Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 87.176 trường hợp mắc COVID-19 và 3.003 ca tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo nguy cơ "đỉnh dịch thứ hai" ngay trong "làn sóng thứ nhất" tại các quốc gia nới lỏng hạn chế, trong khi Brazil dường như đang bước sang "tuần đen tối" tiếp theo với số ca tử vong trong ngày đã vượt qua Mỹ.

 

Học sinh trở lại trường học tại Cheongju, Hàn Quốc vẫn tuân thủ giãn cách xã hội, ngày 20/5/2020. Ảnh: THX

 

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 26/5 (giờ GMT+7), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 5.581.259 ca, trong đó có 347.520 người thiệt mạng. Các nước cũng ghi nhận 2.360.742 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện nay là 53.145 và 2.874.400 ca đang điều trị tích cực. 

 

 

Trong 24 giờ qua, số quốc gia có ca tử vong ở mức 3 con số đã giảm khá nhiều, chỉ còn lại 7 nước, với số ca tử vong phần lớn đã giảm xuống dưới 500 người, trong đó đứng đầu là Brazil và Mỹ.

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25/5 cảnh báo các quốc gia nơi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang giảm vẫn có thể đối mặt với "đỉnh dịch thứ hai" ngay trong "làn sóng thứ nhất" nếu họ quá vội nới lỏng các biện pháp ngăn chặn. Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Michael Ryan cho rằng mặc dù số ca bệnh đang giảm xuống ở nhiều quốc gia, song tình trạng này lại gia tăng ở các khu vực Trung và Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi. Theo Tiến sĩ Ryan, các dịch bệnh thường diễn biến thành nhiều làn sóng. Do đó, một đợt bùng phát mới có thể tái diễn trong năm nay ở các khu vực mà làn sóng đầu tiên đã suy giảm. 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại California, Mỹ ngày 23/5/2020. Ảnh: AFP

 

Mỹ: Sàn giao dịch chứng khoán New York chính thức mở lại

 

Sàn giao dịch của Sở chứng khoán New York (NYSE) sẽ chính thức mở lại vào ngày 26/5 sau hai tháng đóng cửa vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1/4 số thành viên giao dịch tại sàn trước đây được trở lại làm việc trong thời gian trước mắt. Những người làm việc tại sàn sẽ phải đeo khẩu trang, tránh di chuyển bằng phương tiện công cộng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giãn cách xã hội tại nơi làm việc. 

 

Lễ rung chuông và các nghi lễ đánh dấu các sự kiện chào bán chứng khoán công khai lần đầu ra công chúng trước mắt sẽ không được tổ chức như thường lệ. Các hãng báo chí lớn cũng chưa được phép trở lại đưa tin trực tiếp tại sàn. Sàn giao dịch của NYSE là một trong những sàn chứng khoán lớn nhất thế giới mặc dù quy mô số người làm việc tại đây đã giảm đáng kể trong 20 năm qua kể từ khi nhiều giao dịch có thể được thực hiện trực tuyến. 

 

Tính đến 6 giờ sáng 26/5, số ca tử vong tại Mỹ đã lên tới 99.772 người, tăng 472 ca trong 24 giờ qua. Ngoài ra, Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca nhiễm với 1.706.364 người, tăng 19.232 ca. Cùng ngày, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết số ca tử vong vì COVID-19 tại bang New York, từng là tâm dịch của nước Mỹ đã giảm mạnh, trong ngày 24/5 chỉ còn 96 ca.

 

Bên trong một nhà tang lễ ở Queens, New York ngày 11/5/2020. Ảnh: Getty Images

 

Cùng ngày 25/5, Nhà Trắng thông báo đã quyết định cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với hầu hết công dân nước ngoài từng ở Brazil trong 2 tuần gần nhất, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang trở thành điểm nóng mới của đại dịch COVID-19. 

 

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày đe dọa sẽ hủy kế hoạch tổ chức Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa tại bang Bắc Carolina, trừ khi Thống đốc bang  này - thuộc đảng Dân chủ - đảm bảo sẽ nhanh chóng dỡ bỏ hạn chế tụ tập đông người.

 

Brazil: Số ca tử vong trong ngày vượt qua Mỹ

 

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong một cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ bên ngoài Cung Planalto ở Brasilia, ngày 24/5/2020. Ảnh: Getty Images

 

Brazil dường như đang bước vào một tuần "đen tối" khác khi các ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng thêm hàng ngàn trường hợp mỗi ngày trong lúc cách xử lý của Tổng thống Jair Bolsonaro ngày càng gây tranh cãi.

 

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận 11.280 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca lên 374.898, trong đó có 23.473 ca tử vong, tăng 757 trường hợp và đã vượt qua Mỹ về số ca tử vong trong ngày. Trước đó, từ ngày 23/5, nước này đã vượt qua Nga trở thành quốc gia có số ca bệnh COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

 

Trong khi đó, Chile và Mexico tiếp tục trải qua một ngày có thêm hàng ngàn ca bệnh mới, lần lượt là 4.985 và 2.764 ca, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh ở hai nước lên 73.997 (gồm 761 ca tử vong) và 68.620 ca (gồm 7.394 ca tử vong)

 

 

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Manaus, Brazil ngày 20/5/2020. Ảnh: AFP

 

 

Châu Âu dần trở lại cuộc sống bình thường

 

Tại châu Âu, người dân một số nước đang quay trở lại cuộc sống bình thường một cách chậm chạp và đầy lo lắng. Giao thông công cộng đang được nối lại mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế. Một số biên giới đang được mở trở lại cho dù điều này khó có thể diễn ra trên khắp lục địa. 

 

Là một trong những nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch, Tây Ban Nha đang từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và học sinh đã có thể đến trường trở lại. Ngày 25/5, quốc gia có lượng du khách trong và ngoài nước nhiều thứ hai thế giới đã lên tiếng mời gọi du khách nước ngoài trở lại nước này từ tháng Bảy tới. Bộ trưởng Du lịch Tây Ban Nha Reyes Maroto khẳng định "sẽ thật tuyệt" khi du khách khắp nơi lên kế hoạch nghỉ Hè tại Tây Ban Nha vào tháng Bảy tới với những chương trình hấp dẫn.

Trong ngày 25/5, Đan Mạch đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới với các nước khác ở Tây Bắc châu Âu và Đức.

 

Tại Bỉ, người dân bước vào phần tiếp theo của Giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Cụ thể, học sinh thuộc các cấp đã trở lại trường và việc đeo khẩu trang không còn bắt buộc đối với trẻ dưới 12 tuổi. Cùng ngày, Bộ Nội vụ Bỉ tuyên bố sẽ không áp đặt trở lại các biện pháp nghiêm ngặt nhằm khống chế dịch COVID-19 ngay cả khi làn sóng COVID-19 thứ hai xảy ra tại nước này. Bỉ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, với 57.092 ca mắc bệnh, trong đó có 9.280 ca tử vong. Dự kiến, chính phủ nước này sẽ họp với các lãnh đạo vùng, các chuyên gia kinh tế và y tế vào ngày 3/6 tới để thảo luận việc nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế. 

 

 Tại Hy Lạp, chính phủ đã cho phép các quán cafe và nhà hàng được mở cửa lại từ ngày 25/5. Cùng ngày, Chính phủ Iceland cũng nới lỏng mức báo động quốc gia đối với dịch COVID-19, cho phép hoạt động tụ tập tới 200 người. Các câu lạc bộ ban đêm và phòng tập thể dục mở cửa trở lại trong bối cảnh nước này cơ bản đẩy lùi được đại dịch.

 

Người dân chơi đùa trên bãi biển tại Ladispoli, gần Rome, Italy ngày 24/5/2020. Ảnh: THX

 

 

Theo thông báo của chính phủ, Iceland hạ mức cảnh báo từ “giai đoạn khẩn cấp” xuống “giai đoạn cảnh giác” – 2 trong số 3 giai đoạn. Cụ thể, các hoạt động tụ tập đông người sẽ được phép với điều kiện đảm bảo giữ khoảng cách ít nhất 2 mét. Các phòng tập có thể mở cửa trở lại nhưng chỉ với 50% công suất, trong khi các quán bar và nhà hàng có thể phục vụ khách đến 23h hàng ngày. Chính phủ Iceland đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng dịch từ đầu tháng 5 này khi cho phép các hiệu làm tóc, viện bảo tàng và trường học hoạt động trở lại.

 

Còn tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson ngày 25/5 tuyên bố nước này có thể mở cửa trở lại các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu vào ngày 15/6 nếu đại dịch COVID-19 vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Cũng theo Thủ tướng Johnson, kể từ ngày 1/6, các khu chợ ngoài trời và các phòng trưng bày xe hơi có thể được phép mở cửa trở lại nếu các cơ sở này đáp ứng các nguyên tắc chỉ đạo phòng, chống COVID-19. Thủ tướng Anh khẳng định: “Có những bước đi thận trọng song được cân nhắc kỹ lưỡng trên con đường hướng tới hoạt động tái thiết đất nước”.


Cùng ngày, Chính phủ Anh công bố số liệu cho thấy, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 121 trường hợp, hiện là 36.914 người.

 

Đức dự định kéo dài thời hạn giãn cách xã hội tới 5/7

 

Chính phủ Đức dự định tiếp tục kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 5/7 mặc dù sẽ nới lỏng một số hạn chế. Hiện đã có hai bang là Thüringen và Sachsen tuyên bố sẽ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế từ ngày 6/6 tới. Tuy nhiên kế hoạch này đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ từ nhiều chính trị gia cũng như các bang khác ở Đức, cho rằng hành động như vậy là quá mạo hiểm trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

 

Trong khi đó, mức giảm 2,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1/2020 là mức giảm hằng quý lớn nhất mà nền kinh tế Đức phải hứng chịu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 10 năm và là mức giảm lớn thứ hai kể từ năm 1990. Các nhà kinh tế dự báo sản lượng kinh tế của Đức sẽ giảm mạnh hơn trong quý II/2020, chủ yếu do tác động của các biện pháp phong tỏa áp dụng từ giữa tháng Ba nhằm khống chế dịch COVID-19.

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 18/5/2020. Ảnh: AFP

 

 

Hà Lan: Thêm bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 từ chồn

 

Bộ Nông nghiệp Hà Lan ngày 25/5 thông báo ca nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ 2 nghi có nguồn gốc lây nhiễm từ chồn nuôi. Cách đây khoảng 1 tháng, Chính phủ Hà Lan cũng đã thông báo về trường hợp chồn tại một trang trại ở miền Nam nước này nhiễm virus SARS-CoV-2 và sau đó, cơ quan chức năng nước này đã mở cuộc điều tra sâu rộng về nguồn gốc lây nhiễm. Tuần trước, Hà Lan thông báo về ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên nghi chồn là nguồn lây bệnh. Ở thông báo lần này, bà Carola Schouten thừa nhận những khuyến cáo trước đó của Bộ Nông nghiệp Hà Lan cho rằng người có thể lây virus cho động vật nhưng động vật không lây virus cho người là sai. 

 

Số ca mắc bệnh mới tại Hà Lan đã giảm đáng kể, trong ngày 25/5 có 209 ca, nâng tổng số ca COVID-19 hiện là 45.445, trong đó có 5.830 ca tử vong (tăng 8 trường hợp).

Pháp ước tính cần 500 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế

 

Các biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế Pháp sau cuộc khủng hoảng y tế COVID-19 có thể tiêu tốn tới 450 tỷ euro (khoảng 490 tỷ USD), tương đương với 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Đây là tuyên bố được Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đưa ra ngày 25/5.

 

Tính đến nay, Chính phủ Pháp đã "bơm" 110 tỷ euro để hỗ trợ trực tiếp cho nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng. Dự kiến, chính phủ sẽ điều chỉnh con số trên, với một dự luật sửa đổi ngân sách 2020 vào ngày 10/6 tới. Một trong những biện pháp gây tốn kém nhất là các khoản trợ cấp cho lao động nghỉ việc. Trong thời gian qua, Chính phủ Pháp đã hoàn lại đầy đủ cho các doanh nghiệp 70% tổng lương mà họ phải trả cho các lao động bị nghỉ việc và trong thời gian tới, số tiền trên sẽ được giảm dần. 

 

Số ca COVID-19 tại Pháp đến hiện tại là 182.942 ca, tăng 358 trường hợp trong ngày 25/5, với tổng số 28.432 ca tử vong, tăng thêm 199 ca.

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Lille, Pháp ngày 14/5/2020. Ảnh: THX

 

 

Nga: Số ca bệnh vượt mốc 350.000

 

Theo trang worldometers, số ca mắc bệnh COVID-19 tại Nga đã vượt mốc 350.000 người, lên tới 353.427 ca, sau khi tăng thêm 8.946 ca chỉ trong 24 giờ qua.

 

Cùng ngày Bộ Y tế Belarus cho biết tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này cũng đã tăng lên 37.144 ca, tăng 946 trường hợp so với một ngày trước, với tổng số ca tử vong là 204, tăng 5 ca. Tính theo tỷ lệ người nhiễm bệnh/1 triệu dân, Belarus hiện nằm trong số 20 quốc gia trên thế giới có tỉ lệ cao nhất, vượt qua cả Italy. Tuy nhiên, số người tử vong ở Belarus thấp hơn Italy 27 lần.

 

 

Nhân viên đô thị phun thuốc khử trùng nhà ga đường sắt ở Moskva, Nga nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 15/5/2020. Ảnh: THX

 

 

Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp

 

Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản ngày 25/5 đã chính thức tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp ở 5 khu vực gồm thủ đô Tokyo, tỉnh Kanagawa, tỉnh Chiba, tỉnh Saitama và tỉnh Hokkaido. Đây là những địa phương trong tổng số 47 tỉnh, thành phố được dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp lần lượt từ ngày 14/5 vừa qua. Với quyết định mới của chính phủ, người dân Nhật Bản hiện đã được phép tự do di chuyển khỏi nơi lưu trú, trong khi các doanh nghiệp cũng có thể hoạt động trở lại bình thường.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng Shinzo Abe khuyến cáo người dân tiếp tục đề cao tinh thần cảnh giác, đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng, giữ khoảng cách với người đối diện và hạn chế di chuyển quá xa khu vực lưu trú đến ít nhất là đầu tháng 6. Một tổ chuyên gia tư vấn chính phủ cũng đã được thành lập và sẽ tiến hành đánh giá 3 tuần/lần về tình hình dịch COVID-19 sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp, nhằm đề phòng bất kỳ diễn biến xấu nào xảy ra.

 

 

Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản ngày 25/5/2020. Ảnh: Kyodo

 

 

Trong 24 giờ qua, Nhật Bản ghi nhận 14 ca mắc COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân ở nước này lên 16.550 người. Số trường hợp tử vong cũng tăng 12 người, lên 820 trường hợp.

 

Ấn Độ: Số ca mắc COVID-19 vẫn tăng mạnh

 

Ấn Độ đã ghi nhận tới 6.405 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân lên 144.941 trường hợp. Hiện Ấn Độ là nước có số người mắc COVID-19 nhiều thứ 10 thế giới và nhiều nhất châu Á. Số ca tử vong cũng tăng 148 trường hợp, lên 4.172 người.

 

 

Số ca nhiễm gia tăng nhanh khi nhiều doanh nghiệp và các hoạt động vận tải được nối lại tại Ấn Độ do nước này chuyển sang giai đoạn mới của lệnh phong tỏa toàn quốc. Ngày 25/5 là ngày đầu tiên các chuyến bay nội địa Ấn Độ được phép hoạt động trở lại sau quyết định của chính phủ đưa ra tuần trước cho phép nối lại hoạt động hàng không nội địa. Vận tải đường sắt trong nước cũng được vận hành trở lại. Công ty Đường sắt Ấn Đ cho biết sẽ tăng thêm 2.600 chuyến tàu đặc biệt trong vòng 10 ngày tới để hỗ trợ đưa gần 3,5 triệu công nhân từ nhiều thành phố trở về nhà ở các vùng nông thôn.

 

 

Người lao động nhập cư chờ đợi lên xe khách ngày 18/5/2020. Ảnh: PTI

 

 

Trong khi đó, Bộ Y tế Bangladesh ngày 25/5 cho biết số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua tại nước này là 1.975 người, đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 8/3, đưa tổng số ca mắc COVID-19 tại Bangladesh lên 35.585 trường hợp. Ngoài ra, Bangladesh còn ghi nhận  21 ca tử vong mới và hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên 501 trường hợp.

 

Hàn Quốc buộc đeo khẩu trang trên các chuyến bay 

 

Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc thông báo từ ngày 27/5, các hãng hàng không của nước này sẽ yêu cầu tất cả hành khách trên các chặng bay nội địa và quốc tế phải đeo khẩu trang trên máy bay do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan. Hãng hàng không quốc gia Korean Air Lines sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với hành khách trên các tuyến bay quốc tế sau khi trở thành hãng hàng không đầu tiên của Hàn Quốc đưa ra quy định này trên các tuyến nội địa từ ngày 18/5. Các hãng hàng không khác như Asiana Airlines - hãng hàng không lớn thứ hai ở Hàn Quốc, và 7 hãng hàng không giá rẻ cũng cho biết sẽ tuân thủ yêu cầu của chính phủ.

 

 

Hành khách chờ đợi tại quầy làm thủ tục ở sân bay Incheon, Hàn Quốc ngày 29/4/2020. Ảnh: Yonhap

 

 

Trong bối cảnh học sinh cấp tiểu học và trường mẫu giáo sẽ bắt đầu đi học trở lại vào ngày 27/5 tới, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã ra quy định giới hạn quy mô các lớp học, theo đó không quá 70% tổng số học sinh được tới trường cùng lúc. Bộ trên nhấn mạnh đây là biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại. 

 

 

Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh tại một trường trung học ở Seoul, Hàn Quốc ngày 20/5/2020. Ảnh: THX

 

 

Ở khu vực Đông Nam Á, số ca mắc COVID-19 mới ở Malaysia tăng gần gấp 3 lần trong ngày 25/5 so với ngày trước đó, đồng thời là mức cao nhất trong 3 tuần qua. Theo Bộ Y tế Malaysia, nước này đã ghi nhận 172 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. Đây cũng là lần đầu tiên sau 21 ngày, số ca mắc COVID-19 ở Malaysia trở lại mức 3 con số.

 

Thái Lan trong ngày 25/5 ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 57 người. Thái Lan cũng xác nhận thêm 2 ca mắc COVID-19, sau khi không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong ngày hôm trước. Như vậy, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.042 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 96% đã bình phục (2.928 ca) và chỉ còn 57 trường hợp đang được điều trị tại bệnh viện.

 

 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nam Tangerang, Indonesia ngày 14/5/2020. Ảnh: THX

 

 

Tại Châu Đại dương, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố từ ngày 29/5 tới sẽ nới lỏng hơn nữa các hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ngày 25/5, bà Ardern cho biết việc áp dụng sớm các biện pháp nghiêm ngặt đã đem lại hiệu quả và điều người dân cần làm hiện này là tiếp tục cảnh giác với bệnh dịch. Nội các của bà Ardern sẽ xem xét lại các hạn chế trong 2 tuần tới.

 

Cùng ngày, Chính phủ New Zealand công bố khoản trợ cấp mới trị giá 490 NZD (330 USD)/tuần cho các công dân mất việc do COVID-19. Khoản trợ cấp này được miễn thuế và sẽ được chi trả trong thời gian 12 tuần, nhưng không áp dụng đối với người lao động nhập cư