Đại sứ Nga, Mikhail Ulyanov, tại tổ chức Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế IAEA, ở thủ đô Vienna. Nguồn: AAP
Các cuộc thương thuyết về khả năng nguyên tử của Iran đã bị đình hoãn, sau cuộc họp giữa Iran và 6 cường quốc khác. Được biết cả Iran lẫn Liên Âu đều cho rằng, một thỏa thuận đã gần kề thế nhưng một số quyết định chính trị phải đạt được trước đó. Đó là những chuyện gì?.
Các nhà thương thuyết Iran và 6 cường quốc Tây Phương đã đình hoãn các cuộc hội đàm về việc duyệt xét hiệp ước nguyên tử năm 2015, khi cho biết họ sẽ trở lại chính phủ của mình để có các quyết định.
Iran hiện tìm cách cứu vãn hiệp ước nguyên tử với các cường quốc quan trọng và tránh các chế tài trừng phạt từ Hoa Kỳ, do các biện pháp cấm vận góp phần vào sự suy sụp của nền kinh tế.
Các nhà ngoại giao Iran và Liên Âu cho biết, họ tiến rất gần đến việc hồi phục hiệp ước.
Họ nói rằng việc nầy nay tùy thuộc vào các chính phủ liên quan trong các vụ thương thuyết, để đưa ra các quyết định chính trị.
Trưởng thương thuyết gia Iran, là ông Abbas Araqchi nói rằng, một thỏa thuận hiện gần đạt đến hơn bao giờ hết.
Ông Abbas Araqchi nói: “Trong quá khứ, chúng ta tiến gần đến một thỏa thuận hơn bao giờ hết, thế nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta đã đạt được".
"Công việc còn lại vẫn còn khó khăn và cần nhiều nỗ lực, cùng các cuộc đàm phán thêm nữa".
'Vì vậy chúng tôi quyết định ngưng việc thương thuyết tại đây để trở về nước, không chỉ tham vấn mà lần nầy là chuẩn bị quyết định”.
Trong khi đó, một viên chức của Liên Âu là ông Enrique Mora, hiện chủ tọa phiên họp cuối cùng của vòng đàm phán thứ 6, giữa các nước Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp. Anh và Iran.
Ông cũng cho biết, một thỏa thuận là rất gần đạt được.
Ông Enrique Mora nói: “Chúng ta tiến gần hơn một tuần lễ trước đây, thế nhưng chúng ta vẫn còn ở tại chỗ, dù đã thực hiện những tiến triển trên một số vấn đề kỹ thuật".
"Nay chúng ta rõ ràng hơn về các tài liệu kỹ thuật, do một số hoàn toàn phức tạp".
"Sự minh bạch đó cho phép chúng tôi có một ý tưởng trong sáng, về những khó khăn chính trị tại đây”.
Ông không nói rõ về tính chất của các vấn đề kỹ thuật, hay chính xác các khó khăn về chính trị là những gì.
Đây là cuộc họp chính thức đầu tiên, kể từ khi người đứng đầu ngành tư pháp, đã thắng cuộc bầu cử tại Iran để trở thành Tổng Thống trong một chiến thắng vang dội, trong cuộc bầu cử Tổng Thống nước nầy hồi tuần qua.
Trong khi đó, một số nhà ngoại giao bày tỏ quan ngại rằng việc bầu ông Ebrahim Raisi làm Tổng Thống Iran, có thể làm phức tạp thêm trong khả năng trở lại hiệp ước.
Chiến thắng nghiêng lệch của ông Raisi hồi cuối tuần qua được mọi người dự đoán trước kết quả, sau khi các ứng cử viên nổi tiếng bị ngăn cản ra tranh cử.
Ông thắng 62 phần trăm số phiếu, với khoảng 90 phần trăm số phiếu đã đếm trong cuộc bầu cử vào thứ sáu.
Trong khi đó số người đi bầu rất thấp, với không đầy phân nửa cử tri đủ điều kiện đi bầu tham gia bỏ phiếu.
Ông Raisi được xem là người thân cận với Lãnh tụ Tối cao 81 tuổi là ông Ayatollah Ali Khamenei, vốn có quyền chính trị tối thượng tại Iran.
Ông Mora cho biết, mọi bên hiện làm việc để đạt đến một hiệp ước, bất chấp các thay đổi về chính trị đã diễn ra.
Ông Enrique Mora nói: “Các phái đoàn sẽ trở lại với các chỉ thị rõ ràng hơn, các ý kiến rõ rệt hơn về việc làm thế nào để cuối cùng đi đến một thỏa thuận".
"Vòng đàm phán nầy diễn ra ngược lại các diễn biến chính trị và tôi phải nhấn mạnh rằng chúng ta thương thuyết như thường lệ, chống lại các diễn biến chính trị đó”.
Đại diện cho nước Nga, ông Mikhail Ulyanov, nói rằng nay là lúc có các quyết định về chính trị.
Ông Mikhail Ulyanov nói: “Có vài điểm tranh luận vốn đòi hỏi các quyết định chính trị".
"Rõ ràng các nỗ lực ngoại giao để tìm một ngôn ngữ chung hầu như cạn kiệt, vì vậy nay là thời điểm cho các quyết định chính trị”.
Ông cho biết, không có nhật kỳ cho việc tái nhóm được đề ra, mặc dù ông đề nghị là họ có thể trở lại trong khoảng 10 ngày.
Được biết các cuộc thương thuyết hiện diễn ra tại Vienna kể từ tháng 4, để thương thảo về tính chất và các bước tiến mà Iran và Hoa Kỳ phải chấp nhận, về hoạt động nguyên tử và cấm vận để trở lại việc tuân thủ hoàn toàn đối với hiệp ước.
Điều nầy diễn ra khi nhà máy nguyên tử duy nhất của Iran, đã thi hành những gì mà truyền hình nhà nước Iran gọi là, một vụ đóng cửa khẩn cấp tạm thời mà không được giải thích.
Một viên chức thuộc công ty điện năng nhà nước cho biết, việc đóng cửa nhà máu Bushert bắt đầu hôm thứ bảy và sẽ kéo dài trong 3 hay 4 ngày, việc nầy có thể dẫn đến tình trạng mất điện.
Viên chức này nói: “Việc đó đã được loan báo trong phần tin tức và quí vị có lẽ cũng đã nghe thấy, rằng các thanh nguyên tử trong nhà máy điện của chúng tôi đã được tắt đi một cách khẩn cấp, việc nầy sẽ kéo dài trong 3 đến 4 ngày, do nó đã tắt đi từ hôm qua".
"Khi quí vị mất đi 1 ngàn megawatt từ khả năng của nhà máy, thì khả năng mất điện sẽ tăng thêm”.
Đây là lần đầu tiên Iran báo cáo một vụ đóng cửa khẩn cấp nhà máy, tọa lạc tại hải cảng phía nam của thành phố Bushehr.
Vào năm 2011, với sự giúp đỡ của Nga, các thanh nhiên liệu từ nhà máy Bushehr phải được gởi trả lại Nga, theo một biện pháp cấm phổ biến nguyên tử.
Hồi tháng 3, một viên chức nguyên tử là ông Mahmoud Jafari cho biết nhà máy có thể bị đóng cửa, do Iran không thể mua được các trang thiết bị từ Nga, do việc cấm vận về ngân hàng do Hoa Kỳ đặt ra hồi năm 2018.
Hiện nhà máy được cung cấp nhiên liệu uranium từ Nga, chứ không phải Iran và được Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế IAEA của Liên Hiệp Quốc theo dõi.
Cơ quan nầy chưa xác nhận, việc đóng cửa nhà máy.
Được biết nhà máy nầy được xây dựng gần một vết nứt tích cực, vốn có thể chống đỡ với các cơn động đất mạnh mẽ, thế nhưng đã bị rung chuyển từng lúc do các chấn động.
Trong những ngày qua, không có báo cáo nào cho biết có trận động đất đáng kể nào trong khu vực.
Hổi tháng 4, Iran cho biết cơ sở nguyên tử Natanz của họ đã bị một vụ khủng bố, một vài giờ sau khi báo cáo một tai nạn gây mất điện.
Ông Ali Akbar Salehi, người đứng đầu Ủy ban Nguyên tử Iran vào lúc đó nói rằng, vụ tấn công do những kẻ ‘chống lại sự tiến bộ vê kỹ nghệ và chính trị tại Iran’, nhắm vào việc ngăn cản sự phát triển của một nền kỹ nghệ nguyên tử.
Ông không nói rõ quốc gia hay tổ chức nào đứng sau âm mưu phá hoại nói trên.