Tính đến 6h ngày 10/6, toàn cầu ghi nhận 7.310.931 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây ra, trong đó có 412.990 người tử vong và 3.594.044 bệnh nhân bình phục.
Brazil 'bầm dập' vì Covid-19, công bố hơn 31.000 ca nhiễm mới, số tử vong đã tiệm cận 40.000. (Nguồn: AP)
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 gây ra, với số ca nhiễm bệnh đã tăng lên 2.044.822, trong đó có 114.130 trường hợp tử vong và 738.807 người bình phục.
Xếp sau Mỹ là Brazil, với 742.084 ca nhiễm Covid-19, tăng 31.197 trường hợp trong 24 giờ qua, lần thứ 2 ghi nhận số ca nhiễm bệnh kỷ lục trên 31.000 sau tròn 1 tuần ghi nhận kỷ lục đầu tiên. Tính đến nay, Brazil cũng đã ghi nhận 38.497 ca tử vong do Covid-19 và 325.602 người bình phục.
Ngày 9/6, Tòa án Tối cao Liên bang (STF) của Brazil đã ra phán quyến bắt buộc Bộ Y tế nước này phải nối lại việc công bố hàng ngày toàn bộ số liệu liên quan tới đại dịch Covid-19 sau khi nhận được yêu cầu xem xét từ một số đảng phái đối lập liên quan tới những thay đổi về cách thống kê và công bố số lượng ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 mà Chính phủ Brazil áp dụng từ hôm 4/6.
Phán quyết của STF cho rằng, cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp thống kê hiệu quả đã được quốc tế thừa nhận và áp dụng, trong đó có quy trình thu thập, phân tích và công bố các dữ liệu dịch tễ nổi bật và cần thiết cho các kế hoạch của cơ quan công quyền, cũng như giúp dân chúng tiếp cận thông tin một cách minh bạch.
Trước những chỉ trích gay gắt của dư luận trong nước trong những ngày qua liên quan tới việc thông tin về tình hình dịch bệnh, Chính phủ Brazil cũng đã buộc phải quay trở lại cách công bố số liệu dịch bệnh như trước đây, trong đó bao gồm việc thông tin tổng số lượng ca nhiễm bệnh, số ca nhiễm mới và công bố vào “giờ vàng” buối tối.
* Tại Peru, ngày 9/6, Bộ Y tế thông báo số ca mắc Covid-19 đã tăng lên 203.736 người, trong đó có 5.738 ca tử vong, tăng tương ứng 4.040 ca bệnh và 167 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.
Trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 được phát hiện ở Peru vào ngày 6/3 và quốc gia Nam Mỹ ghi nhận 100.000 ca nhiễm vào ngày 20/5. Hiện Peru đang xếp thứ 8 thế giới về số ca nhiễm bệnh và cao thứ 2 tại Mỹ Latin.
Chính phủ Peru đang nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 với việc tuyên bố kéo dài lệnh giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc tới ngày 30/6 và gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế đến ngày 7/9 để đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch.
* Ngày 9/6, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne bày tỏ lo ngại về việc gia tăng các ca nhiễm mới bệnh Covid-19 tại một số khu vực ở Mỹ Latin mà đến nay mới chỉ có số lượng lây nhiễm hạn chế.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, bà Etienne cho biết, số lượng ca nhiễm mới đã tăng mạnh tại các quốc gia như Mexico, Panama, Costa Rica, Brazil, Peru, Chile, Venezuela, Haiti và Suriname, đồng thời cảnh báo, nếu không có cơ chế hợp tác hiệu quả thì Mỹ Latin có nguy cơ phải hứng chịu một đợt bùng phát mới của Covid-19.
Giám đốc PAHO kiến nghị các nước tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, giám sát và cách ly các bệnh nhân được xác định nhiễm bệnh để ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng cho tới khi giới chuyên môn tìm ra được loại vắc xin hoặc phương pháp điều trị hiệu quả Covid-19. Ngoài ra, bà Etienne cũng cảnh báo sự gia tăng của bệnh cúm mùa tại Mỹ Latin cũng có thể sẽ gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh Covid-19.
Khu vực Mỹ Latin đang trở thành tâm điểm mới của đại dịch Covid-19 trong thời gian gần đây khi tình hình dịch bệnh tại các khu vực khác bắt đầu xu hướng giảm.
* Ngày 9/6, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tiến sĩ Maria Van Kerkhove đã phải đính chính lại quan điểm cho rằng, khả năng người mắc Covid-19 không triệu chứng lây nhiễm cho người khác là “rất hiếm”. Phát biểu này được tiến sĩ Maria đưa ra trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sỹ.
Theo bà Van Kerkhove, nhận định trên chỉ dựa trên hai hoặc ba nghiên cứu và việc khẳng định rất ít khả năng người mắc Covid-19 không triệu chứng lây nhiễm cho người khác là một sự hiểu lầm.
Chuyên gia của WHO cho biết, chỉ đang trả lời một câu hỏi và đây không phải là một quan điểm của WHO hoặc bất cứ điều gì tương tự như thế. Việc đánh giá sự lây truyền từ người mắc Covid-19 không có triệu chứng chủ yếu đến từ các mô hình mà có thể không cung cấp đánh giá đại diện chính xác, đây vẫn là một câu hỏi mở lớn.
* Tại Ấn Độ, ngày 9/6, giới chức khu vực Thủ đô Delhi (Ấn Độ) cảnh báo, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại vùng này có thể tăng gấp 20 lần lên mức 500.000 ca trong vài tuần tới.
Ấn Độ đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên cả nước để giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế do tác động của đại dịch, nhưng trên thực tế dịch bệnh vẫn đang lây lan mạnh. Tới nay, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới đã ghi nhận 276.146 ca nhiễm, đứng thứ 5 thế giới. Trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận hơn 10.000 ca mới, trong đó những khu vực lớn tập trung đông dân như Mumbai và Delhi chịu tác động mạnh nhất.
Phát biểu sau cuộc họp ứng phó khủng hoảng, ông Manish Sisodia, một quan chức cấp cao của chính quyền Delhi, cho biết giới chức dự tính số ca mắc Covid-19 tại khu vực có thể tăng lên mức 550.000 ca vào cuối tháng 7. Cụ thể, trước ngày 15/6 số ca mắc bệnh có thể ở mức 44.000 ca, và tăng lên 100.000 ca trước cuối tháng 6, tiếp tục tăng lên khoảng 225.000 ca vào giữa tháng 7. Giới chức cần phải chuẩn bị cơ sở vật chất để ứng phó với những tình huống này.
Khu vực Delhi có khoảng 20 triệu dân, hiện các bệnh viện đã bắt đầu kín chỗ trong khi nhiều dấu hiệu cho thấy các địa điểm hỏa táng cũng đang dần quá tải. Giới chức y tế hồi tuần trước cho biết hiện khu vực này có khoảng 9.000 giường bệnh dành cho các bệnh nhân Covid-19 trong khi con số ước tính cần chuẩn bị cho các kịch bản trên là 80.000 giường bệnh.
* Tại Iran, ngày 9/6, một quan chức y tế nước này ước tính khoảng 1/5 dân số, tương đương với 18,75%, có thể đã nhiễm virus kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ hồi tháng 2. Hiện Iran ghi nhận 8.425 ca tử vong và 175.927 ca nhiễm. Trong 24 giờ qua có thêm 74 ca tử vong và hơn 2.000 ca mới được ghi nhận tại quốc gia này.
* Tại Thái Lan, Chính phủ đang cân nhắc nới lỏng những hạn chế nhập cảnh đối với khách nước ngoài, có thể là trong quý III hoặc quý IV năm nay và với ưu tiên dành cho những người đến từ những khu vực không còn dịch Covid-19, một động thái nhằm tái khởi động ngành du lịch.
Du lịch là động lực tăng trưởng của Thái Lan trong những năm gần đây. Trước khi bùng phát dịch Covid-19, xứ chùa Vàng này hy vọng doanh thu từ du lịch sẽ đóng góp ít nhất 20% GDP trong năm 2020. Tuy nhiên, du lịch là ngành đầu tiên ở Thái Lan phải hứng chịu tác động của dịch ngay từ cuối tháng 1/2020.
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn vào tháng 3/2020 khi Chính phủ Thái Lan áp đặt các hạn chế về đi lại nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này đã giảm 1,8% trong quý I/2020, mức giảm sâu nhất kể từ quý IV/2011 khi bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Mặc dù Thái Lan đang từng bước chuẩn bị mở cửa trở lại đối với các chuyến bay quốc tế, tuy nhiên, có thể Thái Lan vẫn chưa dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng này. Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam mới đây cho biết, quyết định của chính phủ về việc dỡ bỏ hoặc kéo dài tình trạng khẩn cấp chủ yếu phụ thuộc vào số lượng những ca mới. Theo ông Wissanu, tình hình hiện nay là "chấp nhận được" và chính phủ có thể nới lỏng hơn nữa những hạn chế trong giai đoạn 4.
* Bộ Y tế Ai Cập thông báo, phát hiện thêm 1.385 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên tổng cộng 36.829 trường hợp.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, số bệnh nhân thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này ở nước này hiện là 1.306 người, sau khi có thêm 35 trường hợp tử vong trong ngày. Bên cạnh đó, có 411 bệnh nhân được xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 9.876 người.
Cùng ngày, trong bức thư gửi tới Thủ tướng Mostafa Madbouly và Bộ trưởng Y tế Hala Zayed, Nghiệp đoàn Bác sĩ Ai Cập thông báo, có hơn 50 bác sĩ ở nước này thiệt mạng do mắc Covid-19. Tổ chức này kêu gọi giới chức Ai Cập tăng cường những biện pháp phòng vệ cũng như áp dụng các tiêu chuẩn kiểm soát lây nhiễm cao nhất tại tất cả các bệnh viện cách ly.