Đại hội đồng Liên hợp quốc xác định trong một cuộc bỏ phiếu, 143 ủng hộ và 9 phản đối, rằng Nhà nước Palestine đủ điều kiện và cần được thừa nhận là thành viên của Liên hợp quốc tại Trụ sở Liên hợp quốc. Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu để xác định xem Nhà nước Palestine có đủ điều kiện và có nên được thừa nhận là thành viên của Liên hợp quốc hay không. (Ảnh của Derek French / Hình ảnh SOPA/Sipa USA) Nguồn: SIPA USA / Derek French / Hình ảnh SOPA/Derek French / Hình ảnh SOPA/Sipa USA
Úc là một trong 143 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Nhưng phe đối lập chỉ trích quyết định này và cho rằng bằng cách bước ra khỏi đường lối của các đồng minh quan trọng, Úc đang gửi đi một thông điệp đáng xấu hổ.
Úc đã bỏ phiếu ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc.
Úc nằm trong số 143 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết, trong đó khuyến nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét lại việc cấp tư cách thành viên đầy đủ cho Palestine.
Thủ tướng Anthony Albanese nói rằng cuộc bỏ phiếu phù hợp với quan điểm lâu dài của lưỡng đảng Úc.
“Quan điểm của lưỡng đảng về sự cần thiết của giải pháp hai nhà nước đã tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Nghị quyết được đưa ra tại Liên hợp quốc đã nói về vấn đề biên giới năm 1967. Nghị quyết nhất quán với việc người Palestine có quyền sống trong hòa bình và an ninh, bên cạnh Israel, đồng thời khẳng định Israel cần phải tiếp tục quản lý tình trạng bất ổn song song song với duy trì hòa bình và sự ổn định.”
Ngoại trưởng Penny Wong cho biết Úc bỏ phiếu nhằm nỗ lực bảo đảm hòa bình trong khu vực.
Tuy nhiên, bà nói rằng việc bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này không có nghĩa là Úc công nhận một nhà nước Palestine.
Bà nói “Nghị quyết này giữ nguyên tư cách quan sát viên của phái đoàn Palestine, với việc mở rộng một số quyền bổ sung khiêm tốn để tham gia vào các diễn đàn của Liên hợp quốc. Nó không trao quyền thành viên của phái đoàn Palestine tại Liên hợp quốc. Nó không trao cho phái đoàn Palestine quyền thành viên và quyền biểu quyết tại Đại hội đồng. Những gì nghị quyết này đưa ra phù hợp với giải pháp hai nhà nước, thể hiện nguyện vọng của Đại hội đồng về việc người Palestine trở thành thành viên của Liên hợp quốc. Nghị quyết này không có nghĩa là Liên hợp quốc hay Úc công nhận một nhà nước Palestine.”
Mặc dù không thể cấp tư cách thành viên đầy đủ, nhưng nghị quyết này đã mở rộng một cách khiêm tốn các quyền quan sát viên của người Palestine tại Liên hợp quốc.
Tiến sĩ Bryce Wakefield từ Viện Quan hệ Quốc tế Úc đã nói với Channel Nine rằng quyết định này cho phép Palestine có một ghế trong Đại hội đồng.
“Palestine có thể đưa một số điều vào chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc và có thể sắp xếp nhân viên và ủy ban của mình, nhưng Palestine không đạt được nguyện vọng của mình là kêu gọi thành lập nhà nước cho người Palestine. Tuy nhiên, điều này cho thấy khát vọng vẫn còn đó, và các thành viên nhìn chung sẽ ủng hộ vào một giai đoạn nào đó trong tương lai."
Hoa Kỳ, Israel và 7 nước khác đã bỏ phiếu chống lại dự thảo nghị quyết.
25 nước khác, trong đó có Canada và Anh, bỏ phiếu trắng.
Phe đối lập đang chỉ trích quyết định ủng hộ cuộc bỏ phiếu của chính phủ và cho rằng bằng cách bước ra khỏi đường lối của các đồng minh quan trọng, Úc đang gửi đi một thông điệp đáng xấu hổ.
Cựu Thủ tướng Scott Morrison viết trên mạng xã hội rằng cuộc bỏ phiếu là hành động chính sách thù địch nhất của bất kỳ chính phủ Úc nào đối với Israel.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao của phe đối lập Simon Birmingham cho hay chính phủ phải chịu áp lực và làm như vậy là đang khuyến khích bạo lực.
“Chính phủ đã đảo ngược quan điểm đã có từ lâu của lưỡng đảng: rằng Úc sẽ công nhận một nhà nước Palestine trong tương lai sau giải pháp hai nhà nước được đàm phán, trong đó có những câu hỏi khó như vấn đề biên giới trong tương lai, quyền trở về và các câu hỏi khác xung quanh việc bảo đảm an ninh đã được giải quyết một cách hợp lý. Hành động này của chính phủ gửi đi những tín hiệu sai lầm vì Hamas, Iran và những kẻ khủng bố khác sẽ xem đây là phần thưởng cho những nỗ lực của họ."
Tuy nhiên, Thủ tướng Albanese bác bỏ quan điểm cho rằng ủng hộ người Palestine có nghĩa là chống lại người Israel.
Thủ tướng Anthony Albanese nói “Quý vị có thể ủng hộ nhân quyền cho người Palestine mà không làm mất đi nhân quyền của những người dân Israel.”
Ngoại trưởng Penny Wong nói rằng nghị quyết đã thay đổi đáng kể kể từ khi được soạn thảo lần đầu tiên cho đến khi được biểu quyết thông qua, đồng thời khẳng định rằng sự ủng hộ của Úc là kiên quyết bác bỏ những mong muốn của Hamas.
“Tôi đã nói rõ rằng Hamas không có vai trò gì trong một nhà nước Palestine trong tương lai. Một nhà nước Palestine không thể ở vị thế đe dọa an ninh của Israel. Chúng tôi muốn thấy một chính quyền Palestine đã thực hiện những cải cách cần thiết để đảm nhận trách nhiệm của mình đối với một Bờ Tây thống nhất ở Gaza. Chúng tôi muốn thấy một cơ quan quản lý Palestine cam kết vì hòa bình, từ chối bạo lực và sẵn sàng tham gia giải quyết xung đột. Chúng tôi muốn thấy cam kết hòa bình trong cách chính quyền Palestine lãnh đạo người dân của mình."
Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy diễn ra khi áp lực quốc tế gia tăng chống lại Israel vì nước này phớt lờ cảnh báo về một cuộc xâm lược ở Rafah.
Khoảng 1,3 triệu người, trong đó có 600.000 trẻ em, hiện đang trú ẩn ở Rafah khi Israel tiếp tục tấn công.
Thượng nghị sĩ Đảng Xanh Max Chandler-Mather cho biết cuộc bỏ phiếu là một bước đi nhỏ đúng hướng.
"Thành thật mà nói, điều này chưa đủ để ngăn chặn cuộc xâm lược diệt chủng của Israel vào Gaza và Rafah. Nếu Đảng Lao động nghiêm túc trong việc đứng lên chống lại Israel thì họ sẽ cấm buôn bán vũ khí hai chiều với Israel, bao gồm cả việc hủy bỏ hợp đồng Elbit Systems, và trục xuất đại sứ Israel. Quá đủ rồi, hơn 35.000 người Palestine đã bị Israel sát hại."
Ông cho biết nhiều người Úc đang cảm thấy phẫn nộ trước những gì đang xảy ra ở Trung Đông.
“Ông Netanyahu đã báo hiệu rằng họ đang bắt đầu một cuộc xâm lược diệt chủng nhằm vào Rafah, có 600.000 trẻ em đang bị nhồi nhét ở đó, nhiều người trong số này bị mắc bệnh truyền nhiễm, rất dễ bị khuyết tật. Có rất nhiều người Úc kinh hãi khi thấy những gì đang diễn ra vào lúc này. Thật khủng khiếp khi chính phủ Úc vẫn từ chối thực hiện lệnh cấm bán vũ khí cho Israel và trục xuất đại sứ Israel.”