Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (phải) và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tại thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 17/3/2023. (Ảnh: Adem Altan/AFP/Getty Images)
ÂU CHÂU - Hôm thứ Năm (30/3), Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, xóa bỏ trở ngại cuối cùng trên con đường gia nhập liên minh quân sự phương Tây vốn bị trì hoãn từ lâu của quốc gia Bắc Âu này.
Tất cả 276 nhà lập pháp có mặt tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Hungary cũng tán thành việc gia nhập NATO của Helsinki.
Trong bối cảnh Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine một năm trước, Phần Lan và Thụy Điển đã quyết định từ bỏ lập trường không liên kết kéo dài hàng thập kỷ của họ và nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, để chính thức trở thành thành viên NATO, các nghị định thư kết nạp Helsinki và Stockholm cần phải được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên liên minh phê chuẩn. Tính đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là hai thành viên NATO cuối cùng phê chuẩn việc gia nhập của Phần Lan.
Trong khi đó, nỗ lực gia nhập liên minh của Thụy Điển vẫn tiếp tục bị “bỏ ngỏ”. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đều không bật đèn xanh cho nước này bất chấp việc Thụy Điển vẫn luôn bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng của NATO.
Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia kiên quyết phản đối đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển với lý do nước này từ chối dẫn độ các thành viên đảng công nhân người Kurd (PKK). Ankara coi PKK là tổ chức khủng bố.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc cả Thụy Điển và Phần Lan đã "quá mềm mỏng" đối với các nhóm khủng bố này.
Quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển trở nên căng thẳng sau cuộc biểu tình ở Stockholm hôm 21/1. Theo đó, một nhà hoạt động chống Hồi giáo đã đốt bản sao của kinh Koran bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Stockholm. Đây được cho là hành động xúc phạm đối với người Hồi giáo, càng khiến Ankara tức giận và thờ ơ trước nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu ngày 5/4/2021. (Ảnh: Adem Altan/AFP/Getty Images)
Cùng ngày, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã lên án cuộc biểu tình đốt kinh Koran của ông Rasmus Paludan và gọi đó là sự xúc phạm vô cùng nghiêm trọng đối với người Hồi giáo. Ông đặc biệt phẫn nộ với việc chính quyền Thụy Điển cho phép cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm diễn ra dưới sự "bảo vệ" của lực lượng an ninh.
“Rõ ràng là những kẻ đã cho phép hành động báng bổ như vậy diễn ra trước Đại sứ quán của chúng tôi không còn có thể mong đợi bất kỳ sự ủng hộ của chúng tôi đối với tư cách thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của họ”, ông Erdogan nói trong những bình luận đầu tiên liên quan đến các cuộc biểu tình hồi cuối tuần qua. Đồng thời, ông cũng cho rằng Thụy Điển hẳn đã tính toán hậu quả của việc cho phép cuộc biểu tình của ông Paludan.
Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã đình chỉ các cuộc đàm phán gia nhập NATO với hai nước Bắc Âu.
Trở ngại chưa dừng lại ở đó, chính phủ Hungary cho rằng một số chính trị gia Thụy Điển đã buông ra những lời chê bai về nền dân chủ của Hungary và đóng một vai trò then chốt trong việc đóng băng hàng tỷ USD của Liên minh châu Âu (EU) do bị cáo buộc vi phạm luật pháp và dân chủ.
Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, không giống như Thụy Điển, Phần Lan đã hoàn tất các cam kết của mình theo một bản ghi nhớ được thống nhất vào năm 2022. Bản ghi nhớ nêu rõ rằng hai quốc gia cam kết giải quyết các mối quan ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Akif Cagatay Kilic, một chính trị gia thuộc đảng cầm quyền của ông Erdogan, nói với Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ trước cuộc bỏ phiếu,"Là một thành viên NATO, đương nhiên chúng tôi có những kỳ vọng và yêu cầu về các vấn đề an ninh của đất nước chúng tôi",
"Tôi muốn nhấn mạnh các biện pháp và cách thức triển khai cụ thể của Phần Lan, quốc gia đã hỗ trợ và định hình quyết định mà chúng tôi đang đưa ra tại đây".
Ông Kilic nói thêm: "Tôi biết rằng có rất nhiều người đang theo dõi chúng tôi từ Phần Lan. ... Chúng tôi có thể nói với họ rằng: 'Chào mừng đến với NATO’”.
Tuy nhiên, một số đảng đối lập đã chỉ trích lập trường của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với hai quốc gia Bắc Âu.
Ông Hisyar Ozsoy, một nhà lập pháp của đảng ủng hộ người Kurd, cho biết "Thật không may, (đảng cầm quyền của ông Erdogan) đã biến quyền phủ quyết tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển thành một công cụ để tống tiền và đe dọa. Chúng tôi không tán thành điều đó",
"Chúng tôi nhận thấy quá trình thương lượng (để gây áp lực) dẫn độ các nhà văn, chính trị gia và nhà báo bất đồng chính kiến người Kurd ... là xấu xa, sai trái và phi pháp".
Phát biểu trước báo giới hồi đầu tuần này về tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, ông Erdogan nói rằng: "Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi một số điều từ phía họ. Thụy Điển trước hết phải hoàn tất những điều đó".
Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5/2022. Đến nay, đã có 28 trên tổng số 30 quốc gia thành viên NATO chấp nhận để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập tổ chức này. Hai nước thành viên chưa nhất trí việc kết nạp là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ đang được coi là trở ngại lớn hơn cả.
Hồi tháng 6/2022, Thụy Điển và Phần Lan ký thỏa thuận 3 bên với Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu thuyết phục Ankara đồng ý để 2 nước này gia nhập NATO. Stockholm và Helsinki cho biết họ đáp ứng một số yêu cầu của Ankara, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng như vậy là chưa đủ.
Hôm 1/3, Quốc hội Phần Lan đã phê chuẩn nước này gia nhập NATO. Phần Lan có đường biên giới dài khoảng 1.340 km với Nga.
Hôm 17/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Quốc hội nước này sẽ xúc tiến việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, mở đường cho nước này gia nhập liên minh trước Thụy Điển.
Nếu được kết nạp vào liên minh NATO, Thụy Điển sẽ chấm dứt hai thế kỷ duy trì chính sách trung lập.
Phát biểu trước Quốc hội hôm 22/3, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom đã bày tỏ sự lạc quan về cơ hội của Thụy Điển gia nhập NATO vào thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của khối này tại Vilnius, Litva vào tháng 7/2023.
!uan chức này cho hay "Điều hiển nhiên là Thụy Điển sẽ trở thành thành viên của Vilnius”.
Theo hãng tin AP cho hay, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom phát biểu trước Quốc hội trong phiên tranh luận trước cuộc bỏ phiếu, nói "Việc trở thành thành viên NATO là cách tốt nhất để bảo vệ an ninh của Thụy Điển và góp phần đoàn kết an ninh trong toàn bộ khu vực châu Âu - Đại Tây Dương".
Sau đó, ngày 27/3, Quốc hội Hungary cũng đã phê chuẩn nghị định thư kết nạp Phần Lan vào NATO sau nhiều tháng trì hoãn mà không có Thụy Điển.
Hai nước láng giềng Bắc Âu là các đồng minh truyền thống về văn hóa, kinh tế và chính trị vì Thụy Điển không xảy ra xung đột quân sự trong 200 năm qua và Phần Lan vẫn duy trì chính sách trung lập kể từ Thế chiến II.
(Theo ntdnv.net)