Bộ trưởng Tài Chánh Mỹ Scott Bessent (T) và phó thủ tướng thứ nhất kiêm bộ trưởng Kinh Tế Ukraine Yulia Svyrydenko ký thỏa thuận khoáng sản Ukraine, tại Washington, Mỹ, ngày 30/04/2025. Ảnh: REUTERS - Yulia Svyrydenko via Facebook

 

 

CHIẾN SỰ NGA – UKRAINE, Nga mới là yếu tố quan trọng nhất trong thỏa thuận khoáng sản mà Mỹ vừa ký với Ukraine cho dù « thuần túy về kinh tế viễn cảnh cùng khai thác tài nguyên với Kyiv, thực chất không nhiều nhưng đôi bên cùng rất hài lòng ». Tiềm năng về khoáng sản và đất hiếm của Ukrainetuy chưa được thẩm định chính xác nhưng chánh quyền Volodymyr Zelenskyy thuyết phục Mỹ « không bỏ rơi » Ukraine. Nga không thoải mái trước mối quan hệ tốt đẹp Mỹ-Ukraine.

 

« Ukraine có đất hiếm, họ có rất nhiều thứ mà những quốc gia khác không có được. Họ có nhiều tài nguyên phong phú. Chúng ta đã ký một thỏa thuận và trên nguyên tắc chúng ta sẽ thu hồi lại số tiền 350 tỷ đô-la đã cấp cho Ukraine. (…) Tôi không gây ra cuộc chiến này. Đó là di sản của Biden. Mục tiêu của tôi là khép lại chiến tranh ».

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump qua điện thoại tuyên bố như trên hôm 30/04/2025 về thỏa thuận khoáng sản vừa đạt được với Ukraine. Đây là một món quà ông Volodymyr Zelenskyy gửi tặng đúng dịp 100 ngày tỷ phú Hoa Kỳ trở lại Tòa Bạch Ốc.    

 

Sau nhiều tháng căng thẳng, quan hệ Kyiv - Washington có phần lắng dịu từ khi đôi bên « thành lập một quỹ đầu tư chung » để thu hút đầu tư cho các dự án đồng khai thác khoáng sản, dầu hỏa và khí đốt của Ukraine. Cả Hoa Kỳ lẫn Ukraine cùng khẳng định đây là một thắng lợi « to lớn về mặt ngoại giao » và kinh tế.

 

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cũng hài lòng không kém: « So với tài liệu ban đầu, văn bản mới vừa thông qua đã có nhiều sửa đổi. Đây là một thỏa thuận thực sự công bằng, mở đường cho những dự án đầu tư rất lớn trên lãnh thổ Ukraine và cho phép hiện đại hóa guồng máy sản xuất của chúng ta ».

 

Theo giới phân tích, tổng thống Ukraine có lý khi ông nói đến « một thỏa thuận công bằng » do « kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên thuộc thẩm quyền, của Kyiv », vì Ukraine và Mỹ mỗi bên kiểm soát 50% số vốn trong quỹ đầu tư chung, bảo đảm một sự « bình đẳng trong các quyết định hợp tác sau này ». Điểm thứ ba và cũng là mục tiêu mà tổng thống Volodymyr Zelenskyy theo đuổi từ ít nhất 2 năm nay, đó là huy động vốn cho công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Về điểm này, nhà báo người Ukraine, Marianna Perebenesiuk trên đài truyền hình France 24 phân tích:

« Đây là một thắng lợi ngoại giao không thể chối cãi mà thành công quan trọng nhất là Kyiv giải tỏa được căng thẳng với Washington (…) và cũng phải nói là từ hai năm nay tổng thống Volodymyr Zelenskyy vận động quốc tế đầu tư vào đất nước ông trong giai đoạn tái thiết sau chiến tranh, nhưng chẳng ai dám vào. Giờ đây coi như sự hiện diện của Hoa Kỳ dỡ bỏ được những hoài nghi về an ninh tại Ukraine ».

 

 

Đòn mặc cả của Trump với Kyiv và Moscow?

 

Vào lúc một số nhà quan sát ghi nhận với thỏa thuận ký kết tại Washington hôm 30/04/2025, Tòa Bạch Ốc không đưa ra những « cam kết cụ thể » bảo đảm an ninh cho Ukraine. Bộ trưởng Tài Chánh Mỹ Scott Bessent không cùng quan điểm. Ông khẳng định trong cuộc họp báo tại Washington với phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Kinh Tế Ukraine Yulia Svyrydenko:

« Thỏa thuận đạt được hôm nay (30/04) là một tín hiệu rõ ràng gửi đến các nhà lãnh đạo Nga: Chánh quyền Trump cam kết một cách lâu dài ủng hộ tiến trình hòa bình trên cơ sở một đất nước Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng. Đã đến lúc cuộc chiến khốc liệt này phải chấm dứt. Hoa Kỳ và Ukraine nóng lòng khởi động lại mối đối tác về kinh tế vốn có từ trước đến nay vì lợi ích của công dân hai nước ».

 

Có hai điểm quan trọng nhất đối với Kyiv ở đây: một là sự hiện diện của Mỹ trên lãnh thổ Ukraine qua các chương trình khai thác tài nguyên mà mục tiêu chính là để « Nga từ bỏ ý đồ lại xâm lược Ukraine ».

 

Lý do thứ hai là ngay sau khi thỏa thuận khoáng sản song phương được ký kết, hôm 02/05/2025 bộ Ngoại Giao Mỹ đồng ý khởi động lại các thương vụ xuất cảng thiết bị và phụ tùng quân sự cho Ukraine. Hợp đồng đầu tiên dưới thời chánh quyền Trump trị giá hơn 310 triệu đô-la. Trước đó vài giờ, Tòa Bạch Ốc thông báo với Hạ Viện về hợp đồng bán vũ khi cho Ukraine trị giá hơn 50 triệu đô-la. Cùng lúc nhiều nguồn tin thông thạo tại Washington xác nhận chánh quyền Trump « bật đèn xanh » cho việc chuyển hai hệ thống phòng không Patriot của Mỹ cho Kyiv… và những khoản « viện trợ quân sự mới này được tính vào khoản đóng góp của Hoa Kỳ cho quỹ đầu tư chung với Ukraine ». Nói cách khác, cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine không phải là một món quà mà Washington « tặng không » cho tổng thống Zelenskyy.

 

Dù vậy, chỉ nội việc Mỹ nối lại các chương trình chuyển giao vũ khí và thiết bị cho Ukraine, chắc chắn Moscow không hài lòng. Nhà báo Maryse Burgot của đài truyền hình nhà nước Pháp France 2 nhiều lần sang tận Ukraine tác nghiệp phân tích:  

« Muốn diễn giải thỏa thuận này thế nào đi chăng nữa, trong mọi trường hợp, hợp tác Mỹ và Ukraine không là một tin vui đối với nước Nga. Moscow không thể hài lòng với sự hiện diện của người Mỹ trên lãnh thổ Ukraine. Công luận có thể đánh giá thỏa thuận khoáng sản vừa rồi không có thực chất và cũng có thể rồi cũng sẽ thất bại tựa như thỏa thuận cũng chánh quyền Trump ở nhiệm kỳ trước đã đạt được với Afghanistan, nhưng rồi đã hoàn toàn bế tắc.

Tuy nhiên, đối với ông Trump, đây là một điểm cụ thể trên hồ sơ Ukraine mà Tòa Bạch Ốc đã đạt được sau 100 ngày ông trở lại cầm quyền và đừng quên rằng, nếu đôi bên không đạt được thỏa thuận đó thì Washington sẽ không bao giờ tha thứ cho ông Zelenskyy. Cũng vì muốn đạt được một kết quả cụ thể để khoe thành tích với cử tri, Donald Trump đã ráo riết đàm phán từ nhiều tháng qua để đạt cho bằng được một thỏa thuận dù là thực chất không nhiều. Cùng lúc, phía Mỹ không đưa ra những bảo đảm về an ninh cho Ukraine nhưng nội viễn cảnh Mỹ đầu tư vào Ukraine cũng khiến Vladimir Putin bực mình ».

 

Cũng trên đài truyền hình France24, ông Guillaume Ancel một chuyên gia độc lập về quân sự thẳng thắn cho rằng về kinh tế, thực chất của các chương trình hợp tác trong tương lai không nhiều bởi dự trữ về khoáng sản của Ukraine « chưa được thẩm định một cách chính xác. Hơn nữa, phần lớn các vùng giàu tài nguyên tập trung ở miền đông và nam Ukraine, nơi quân đội Nga đang chiếm đóng ».

 

« Cân nhắc về lợi ích kinh tế thì thỏa thuận này hoàn toàn là một màn lừa đảo vì hai lý do. Thứ nhất là bản thân Ukraine cũng không biết một cách chính xác về trữ lượng khoáng sản trên lãnh thổ của mình. Chính vì thế mà Kyiv đòi được quyền quyết định là sẽ khai thác các loại tài nguyên nào và ở những khu vực nào. Lý do thứ hai, là trong thỏa thuận mới đạt được phía Mỹ nói rõ là các doanh nghiệp chỉ dấn thân vào Ukraine một khi quốc gia này vãn hồi hòa bình. Đừng quên rằng, song song với các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Ukraine thì chánh quyền Trump cũng đang thương lượng với Moscow về khoáng sản. Mỹ cũng muốn hợp tác với Vladimir Putin để khai thác đất hiếm của Nga. Nói như vậy để thấy thỏa thuận đạt được hôm 30/04/2025 vừa rồi chỉ quan trọng về hình thức và cả hai bên đều hài lòng ».

 

 

Đàm phán song song Nga - Mỹ về khoáng sản 

 

Vậy có thể nói thỏa thuận khoáng sản giữa Kyiv và Washington hôm 30/04/2025 trước hết nằm trong chiến thuật của mỗi bên để thuyết phục công luận trong nước? Theo giới quan sát, điều này hoàn toàn đúng: Ukraine muốn chứng tỏ « không bán rẻ tài nguyên cho Hoa Kỳ », mặc dù Mỹ là điểm tựa tài chánh và quân sự.

 

Về phía Hoa Kỳ, Tòa Bạch Ốc cũng đang có nhiều tính toán: Chỉ vài ngày sau cuộc điện đàm giữa tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin, chủ nhân điện Kremlin hôm 24/02 cho biết Nga sẵn sàng thảo luận với Washington để « phát triển công nghiệp khai thác đất hiếm ». Tại Washington, chính tổng thống Trump cũng đã xác nhận đang hướng tới « nhiều dự án đầu tư quan trọng về kinh tế với nước Nga ».

 

Theo nghiên cứu của Cơ Quan Địa Chất Hoa Kỳ USGS, trữ lượng về đất hiếm của Nga đứng hàng 5 trên thế giới, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Úc nhưng tiềm năng của Nga (3,9 triệu tấn) « cao gấp đôi so với của Hoa Kỳ (1,8 triệu tấn) ».

 

Phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitri Peskov quả quyết « người Mỹ cần đất hiếm của Nga và chúng ta có rất nhiều để cung cấp cho họ ».

 

Theo tạp chí Grand Continent, chuyên về địa chánh trị, Moscow đã mang đất hiếm ra để « nhử » Mỹ ngay từ vòng đàm phán song phương đầu tiên tại Ryiad hôm 18/02/2025 và về phía Washington, ông Trump cũng đang « trông thấy tiềm năng rất lớn của Nga, một quốc gia rộng lớn phong phú về tài nguyên mà Hoa Kỳ có thể tận dụng ».

 

Rõ ràng là trên hồ sơ đất hiếm và khoáng sản, Nga mới là yếu tố quan trọng trong mỗi nước cờ của các bên và trước mắt có những phân tích cho rằng rất có thể Mỹ dùng Ukraine như một lá bài để thương lượng với Nga về những hồ sơ khác, còn quan trọng hơn cả vấn đề đất hiếm, nhất là khi bản thân Ukraine cũng không biết rõ về tiềm năng đất hiếm và những « khoáng sản chiến lược » đang có trong tay.

 

 

(Theo RFI)