Hội nghị Diễn Đàn Hợp Tác Trung Quốc - Phi Châu tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 05/09/2024. AFP - GREG BAKER
PHI CHÂU - Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Phi Châu (FOCAC) ngày 05/09/2024, chủ tịch Tập Cận Bình thông báo sẽ cấp hơn 50 tỉ đô-la cho các đối tác Phi châu trong vòng 3 năm tới. Các dự án đầu tư vào Phi châu sẽ được Trung Quốc thực hiện theo định hướng mới được chủ tịch Tập Cận Bình công bố tại Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ 3 vào năm 2023, bền vững hơn, « xanh » hơn và tập trung vào cộng đồng địa phương.
Các đối tác Phi châu cũng kỳ vọng tiếp tục nhận được những khoản đầu tư mới và đặc biệt là những khoản vay ưu đãi hơn từ Bắc Kinh.
Thực ra, ngay năm 2021, Trung Quốc đã nhấn mạnh đến mô hình đầu tư « nhỏ và đẹp », ít rủi ro về tài chính hơn cho cả Bắc Kinh cũng như các nước Phi châu. Bắc Kinh rút kinh nghiệm từ những đại dự án hạ tầng « chìa khóa trao tay » ở châu Phi thông qua những khoản vay dễ dãi cho các đối tác. Không những bị cáo buộc là « giăng bẫy nợ » cho những nước này, rất nhiều dự án bị chỉ trích là thiếu tính chiến lược, xa rời thực tế, không mang lại những kết quả về kinh tế như kỳ vọng, hoặc không có lợi cho người dân địa phương.
Một ví dụ được chuyên gia nghiên cứu về Phi châu, Jana de Kluiver, nêu lên trên trang ISS Africa ngày 24/07 là tuyến đường sắt đường sắt khổ tiêu chuẩn ở Kenya có kinh phí quá lớn nhưng người dân không được hưởng lợi, có nghĩa là lợi ích kinh tế thu được không bù được cho khoản hoàn vốn vay. Chưa kể là chính các ngân hàng, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng bị rơi vào chiếc bẫy đó. Vì theo chuyên gia sử học Jodie Sun, chuyên gia về Phi châu tại Đại học Phục Đán (Fudan) ở Thượng Hải, được nhật báo Pháp Les Echos trích dẫn, « bất kỳ chủ nợ nào cũng muốn thu lợi từ đầu tư ».
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại trong những năm đóng cửa chống dịch Covid-19 và nay vẫn chưa phục hồi, tiếp theo là « những căng thẳng về địa chính trị, những khó khăn kinh tế » trên thế giới, theo giải thích của giáo sư Tang Xiaoyang, Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Cho dù năm 2023 được coi là năm Trung Quốc cấp nhiều vốn nhất từ 5 năm qua cho Phi châu (chủ yếu cho các đối tác lớn Angola, Ethiopia, Ai Cập, Nigeria và Kenya) nhưng giới phân tích cho rằng Bắc Kinh nay tỏ ra dè dặt trong việc cấp những khoản vay lớn và chọn lọc hơn trong các dự án.
Kinh tế Trung Quốc không còn đủ sức cho vay ồ ạt
Trung Quốc sẽ hướng đến những dự án bền vững hơn, đặc biệt dành ưu tiên cho các lĩnh vực năng lượng tái tạo, chăm sóc y tế và công nghệ, để người dân địa phương cũng được hưởng lợi. Mục đích là để hạn chế phá hoại môi trường dẫn đến bất bình xã hội và ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc, như đã từng xảy ra với nhiều dự án lớn, ví dụ tuyến cao tốc Kampala-Entebbe ở Uganda.
Một trong những lĩnh vực « sạch » được Bắc Kinh tập trung khai thác ở Phi châu là xe hơi điện, bình điện và pin mặt trời. Trong khi sản xuất vượt quá nhu cầu trong nước, để kích thích ngành công nghiệp, Trung Quốc phải tìm đầu ra mới cho những mặt hàng này, do đang bị Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đánh thuế cao do bị cáo buộc trợ giá. Châu lục vẫn quen sử dụng xe hơi đã qua sử dụng, trong đó có xe của nhiều hãng Nhật Bản, là một thị trường rộng lớn đối với Trung Quốc. Chỉ riêng năm 2023, số lượng xe hơi điện Trung Quốc xuất sang Phi châu đã tăng 291%, theo nhật báo Les Echos.
Trung Quốc - Phi châu xác định lại mối quan hệ
Dịch Covid-19 cũng khiến quan hệ Trung Quốc - Phi Châu tạm dừng. Cho nên Diễn đàn FOCAC 2024 còn là cơ hội để hai bên tái xác định mối quan hệ và mở ra một chương mới. Chuyên gia phân tích Ovigwe Eguegu, tại trung tâm Developtmen Reimagined chuyên về hợp tác Trung Quốc - Phi Châu, nhận định « các nước Phi châu đang trong giai đoạn muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực » và tiếp tục « tìm cơ hội cho tăng trưởng, phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng ».
Tuy nhiên, đã qua rồi thời kỳ Trung Quốc hào phóng đầu tư, còn các đối tác châu lục dễ dàng tìm đến các tổ chức cấp vốn Á châu vì ít bị ràng buộc về điều kiện mà các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển Phi châu đặt ra. Giáo sư Tang Xiaoyang đánh giá « mô hình cũ giờ không còn thực hiện được nữa ».
Cuối cùng, chuyên gia nghiên cứu Jana de Kluiver cho rằng các nước Phi châu phải rút ra được bài học từ một thập niên hợp tác với Trung Quốc : cần xác định mục tiêu và chiến lược của họ trước khi cam kết với các đối tác nước ngoài. Nếu không Phi châu có nguy cơ trở thành nơi cổ vũ cho những ưu tiên của các cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Còn theo Stephen Brawer, chủ tịch Viện Vành đai & Con đường ở Thụy Điển (Institute Belt & Road), khi điều chỉnh chiến lược trong dự án Con đường tơ lụa mới, để thích nghi với những nhu cầu tại nước đối tác và để sáng kiến tiếp tục tồn tại, Trung Quốc muốn khẳng định vẫn giữ vai trò quan trọng trong mối quan hệ quốc tế.
(Theo RFI Việt ngữ)