(Ảnh: nghiencuuquocte.org)
Nguồn: Khang Vu, “North Korean troops in Russia: The first test of the Russia-North Korea alliance”, The Interpreter, 17/10/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương (nghiencuuquocte.org)
Nếu việc triển khai quân được xác nhận, lịch sử cho thấy ba cách để đánh giá mức độ gắn kết trong mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Moscow.
Có nhiều thông tin cho rằng Bắc Hàn đang gửi quân đến vùng Donbas do Nga chiếm đóng, và một số binh sĩ thậm chí có thể đã bị thương hoặc thiệt mạng.
Tờ Washington Post, trích dẫn một quan chức tình báo Ukraine, đưa tin rằng “vài nghìn” lính bộ binh Bắc Hàn đang được huấn luyện tại Nga và họ có thể được triển khai ra tiền tuyến ở Ukraine vào cuối năm 2024. Một viên chức ngoại giao phương Tây nói với tờ Kyiv Independent rằng Bắc Hàn đã gửi 10.000 binh sĩ đến Nga. Chính phủ Nam Hàn đồng tình rằng rất có thể Bắc Hàn sẽ gửi quân đến Nga do hiệp ước quốc phòng gần đây được ký kết giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un. vào tháng Sáu.
Về phần mình, Nga đã phủ nhận cáo buộc này.
Ngay cả trước khi củng cố liên minh vào đầu năm nay, Bắc Hàn đã gửi lao động đến Nga từ năm 2022 để giúp đỡ các nỗ lực tái thiết liên quan đến cuộc xung đột. Vũ khí cũng đã được gửi đi. Nếu các báo cáo về quân đội Bắc Hàn ở Nga là chính xác, có thể các kỹ thuật viên và kỹ sư quân sự Bắc Hàn muốn quan sát hiệu quả của vũ khí của họ trước vũ khí do phương Tây sản xuất và hỗ trợ bảo trì, giống như họ đã làm ở Syria vào năm 2018 khi họ gửi hỏa tiễn đạn đạo và các thành phần vũ khí hóa học cho chính phủ Syria.
Hơn nữa, việc gửi quân sẽ mang tiền về cho chính phủ Bắc Hàn, vì họ đang tăng cường sản xuất vũ khí trong quý IV để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Nga.
Điều quan trọng nhất là mức độ tham gia của quân đội vào cuộc xung đột, và trách nhiệm mà quân đội Bắc Hàn đảm nhận ở Nga trong những tháng tới.
Sự tham gia của Bắc Hàn khi đưa quân tới Bắc Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam đưa ra một số manh mối về mức độ tham gia của quân đội Bắc Hàn vào cuộc xung đột của đồng minh. Khi Mỹ mở rộng cuộc chiến chống lại Bắc Việt Nam vào năm 1965, Bắc Hàn coi sự tấn công của Mỹ đối với Hà Nội là sự tấn công đối với Bình Nhưỡng. Họ đề nghị gửi quân bộ binh để giúp Hà Nội chiến đấu với Mỹ, nhưng Bắc Việt Nam đã từ chối lời đề nghị do lo ngại về con đường tự lực thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng và Hà Nội đã đạt được thỏa thuận, theo đó Bắc Hàn sẽ cử phi công của mình để giúp bảo vệ chống lại các cuộc không kích của Mỹ dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Việt Nam. Hà Nội đồng ý cung cấp máy bay chiến đấu và hỗ trợ kỹ thuật cho những phi công này. Các phi công Bắc Hàn sẽ được gọi là “chuyên gia” và họ chiến đấu trong bí mật.
Bên cạnh phi công, Bắc Hàn cũng cử một số sĩ quan tình báo đến miền Nam Việt Nam để quan sát quân đội Nam Hàn và lôi kéo họ về phía cộng sản. Rào cản ngôn ngữ đã ngăn cản Bắc Hàn gửi thêm sĩ quan đến miền Nam Việt Nam. Logic của Bắc Hàn rất đơn giản: cố gắng khiến Mỹ sa lầy ở Đông Dương để giảm bớt áp lực quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
Sự tham gia của Bắc Hàn vào Chiến tranh Việt Nam cho thấy Bình Nhưỡng đã sẵn sàng đưa quân ra tiền tuyến nếu họ nhận thấy rằng lợi ích đủ lớn. Nếu không có sự hạn chế của Hà Nội đối với việc Bắc Hàn gửi quân và rào cản ngôn ngữ, sẽ có nhiều binh lính Bắc Hàn hơn ở cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam.
Bắc Hàn có thể quyết định tăng cường sự can thiệp vào cuộc chiến Nga-Ukraine nếu họ tin rằng làm như vậy có thể khiến Mỹ phân tâm khỏi bán đảo. Sự hồi sinh của hợp tác quân sự ba bên Mỹ-Nhật-Hàn có thể là một phần lý do, cũng như cơ hội cung cấp cho quân đội của họ những bài học quý giá trước các cuộc chiến tranh tiềm tàng trong tương lai chống lại những kẻ thù được trang bị vũ khí Mỹ.
Điều này dẫn đến ba mức độ tham gia quân sự tiềm năng của Bắc Hàn mà các chuyên viên quan sát có thể sử dụng để đánh giá mức độ gắn kết của liên minh Nga- Bắc Hàn.
Mức độ đầu tiên là Bắc Hàn chỉ cử kỹ sư và chuyên gia đến quan sát, bảo trì và vận hành vũ khí do Bắc Hàn cung cấp, với những quân nhân này tránh chiến đấu trực tiếp.
Mức độ thứ hai là “chuyên gia” Bắc Hàn tham gia chiến đấu, nhưng hạn chế hoạt động của họ ở Nga và không tiến vào Ukraine do Nga chiếm đóng. Mục tiêu của họ sẽ là giúp Moscow phòng thủ trước các cuộc phản công bất ngờ xuyên biên giới của Ukraine.
Mức độ thứ ba là quân đội Bắc Hàn chiến đấu cùng với quân đội Nga trên tiền tuyến ở Ukraine.
Hiệp ước quốc phòng Nga- Bắc Hàn kêu gọi hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị xâm lược vũ trang, vì vậy Bắc Hàn sẽ hợp lý hơn nếu hạn chế hoạt động của mình ở trong biên giới nước Nga. Bắc Hàn công nhận hai khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở Donbass là các quốc gia độc lập, vì vậy họ có thể không gửi quân đến các khu vực đó do hiệp ước quốc phòng chỉ bao gồm Nga. Nếu Bắc Hàn gửi quân để bảo vệ hai khu vực ly khai, điều đó sẽ báo hiệu rằng phạm vi của hiệp ước rộng hơn dự kiến.
Nếu các binh lính quyết định đeo phù hiệu quân sự Bắc Hàn một cách công khai, cho phép tình báo phương Tây phát hiện ra, thì đó cũng có thể là một thông điệp gửi đến Moscow và cộng đồng quốc tế rằng Bình Nhưỡng đang công khai đầu tư vào cuộc chiến chống Ukraine và liên minh với Nga.
Việc triển khai quân đội Bắc Hàn sẽ là phép thử đầu tiên cho hiệp ước quốc phòng mới giữa Nga và Bắc Hàn. Một liên minh Nga- Bắc Hàn gắn kết hơn và sự tham gia ngày càng tăng của Bình Nhưỡng vào cuộc chiến cũng có thể giải thích cho mối quan hệ tương đối lạnh nhạt giữa Trung Quốc- Bắc Hàn. Tuy nhiên, việc triển khai như vậy cũng có thể báo hiệu rằng Bắc Hàn n chưa sẵn sàng phát động chiến tranh chống lại Nam Hàn trong thời gian tới, bất chấp căng thẳng gần đây, do họ đang dành nhiều nguồn lực hơn cho mặt trận Ukraine.
Khang Vũ là nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Boston. Ông là nghiên cứu sinh tiền tiến sĩ của Hans J. Morgenthau giai đoạn 2023-2024 tại Đại học Notre Dame.
(Theo nghiencuuquocte.org)