Ảnh: Wikipedia Commons.
Dùng những lời hoa mỹ giống như Mao Trạch Đông trong Cách mạng Văn hóa, Đại sứ Trung Quốc tại London đã kêu gọi sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Vương quốc Anh phải “phục vụ tổ quốc”.
Vào ngày 10/6, trong buổi lễ trao thưởng cho sinh viên du học tự túc xuất sắc được tổ chức tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh, Đại sứ Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming) cho biết: “Tôi hy vọng các bạn sẽ tiếp nối truyền thống yêu nước mãnh liệt. Tôi hy vọng các bạn sẽ luôn sống với những giấc mơ cá nhân đặt trong quá trình lớn hơn của việc phấn đấu vì giấc mơ hồi sinh dân tộc Trung Hoa”.
Ông Lưu nói “Tôi hy vọng những gì các bạn đã học được ở đây hiện nay, các bạn có thể phục vụ tổ quốc mình và người dân quê hương mình trong tương lai. Và tôi hy vọng sức trẻ của các bạn sẽ thúc đẩy các bạn tiến bước khi các bạn làm việc chăm chỉ hơn để nhận ra giấc mơ của mình”.
Bình luận về lời phát biểu của Đại sứ Trung Quốc tại London, Giáo sư Christopher Hughes của Trường Kinh tế Luân Đôn nói với The Times: “Lý tưởng về lòng yêu nước, trong bối cảnh Trung Quốc, có nghĩa là ủng hộ chính quyền Trung Quốc. Nó có nghĩa là phải ủng hộ thống nhất Đài Loan, ủng hộ hoàn toàn việc đè bẹp khát vọng tự chủ của Tây Tạng, ủng hộ nghiền nát Hồng Kông và thách thức các nguyên tắc tự do học thuật của chúng tôi”.
Giáo sư Christopher Hughes cho biết “Càng có nhiều sinh viên Trung Quốc ở đây, họ càng bị Đại sứ quán Trung Quốc kiểm soát và sử dụng. Có nhiều nhóm khác nhau được thiết lập để theo dõi hành vi của du học sinh Trung Quốc. Vì vậy, họ không cảm thấy an toàn”.
Theo tờ Breitbart, hiện tại, tại Anh, có khoảng 120.000 sinh viên Trung Quốc. Vào tháng 11/2019, Ủy ban Đối ngoại Anh cho biết, các sinh viên Trung Quốc đang tích cực tham gia vào việc tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong các trường học. Các sinh viên này luôn tham gia vào việc phá rối các buổi thảo luận nói về các vấn đề nhạy cảm đối với chính quyền Trung Quốc như Đài Loan, Hong Kong.
Chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động cho du học sinh Trung Quốc là Viện Khổng Tử. Viện Khổng Tử được giới chức Trung Quốc tuyên bố rằng, nó đơn thuần chỉ là quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc ra thế giới, nhưng trên thực tế Viện này là chi nhánh của Bộ Giáo dục Trung Quốc, đặt dưới sự giám sát của Ban Tuyên giáo Trung ương của nước này.
Cơ sở đầu tiên của Viện Khổng Tử ở nước ngoài được thành lập tại Seoul (Hàn Quốc) vào năm 2004. Đến năm 2018, tổng cộng đã có 548 học viện và gần 2.000 phòng học Khổng Tử ở 154 quốc gia, hầu hết được đặt tại khuôn viên các trường đại học hoặc tổ chức giáo dục ở nước ngoài. Các chủ đề nhạy cảm như sự kiện Thiên An Môn, đàn áp Pháp Luân Công, hay các vấn đề về Tây Tạng, người thiểu số Duy Ngô Nhĩ, trại cải tạo ở Tân Cương...đều là những nội dung cấm thảo luận trong các Viện Khổng Tử.
Tại Anh, hiện có 29 Viện Khổng Tử trong các trường học trên khắp cả nước. Số lượng Viện Khổng Tử tại nước Anh nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.
Hồng vệ binh (Red Guards) là danh xưng dùng để chỉ các thanh thiếu niên Trung Quốc được giáo dục tôn sùng tư tưởng Mao Trạch Đông. Trong Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc thập niên 1960, lực lượng này đã phá bỏ hầu hết văn vật cổ xưa, phá hủy hầu như toàn bộ văn hóa truyền thống của dân tộc Trung Hoa, tra tấn, phá hoại, cướp đoạt tài sản, bức tử, giết hại vô số người dân Trung Quốc.
Hồng vệ binh được cho là một vết nhơ trong lịch sử Trung Hoa với thủ đoạn biến thanh thiếu niên trở thành công cụ chính trị bằng cách cực đoan hóa tư tưởng. Chừng nào thanh thiếu niên còn bị xem là “cánh tay đắc lực”, là “lực lượng nòng cốt” để các thế lực chính trị giật dây, thì chừng đó những thế hệ Hồng vệ binh kế tiếp luôn có thể được sản sinh.
(Theo dkn.tv)