(Ảnh: nghiencuuquocte.org)

 

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành (nghiencuuquocte.org)

 

 

Katyn (tiếng Nga: Катын) là tên một cánh rừng nằm ở phía tây thành phố Smolensk của nước Nga, cách biên giới Nga-Belarus khoảng 60 km. Nơi đây vào tháng 4-5 năm 1940 từng xảy ra vụ xử bắn 25 nghìn người Ba Lan. Vụ thảm sát “lớn nhất và ghê rợn nhất lịch sử thế giới thế kỷ 20” này là kết quả thi hành hai văn bản: Quyết định số 13/144 do ban lãnh đạo cao nhất Liên Xô đứng đầu là Stalin thông qua ngày 5/3/1940 (Lạ thay, 5/3 cũng là ngày mất của Stalin 13 năm sau đó!) và Sắc lệnh số 00350 do Beria, Bộ trưởng Bộ Ủy viên Nhân dân Nội vụ Liên Xô ký. Điều đáng lên án nữa là trong một thời gian dài ban lãnh đạo Liên Xô từ Stalin cho tới Khrushchev, Brezhnev, Andropov, Chernenko đã dùng nhiều thủ đoạn để lừa dối nhân dân Liên Xô và thế giới nhằm chối bỏ tội ác của họ trong vụ thảm sát này. Họ nói quân đội phát xít Đức sau khi tiến vào đất Liên Xô (22/6/1941) đã gây ra vụ giết người đó.

 

Đã có nhiều bài viết phơi bày sự thật thảm kịch kể trên, nhưng tới nay vấn đề Katyn vẫn chưa có một kết cục cuối cùng. Bài dưới đây sẽ bổ sung vài chi tiết nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề.

 

 

Số phận nước yếu

 

Vụ Katyn có bối cảnh lịch sử phức tạp, đan xen vô số mâu thuẫn giữa các cường quốc hồi đó. Năm 1939, do sự “trỗi dậy” của phát xít Đức, Ý, Nhật, mây đen chiến tranh bắt đầu kéo đến phủ kín bầu trời châu Âu và châu Á. Thấy trước nguy cơ bị Đức, Nhật tấn công từ hai phía tây, đông, Liên Xô quyết định tạm thời hòa hoãn với hai kẻ thù này.

 

Ngày 23/8/1939, Liên Xô ký với Đức “Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau”, đồng thời thỏa thuận về việc phân vùng ảnh hưởng đối với các quốc gia vùng đệm giữa Đức với Liên Xô mà không hề hỏi ý kiến các quốc gia đó. Điều 2 Hiệp ước quy định: “Nếu một bên ký Hiệp ước này bị cuốn vào hành động chiến tranh với một quốc gia thứ ba thì bên còn lại không được viện trợ quốc gia thứ ba đó”. Điều này đã tạo điều kiện cho Hitler nhanh chóng xâm lược Ba Lan.

 

Quả vậy, ngay ngày 1/9/1939, Hitler xua 90 sư đoàn bộ binh gồm 1 triệu quân cùng 6500 máy bay tấn công và dễ dàng chiếm miền tây Ba Lan. Ngày 17 cùng tháng, lấy lý do “bảo vệ tính mạng nhân dân vùng tây Ukraine và tây Belorussia”, Hồng quân Liên Xô tiến vào chiếm đóng miền đông Ba Lan rộng 200 nghìn km vuông với 13 triệu dân. Nguyên soái Smigly-Rydz, Tổng tư lệnh quân đội Ba Lan, ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền ông không được chống lại Hồng quân Liên Xô, vì thế 250 nghìn lính và sĩ quan Ba Lan dễ dàng bị Liên Xô bắt giữ làm tù binh. Trước đòn tấn công mạnh mẽ từ hai phía đông và tây, ngày 27/9/1939 Ba Lan tuyên bố đầu hàng. Ngay hôm sau, Ngoại trưởng Đức Ribbentrov đến Moskva ký “Hiệp ước hữu nghị Đức-Liên Xô và phân chia biên giới”. Ngoại trưởng Nga Molotov nói: “Giờ đây chúng ta không còn là kẻ địch như trước đây nữa”. Ai ngờ, ngày 22/6/1941, Hitler trở mặt xé tan mọi hiệp ước đã ký, tung 2 triệu quân tấn công Liên Xô.

 

Hơn 2 tháng trước đó, ngày 13/4/1941, Liên Xô ký với Nhật “Hiệp ước Trung lập Liên Xô-Nhật Bản”. Điều 2 Hiệp ước này quy định: “Nếu một bên ký kết Hiệp ước này trở thành đối tượng của hành động đối địch từ một hoặc một số quốc gia thứ ba thì bên còn lại phải giữ trung lập trong suốt thời gian xung đột.” Tuyên bố chung Liên Xô-Nhật Bản tuyên bố: “Liên Xô thề tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và tính bất khả xâm phạm thiêng liêng của Mãn Châu Quốc; Nhật Bản thề tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và tính bất khả xâm phạm thiêng liêng của nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ”. Rõ ràng, Liên Xô đã dung túng cho Nhật chiếm vùng Mãn Châu của Trung Quốc.

 

Rốt cuộc, hai quốc gia yếu hồi đó là Ba Lan và Trung Quốc trở thành vật hy sinh trên bàn cờ các nước mạnh.

 

Sau khi bị Đức xâm lược, Liên Xô vội vã ký với Anh “Hiệp định cùng hành động trong thời gian chiến tranh với Đức” (12/7/1941), sau đó lại ký với chính phủ Ba Lan lưu vong tại Anh “Hiệp định tương trợ Liên Xô-Ba Lan” (30/7/1941), lập lại quan hệ ngoại giao Liên Xô-Ba Lan, đồng ý để chính phủ Ba Lan lưu vong xây dựng quân đội tại Liên Xô, đồng ý thả tất cả tù binh và công dân Ba Lan từng bị Liên Xô giam giữ để họ gia nhập quân đội Ba Lan cùng Liên Xô đánh Đức. Tháng 8/1941, tướng Ba lan Anders sau khi được Liên Xô trả tự do đã nhận nhiệm vụ lập trạm tuyển quân ở Liên Xô nhằm tập hợp các binh sĩ Ba Lan, nhưng sau mấy tháng chỉ có ngót 1.000 người đến ghi tên; tướng Anders đâu biết 25 nghìn người Ba Lan đã bị giết trong vụ thảm sát Katyn. Trong số đó có khoảng 8.000 sĩ quan Ba Lan bị Liên Xô bắt làm tù binh khi Liên Xô tấn công Ba Lan năm 1939, 6.000 sĩ quan cảnh sát, số còn lại là những người thuộc giới trí thức Ba Lan bị kết tội là các thành phần “gián điệp, sen đầm, địa chủ, những kẻ phá hoại, chủ nhà máy, luật sư, viên chức và thầy tu”.

 

Thế nhưng, khi phía Ba Lan hỏi tin tức về số tù nhân Ba Lan bị Hồng quân bắt giữ thì phía Liên Xô trước sau khăng khăng nói họ không còn giữ bất cứ người Ba Lan nào. Từng hứa “tương trợ” Ba Lan mà Liên Xô hành xử như vậy đấy. Qua vụ thảm sát Katyn, các nước yếu có thể rút ra bài học: chớ có ảo tưởng dựa vào nước khác mà phải chăm lo làm cho nước mình mạnh lên để khỏi bị nước khác bắt nạt.

 

Năm 1945, tại Tòa án quốc tế Nuremburg, hai tên phát xít đầu sỏ chiến tranh Goering (Nguyên soái Tư lệnh Không quân Đức) và Ribbentrov (Bộ trưởng Ngoại giao Đức) đều khai là Liên Xô giết tù binh Ba Lan ở rừng Katyn, nhưng Tòa cũng không có kết luận nào về vụ này.

 

 

 

Đâu phải chỉ một mình Stalin che giấu sự thật

 

Các ban lãnh đạo Liên Xô trước Gorbachev đều nối gót Stalin quyết giấu nhẹm trách nhiệm của Liên Xô trong vụ Katyn. Khrushchev chống Stalin hăng nhất nhưng lại chỉ thị Chủ tịch Ủy ban An ninh Shelepin bí mật nghiên cứu hồ sơ Katyn, và năm 1959 Khrushchev đồng ý với đề nghị của Shelepin hủy hồ sơ của 21.857 người Ba Lan bị giết trong vụ thảm sát Katyn còn lưu trữ tại Viện Lưu trữ hồ sơ. Lý do: số hồ sơ này nếu lọt ra ngoài sẽ “có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng bất lợi cho nhà nước Xô Viết”. Như vậy Khrushchev dám làm cả việc thủ tiêu vật chứng, một việc mà Stalin chưa dám làm.

 

Năm 1976, đương kim Chủ tịch Ủy ban An ninh nhà nước Andropov đề nghị Tổng Bí thư Brezhnev cho bàn vấn đề Katyn với Ba Lan để đưa ra biện pháp chung, chống luận điệu bất lợi cho Liên Xô. Dĩ nhiên, chính phủ Ba Lan hồi ấy phải nói theo giọng của Liên Xô tuy họ biết dân Ba Lan không tin họ.

 

Có lẽ Jaruzelski, Bí thứ thứ nhất Đảng Công nhân thống nhất và sau này là Tổng thống Ba Lan, là nhà lãnh đạo đầu tiên của nước này hoàn thành nhiệm vụ tìm ra sự thật về vụ Katyn. Trong chuyến thăm Liên Xô tháng 4/1990, ông đã đến Katyn mặc niệm các tù binh Ba Lan. Ngày 13/4 năm đó, hãng thông tấn TASS chính thức tuyên bố thảm kịch Katyn là tội ác nghiêm trọng của chủ nghĩa Stalin.

 

Tổng thống Liên Xô Gorbachev kể lại: Ngày 23/12/1991 ông được đọc hồ sơ vụ Katyn, cùng đọc còn có tân Tổng thống Nga Yeltsin (nhậm chức ngày 10/7/1991), người được Gorbachev chuẩn bị chuyển giao quyền lực, và Jakovlev “kiến trúc sư cải tổ Liên Xô”. Sau đó Gorbachev nói “Tóc chúng tôi dựng đứng cả lên, … Chúng tôi không có quyền che giấu sự thật với người Ba Lan được nữa. Ba người chúng tôi lập tức cho rằng dù hậu quả thế nào cũng phải thông báo cho phía Ba Lan… Tôi nói với Yeltsin: Boris, bây giờ anh phải làm việc này thôi.”

 

Tuy rằng năm 1990 Gorbachev đã thừa nhận với Tổng thống Ba Lan Jaruzelski vụ Katyn là tội ác của chủ nghĩa Stalin, và chuyển giao cho phía Ba Lan một phần tài liệu liên quan tới vụ này, nhưng khi ấy hồ sơ chính thì vẫn nằm trong két hồ sơ mật của Tổng thống Liên Xô.

 

Sau khi Liên Xô tan rã ngày 25/12/1991, Gorbachev chuyển giao quyền lực cho Yeltsin, đồng thời chuyển giao két hồ sơ mật. Ngày 14/10/1992, Giám đốc Viện Lưu trữ hồ sơ nhà nước được Tổng thống Yeltsin ủy quyền đến Warsaw trao cho Tổng thống Ba Lan Walesa bản sao Hồ sơ đặc biệt số 1. Về sau Walesa kể lại: khi nhận văn bản này, ông “cảm thấy toàn thân run lẩy bẩy”.

 

Walesa gửi điện cho Yeltsin ca ngợi lòng “dũng cảm” của Tổng thống Nga. Truyền thông Ba Lan cũng ca ngợi hành động “hối lỗi” của Yeltsin, cho rằng hành động này vĩ đại chẳng khác gì hành động của Thủ tướng Đức Willy Brandt tháng 12/1970 quỳ xuống trước đài kỷ niệm các anh hùng người Do Thái hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Warsaw chống phát xít Đức. Tuy vậy, cũng có người đặt câu hỏi: vì sao tháng 4/1992 Walesa sang thăm Nga, Yeltsin chưa chuyển giao Hồ sơ số 1 mà mãi đến tháng 10 năm đó mới làm việc này, khi Tòa án Hiến pháp Nga đang chuẩn bị phế truất Yeltsin? Phải chăng sự chậm trễ đó chứng tỏ Yeltsin cũng cố ý che giấu vụ thảm sát Katyn và lợi dụng Hồ sơ này để chơi trò chơi chính trị nhằm gây uy tín để tránh bị phế truất? Yeltsin không nhận có chuyện này và nói Gorbachev đã đọc Hồ sơ này từ lâu nhưng ông ấy cũng im lặng.

 

Tháng 11/2010, Quốc hội Nga ra tuyên bố quy kết trách nhiệm vụ Katyn cho Stalin và các viên chức Liên Xô đã đích thân ra lệnh xử bắn các nạn nhân người Ba Lan. Trong buổi lễ tưởng niệm ngày 7/4/2010, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cho rằng Stalin đã ra lệnh thực hiện vụ xử bắn này để trả thù cho 32.000 tù binh Hồng quân chết trong các trại giam của Ba Lan những năm 1919-1921.

 

 

Ai viết lịch sử?

 

Nghe đâu Stalin từng nói lịch sử là do người thắng cuộc viết. Người thắng cuộc cũng tức là người chiếm được quyền lực. Mao Trạch Đông cuối đời cũng phát biểu tương tự, và còn nói: “Người chiến thắng không bị chê trách. Không được chê trách người chiến thắng, đây là lẽ phải thông thường.” Hitler nói: Không ai dám hỏi người chiến thắng rằng lời ngài nói trước đây là thật hay giả. Yeltsin thì nói: “Rốt cuộc lịch sử là do một người viết”. Có thể hiểu đây là nói lịch sử được viết theo ý của một người nắm quyền cao nhất.

 

Triết gia Ý Benedetto Croce nói: “Tất cả mọi lịch sử đều là lịch sử đương đại” – (All history is contemporary history). Tất nhiên lịch sử đương đại là do kẻ cai trị đương thời viết, và để bảo vệ lợi ích của mình, họ không ngại bóp méo sự thật. Mặt khác, họ cũng dùng quan điểm đương đại ấy để viết lịch sử các thời trước.

 

Bởi vậy, lịch sử một dân tộc hoặc quốc gia không dân chủ, nhất là lịch sử cận đại và đương đại, khó có thể được viết một cách hoàn toàn khách quan, tôn trọng sự thật. Đây là nỗi buồn muôn thủa của các dân tộc và sử gia chân chính sống dưới chế độ chính trị độc tài chuyên chế. Có lẽ vì thế mà lớp trẻ rất ngán môn lịch sử mà họ cho rằng toàn là luận điệu của nhà lãnh đạo đương thời.

 

Nhân dân làm nên lịch sử, nhưng trớ trêu thay người viết lịch sử lại là kẻ cai trị họ. Trong bất cứ thời đại không dân chủ nào cũng vậy, kẻ thống trị bao giờ cũng độc quyền viết lịch sử, theo nghĩa họ buộc giới sử gia viết lịch sử theo ý họ. Các chế độ độc tài đều diễn giải sự kiện lịch sử theo hướng “tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại”, thậm chí đổi trắng thay đen xuyên tạc sự thật, bịa đặt sự kiện, cố ý đánh giá xấu hoặc bôi nhọ những sự kiện bất lợi cho họ và những nhân vật khác quan điểm. Vụ Katyn là một điển hình không ngại sử dụng những thủ đoạn xấu xa nhất để che giấu sự thật, bịa đặt sự thật, viết lại sự kiện lịch sử theo ý người cầm quyền, trắng trợn lừa dối nhân dân trong nước và thế giới. Trên thực tế thủ đoạn ấy đã lừa bịp được dư luận trong thời gian gần nửa thế kỷ.

 

 

Abraham Lincoln nói: Anh có thể lừa gạt được tất cả mọi người trong một số lúc, và một số người trong tất cả mọi lúc, nhưng không thể lừa gạt được tất cả mọi người trong tất cả mọi lúc. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time). Đúng là sự thật lịch sử có thể bị che giấu, xuyên tạc lừa bịp, nhất thời trở thành bí ẩn lịch sử. Một chế độ chính trị để cho tồn tại lâu dài nhiều bí ẩn lịch sử không được làm sáng tỏ sẽ bị coi là hèn yếu, không được dân tin yêu.

 

Hiện nay nhiều nước đã quy định sau một thời gian, ví dụ 30-50 năm, chính phủ phải giải mật các hồ sơ mật, để cho dân chúng biết được sự thật về những sự kiện lịch sử trước đây từng giữ kín. Làm như vậy là khôn ngoan, bởi lẽ hầu như mọi bí ẩn lịch sử cuối cùng cũng bị đưa ra ánh sáng. Thời gian trôi đi, thời thế thay đổi, các thế hệ sau sẽ tìm cách dần dần phục hồi lại sự thật lịch sử. Loài người luôn tiến lên phía trước, thời đại ngày càng thay đổi theo hướng các giá trị dân chủ tự do và nhân văn cuối cùng sẽ thắng trên phạm vi toàn cầu, mọi chế độ độc tài chuyên chế đã, đang và sẽ bị vứt vào sọt rác lịch sử.

 

Quả vậy, việc che giấu vụ thảm sát Katyn tuy được dàn dựng công phu và lừa bịp được công luận khá lâu, cuối cùng cũng bại lộ, thất bại ê chề. Cái giá phải trả rất đắt: uy tín của ban lãnh đạo Liên Xô cũ và của chế độ xã hội chủ nghĩa bị sa sút nghiêm trọng, góp phần dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô và Đông Âu. Sau đó, mối quan hệ láng giềng Ba Lan-Nga không còn tốt như trước. Có thể thấy điều đó trong thái độ của Ba Lan đối với cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.

 

Người Trung Quốc có câu Quên quá khứ nghĩa là phản bội.[3] Trong “Quần đảo Gulag”, Solzhenitsyn nhắc lại một câu ngạn ngữ Nga: Kẻ nào quên chuyện cũ thì sẽ mất cả hai mắt, nghĩa là kẻ đó bị mù. Triết gia George Santayana nói: Ai quên quá khứ thì người đó sẽ lặp lại quá khứ. (Those who cannot remember the past are condemned to repeat it).

 

Bởi thế, tất cả những người có lương tri đều không bao giờ quên quá khứ, nhất là quá khứ sai lầm, bi thảm. Ôn lại bài học lịch sử vụ thảm sát Katyn sẽ giúp loài người luôn cảnh giác với mọi chế độ chuyên chế độc tài, tránh để lặp lại những sự kiện thảm khốc ô nhục tương tự.

 

(Nguồn: nghiencuuquocte.org)