Getty Images /BBC
Khi đoàn đàm phán về quan thuế do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có mặt tại Mỹ, thì tại Việt Nam, tập đoàn Trump Organization rục rịch động thổ dự án sân golf ở Hưng Yên và muốn xây một tòa tháp ở Sài Gòn (TP HCM).
Thông báo của Bộ Công thương Việt Nam phát đi hôm 20/5 cho thấy vòng đàm phán thứ hai diễn ra từ hôm 19-22/5 (giờ Mỹ) tại thủ đô Washington DC liên quan đến mức thuế đối ứng 46%.
Đoàn của nước Việt Nam do Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu, đi cùng các đại diện nhiều bộ, ngành quan trọng khác.
Vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra vào hôm 7/5.
Bản tin ngày 20/5 trên trang mạng điện toán của Bộ Công thương Việt Nam cũng cho biết hôm 19/5 (giờ Mỹ), ông Diên đã làm việc với Tập đoàn Westinghouse về công nghệ điện nguyên tử, nói rằng Việt Nam có nhiều địa điểm tiềm năng và mong muốn hợp tác với Westinghouse trong cả dự án điện hnguyên tử quy mô lớn và nhỏ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố hoãn mức thuế 46% - một trong những mức cao nhất - đối với hàng hóa từ Việt Nam trong 90 ngày vào hôm 10/4.
Vẫn chưa có thông tin nào về việc Mỹ có giảm thuế cho Việt Nam hay không, và nếu có thì giảm bao nhiêu sau khi thời hạn trên kết thúc.
Thời hạn này cũng đặt nhiều công ty ở Việt Nam rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi họ buộc phải chọn giữa gia tăng sản xuất để tranh thủ đưa hàng sang Mỹ trong thời gian giải lao hay phải cắt giảm giờ làm, nhân công để quen với bình thường mới nếu mức thuế được giữ nguyên hoặc giảm không đáng kể.
Để vừa đạt mục tiêu tăng trưởng 8% vừa để giải cứu hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, xuất cảng đang bấp bênh giữa cơn bão quan thuế, nhà cầm quyền Việt Nam đang khẩn trương đàm phán giảm thuế ở mức tối đa.
Phía Việt Nam trong những ngày gần đây cũng đã liên tục có những động thái mà giới quan sát đánh giá là nhằm xoa dịu chánh quyền Mỹ, và việc chào đón Trump Organization, công ty thuộc gia đình Tổng thống Donald Trump, dường như là một cách xoa dịu.
Phái đoàn đàm phán do Bộ trưởng Diên dẫn đầu ở Washington DC, Mỹ. Ảnh: Bộ Công thương Việt Nam
Sân golf Trump và Trump Tower
Không lâu trước khi vòng đàm phán thứ hai diễn ra, truyền thông trong nước lẫn quốc tế đều đưa tin về việc Tập đoàn Trump Organization đến khu vực Thủ Thiêm ở Sài Gòn (TP HCM) để khảo sát vị trí xây dựng cao ốc Trump Tower.
Thủ Thiêm được xem là khu đất vàng của Sài Gòn (TP HCM) với vị trí đắc địa - nằm đối diện trung tâm quận Nhứt qua sông Sài Gòn - và có tiềm năng phát triển thành trung tâm tài chánh, thương mại và khu đô thị hiện đại.
Phó Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân TP HCM Võ Văn Hoan đã tiếp và làm việc thực địa với lãnh đạo Trump Organization hôm 19/5.
Ông Hoan đã cùng ông Charles James Boyd Bowman - Giám đốc dự án Trump International Hưng Yên và ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - đã khảo sát thực địa một số vị trí tại Sài Gòn (TP HCM), đặc biệt là khu vực phía đông thành phố Thủ Đức.
Đây là đoàn công tác đầu tiên từ Trump Organization. Đoàn thứ hai do con trai của Tổng thống Donald Trump - Eric Trump, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Trump Organization - dẫn đầu, sẽ đến thăm Sài Gòn (TP HCM) từ ngày 22/5.
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) - đều thuộc hệ sinh thái của ông Đặng Thành Tâm - đang thúc đẩy dự án Trump Việt Nam tại Sài Gòn (TP HCM), sau cuộc gặp với lãnh đạo thành phố vào tháng 3/2025.
Trước đó vào hôm 16/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu, Hưng Yên, do Trump Organization đề xướng đầu tư với vốn hơn 1,5 tỷ USD.
Một nguồn tin trực tiếp xác nhận với Reuters rằng lễ khởi công dự án golf ở Hưng Yên đã được ấn định diễn ra vào ngày 21/5.
Vào tháng 10/2024, không lâu trước cuộc bầu cử Mỹ năm 2024, KBC thông báo rằng Trump Organization sẽ tham gia phát triển dự án khách sạn, sân golf và khu dân cư tại Hưng Yên thông qua hợp tác với Công ty Cổ phần Dịch vụ khách sạn Hưng Yên - một công ty con của KBC.
theo một nghiên cứu hồi tháng 8/2024 của Reuters, hoạt động kinh doanh sân golf và khu nghỉ dưỡng là động lực tạo ra dòng tiền lớn nhất cho Trump Organization.
Hãng tin này cũng từng nhận định "ngoại giao sân golf" là một trong những biện pháp mà Việt Nam có thể xử dụng để né quan thuế của ông Trump, dù đến nay vẫn chưa có tài liệu chánh thức nào cho thấy sân golf hay Trump Tower nằm trong các thỏa thuận giữa Việt Nam và Mỹ trong khuôn khổ Hiệp định song phương về Thương mại đối xứng của hai quốc gia.
Chuyên gia nghiên cứu David Hutt - có nhiều năm theo dõi tình hình chính trị Việt Nam - từng nhận định về dự án sân golf vào cuối năm 2024 rằng công ty gia đình Trump đang "gắn kết với một phe cánh đang lên trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam" khi Hưng Yên là tỉnh quê nhà của ông Tô Lâm cũng như Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang và tân Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.
Sân golf được nhiều người xem là một trong những biện pháp mà Việt Nam có thể xử dụng để hạ nhiệt quan thuế của ông Trump. Ảnh: Getty Images
Thâm hụt thương mại 'không bền vững'
Như đã đề cập ở trên, các diễn biến liên quan đến Tập đoàn Trump Organization xảy ra trong bối cảnh Việt Nam đang gấp rút tung ra các biện pháp nhằm tối thiểu hóa mức thuế 46% mà ông Trump đưa ra trước đó và đến nay vẫn chưa có hiệu quả rõ rệt.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng chỉ phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ vào 15/5 rằng Việt Nam đang tích cực thúc đẩy mối quan hệ thương mại cân bằng và bền vững với Mỹ và rằng các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ về mức thuế đối với hàng xuất cảng của Việt Nam đang được thực hiện, thông tin cụ thể sẽ được cung cấp sau.
Nếu mức thuế này được giữ nguyên, tăng trưởng ở Việt Nam - vốn phụ thuộc rất nhiều vào doanh số bán hàng sang Mỹ, thị trường xuất cảng lớn nhất của nước này và các khoản đầu tư nước ngoài đáng kể vào sản xuất hàng hóa để xuất cảng - sẽ bị gián đoạn nặng nề.
Hôm 16/5, Reuters đưa tin rằng Mỹ đã thẳng thắn nói với Việt Nam rằng thâm hụt thương mại của họ với quốc gia Đông Nam Á này là "không bền vững" và là một mối quan ngại lớn.
Ông Robert Kaproth, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chánh Mỹ, trong cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam, Cao Anh Tuấn, vào ngày 15/5, đã nhấn mạnh rằng Việt Nam phải thực hiện các biện pháp để chống lại nạn trung chuyển bất hợp pháp và các loại gian lận thương mại khác.
Việt Nam đã tăng cường chống hàng giả và vi phạm bản quyền kỹ thuật số sau khi bị Mỹ cáo buộc là một trung tâm lớn về các hoạt động bất hợp pháp về các vấn đề này và đe dọa áp thuế nặng nề. Tuy vậy, cuộc giải quyết này tập trung vào hàng nhái nhập cảng từ Trung Quốc, chứ không phải hàng sản xuất tại Việt Nam dù chánh quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lo ngại về hàng trong nước.
Quốc gia Đông Nam Á này cũng tăng cường kiểm soát nghiêm hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển sang Mỹ bằng cách trung chuyển qua lãnh thổ Việt Nam.
Thế nhưng dữ liệu mới của Hải quan Việt Nam càng khiến phía Mỹ có cơ sở lo lắng.
Lượng hàng Việt Nam trong tháng 4/2025 xuất cảng sang Mỹ đã vượt quá 12 tỷ đô-la, cao hơn 34% so với cùng kỳ năm trước và là giá trị lớn nhất được ghi nhận kể từ sau đại dịch Covid-19. Cùng lúc đó, Việt Nam tăng cường nhập cảng từ Trung Quốc, và lượng nhập cảng này cũng đạt mức cao kỷ lục thời hậu đại dịch trong tháng Tư, vượt quá 15 tỷ đô-la.
Không chỉ riêng tháng Tư năm nay mà trong những năm gần đây, số liệu Hải quan Việt Nam cho thấy có sự tỷ lệ thuận giữa việc nhập cảng từ Trung Quốc và xuất cảng sang Mỹ.
Chuyên gia nghiên cứu Joshua Kurlantzick chuyên về Đông Nam Á và Nam Á đã đăng tải bài viết trên trang mạng của tổ chức Council on Foreign Relations vào hôm 12/5 chỉ ra rắc rối quan thuế của Việt Nam ngày càng tệ hơn.
Ông nhận định Việt Nam không có đòn bẩy đủ mạnh như Nhật Bản, Nam Hàn (Đại Hàn) hay Liên minh Âu châu để đàm phán với Mỹ và nước này cần thị trường Mỹ để duy trì mô hình phát triển kinh tế của mình.
Tuy đánh giá Việt Nam có thể tìm thị trường mới nhưng ông Kurlantzick cho rằng nước này không chuẩn bị tốt bằng các nước như Úc, Nam Hàn (Đại Hàn), Nhật Bản hay Trung Quốc trong việc khai phá các thị trường mới lớn ở Mỹ Latinh, Phi châu hoặc các khu vực khác của Á châu.
(Theo BBC)