Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Pháp hôm thứ Hai, ngày 30 tháng 1 năm 2023 tại Paris. (Ảnh AP/Michel Euler) Nguồn: AP / Michel Euler/AP

 

QUỐC TẾ - Các bộ trưởng Pháp và Úc đã gặp nhau tại Paris để ký cam kết quân sự giúp đỡ Ukraine. Đây là cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên kể từ khi thỏa thuận tàu ngầm giữa hai nước bị phá vỡ dưới thời chính phủ Liên minh cũ.

 

Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Úc đã gặp người đồng cấp Pháp tại Paris để ký một thỏa thuận quân sự nhằm giúp đỡ Ukraine.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết Pháp và Úc đã đồng ý sản xuất "vài ngàn" quả đạn pháo 155 ly để giúp Ukraine.

"Và như vậy, vài ngàn quả đạn pháo 155 mm sẽ được sản xuất chung thông qua quan hệ đối tác chưa từng có giữa Úc và Pháp, giữa các công ty công nghiệp. Về phía Pháp, công ty Nexter danh tiếng sẽ quản lý thương vụ này. Úc có khả năng cung cấp thuốc súng để sản xuất loại đạn này. Vì vậy, sự hợp tác này sẽ cho phép chúng tôi giúp đỡ Ukraine trong suốt những tuần và tháng tới."

 

Đây là cuộc đàm phán cấp cao chung đầu tiên kể từ khi Canberra hủy bỏ hiệp định quốc phòng với Paris để ủng hộ thỏa thuận AUKUS với Anh và Hoa Kỳ.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles cho biết các cuộc đàm phán là đại diện cho một chương mới.

"Và tôi nghĩ rằng sự ấm áp cá nhân giữa bốn người chúng tôi thực sự mô tả chính xác sự ấm áp trở lại trong mối quan hệ song phương giữa Úc và Pháp."

 

Úc đã hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường của Pháp để chuyển sang dùng các tàu ngầm hạt nhân theo thỏa thuận với Mỹ và Anh.

 

Ông Marles nói rằng Úc không có kế hoạch sở hữu bất kỳ khả năng tạm thời nào của tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường cho đến khi những chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân được chuyển giao.

"Rõ ràng chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh để phát triển khả năng của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và phát triển con đường tối ưu để đạt được khả năng đó. Chúng tôi sẽ sớm đưa ra thông báo, đó là lịch trình đã được lập từ nhiều tháng trước. Tôi nghĩ câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi của bạn là không có kế hoạch nào cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường, khi chúng ta tiến tới đạt được năng lực tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân."

 

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna hoan nghênh thỏa thuận song phương lần này, nhưng không sẵn sàng đề cập đến các mối quan hệ bị tổn hại dưới chính phủ Liên minh trước đây.

"Đây là lần đầu tiên các cuộc tham vấn của chúng tôi về các chủ đề quốc tế và về các câu hỏi về quốc phòng và an ninh được tổ chức theo cái gọi là định dạng "2 + 2" kể từ năm 2021. Tôi tin rằng, vì một giai đoạn mà tôi sẽ không nhắc lại, và tôi nghĩ sẽ tốt hơn nhiều nếu gặp trực tiếp các đối tác của chúng tôi và có thể nó sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn là hội nghị trực tuyến."

 

Sam Roggeveen từ Viện Lowy cho biết mặc dù cuộc gặp có vẻ tích cực đối với quan hệ giữa hai nước, nhưng cam kết quân sự thực sự không phải là điều quá to lớn.

"Vì vậy chúng ta đang nói về vài ngàn viên đạn do Úc và Pháp cùng sản xuất để gửi cho người Ukraine. Giờ đây, quân đội Ukraine sử dụng vài ngàn viên đạn mỗi ngày trong cuộc chiến hiện tại. Vì vậy, thỏa thuận này không giống như một nỗ lực lớn. Nhưng tôi chắc chắn rằng chỉ cần quan tâm đến người Ukraine thì mọi thứ đều có ích."

 

Ông Roggeveen cho biết mặc dù đây là cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên kể từ câu chuyện hủy thỏa thuận tàu ngầm, nhưng các mối quan hệ đã được thiết lập lại trong cuộc bầu cử liên bang năm 2022.

"Hãy nhìn xem, rõ ràng mối quan hệ được thiết lập lại sau cuộc bầu cử ở Úc. Vì vậy, một sự thay đổi lãnh đạo đã cải thiện mối quan hệ và quyết định về tàu ngầm được gát lại phía sau. Bạn biết đó, người Pháp đã giữ khoảng cách xa một chút từ điều đó, trong thời gian chính phủ Morrison vẫn nắm quyền, nhưng có vẻ như mọi thứ giờ đây đã được thiết lập lại. Và cuộc họp này giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng là một dấu hiệu cho thấy sự thiết lập lại xảy ra sau cuộc bầu cử đã được củng cố khá tốt."