Tướng Abdourahamane Tiani, nhà lãnh đạo mới của Niger, phát biểu trên truyền hình quốc gia và đọc một tuyên bố với tư cách là "Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ Tổ quốc Quốc gia", sau khi Tổng thống đắc cử Mohamed Bazoum bị lật đổ. (Ảnh: -/ORTN - Télé Sahel/AFP via Getty Images)
 

 

 

Mới đây, thủ lĩnh nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga, Yevgeny Prigozhin, đã gọi cuộc đảo chính tại Niger là "tin tốt" và không giấu giếm ý định đưa thành viên Wagner đến quốc gia Tây Phi để "mang đến trật tự".

 

Trong một đoạn ghi âm đăng tải trên kênh Telegram cá nhân hôm 28/7, người được cho là ông Prigozhin nói: "Những gì xảy ra ở Niger là cuộc đấu tranh của người dân Niger với thực dân. Những kẻ thực dân đã cố áp đặt quy định, điều kiện với cuộc sống người dân Niger và khiến người Niger mãi mắc kẹt trong tình thế như châu Phi hàng trăm năm trước".

 

 

Trùm Wagner cho biết không liên quan đến vụ đảo chính song mô tả đây là khoảnh khắc Niger tự "giải phóng" khỏi phương Tây và tạo ra một kiểu dấu hiệu để nhóm Wagner của ông đến giữ trật tự.

 

"Giờ đây, họ đã giành được độc lập. Phần còn lại phụ thuộc vào công dân Niger và cách quản lý đất nước hiệu quả", ông Prigozhin nói.

 

Nhà tài phiệt người Nga gợi ý rằng hàng nghìn thành viên Wagner có thể đến Niger "lập lại trật tự và tiêu diệt những kẻ khủng bố, ngăn chúng làm hại dân thường".

 

Theo Reuters, nội dung phát biểu trong đoạn tin nhắn giống với cách sử dụng từ ngữ của thủ lĩnh Wagner. Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác nhận chính xác chính xác danh tính người này.

 

Tối 26/7, các binh sĩ tuyên bố tiến hành đảo chính và giam giữ Tổng thống Niger Mohamed Bazoum trong dinh thự của ông. Không rõ lực lượng nào đứng sau vụ đảo chính này.

 

 

Những người ủng hộ lực lượng quốc phòng và an ninh Niger tấn công trụ sở của Đảng Dân chủ và Chủ nghĩa xã hội Niger (PNDS), đảng của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum, ở Niamey vào ngày 27 tháng 7 năm 2023. (Ảnh: -/AFP via Getty Images)

 

 

Quân đội Niger sau đó tuyên bố ủng hộ phe đảo chính. Ngày 28/7, chỉ huy lực lượng cận vệ Abdourahamane Tiani thông báo mình là lãnh đạo chính quyền chuyển tiếp, nói rằng cuộc đảo chính diễn ra vì "tình hình an ninh ngày càng tồi tệ".

 

Hôm 27/7, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết Mỹ không thấy có dấu hiệu Wagner liên quan đến đảo chính ở Niger.

 

Niger là một trong những nước nghèo nhất thế giới, không giáp biển và có tới hơn 80% diện tích lãnh thổ bị bao phủ bởi sa mạc Sahara. Trong số 25 triệu người Niger, phần lớn dân cư tập trung ở phía nam và phía tây của đất nước, nơi có đất đai bớt cằn cỗi và khí hậu bớt khắc nghiệt hơn.

 

Dù vậy, Niger là quốc gia sở hữu một số mỏ quặng uranium lớn nhất. Quốc gia này liên tục phải đối mặt vấn đề mất an ninh, đặc biệt trong bối cảnh các nhóm cực đoan giành chỗ đứng tại nước láng giềng Mali từ năm 2012. Bất ổn chính trị gây ra xung đột khiến hàng nghìn người thiệt mạng và 6 triệu người phải sơ tán trong khu vực.

 

Cuộc đảo chính tại Niger diễn ra khi chính quyền của Tổng thống Bazoum được đánh giá là một trong những đồng minh quan trọng của phương Tây trong hoạt động chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở vùng Sahel của Châu Phi. Binh sĩ của một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Pháp, đang đóng quân tại Niger.

 

Liên Hợp Quốc và các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp đã lên án cuộc đảo chính. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 28/7 điện đàm với Tổng thống Niger Mohamed Bazoum, cho biết nước này sẽ tiếp tục làm việc để "đảm bảo khôi phục hoàn toàn trật tự hiến pháp và quy tắc dân chủ ở Niger".

 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 27/7 nói rằng trật tự hiến pháp ở Niger nên được khôi phục. Một ngày sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov, người cũng là Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Trung Đông và Syria, khẳng định Moscow không liên quan tình hình ở Niger, hãng thông tấn TASS đưa tin.

 

Theo Reuters, tin nhắn thoại là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông Prigozhin và nhóm ông vẫn hoạt động ở châu Phi. Trong cuộc phỏng vấn công bố đầu tuần này, Prigozhin tuyên bố lực lượng Wagner sẵn sàng tăng cường hiện diện ở châu Phi sau khi đã "hoàn tất nghĩa vụ" ở châu Âu.

 

Wagner hoạt động ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có những nước châu Phi như Libya, Cộng hòa Trung Phi và Sudan. Lực lượng này được cho là ký hợp đồng đảm bảo an ninh với các nước để đổi lại quyền khai thác vàng và khoáng sản tại đây.

 

Tuy nhiên, vai trò của Wagner ở Cộng hòa Trung Phi, Mali và các nơi khác thuộc châu Phi là mối lo ngại của các nước phương Tây, trong đó có Pháp và Mỹ. Washington coi Wagner là tổ chức tội phạm và áp đặt biện pháp trừng phạt.

 

 

Việc phát hành tin nhắn thoại trên trang cá nhân của trùm Wagner trùng với sự xuất hiện của ít nhất 2 bức ảnh trên Telegram cho thấy ông Prigozhin gặp gỡ các quan chức châu Phi tham dự hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi kéo dài 2 ngày ở St Petersburg (Nga), kết thúc hôm 28/7.

 

Reuters đã xác minh địa điểm trong một trong những bức ảnh là khách sạn Trezzini Palace ở St Petersburg, quê hương của ông Prigozhin. Sợi dây mà quan chức từ Cộng hòa Trung Phi đeo trong tấm ảnh khớp với dây được cấp cho các đại biểu dự hội nghị.

 

Trước những cáo buộc của phương Tây, ông Prigozhin hoàn toàn bác bỏ, nói rằng tất cả hoạt động của Wagner là hợp pháp và có lợi cho các quốc gia nơi nhóm hoạt động, cũng như mang lại lợi ích cho mối quan hệ của những nước đó với Nga.

 

(ntdvn.net, Viên Minh)