Biểu tượng (logo) của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga tại một trong những trạm xăng dầu của tập đoàn này trước văn phòng Gazprom ở Moscow vào ngày 27/04/2022. (Ảnh: KIRILL KUDRYAVTSEV / AFP via Getty Images)

 

 

Một trong những thất bại to lớn của Nga trong cuộc chiến với Ukraine là việc nguồn thu quan trọng từ năng lượng của Nga đang bị đe dọa. Châu Âu đang tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nguồn năng lượng từ Nga, với các nhà cung cấp tiềm năng như Mỹ, Bắc Phi hay Israel.

 

Thật là một sự bất hạnh to lớn của nước Nga khi nhà lãnh đạo của nước này, ông Vladimir Putin, đã đi quá xa ở Ukraine.

 

Những gì được dự tính như là một cuộc chinh phục quân sự nhanh chóng đối với Ukraine, điều sẽ gia tăng ảnh hưởng quân sự, ngoại giao và kinh tế của Nga ở châu Âu đã trở thành một thảm họa đối đối với tất cả các lĩnh vực trên.

 

Nga đang yếu đi so với trước cuộc xâm lược

Mặc dù việc giá năng lượng tăng chóng mặt đã làm lợi cho Putin nhưng đây có thể chỉ là một chiến thắng tạm thời. Đúng là Moscow đã được hưởng lợi từ giá ngũ cốc tăng cao và có thể yêu cầu các bên mua năng lượng bằng đồng RUB (đồng rúp) của Nga thay vì USD. Nhưng với những diễn biến hiện nay, những kết quả này cũng sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và cuối cùng Nga sẽ gặp khó khăn.

 

Trên thực tế, những cơ sở quan trọng nhất mang lại quyền lực cho Nga đang suy yếu. Các lực lượng quân sự vẫn được Nga khoe khoang còn xa mới mạnh mẽ như những lời quảng cáo. Không những thế, các lực lượng này còn bị tiêu hao rất nhiều ở Ukraine do sự kháng cự gay gắt và các loại vũ khí chống tăng và phòng không của phương Tây.

 

Hơn nữa, cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine đã khiến cả Phần Lan và Thụy Điển tìm cách gia nhập NATO. Đó là một thất bại rõ ràng đối với mục tiêu đẩy lùi NATO của Putin. Không những vậy, các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và sự cô lập về ngoại giao của Nga đã làm tổn hại đến uy tín của Nga đối với các quốc gia phương Tây giàu có và quyền lực nhất.

 

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tổ chức một cuộc họp báo để thông báo rằng Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO tại Phủ Tổng thống ở Helsinki, Phần Lan, vào ngày 15/05/2022. (Ảnh: Alessandro Rampazzo / AFP qua Getty Images)

 

Kết quả cuối cùng là Nga ngày nay yếu hơn so với trước khi diễn ra cuộc xâm lược. Cuộc chiến của Nga và Ukraine đã thay đổi các tính toán về năng lượng ở châu Âu, nếu không muốn nói là trên cả thế giới. Như cựu cố vấn của Clinton, ông Paul Bledsoe đã nhận xét: “Việc Nga xâm lược Ukraine đã thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa thị trường khí đốt và làm phức tạp thị trường này một cách đáng kể”.

 

Nguồn thu quan trọng từ năng lượng của Nga bị đe dọa

Tình hình đang trở nên xấu đi đối với Nga.

 

Điều tồi tệ nhất mà cuộc xâm lược Ukraine đang mang lại là việc ông Putin đã hủy hoại nguồn doanh thu tốt nhất của Nga trong khi người Nga đang phụ thuộc rất nhiều vào đó. Trong nhiều thập kỷ, người châu Âu đã phụ thuộc vào Nga để đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt của họ nhằm vận hành các nhà máy và sưởi ấm cho các ngôi nhà và văn phòng. Các dự báo cho thấy sự phụ thuộc về khí đốt của châu Âu vào Nga có thể tăng lên trong tương lai.

 

Sự phụ thuộc quá mức vào nguồn năng lượng của Nga đã mang lại cho Moscow sức mạnh chiến lược và tầm ảnh hưởng đối với châu Âu và nền kinh tế của lục địa này. Bất cứ khi nào chính sách của châu Âu đi ngược lại lợi ích của Moscow, năng lượng có thể sẽ bị dừng cung cấp cho châu Âu như một cách thuyết phục người châu Âu thay đổi chính sách của họ theo ý thích của Nga.

 

Tình hình hiện nay đúng như vậy. Ngày 21/05, Nga đã cắt nguồn khí đốt tự nhiên cung cấp cho Phần Lan. Ngày 10/5, Ukraine thông báo gần 1/3 lượng khí đốt của Nga đến châu Âu sẽ bị đình chỉ hoặc chuyển hướng đi nơi khác.

 

Nhưng những ngày thống trị lĩnh vực năng lượng của Moscow sẽ sớm qua đi.

 

Về phía Nga, có tới 75% doanh thu khí đốt tự nhiên của Nga đến từ thị trường năng lượng châu Âu. Chẳng mấy chốc con số đó sẽ sụt giảm. Moscow sẽ hướng đến các thị trường châu Á để bù đắp sự mất mát về doanh thu từ châu Âu, nhưng sự chuyển hướng như vậy sẽ mất nhiều thời gian.

 

Vận chuyển khí đốt tự nhiên đòi hỏi cơ sở hạ tầng đường ống dài hàng trăm dặm, thứ mất nhiều năm để xây dựng và hàng tỷ USD đầu tư. Nga đơn giản là không có thời gian, tiền bạc hoặc năng lực kỹ thuật để biến điều đó thành hiện thực.

 

Một hướng đi khác là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG): khí đốt được làm lạnh thành chất lỏng và sau đó được vận chuyển bằng tàu biển hoặc xe tải. Tuy nhiên giải pháp này tốn nhiều tiền và không thể cung cấp công suất liên tục như đường ống dẫn khí đốt. Một lần nữa, Nga thiếu khả năng tài chính và công nghệ để thực hiện phương án này một cách hiệu quả.

 

Các nhà cung cấp khí đốt tiềm năng của châu Âu

Tất nhiên, các nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm tiếp cận các nguồn dầu mỏ và than không phải của Nga đang được thực hiện. Hiện nay, khối này đang tập trung tìm kiếm các nguồn cung khác mà không bị vướng phải những vấn đề khó xử , chẳng hạn như mối đe dọa về chiến tranh hạt nhân, xâm lược hoặc cả hai. Trên thực tế, EU đã tuyên bố rằng họ sẽ tìm cách thay thế tới 2/3 lượng khí đốt tự nhiên từ Nga bằng các nhà cung cấp khác hoặc từ năng lượng tái tạo vào cuối năm 2022.

Châu Âu đang cân nhắc các nguồn cung từ Mỹ, Bắc Phi và Israel.

 

Mỹ đã đồng ý cung cấp cho EU lượng khí đốt tự nhiên tương đương 10% lượng khí đốt mà EU hiện nhập từ Nga. Là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất khí đốt tự nhiên, Mỹ có thể và sẽ tăng cường xuất khẩu sang châu Âu. Hậu quả là, lợi ích kinh tế của Mỹ sẽ đối nghịch với lợi ích của Nga. Thông tin này hẳn sẽ khiến Moscow thấy khó chịu.

 

Các nhà cung cấp từ Bắc Phi và những nhà cung cấp khác cũng sẽ bán khí đốt cho EU, kết hợp với Mỹ để cung cấp tổng cộng khoảng 24% lượng khí đốt EU nhập khẩu từ Nga. Điều không may là các nhà cung cấp Bắc Phi tỏ ra kém tin cậy hơn do những bất ổn chính trị.

 

Ngoài ra, Israel có thể trở thành nguồn cung cấp năng lượng lâu dài cho châu Âu với các mỏ khí đốt tự nhiên Leviathan ngay ngoài khơi phía Đông Địa Trung Hải.

 

Giàn khoan khí đốt tự nhiên Leviathan ở Biển Địa Trung Hải gần thành phố ven biển phía bắc Caesarea của Israel vào ngày 24/02/2022. (Ảnh: Jack Guez / AFP qua Getty Images)

 

 

Những khó khăn với nguồn cung từ Israel

Dù vậy, việc vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Đông Địa Trung Hải đến châu Âu là không đơn giản. Có những thách thức đáng kể về ngoại giao và tài chính đối với đường ống dẫn khí đốt qua Hy Lạp hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Năm 2020, Israel đã ký một thỏa thuận với Hy Lạp và Síp về đường ống dẫn khí đốt. Nhưng nguồn tài chính cho việc xây dựng đường ống vẫn chưa có. Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối kế hoạch đã dẫn đến hiệp định hàng hải của nước này với Libya, vốn là một trở ngại cho việc hoàn thành đường ống. Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Hamas, kẻ thù được thừa nhận công khai của Israel, cũng làm phức tạp thêm tình hình giữa Israel và Ankara.

 

Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể tìm thấy nguồn năng lượng của riêng mình ở Địa Trung Hải, khiến nước này chỉ có thể đóng vai trò như một người phá hoại dự án. Sự phản đối của Ankara đối với dự án này là do nước này mong muốn đường ống sẽ chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ và / hoặc vùng phía bắc của đảo Síp (chịu ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ), chứ không phải Hy ​​Lạp. Điều này sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có được doanh thu và ảnh hưởng chính trị đi kèm với đường ống.

 

Bế tắc Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp hiện vẫn chưa được giải quyết.

 

Mỹ cũng góp phần khiến dự án đường ống EastMed trên gặp khó khăn. Chính quyền Trump đã ủng hộ nó. Nhưng vào tháng 01/2022, chính quyền Biden đã viện dẫn những lo ngại về tác động môi trường đối với dự án đường ống EastMed, cũng như tính hợp lý của dự án này và rút lại sự ủng hộ của Mỹ đối với dự án.

 

Vị thế thống trị năng lượng của Nga đang suy yếu nhanh chóng

Khí đốt Leviathan đã chảy đến Ai Cập, Jordan và các khách hàng khác trong khu vực. Tuy nhiên, những người phản đối dự án nói rằng một đường ống dẫn đến châu Âu không chỉ là quá tốn kém mà còn là có những thách thức về địa lý. Ngoài ra, ước tính của các quan chức chính quyền Mỹ cho biết việc xây dựng có thể mất tới một thập kỷ.

 

Nhưng xây dựng một đường ống có thể không phải là lựa chọn duy nhất để đưa khí đốt tự nhiên của Israel đến châu Âu. Trong nhiều năm, một nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng nổi trị giá hàng tỷ USD ở Đông Địa Trung Hải đã được đề xuất. Một kế hoạch như vậy sẽ nhanh chóng đưa Israel trở thành cường quốc năng lượng toàn cầu.

 

Với việc nhiều nhà cung cấp khí đốt tự nhiên khác nhau có thể thay thế vị trí của Nga trên thị trường châu Âu, châu Âu sẽ có nhiều lựa chọn về năng lượng hơn. Vị thế thống trị về năng lượng của Nga trên thế giới đang suy yếu nhanh chóng.

 

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

 

Tác giả James R. Gorrie sống tại Nam California. Ông cũng là tác giả của cuốn sách The China Crisis (Cuộc khủng hoảng Trung Quốc) và của nhiều bài đăng trên blog: TheBananaRepublican.com.

(ntdvn.net, Bảo Nguyên - Theo The Epoch Times)