Getty Images/Reuters/BBC

 

 

Công ty bán lẻ thời trang trực tuyến Shein đang thuê một nhà kho lớn tại Việt Nam, theo nguồn tin của Reuters. Đây là lần đầu tiên công ty này đặt nhà kho tại Việt Nam, một động thái nhằm giảm mức độ phụ thuộc của Shein vào tình hình thương mại khó lường giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

 

Shein, được thành lập tại Trung Quốc và bán các sản phẩm trong đó có quần đùi đạp xe giá 5 đô la và váy suông giá 18 đô la, đã đồng ý thuê gần 15ha đất công nghiệp để làm nhà kho gần TP HCM, hai nguồn tin giấu tên của Reuters cho biết. Thông tin về việc thuê nhà kho này tới nay chưa được hai bên liên quan chưa công khai.

 

Nhà bán lẻ trực tuyến này, gần như hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc để sản xuất hàng may mặc cho Hoa Kỳ và các thị trường khác, đã bị cuốn vào cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, cuộc chiến ăn miếng trả miếng đang đe dọa làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, mặc dù gần đây đã bắt đầu hạ nhiệt.

 

Một trong các nguồn tin nói với Reuters rằng Shein đã tìm cách thuê thêm nhà kho ở miền Nam Việt Nam, ngoài nhà kho lớn - diện tích tương đương với 26 sân bóng đá - nơi sẽ là nơi tập kết quần áo và hàng may mặc từ các xưởng sản xuất trước khi xuất cảng.

 

Reuters không thể xác định được các sản phẩm được lưu kho ở đây có nguồn gốc từ đâu.

 

Trước đó, nhà bán lẻ này đã bày tỏ kế hoạch tìm nguồn cung một số sản phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.

 

Các nhà cung cấp của Shein tại khu vực sản xuất truyền thống ở miền nam Trung Quốc tiết lộ với Reuters rằng họ đang để mất đơn hàng vào tay Việt Nam do một số xưởng sản xuất Trung Quốc đã mở nhà máy tại đây.

Shein, công ty đang tìm cách niêm yết tại London, đã không phản hồi các câu hỏi của Reuters liên quan đến việc thuê kho hàng.

 

Trước đó, hãng này từng phủ nhận việc chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

 

Khu vực Sài Gòn có một phi trường quốc tế, là phi trường lớn nhất của Việt Nam để nhập cảng hàng hoá từ Trung Quốc và một cảng lớn để giải quyết hầu hết các mặt hàng xuất cảng bằng đường biển sang Hoa Kỳ.

 

Dưới áp lực đe dọa trừng phạt về thuế của Hoa Kỳ, Việt Nam đang siết chặt một số mặt hàng nhập cảng từ Trung Quốc, điều mà Washington cho rằng từ lâu đã được chuyển bất hợp pháp qua Việt Nam đến Hoa Kỳ để tránh mức thuế cao hơn.

 

Reuters không có quyền truy cập vào thông tin chi tiết về hợp đồng thuê kho cũng như không thể xác định liệu Shein có thể điều chỉnh kế hoạch của mình hay không nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục hạ nhiệt, khiến cho sức hấp dẫn của việc đa dạng hóa sản xuất ra nước ngoài bị giảm xuống.

 

Tuy nhiên, xét đến tình hình bất ổn đang diễn ra, các nhà phân tích cho biết Shein không có nhiều lựa chọn ngoài việc giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

"Sẽ rất nguy hiểm nếu họ không đa dạng hóa," Manish Kapoor, Tổng giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập công ty giải pháp chuỗi cung ứng thương mại điện tử Growth Catalyst Group cho biết.

 

 

Đội ngũ nhà cung cấp hùng hậu

 

Chụp lại hình ản - Một số hàng lưu niệm bán tại Sài Gòn. Ảnh: Getty Images

 

 

Gã khổng lồ thời trang Shein đã xây dựng tại Trung Quốc một đội ngũ nhà cung cấp đáng gờm, là những công ty có thể sản xuất áo crop top và các mặt hàng thời trang nhanh khác với giá chỉ vài nhân dân tệ mỗi chiếc nhằm đáp ứng nhu cầu về quần áo giá rẻ từ giới tiêu dùng gien Z trên toàn thế giới.

 

Shein cho biết họ đang mở rộng mạng lưới nhà cung cấp tại Trung Quốc và công ty cũng đang đầu tư 10 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,38 tỷ USD) vào các dự án công nghiệp ở phía nam nước này, trong đó có một trung tâm cung ứng trị giá 500 triệu đô la Mỹ gần Quảng Châu.

 

Giai đoạn đầu tiên của trung tâm hiện đang được xây dựng trên diện tích khoảng 49ha, tương đương với diện tích Thành phố Vatican.

 

Shein đã trở thành một "gã khổng lồ" với doanh thu hơn 30 tỷ USD mỗi năm, dựa trên nền tảng giá rẻ và các quy định thương mại có lợi - chẳng hạn như quy định "de minimis" của Mỹ, cho phép miễn thuế hàng nhập cảng có giá trị 800 USD trở xuống.

 

Chính quyền Trump đã hủy bỏ quy định miễn thuế đó đối với hàng hóa từ Trung Quốc vào ngày 2/5, khiến các kiện hàng của Shein phải chịu mức thuế lên tới 120%.

 

Tuy nhiên, thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh hồi đầu tuần này đã giúp giảm mức thuế xuống còn 54% đối với các kiện hàng trị giá 800 USD trở xuống, và 30% đối với các lô hàng thương mại có giá trị thấp.

 

Sự hạ nhiệt trong quan hệ Mỹ - Trung đã gây lo ngại cho các quốc gia từng hưởng lợi từ căng thẳng này, nhưng các mức thuế hiện tại của Mỹ áp lên Bắc Kinh vẫn giúp Việt Nam duy trì tính cạnh tranh, vì các lô hàng từ nước này vẫn được miễn thuế nếu có giá trị 800 USD trở xuống.

 

Tuy nhiên, thời gian hoãn thuế này có thể không kéo dài.

 

Kapoor cho biết ông đang tư vấn cho khách hàng không nên dựa vào việc giao hàng tận nơi "de minimis" nhập cảng từ bất kỳ đâu như một phần cốt lõi trong chiến lược hậu cần của họ.

 

Ông nói, "Chúng tôi đang khuyên mọi người cần chuẩn bị tinh thần rằng hình thức miễn trừ "de minimis" này có thể sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn trong thời gian tới."

 

Từ nay đến tháng Bảy, các mặt hàng xuất cảng khác của Việt Nam sang Mỹ hiện đang chịu thuế 10%, nhưng sau đó có thể tăng lên 46% nếu Hà Nội không đạt được một thỏa thuận với Tòa Bạch Ốc.

 

 

(Theo BBC)