Ảnh: Pixabay.

 

 

Phong trào Black Lives Matter (BLM – tính mạng người da đen quan trọng) tiếp tục diễn ra ở Mỹ trong tuần qua. Sau khi cướp phá tài sản công và tư, những người BLM quá khích đã hè nhau phá hủy các bức tượng anh hùng dân tộc, thậm chí đe dọa lật đổ tượng Chúa Jesus. Hành động của nhóm người này khiến người ta đặt câu hỏi: rốt cuộc họ tôn thờ điều gì?

 

Sáng thứ Ba (30/6), SBS News đưa tin, hai bức tượng của nhà lập quốc và cũng là tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, George Washington, tại Công viên Quảng trường Washington ở New York đã bị những người biểu tình BLM bôi bẩn bằng sơn đỏ. Không chỉ Washington là đối tượng tấn công của những người biểu tình BLM, mà hàng loạt tượng các danh nhân Mỹ khác cũng là mục tiêu phá hủy của họ.

 

Hận thù anh hùng dân tộc

Theo các trang tin có xu hướng bảo vệ văn hóa truyền thống Hoa Kỳ, sau vụ ngộ sát George Floyd, một tội phạm ma túy có nhiều tiền án, thì Antifa, một tổ chức khủng bố thiên tả, và các nhóm ủng hộ phe Dân chủ đã tổ chức các cuộc biểu tình BLM rầm rộ khắp nước Mỹ với danh nghĩa phản đối phân biệt chủng tộc. Dù vậy, mục đích phía sau là nhắm vào việc hủy hoại văn hóa truyền thống phương Tây và chống lại chính quyền Trump.

 

Hai chuyên gia Nile Gardiner, Joseph Loconte (G&L), trong một bài viết trên Fox News, nhận định, các hành vi bạo lực nhắm vào các bức tượng và đài tưởng niệm danh nhân Hoa Kỳ không chỉ là hành động phá hoại đơn thuần của nhóm người BLM, mà đây chính là một cuộc tấn công vào các giá trị mà Hoa Kỳ theo đuổi.

 

G&L cho rằng, ở Mỹ hay ở Vương quốc Anh, chính phủ và người dân xây dựng các tượng đài là để tưởng niệm những cá nhân và sự kiện đại diện cho những khoảnh khắc cao quý nhất trong nền văn minh của dân tộc. Những tác phẩm nghệ thuật như vậy giúp mọi người ghi nhớ và bảo vệ những lý tưởng tôn giáo, đạo đức và chính trị quý giá nhất. Vì thế những hành động bạo lực nhắm vào các tượng đài anh hùng dân tộc của nhóm người BLM quá khích chính là hành vi muốn hủy hoại chính nền văn minh của dân tộc mà họ là một thành viên.

 

Ngoài một bức tượng của Washington bị lật đổ hôm 25/6 tại thành phố Portland, bang Oregon, và hai bức tượng của ông bị bôi bẩn như đề cập ở trên, thì một loạt các bức tượng của những nhân vật lịch sử được xem là tinh hoa của dân tộc, những cá nhân xuất chúng có đóng góp lớn cho quá trình thành tựu nước Mỹ cũng nằm trong kế hoạch phá hoại của nhóm người BLM mang cái đầu nóng.

 

 

Bức tượng thánh Junipero Serra bị giật đổ và bôi nhọ trong Công viên Golden Gate ở thành phố San Francisco, CA. (ảnh chụp màn hình Twitter).

 

 

Epoch Times đưa tin, người biểu tình BLM đã giật đổ bức tượng của Junipero Serra, một linh mục Công giáo có công đặt nền móng cho các hoạt động tôn giáo ở bang California. Cũng tại bang này, một nhóm những kẻ phá hoại đã reo hò vui sướng sau khi họ dùng dây kéo đổ bức tượng của Francis Scott Key, tác giả quốc ca Mỹ.

 

Những bức tượng của nhiều đời tổng thống Mỹ như Thomas Jefferson, Tổng thống thứ 3 (1801-1809) và là một triết gia nổi tiếng; Theodore Roosevelt, tổng thống thứ 26 (1901-1909), nhà bảo tồn học, nhà văn; Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 16 (1861-1865) có công chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ, cùng nhiều nhân vật lẫy lừng khác trong lịch sử của xứ sở cờ hoa, cũng là những mục tiêu phải đánh đổ của người biểu tình BLM. Họ làm thế vì cho rằng, những vị tổng thống này là biểu tượng của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, cho dù họ có đóng góp như thế nào cho sự phát triển của nước Mỹ.

 

Chưa dừng lại ở đây, Shaun King, một đại diện của những người BLM, tuyên bố rằng: “Tất cả các bức tranh treo tường và kính cửa sổ khắc họa hình tượng Chúa Jesus da trắng, và người mẹ châu Âu của ông ta, cũng như những bạn bè da trắng của ông ta cũng phải bị dỡ xuống”.

 

 

 

Cư dân mạng chia sẻ tấm ảnh chụp bức tượng Chúa Jesus bị những người biểu tình viết lên trán chữ “Hate” (thù ghét) (ảnh chụp màn hình Twitter).

 

 

 

Người biểu tình BLM tôn thờ điều gì?

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện đã ví làn sóng phá hủy các tượng đài anh hùng Mỹ của người biểu tình BLM với cuộc “Cách mạng Văn hóa” ở Trung Quốc trong giai đoạn 1966-1976, khoảng thời gian ám ảnh ghi lại sự kiện các giá trị văn hóa tích lũy trong suốt 5000 năm lịch sử của dân tộc Trung Hoa bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh hủy hoại.

 

Mặc dù người biểu tình BLM ồ ạt tấn công các tượng đài anh hùng, nhưng theo ông McConnell, họ không động chạm tới tượng Vladimir Lenin, một biểu tượng của những người thiên tả.

 

 

 

Cư dân mạng so sánh các bức ảnh, phía trên là cảnh đập phá chùa chiền và tượng Phật trong thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, phía dưới là các cuộc phá bỏ tượng đài của những người biểu tình BLM và Antifa ở Mỹ năm 2020 (ảnh chụp màn hình Twitter).

 

 

 

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ, William Barr, nói rằng cơ quan của ông có bằng chứng cho thấy Antifa và các nhóm tương tự khác đứng sau giật dây các các hành vi quá khích của người biểu tình BLM. Điều đáng lưu ý là, Antifa là một nhóm tội phạm thiên tả đã bị chính phủ Mỹ liệt vào danh sách các nhóm khủng bố.

 

Gần đây trên Internet lưu truyền một video phỏng vấn bà Patrisse Cullors, người đồng sáng lập phong trào BLM. Trong cuộc phỏng vấn này, bà Cullors thừa nhận những sáng lập viên của BLM cùng với bà đều tôn sùng chủ nghĩa Mác.

 

 

 

“Chúng tôi được đào tạo về chủ nghĩa Mác”, bà Patrisse Cullors, người đồng sáng lập phong trào BLM tuyên bố (ảnh do cư dân mạng Twitter trích dẫn và chia sẻ).

 

 

 

Tờ Patch đưa tin, hôm 27/6, hơn 2000 người biểu tình BLM, bất chấp yêu cầu cách ly phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán, đã tới Beverly Hills, khu định cư của giới nhà giàu để quậy phá, họ hô vang các khẩu hiệu đòi công lý cho Floyd cùng với khẩu hiệu “Eat the rich” (lấy của nhà giàu). Một chương trình của talkRADIO phát sóng hôm thứ Năm (2/7) nói rằng người biểu tình BLM có chủ trương tiêu diệt chủ nghĩa tư bản.

 

Những thông tin đề cập ở trên, cùng với hàng loạt video chiếu cảnh người biểu tình BLM đập phá các cửa hàng để hôi của cho thấy những người này có quan niệm rằng “công bằng” chính là “cào bằng”, một quan niệm đặc trưng của những người thiên tả.

 

Phật giáo nói rằng có luân hồi, và người làm việc xấu sẽ tạo nghiệp, khuyên con người không làm việc ác vì thiện ác hữu báo. Có lẽ vì thế mà trong văn hóa phương Đông lưu truyền những lời dạy như “tích đức hành thiện thì đời sau sẽ hưởng phúc báo”, người Việt cũng có một câu với ý nghĩa tương tự: “có đức mặc sức mà ăn”. Theo quan niệm này, đức tích ở đời trước của một người sẽ quyết định chất lượng cuộc sống ở đời sau của họ. Đó có thể là lý do Phật giáo giảng lấy từ bi làm căn bản trong ứng xử giữa người với người, và không cổ xúy việc đòi “công bằng” bằng cách “cào bằng”.

 

Tổng thống Trump thường nói rằng Hoa Kỳ là quốc gia của những tín đồ chân chính, và người Mỹ không tôn thờ chính phủ mà tôn thờ Chúa, đó là lý do vì sao trên đồng tiền Mỹ ghi dòng chữ “In God We Trust” (Chúa, chúng con tin người). Từ phát biểu của ông Trump có thể thấy, niềm tin vào Thiên Chúa chính là cái nôi tạo nên giá trị Mỹ.

 

Người biểu tình BLM muốn giật đổ tượng chúa Jesus rõ ràng họ không tôn thờ Thiên chúa như đa số người Mỹ mà ông Trump nói tới, vậy là, không tin vào Thiên chúa cũng đồng nghĩa với việc không tin vào giá trị Mỹ.

Người BLM muốn “cào bằng” vì thế chắc chắn họ cũng không tin vào giáo lý Phật giáo. Dám làm những hành vi phá hoại, cướp bóc, điều họ tin chắc chắn cũng không phải là nhân quả báo ứng.

 

Không tin vào những tôn giáo lớn, không tin vào giá trị Mỹ, vậy người biểu tình BLM tin vào điều gì? Nhìn từ lịch sử của Trung Quốc, nền văn minh 5000 năm bị hủy hoại nhanh chóng chỉ trong vài năm của Đại Cách mạng Văn hóa, người Trung Quốc từ tín thần trở thành “vô thần”, không việc gì là không dám làm, kéo theo đó là sự trượt dốc của con người về tiêu chuẩn đạo đức và giá trị tinh thần.

 

Nếu quả thực những người biểu tình cực đoan đang muốn thực thi một cuộc “cách mạng văn hóa” đối với nền văn minh Hoa Kỳ, thì điều gì sẽ chờ đón quốc gia hùng mạnh nhất thế giới?

(theo dkn.tv)