Tổng thống Nga Vladimir Putin (ở giữa bên trái) và nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong Un (ở giữa bên phải,) thăm Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur vào ngày 13/9/2023. (Ảnh: Mikhail Metzel/POOL/AFP/Getty Images)
QUỐC TÊ - Hôm 13/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm với nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un, tại sân bay vũ trụ Vostochny. Ông Putin cho biết ông sẽ thảo luận ‘mọi vấn đề’ với ông Kim Jong-un, điều này thu hút sự chú ý của tất cả các nước. Truyền thông Anh cho rằng, có ba lý do chính khiến Nga và Bắc Hàn muốn phát triển hơn nữa quan hệ song phương.
Hôm 13/9, ông Putin và ông Kim đã gặp nhau tại sân bay vũ trụ Vostochny ở Vùng Viễn Đông Amur của Nga, thăm cơ sở hạ tầng và tổ chức các cuộc đàm phán.
Phát biểu trên truyền hình hôm 13/9, nhà lãnh đạo Nga nói rằng ông Kim "sẽ đến thăm các nhà máy sản xuất thiết bị hàng không dân dụng và chiến đấu" ở thành phố Komsomolsk-on-Amur. Ông nói thêm rằng ông Kim Jong-un cũng sẽ tới thăm cảng Vladivostok ở Viễn Đông để giám sát buổi trình diễn tàu chiến Nga, thăm Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok cũng như Viện Hàn lâm Khoa học Nga, bao gồm các phòng thí nghiệm nghiên cứu sinh vật biển.
3 lý do khiến ông Putin và Kim Jong-un gặp mặt
Theo đài BBC News của Anh, ông Putin và ông Kim Jong-un có nhiều điểm tương đồng trong những năm qua.
- Thứ nhất, cả hai đều bị cô lập với cộng đồng quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu nên cả hai hiếm khi công du nước ngoài. Ông Putin chưa có chuyến công du nước ngoài nào trong năm nay, trong khi ông Kim Jong-un cũng chưa ra khỏi lãnh thổ Bắc Hàn. Cả hai đang ngày càng trở nên phụ thuộc vào chính quyền Bắc Kinh.
- Thứ hai, cả Nga và Bắc Hàn vẫn phải hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế khắc nghiệt và mỗi bên đều có những nguồn lực và công nghệ mà bên kia rất cần.
- Thứ ba, cả ông Putin và ông Kim Jong-un đều coi chính phủ Mỹ do ông Biden lãnh đạo và các nước phương Tây là đối thủ.
Đối mặt với thực tế địa chính trị toàn cầu hiện nay và môi trường bị cô lập quốc tế, cả Putin và Kim Jong-un đều quan tâm đến việc phát triển hơn nữa quan hệ song phương.
Xét về mặt hợp tác quân sự, quân đội Nga đã tiêu thụ một lượng lớn vũ khí và đạn dược trong chiến tranh Nga - Ukraine, trong khi ngành công nghiệp quốc phòng quy mô lớn của Bắc Hàn chắc chắn có thể cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga. Đây cũng là cơ hội vàng để chính quyền Bình Nhưỡng chứng minh cho thế giới bên ngoài thấy rằng họ có thể cung cấp vũ khí cho Moscow.
Vào tháng Bảy năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, đã dẫn đầu một phái đoàn tham gia lễ kỷ niệm 70 năm đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên và đích thân ông Kim Jong-un đã dẫn ông đi tham quan một cuộc triển lãm vũ khí.
Tháng trước, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã cảnh báo rằng Bắc Hàn sẽ "phải trả giá" nếu họ cung cấp vũ khí cho Nga.
Ông Sullivan nói rằng Moscow đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Bình Nhưỡng, vì “Washington không ngừng siết chặt cơ sở công nghiệp quốc phòng của Moscow và giờ đây họ đang tìm kiếm bất kỳ nguồn nào có thể để cung cấp cho họ những thứ như đạn pháo".
Quan chức Mỹ nói thêm rằng việc cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine "sẽ ảnh hưởng xấu đến Bắc Hàn và họ sẽ phải trả giá cho điều này trong cộng đồng quốc tế".
Bắc Hàn đã hứng chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc kể từ năm 2006 vì chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Hiện nay, có những dấu hiệu cho thấy Nga và Bắc Hàn có xu hướng tăng cường hợp tác quân sự.
Đối với Bắc Hàn, sau 3 năm đóng cửa biên giới vì đại dịch Covid-19 và các lệnh trừng phạt hà khắc của cộng đồng quốc tế, họ không chỉ cần một lượng lớn lương thực, nhiên liệu và kinh phí mà còn cần Nga chia sẻ những công nghệ nhạy cảm như như vũ khí hạt nhân và công nghệ hàng không vũ trụ, cũng như cải tiến vũ khí hạt nhân và vệ tinh.
Khi tiếp tục bị cộng đồng quốc tế trừng phạt nặng nề, Nga và Bắc Hàn ngày càng phụ thuộc vào chính quyền Bắc Kinh. Đối mặt với Mỹ, Nga gửi thông điệp: "Moscow phải tự lựa chọn bạn bè của mình và không ai có thể tác động đến sự lựa chọn này".
Bắc Hàn cũng đưa ra cảnh báo tới đồng minh của Mỹ là Nam Hàn vì tình hình trên bán đảo Triều Tiên (Hàn Bán đảo): " Đừng quá thân thiết với Mỹ”.
Truyền thông Mỹ: Bắc Kinh lo ngại tình hình Đông Bắc Á ngày càng bất ổn
Đài VOA đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, ông John Herbst, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine và giám đốc cấp cao của Trung tâm Á - Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, tin rằng chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ e ngại về cuộc gặp giữa ông Putin và ông Kim Jong-un ở vùng Viễn Đông.
Ông Herbst cho biết Bắc Kinh đã cử Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Quốc Trung, tới Bình Nhưỡng để hội đàm với ông Kim Jong-un trước khi ông Kim lên đường sang Nga.
Điều này “cho thấy rằng họ (Bắc Kinh) muốn đảm bảo rằng ông Kim Jong-un nhận thức được mối quan tâm và lợi ích của Trung Quốc".
Ông Herbst cho rằng Bắc Kinh nghi ngờ việc Bình Nhưỡng tham gia các cuộc tập trận quân sự Trung - Nga. Động thái này có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ và khiến Nam Hàn, Nhật Bản phải tăng cường hợp tác với Mỹ.
Trong khi đó, truyền thông đại lục The Paper đưa tin, khi đề cập đến vấn đề chuyến thăm Nga của ông Kim Jong-un, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết: “Về chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Bắc Hàn, đây là sự dàn xếp giữa Bắc Hàn và Nga. Chúng tôi không có thông tin để cung cấp”.
Về cuộc gặp giữa lãnh đạo Trung Quốc và Nga, bà Mao Ninh cho biết ông Tập Cận Bình và ông Putin đã tiến hành liên lạc chiến lược thông qua nhiều phương pháp khác nhau.
(Theo ntdvn.net - Lam Giang tổng hợp)