Có những tư liệu chỉ ra rằng người chụp bức Em bé Napalm không phải là ông Nick Út. Người được khoanh tròn trong ảnh bên trái là ông Nguyễn Thành Nghệ. Người được khoanh tròn trong ảnh bên phải là ông Nick Út, theo AP. Nguồn hình ảnh,Getty Images/Ảnh chụp màn hình

 

 

Gần đây đã có một số tài liệu được công bố liên quan tới bức ảnh Em bé Napalm, cho rằng ông Nick Út không phải tác giả.

 

Hãng thông tấn AP – cơ quan sở hữu bản quyền bức ảnh Em bé Napalm – đến nay đã công bố hai báo cáo sau các cuộc điều tra về tác giả bức ảnh, báo cáo mới nhất được công bố vào đầu tháng 5/2025.

 

Sau cuộc điều tra thứ hai, AP đã tuyên bố vào ngày 6/5 rằng họ không tìm ra bằng chứng thuyết phục để thay đổi tên tác giả, nhưng cũng để ngỏ khả năng tác giả là người khác.

 

World Press Photo (WPP, Giải Ảnh Báo chí Thế giới) - tổ chức từng trao giải cho bức ảnh Em bé Napalm – hôm 16/5 đã quyết định không ghi tên tác giả đối với bức ảnh này, thay cho việc ghi tên tác giả Nick Út như lâu nay.

 

"Điều quan trọng là bản thân bức ảnh không bị tranh chấp và giải thưởng dành cho bức ảnh vẫn được giữ nguyên. Chỉ có quyền tác giả đang được xem xét. Đây vẫn là vấn đề lịch sử đang bị tranh cãi và có khả năng tác giả của bức ảnh sẽ không bao giờ được xác nhận đầy đủ."

 

Thông cáo báo chí của WPP nêu, "Việc đình chỉ ghi tên tác giả vẫn được giữ nguyên trừ khi có bằng chứng chứng minh ngược lại".

 

Cả AP và WPP đều để ngỏ khả năng ông Nick Út không phải người chụp bức Em bé Napalm và động thái trên cho thấy đã bắt đầu có sự không chắc chắn về tác giả từ những tổ chức lớn.

 

WPP cho rằng giữa ông Nghệ và ông Nick Út, "các bằng chứng hình ảnh và kỹ thuật hiện tại nghiêng về phía ông Nghệ".

 

Các động thái của AP và WPP được thực hiện sau khi phim tài liệu The Stringer (Phóng viên tự do) được công chiếu hồi đầu năm 2025 khẳng định tác giả thực thụ của tấm ảnh là ông Nguyễn Thành Nghệ, không phải ông Nick Út.

 

Em bé Napalm, từng giành giải Ảnh Báo chí Thế giới và giải Pulitzer trong cùng năm 1973, trong suốt 50 năm qua được cho là do phóng viên Nick Út của hãng tin AP chụp.

 

Về những diễn biến mới này, ông Bảo Nguyễn, đạo diễn bộ phim The Stringer nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông hoan nghênh việc AP xem xét lại sự việc.

 

Ông nói vào ngày 19/5, “Việc rà soát của AP là một quá trình nội bộ, không bao gồm các chuyên gia giám định hay chuyên gia truyền thông độc lập. Xét đến tầm vóc toàn cầu của bức ảnh, một cuộc rà soát bên ngoài có thể đã mang lại mức độ minh bạch cao hơn.

"Ngược lại, World Press Photo đã ủy quyền thực hiện một cuộc điều tra độc lập do các chuyên gia giám định và truyền thông bên ngoài thực hiện — những người không liên quan đến bộ phim của chúng tôi."

 

Trong khi đó, Luật sư James Hornstein của ông Nick Út, trong một tuyên bố gửi tới BBC News Tiếng Việt vào ngày 17/5, cho rằng quyết định của WPP là "tồi tệ và thiếu chuyên nghiệp".

 

Thông cáo nêu, "Có vẻ ngay từ đầu họ đã định trước sẽ trừng phạt Nick Út".

 

Ông cũng nói rằng WPP đã không tham khảo thông tin từ Nick Út và luật sư của ông Út trước khi đưa ra quyết định.

 

Trong báo cáo đăng hôm 16/5, tổ chức WPP cho biết đã ủy nhiệm một cuộc điều tra chuyên sâu kéo dài ít nhất năm tháng và "ưu tiên các bức ảnh và đoạn phim ghi lại hiện trường, song vẫn xem xét đến lời kể của các nhân chứng".

 

Cách làm này được thực hiện trong bối cảnh thiếu hụt nhân chứng và rủi ro về việc ký ức không còn chính xác sau hơn 50 năm.

 

Trong tóm tắt nghiên cứu của mình, WPP nhắc tới "hai vấn đề chưa được giải quyết" trong quá trình nghiên cứu tác giả bức ảnh: loại máy ảnh chụp ra bức Em bé Napalm và vị trí của ông Nick Út.

 

 

Máy ảnh nào đã được sử dụng?

Tính tới nay, AP đã công bố hai báo cáo điều tra liên quan tới tác giả của bức Em bé Napalm – lần đầu vào ngày 15/1/2025, lần hai vào ngày 6/5/2025.

 

Theo báo cáo vào tháng Năm, ông Horst Faas - trưởng văn phòng AP tại Sài Gòn năm 1972 (đã qua đời) — và ông Nick Út đều nói rằng bức Em bé Napalm được chụp bằng máy ảnh Leica. Đây là dòng máy ảnh mà các phóng viên AP tại Việt Nam, bao gồm ông Út, sử dụng rộng rãi.

 

Chiếc Leica M2 mà ông Út nói đã dùng để chụp bức ảnh đã được ông cho Bảo tàng Báo chí Newseum ở Washington DC mượn vào năm 2008 và sau đó tặng luôn cho cơ sở này, báo cáo của AP nêu. Bảo tàng Newseum đã đóng cửa năm 2019.

 

AP đã mượn chiếc máy ảnh đó, tiến hành kiểm tra và chụp thử ba cuộn phim để tìm các đặc điểm nhận dạng riêng biệt. Họ cũng chụp thử bằng các mẫu Leica cùng thời, cũng như bằng máy Nikon — loại máy mà ông Út được biết là thường mang theo — và máy Pentax, loại mà ông Nghệ luôn khẳng định mình đã sử dụng để chụp bức ảnh.

 

Sau khi phân tích, AP cho rằng khó có khả năng bức Em bé Napalm được chụp bằng chiếc Leica trong Bảo tàng Báo chí Newseum hay bất kỳ chiếc Leica nào.

 

AP cũng nêu rằng nhiều khả năng — dù chưa thể chắc chắn tuyệt đối — bức ảnh này đã được chụp bằng một chiếc máy ảnh Pentax.

 

Tuy nhiên, AP cũng lưu ý trong báo cáo của họ rằng lời giải thích của ông Nick Út về chiếc máy ảnh Leica M2 nói trên không rõ ràng.

 

Dựa vào chính cuộc phỏng vấn với ông Nick Út, AP cho biết ông tin rằng chiếc máy ảnh này là "cùng loại máy ảnh" mà ông sử dụng khi tác nghiệp hôm đó, mà không nhất thiết là chính chiếc M2 nói trên.

 

AP cho biết thêm, "Chi tiết này và các chi tiết khác khiến nhiều người nghi ngờ về loại máy ảnh mà ông mang theo vào ngày hôm đó và chính xác thì ngày hôm đó diễn ra như thế nào. Trong một số cuộc phỏng vấn về bức ảnh, Út đã tuyên bố rằng ông mang theo bốn chiếc máy ảnh và không bao giờ đề cập đến máy Pentax".

 

Trước đó, trong báo cáo tháng Một, AP không đề cập tới chi tiết loại máy ảnh đã chụp bức ảnh nổi tiếng.

 

 

Từ trước khi báo cáo thứ hai của AP được công bố, trong phim The Stringer, ông Nguyễn Thành Nghệ đã khẳng định rằng tấm ảnh Em bé Napalm được chụp bằng một chiếc máy ảnh Pentax.

 

Ông Nghệ nói điều tương tự với BBC vào ngày 16/5."Hôm đó tôi chỉ cầm theo người đúng một chiếc máy ảnh, hiệu Pentax."

 

Từ trái qua: Đạo diễn Bảo Nguyễn, ông Nguyễn Thành Nghệ, ông Carl Robinson, ông Gary Knight; ảnh chụp tại buổi công chiếu phim The Stringer hôm 25/1/2025 tại Park City, Utah, Mỹ. Ảnh: Getty Images

 

 

Trong nhiều cuộc phỏng vấn trong suốt hơn 50 năm qua, ông Nick Út nói rằng mình mang theo bốn chiếc máy ảnh – hai cái Leica và hai cái Nikon. Ông Út cũng luôn khẳng định bức ảnh đã được chụp bằng máy Leica.

 

"Cuộc điều tra cho thấy Út sở hữu nhiều máy ảnh Pentax và sử dụng máy ảnh Pentax trong khi tác nghiệp về chiến tranh. Điều này không chứng minh được ông đã cầm một chiếc Pentax ở Trảng Bàng vào ngày 8/6/1972," báo cáo của AP nêu.

 

Theo báo cáo của AP, ông Nick Út không nói rõ mình có mang theo một chiếc máy Pentax vào hôm bức Em bé Napalm được chụp.

 

Ông Út, khi nghe AP nói bức ảnh có khả năng đã được chụp bằng máy ảnh Pentax, đã chấp nhận khả năng đó.

 

Ông cũng chia sẻ thêm rằng mình đã "thừa kế" hai chiếc máy ảnh Pentax của người anh trai Huỳnh Thanh Mỹ, cũng là phóng viên của AP và đã mất khi tác nghiệp trong Chiến tranh Việt Nam, khẳng định rằng mình "luôn mang theo một chiếc bên người mọi lúc mọi nơi".

 

Bà Arlett Hieu Salazar, vợ góa của ông Mỹ, đã xác nhận với AP rằng bà đã đưa chiếc máy ảnh cho ông Út và nói thêm rằng ông Út luôn đeo một chiếc Pentax màu bạc quanh cổ như chiếc bùa hộ mệnh.

 

Tuy nhiên, ông Nick Út kể rằng ông không còn giữ hai chiếc Pentax mà ông "thừa kế" từ anh trai nữa.

 

Báo cáo của AP nêu, "Trong cuộc phỏng vấn với Út, ông cho biết mình đã từng bị ăn cắp mất máy ảnh trước khi rời Sài Gòn, vào đầu năm 1975. Hai chiếc máy ảnh Pentax do anh trai ông tặng lúc đó không mang theo người, mà để ở nhà. Khi có lệnh rời khỏi Việt Nam, mọi việc diễn ra quá nhanh khiến ông không kịp mang theo chúng".

 

Những thông tin về chiếc Pentax mà AP đưa ra cho thấy nhiều mâu thuẫn.

 

Thứ nhất, ông Nick Út chưa bao giờ nhắc tới chiếc Pentax nào trong những cuộc phỏng vấn trước đây.

 

Thứ hai, ông nói mình luôn mang theo một chiếc Pentax nhưng khi một vài máy ảnh của ông bị ăn cắp thì những chiếc Pentax lại được để ở nhà và ông đã không kịp lấy một kỷ vật quan trọng như vậy khi có lệnh rời Việt Nam.

 

Về việc tại sao ông Nick Út nói mình đã dùng máy Leica để chụp bức hình, ông giải thích với AP rằng vì ông Horst Faas đã nói với ông rằng bức Em bé Napalm được chụp bằng máy Leica. Vì hôm đó ông đã dùng nhiều máy ảnh nên không có lý do gì để nghi ngờ điều mà sếp ông nói.

 

Ông Carl Robinson, cựu biên tập viên ảnh của AP và là người trực vào hôm bức Em bé Napalm được chụp, nói với BBC vào giữa tháng Năm:

"Nếu bạn ở trong một tình huống khẩn cấp như vậy, bạn sẽ không chọn bỏ qua việc sử dụng một chiếc Leica – vốn là loại máy ảnh vượt trội hơn – để lấy một chiếc Pentax ra để chụp một bức ảnh đoạt giải. Điều đó không hợp lý chút nào."

 

Ông Robinson cũng là người đầu tiên tuyên bố Nick Út không phải là người chụp bức ảnh.

 

Sau khi AP công bố báo cáo vào tháng Năm, ông Gary Knight – người chỉ đạo các cuộc điều tra để thực hiện bộ phim The Stringer – nói với BBC News Tiếng Việt rằng những kết luận trên của AP về loại máy ảnh đã chụp bức Em bé Napalm "càng củng cố tầm quan trọng của công việc mà chúng tôi đã thực hiện và cuộc điều tra được ghi lại trong The Stringer".

 

 

Ông Út ở đâu?

 

WPP nêu, "Các phát hiện cho thấy nhiều khả năng ông Nghệ ở gần [hơn ông Nick Út] cả về thời điểm lẫn vị trí với khoảnh khắc và địa điểm bức ảnh được chụp, trong khi hình ảnh xác thực gần nhất cho thấy ông Út, trước và sau khi bức ảnh nổi tiếng được ghi lại, đứng ở vị trí xa hơn phía sau.

"INDEX và AP đều nhất trí rằng ông Út đứng lùi xa hiện trường hơn vào thời điểm ông lần đầu tiên xuất hiện trong đoạn phim sau khi bức ảnh được chụp".

 

INDEX là một tổ chức phi chính phủ ở Pháp và đã được các nhà làm phim The Stringer thuê "để thực hiện đánh giá độc lập để xác minh xem Nick Út có thực sự chụp được bức ảnh này hay không", theo thông cáo báo chí do INDEX đăng vào ngày 31/1/2025.

 

Trả lời BBC vào ngày 19/5, ông Knight khẳng định rằng INDEX nghiên cứu hoàn toàn độc lập, không có sự can thiệp từ nhóm làm phim The Stringer.

 

 

Chụp lại hình ảnh,Trong báo cáo của WPP, hình ảnh này cho thấy người ở trong ô vuông đỏ được cho là ông Nick Út - AP sau đó đã xác định đây chính là ông. Ảnh chụp màn hình

 

 

Qua quá trình điều tra phân tích của nhiều bên, vị trí của ông Út trong sự kiện thả bom Napalm hôm ấy cũng đặt ra nhiều dấu hỏi.

 

Vị trí của ông Út được tái hiện dựa trên những bức ảnh và đoạn phim mà AP thu thập được về sự kiện thả bom.

 

Theo đó, lần đầu tiên một "hình bóng mờ nhòe mang dáng dấp giống Nick Út", theo cách mô tả của AP, xuất hiện là trong một đoạn phim của hãng tin ITN (ảnh trên).

 

Bức Em bé Napalm đã được chụp trước đó.

 

Trong một cảnh tiếp sau đó, cũng trong đoạn phim của ITN, một nhiếp ảnh gia xuất hiện (khoanh tròn ảnh dưới).

 

 

Chụp lại hình ảnh,AP xác định người (phía xa) trong khoanh tròn đỏ là ông Nick Út. Ảnh chụp màn hình

 

 

AP so sánh vị trí của nhiếp ảnh gia này với một tấm ảnh AP biết chắc chắn rằng do ông Nick Út chụp và đưa ra kết luận rằng người này chính là ông Nick Út.

 

Tuy nhiên, báo cáo của AP viết rằng không thể khẳng định tuyệt đối "hình bóng mờ nhòe" từ đoạn trước trong cảnh quay của ITN là ông Nick Út, "nhưng hai hình dáng này trông khá giống nhau và có thể cả hai đều là hình ảnh của cùng một người".

 

Nếu "hình bóng mờ nhòe" ấy là ông Nick Út, có hai tình huống có thể xảy ra.

 

Một là ông Nick Út không phải tác giả tấm Em bé Napalm, hai là ông đã chạy tới chụp bức hình đó, rồi chạy ngược trở ra, rồi quay trở lại vị trí của những đứa trẻ.

 

Trong cuộc phỏng vấn với AP, ông Nick Út nói rằng "hình bóng mờ nhòe" ấy có thể là mình, nhưng không chắc chắn.

 

AP tường thuật, "Ông giải thích rằng mình đã chụp bức ảnh nổi tiếng đó và thêm một bức nữa. Sau đó, vì muốn chụp thêm những bức ảnh khác cảnh đám trẻ đang chạy mà không vướng người khác trên đường, ông đã quay lại và chạy cùng hướng với lũ trẻ để vượt lên phía trước[…].

"Nhưng lũ trẻ bất ngờ chạy chậm lại khi đến gần hai nhà báo, những người đã bắt đầu dội nước lên người Kim Phúc. Vì vậy, Út bắt đầu đi ngược trở lại về phía họ để chụp thêm ảnh, ông kể."

 

Lời kể này không khớp với những gì ông Nick Út từng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với hãng máy ảnh Leica vào tháng 9/2012 về vị trí của mình – thời điểm ông được nhận giải thưởng tôn vinh nhiếp ảnh gia Hall of The Fame của hãng này.

 

Khi ấy, ông Nick Út kể rằng thời điểm ông Nick Út nhìn thấy cô bé Kim Phúc, ông đã lập tức chạy tới để chụp ảnh.

 

ông Út kể lại với Leica bằng tiếng Anh "Tôi đã chụp rất nhiều ảnh. Khi cô bé chạy ngang qua tôi, tôi thấy da của cô bé bong tróc nhiều. Tôi biết cô bé sắp chết. Tôi đặt máy ảnh xuống đường và lập tức dội nước lên người cô bé. Cô bé bảo tôi đừng dội nữa. Tôi nói đó chỉ là nước uống thôi. Nhưng cô bé nói bằng tiếng Việt: 'Nóng quá! Nóng quá! Con nghĩ con sắp chết rồi!' ".

 

Ông nói thêm rằng mình đã mượn một chiếc áo mưa để che người cho cô bé, rồi bế cô bé lên xe để đưa đi bệnh viện.

 

Từ lời kể năm 2012 của ông Nick Út, có thể thấy rằng thời điểm Kim Phúc được dội nước thì ông Nick Út đã ở đó hoặc ở vị trí phía sau cô bé.

 

Tuy nhiên, theo cảnh quay của ITN khi cô bé được dội nước, hình ảnh đã được AP xác định là ông Nick Út đang ở phía trước mặt và cách khá xa (ảnh dưới).

 

Việc này cho thấy sự thiếu nhất quán trong chính lời kể của ông Nick Út về vị trí của mình vào hôm ấy.

 

Chụp lại hình ảnh,Bên trái là bức hình do ông Út chụp khi đứng ở vị trí trong ảnh bên phải, theo kết luận của AP. Ảnh chụp màn hình

 

 

Chụp lại hình ảnh,Bức ảnh này xuất hiện trong báo cáo của AP với chú thích: "Ông ấy [Nick Út] chụp bức ảnh này, cảnh Kim Phúc và Chris Wain giữa vòng vây của các nhà báo và binh lính", những người đang dội nước lên người Kim Phúc. Ảnh chụp màn hình

 

 

 

Do sự đứt quãng của các đoạn phim và thiếu hụt tư liệu, chưa thể kết luận tính khả thi của việc ông Nick Út chạy tới chụp ảnh rồi quay đi quay lại hai lần, theo các bên đã điều tra về tác giả bức ảnh này.

 

Tuy nhiên, phân tích của INDEX cho rằng "rất khó có khả năng ông Nick Út vừa chụp được bức ảnh, rồi chạy một quãng đường 60 mét và quay trở lại một cách bình thản — tất cả chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy", WPP viết trong báo cáo của mình.

 

Con số 60 mét ở đây là chỉ khoảng cách giữa camera của ITN và "hình bóng mờ nhòe mang dáng dấp giống Nick Út" khi hình bóng này xuất hiện lần đầu.

 

Tuy nhiên, AP cho rằng con số này thấp hơn, từ khoảng "từ 32,8 đến 56 mét, cộng thêm biên độ sai số 20%".

 

AP nêu, "Khoảng cách thấp nhất trong dải này ngắn hơn nhiều so với những gì bộ phim The Stringer khẳng định. Các phép tính của AP cho thấy ít nhất 9 đến 13 giây trôi qua giữa bức ảnh thứ hai và thời điểm bóng người ở xa xuất hiện — và khoảng thời gian này có thể còn dài hơn".

 

WPP, sau khi phân tích về khoảng cách này, đã kết luận:

"AP phản đối độ chính xác của con số 60 mét và cho rằng khoảng cách thực tế ngắn hơn. Họ lập luận rằng việc di chuyển đó là khả thi, đặc biệt khi xem xét các khoảng trống trong dòng thời gian và lời kể của ông Út về việc thay đổi vị trí.

"Do có đoạn phim bị mất, thời điểm chính xác không thể xác định được. Vẫn có khả năng ông Út đã di chuyển giữa các vị trí theo cách không được ghi lại trong các đoạn phim hiện có.

"Phân tích của World Press Photo cho rằng việc di chuyển này khó xảy ra, dù khoảng cách là 30 mét hay 60 mét, nhưng không phải là không thể. Vì không có đoạn ghi hình liên tục, câu hỏi này vẫn chưa có lời đáp dứt khoát."

 

 

Ông Nguyễn Thành Nghệ ở đâu?

 

Chụp lại hình ảnh,Ông Nghệ là người được khoanh tròn đỏ. Ảnh: Getty Images

 

 

Bức hình phía trên ghi lại thời điểm sau khi tấm Em bé Napalm được chụp và trước khi "hình bóng mờ nhòe" xuất hiện trong đoạn phim của ITN. Có thể nhìn thấy ông Nguyễn Thành Nghệ ở góc bên phải.

 

Ông Nghệ là người mặc áo ngắn tay màu trắng với áo ghi lê đen bên ngoài. Trên tay ông Nghệ cầm một chiếc máy ảnh mà AP nói là "trông giống một chiếc Pentax".

 

Chi tiết này cho thấy ông Nguyễn Thành Nghệ dường như đã có mặt tại hiện trường có thể chụp bức Em bé Napalm sớm hơn ông Nick Út, xét tới việc vị trí của ông Út lần đầu tiên được xác định là trong đoạn video của ITN, tức sau thời điểm bức ảnh Em bé Napalm được chụp.

 

Sau khi AP công bố báo cáo vào tháng Năm, INDEX đã có một thông cáo nói rằng báo cáo của AP đưa ra những tư liệu bổ sung mà trước đây họ không có trong quá trình thực hiện phim The Stringer.

 

INDEX nêu, "Mặc dù hiện tại chúng tôi vẫn đang xem xét các yếu tố mới này, nhưng chúng tôi đã nhận diện được những khía cạnh dường như càng củng cố thêm các kết luận được trình bày trong phân tích của chúng tôi, như đã được tích hợp trong bộ phim, và chúng tôi mong muốn được tiếp tục khám phá sâu hơn về những khía cạnh này."

 

Một lần nữa, tổ chức này khẳng định rất khó có khả năng ông Nick Út là tác giả của bức Em bé Napalm.

 

Hiện tại, bộ phim The Stringer vẫn chưa được phát hành rộng rãi. Do đó, BBC không thể tiếp cận nội dung bộ phim để đưa ra đánh giá.

 

 

Vấn đề thay đổi tác quyền

 

Trong khi có những bằng chứng cho thấy ông Nick Út có thể không phải là người chụp bức Em bé Napalm, vẫn chưa có đủ cơ sở để khẳng định một cách chắc chắn rằng người chụp là ông Nguyễn Thành Nghệ.

 

AP kết luận rằng sẽ không đổi tác giả bức ảnh, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

 

Báo cáo của AP nêu"Theo tiêu chuẩn của AP, 'một bức ảnh có tranh chấp sẽ chỉ bị gỡ tên tác giả nếu có bằng chứng rõ ràng cho thấy người nhận là tác giả thực tế không phải là người đã chụp bức ảnh đó'.

"Tất cả các bằng chứng hiện có mà AP phân tích đều không đáp ứng được ngưỡng này. Do đó, bức ảnh sẽ tiếp tục được ghi là do Út chụp."

 

Về vấn đề AP không thay đổi tác giả, ông Knight nhận định với BBC rằng AP có thể quyết định cách họ ghi nhận tác giả bức ảnh trong nội bộ và khi công bố ra ngoài, nhưng họ không phải là người quyết định ai mới thực sự là người chụp bức ảnh đó hay cách bức ảnh được ghi nhớ trong lịch sử.

Ông Gary nói, "Tiêu chuẩn để gỡ bỏ tên tác giả do AP đặt ra ở một ngưỡng quá cao, đến mức khiến quyết định không thay đổi tên tác giả [của họ] gần như trở nên vô nghĩa.

"Tiêu chuẩn của AP là một tiêu chuẩn nội bộ và còn khắt khe hơn cả quy trình dân sự tại tòa án, nơi chỉ yêu cầu chứng minh một điều có khả năng đúng từ 51% trở lên."

 

Tuy AP không thay đổi tên tác giả, WPP đã ngưng ghi tên tác giả bức Em bé Napalm. Về việc này, trong tuyên bố gửi BBC, Luật sư James Hornstein, người đại diện cho ông Nick Út, nói:

"Rõ ràng World Press [Photo] có mối quan hệ thân thiết với nhà sản xuất phim The Stringer - người từng hai lần giữ chức chủ tịch Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới."

 

Ở đây, dường như ông Hornstein đang nói đến Gary Knight. Ông Knight chính là nhà sản xuất phim The Stringer đã từng hai lần là chủ tịch Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới, lần gần nhất vào năm 2014.

 

Thông cáo của ông Hornstein nói thêm," Hành động này cho thấy World Press Photo đã sa sút đến mức nào,"

Vào ngày 17/5, ông Knight đã nói với BBC rằng "đây là một cáo buộc rất, rất kỳ lạ".

"Theo trí nhớ của tôi, lần cuối tôi tham gia ban giám khảo của World Press Photo là cách đây hơn 10 năm. Kể từ đó đến nay đã có hơn 100 người khác tham gia ban giám khảo, bao gồm cả một số người từ AP và AP cũng đã giành hàng chục giải thưởng của World Press Photo, bao gồm cả trong năm 2024 và 2023.

"Họ hiện diện ở World Press Photo nhiều hơn tôi nhiều và nếu xét theo tiêu chí này thì World Press Photo rõ ràng sẽ có nhiều thứ để mất hơn khi làm phật lòng AP - một trong những hãng thông tấn lớn nhất thế giới - so với việc làm mất lòng tôi. Vậy thì xung đột lợi ích cụ thể là ở đâu?"

 

Vấn đề tác quyền của bức Em bé Napalm dường như còn trở nên phức tạp hơn khi WPP nhắc tới một người thứ ba có thể là tác giả của bức ảnh, ông Huỳnh Công Phúc.

 

 

(Theo BBC)