

Xuất cảng của Trung Quốc sang EU đã tăng gấp đôi về giá trị trong thập niên vừa qua, dẫn đến thặng dư kỷ lục của Trung Quốc với khối này. Năm ngoái, thặng dư là 304,5 tỷ euro. Ủy ban Âu Châu đã phản ứng bằng cách áp thuế lên xe điện của Trung Quốc cũng như nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm của Trung Quốc, từ xi lanh thép đến giấy trang trí.

 

 

Chủ tịch Tập trong chuyến thăm Hà Nội, Việt Nam. Với việc Mỹ đe dọa áp thuế trừng phạt “đối ứng” ngay cả với các nền kinh tế nghèo, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đang tuyệt vọng tìm cách duy trì hệ thống thương mại đa phương © Athit Perawongmetha/Reuters

 

 

 

Sau “ngày giải phóng,” Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã ra hiệu về sự tan băng trong quan hệ thương mại bằng một cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Hai người cùng kêu gọi một “giải pháp đàm phán” để mang lại “sự ổn định và năng lực dự đoán” cho nền kinh tế toàn cầu trước thuế quan của Mỹ. von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Âu Châu António Costa hiện đang có kế hoạch đến Bắc Kinh vào tháng Bảy để gặp Tập.

 

 

Tuy nhiên, trong những lúc riêng tư, các viên chức ngoại giao Âu châu tại Bắc Kinh lại cảnh báo rằng sự khác biệt của khối này với Mỹ không tự động chuyển thành quan hệ được cải thiện với Trung Quốc. Có những phản đối dữ dội đối với thặng dư thương mại của Trung Quốc cũng như nghi ngờ về mô hình kinh tế do nhà nước điều hành mà các viên chức ngoại giao cho rằng đã dẫn đến tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và giảm phát.

 

 

Một viên chức ngoại giao Âu châu ở Bắc Kinh nói: “Tốt nhất là nên quay lại nguyên nhân gốc rễ và nói rằng mô hình của Trung Quốc có vấn đề mang tính hệ thống. Nhưng bởi vì Trump hành xử quá thô lỗ, nên người Trung Quốc sẽ trông như người tốt.”

 

 

Một viên chức ngoại giao cấp cao khác của Âu châu tại Bắc Kinh cho biết Trung Quốc đang cố gắng chứng minh rằng hiện nay Âu châu đang bị “Mỹ tấn công,” vậy thì tại sao không cùng nhau bảo vệ WTO?

 

 

Nhưng ông cho biết Âu châu vẫn đang nhấn mạnh những khác biệt sâu sắc về thương mại và chiến tranh Ukraine. Họ đang nói với Bắc Kinh rằng nếu “các vị muốn cải thiện quan hệ của chúng ta, trước tiên các vị phải cải thiện những điều này,” ông nói.

 

 

Các viên chuyên ngoại giao khác nói rằng bên dưới những lời lẽ thân thiện, vẫn có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thái độ cứng rắn đối với EU. Bắc Kinh quan tâm nhiều hơn đến các thỏa thuận song phương với từng quốc gia riêng lẻ như Tây Ban Nha, Hungary, Bồ Đào Nha, và Slovakia.

 

 

Một trong những tín hiệu như vậy là việc Bắc Kinh bổ nhiệm một viên chức ngoại giao được gọi là chiến lang, cựu Đại sứ tại Pháp Lô Sa Dã, làm đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Âu châu . Lô từng khiến nhiều người ở Âu châu tức giận vào năm 2023 khi ông đặt câu hỏi về chủ quyền của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, và liệu Crimea có phải là một phần của Ukraine hay không.

 

 

“Thật đáng ngạc nhiên,” một viên chức ngoại giao Âu châu tại Bắc Kinh nói về cuộc bổ nhiệm này. “Chắc chắn không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên.”

 

 

Một công nhân đang dỡ hàng để xuất cảngtại Nghĩa Ô, Trung Quốc. Cầu trong nước yếu đã khiến Trung Quốc phụ thuộc vào thị trường bên ngoài để tiêu thụ sản phẩm từ các nhà máy của mình, chiếm khoảng một phần ba tổng công suất sản xuất của thế giới © Kevin Frayer/Getty Images

 

 

 

Trong khi một số chuyên gia phân tích tin rằng Trung Quốc có thể giảm căng thẳng thương mại bằng cách đầu tư mạnh hơn vào Âu châu , đặc biệt là trong lĩnh vực xe hơi và pin, thì những người khác lại tin rằng Bắc Kinh không có gì nhiều để cung cấp cho khối này, xét đến thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc và khoản đầu tư lớn của nhà nước vào công nghệ tiên tiến để cạnh tranh trực tiếp với các công ty Âu châu.

 

 

Alicia García Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Á Châu -Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết trong một lưu ý gần đây rằng: “Chiến dịch quyến rũ của Trung Quốc – dù có đúng thời điểm đến đâu khi Trump gây hấn với EU – cũng nên bị bỏ qua. Trung Quốc không thể giúp EU tự bảo vệ mình khỏi các chánh sách của Trump, và lợi ích từ việc tăng cường quan hệ EU-Trung Quốc là không rõ ràng.”

 

 

Các học giả Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh không tìm kiếm một sự thay đổi toàn diện trong quan hệ với EU, cũng như không mong muốn Âu châu xa lánh Mỹ – điều đó là không thực tế trong tương lai gần khi xét đến quan hệ chặt chẽ kéo dài hàng thập niên của họ. Bắc Kinh chỉ muốn có thêm “không gian” trong quan hệ của mình với khối này.

 

 

Thạch Nham, một chuyên gia về chánh sách Trung Quốc-EU tại Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho biết: “Chúng ta không thể nói rằng có một sự thay đổi cơ bản trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhưng thực tế, có lẽ EU có thêm không gian chánh trị để phát triển quan hệ với Trung Quốc một cách độc lập hơn một chút. Đây là cơ hội để Trung Quốc và EU tăng cường hợp tác thực dụng lẫn nhau.”

 

 

Các chuyên gia phân tích nhận định rằng, tại khu vực Á Châu -Thái Bình Dương, chiến dịch quyến rũ của Trung Quốc cũng phải đối mặt với những trở ngại địa chánh trị đáng kể.

 

 

Hầu hết các đối tác thương mại của Trung Quốc trong khu vực vẫn sẽ cố gắng lấy lòng Mỹ, vì Washington là đối trọng không thể thiếu của Bắc Kinh về mặt an ninh.

 

 

Điều này đặc biệt đúng khi Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự quyết đoán quân sự trong khu vực, chẳng hạn như tăng cường các cuộc tập trận quanh Đài Loan, đụng độ với Philippines ở Biển Đông, và khai triển các cuộc diễn tập bắn đạn thật của hải quân ở Biển Tasman giữa Australia và New Zealand. Trung Quốc cũng đang có những cuộc xâm nhập ngoại giao vào sân sau của Australia và New Zealand ở Thái Bình Dương.

 

 

Thomas của Viện Chánh sách Xã hội Á Châu tin rằng Trung Quốc “có thể sẽ phản lưới nhà thông qua các thông điệp trong nước táo bạo và các hành động hung hăng tại các điểm nóng lãnh thổ.” Nhưng ông nói thêm rằng phản ứng trước chiến dịch quyến rũ của Trung Quốc dù sao cũng “khá tích cực.”

 

 

“Tôi không nghĩ bất kỳ đồng minh hay đối tác nào của Mỹ sẽ từ bỏ việc tìm kiếm quan hệ tốt hơn với chánh quyền Trump, vì bạn không thể hủy bỏ hàng thập niên hội nhập quốc phòng chỉ sau một đêm,” Thomas nói thêm. “Nhưng điều đó sẽ khiến Mỹ khó xây dựng liên minh để chống lại Trung Quốc hơn.”

 

 

Thông tin được cung cấp thêm bởi Andy Bounds tại Brussels

 

 

(Theo nghiencuuquocte.org)