Hai nước tiếp tục pháo kích qua lại từ sáng sớm 27/7, đánh dấu ngày thứ tư của cuộc giao tranh. Diễn biến này xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm với lãnh đạo hai bên để tìm giải pháp chấm dứt giao tranh.

 

 

Tóm tắt

-Như đã làm trước đó, Thái Lan và Campuchia đổ lỗi cho nhau về việc ai tấn công trước vào rạng sáng ngày 27/7, ngày thứ tư của cuộc xung đột.

-Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm với lãnh đạo hai bên để tìm giải pháp chấm dứt giao tranh, Thái Lan cho biết họ "chưa hoàn toàn đồng ý" với đề nghị trên, một phần vì phải xem xét điều này thông qua các cơ chế và quy trình đã được thiết lập của chánh phủ.

-Campuchia kêu gọi Thái Lan hãy tôn trọng đề nghị ngừng bắn mà họ đã đưa ra trước đó, bên cạnh việc tuyên bố đã phá hủy nhiều chiếc xe tăng của đối thủ để đẩy lùi "cuộc xâm lược".

 

 

 

Tình báo Thái Lan: Campuchia có thể đang khai triển võ khí sản xuất ở nước ngoài, bao gồm Trung Quốc

Một binh sĩ Campuchia đứng trên xe tải chở bệ phóng hỏa tiễn BM-21 do Nga sản xuất tại ở tỉnh Oddar Meanchey vào ngày 25/7/2025. Ảnh: Getty Images

 

 

 

Trong một tuyên bố chiều ngày 27/7, Thiếu tướng Winthai Suvaree, phát ngôn nhân của Lục quân Hoàng gia Thái Lan dẫn lại các báo cáo tình báo và cho hay có "thể Campuchia đang khai triển các hệ thống võ khí hiệu suất cao như PHL-03, RM-70 và BM-21 để tăng cường hỗ trợ cho lực lượng của họ."

 

PHL-03, do Trung Quốc sản xuất được đánh giá là một trong những dàn phóng rocket – hay còn gọi là pháo phản lực - mạnh nhất hiện nay. Bên cạnh đó, hệ thống phóng hỏa lực RM-70 được sản xuất từ thời Liên xô, trong khi hệ thống BM-21 được sản xuất ở Nga.

 

Thiếu tướng Winthai Suvaree nói tiếp, "Điều này phản ánh lập trường mà Thái Lan chưa thể đặt niềm tin vào".

 

Vị này cáo buộc lực lượng Campuchia vẫn chưa chấm dứt các cuộc tấn công bằng nhiều loại vũ khí khác nhau nhắm vào quân đội Thái Lan.

 

Trước đó, Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc rằng họ đang cung cấp vũ khí mới và hỗ trợ quân sự cho Campuchia, đồng thời khẳng định rằng tất cả thiết bị quân sự có nguồn gốc từ Trung Quốc mà Campuchia đang sở hữu đến từ các chương trình hợp tác trong quá khứ.

 

 

 

Báo Campuchia: Giao tranh ác liệt bùng phát tại Chubkorki, Oddar Meanchey

Lính Campuchia điều khiển xe tải được trang bị bệ phóng hỏa tiễn BM-21 do Nga sản xuất tại tỉnh Oddar Meanchey, phía bắc Campuchia, giáp với Thái Lan, vào ngày 27/7. Ảnh: Getty Images

 

 

Tính đến chiều ngày 27/7, khu vực Chubkorki thuộc tỉnh Oddar Meanchey (Campuchia) đang trở thành điểm nóng giao tranh ác liệt giữa quân đội Campuchia và Thái Lan, tờ Khmer Times của Campuchia đưa tin.

 

Báo này cho hay vào giữa trưa cùng ngày, quân đội Campuchia đang tiến hành các trận chiến dữ dội tại Chubkorki để đẩy lùi cuộc tấn công từ phía quân đội Thái Lan. Tại khu vực Thmar Daun cũng tại tỉnh Oddar Meanchey, theo Khmer Times, giao tranh đã lắng dịu sau khi quân đội Campuchia pháo kích và phá hủy nhiều xe tăng của Thái Lan nhằm "tiếp tục giành lợi thế trên chiến trường và ngăn chặn binh lính Thái Lan chiếm trận địa".

 

 

 

 

Quân đội Thái: Vũ khí tầm xa của Campuchia rơi vào tỉnh Surin, Thái Lan buộc phải đáp trả

 

 

Lính Lục quân Hoàng gia Thái Lan trên xe tải quân sự ở tỉnh biên giới Sisaket ở Thái Lan vào ngày 26/7/2025. Ảnh: Getty Images

 

 

Hôm 27/7, Thiếu tướng Winthai Suvaree, phát ngôn nhân của Lục quân Hoàng gia Thái Lan, cho biết Campuchia vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự bằng cách xử dụng vũ khí tầm xa và nã pháo vào lãnh thổ Thái Lan.

 

Giao tranh vẫn tiếp diễn tại nhiều điểm dọc tuyến đầu, khi có nhiều loại vũ khí yểm trợ tầm xa được xử dụng.

 

Chúng đã rơi ngoài các khu vực mục tiêu quân sự dự kiến, đặc biệt là tại tỉnh Surin.

 

“Do đó, Thái Lan buộc phải tiến hành các hoạt động quân sự để đáp trả việc Campuchia liên tục bắn phá bằng hỏa lực và pháo vào lãnh thổ Thái Lan, nhằm ngăn chặn thiệt hại về nhân mạng và tài sản của dân thường,” Thiếu tướng Winthai cho hay.

 

Phát ngôn nhân này cũng cáo buộc pháo binh Campuchia đã tấn công vào Trạm Y tế Ban Sam Meng, thôn 3, xã Sao Thong Chai, huyện Kantharalak, tỉnh Sisaket, gây hư hại nghiêm trọng cho kết cấu của tòa nhà vào khoảng 15 giờ 30 phút chiều hôm 26/7.

 

Tuy nhiên, Thái Lan cho biết không có thương vong về người vì nhân viên y tế đã kịp thời sơ tán bệnh nhân khỏi cơ sở này trước đó.

 

 

 

 

Thái Lan 'chưa hoàn toàn đồng ý với Trump về ngừng bắn'

 

Thứ trưởng Quốc phòng Thái Lan Nattaphon Narkphanit (trái) và quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai. Ảnh: Chánh phủ Thái Lan

 

 

Thứ trưởng Quốc phòng Thái Lan Nattaphon Narkphanit hôm 27/7 nói rõ rằng chánh phủ Thái Lan chưa đưa ra bất kỳ sự đồng thuận dứt khoát nào trước lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, tờ The Nation đưa tin.

 

Theo ông Nattaphon, quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai đã nói với ông Trump rằng Thái Lan sẽ xem xét yêu cầu ngừng bắn thông qua các cơ chế và quy trình đã được thiết lập. Ông Nattaphon, dẫn lại lời ông Phumtham, cho hay Thái Lan được điều hành theo hệ thống dân chủ, và chánh phủ phải lắng nghe tiếng nói của người dân cũng như tuân thủ các thủ tục của nhà nước – không giống như Campuchia, nơi theo lời ông Phumtham, chỉ do "hai hoặc ba cá nhân" cai trị.

 

Ông Nattaphon xác nhận ông và Chatchai Bangchuad, Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia, đều có mặt trong cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Phumtham.

Ông nói, "Campuchia đã không thể hiện sự thành thật trong việc giữ lời hứa của mình,"

"Cho đến nay, họ vẫn chưa có hành động nào để thuyết phục chúng tôi rằng họ sẽ giữ lời."

 

Ông Nattaphon cáo buộc Campuchia đã không ngừng bắn, dù chỉ tạm thời.

Ông nói, "Họ nói chuyện với ông Trump lúc 11 giờ tối thứ Bảy, và đến 2 giờ sáng nay, họ đã tiếp tục nổ súng. Đó không phải là một lệnh ngừng bắn chân thành.”

 

 

 

Campuchia và Thái Lan đổ lỗi cho nhau về vụ tấn công rạng sáng 27/7

 

Lực lượng quân đội Thái Lan trong bức ảnh được chia sẻ hôm 26/7. Ảnh:  Quân đội Hoàng gia Thái Lan

 

 

 

Bộ Ngoại giao Thái Lan cáo buộc lực lượng vũ trang Campuchia đã nã pháo hạng nặng vào khu dân cư tại tỉnh Surin, Thái Lan vào khoảng 4 giờ 30 phút sáng ngày hôm nay 27/7.

 

Cơ quan này nói rằng ngay sau đó, phía Campuchia đã “phát động một chiến dịch thông tin sai lệch, vu cáo Thái Lan là bên nổ súng trước.”

 

Thái Lan “lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn và tái diễn này, đồng thời yêu cầu Campuchia lập tức chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu dân sự.”

 

“Không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào khi phía Campuchia tiếp tục thiếu thiện chí một cách nghiêm trọng và liên tục vi phạm các nguyên tắc cơ bản về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế,” theo Bộ Ngoại giao Thái Lan.

 

Cơ quan này không đưa thêm chi tiết về cuộc tấn công kể trên.

 

Sáng cùng ngày, Trung tướng Maly Socheata, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Campuchia, bác bỏ tuyên bố trên và khẳng định chính Thái Lan mới là bên tấn công trước.

 

Trang Khmer Times, dẫn lại lời vị trung tướng, cho biết diễn biến sự việc sáng nay 27/7 như sau:

-2 giờ sáng: lực lượng Thái Lan đã pháo kích vào vị trí mà Campuchia gọi là Eagle Field, một khoảnh đất gần đền Preah Vihear.

-2 giờ 30 phút: pháo kích được mở rộng sang các khu vực Tathav, Phnom 333 và Phnom Khaing.

-4 giờ 50 phút: các đợt pháo kích tiếp tục nhắm vào đền Prasat Ta Moan Thom và Prasat Ta Krabei.

-6 giờ sáng: bộ binh Thái Lan đã tiến vào các vị trí Phnom Khaing, khu vực An Ses và Eagle Field.

-6 giờ 30 phút: Thái Lan tiến vào với quy mô lớn khi xe tăng và bộ binh tràn vào nhiều khu vực, bao gồm Veal Indri 5 Makara, Phnom Khaing và An Ses.

 

 

 

Khmer Times: Campuchia đã phá hủy nhiều xe tăng Thái Lan

 

 

 

Lính Campuchia đứng trên xe tải quân sự có gắn súng phòng không ở tỉnh Oddar Meanchey vào hôm 25/7. Ảnh: Getty Images

 

 

Theo tờ Khmer Times của Campuchia, tiếng pháo hạng nặng vang lên ở hai tỉnh Oddar Meanchey và Preah Vihear vào khoảng 10 giờ 30 phút sáng nay 27/7. Báo này cho hay quân đội Campuchia đã phá hủy nhiều xe tăng Thái Lan để đẩy lùi "cuộc xâm lược".

 

Tiếng súng vang vọng khắp khu rừng ở cả hai tỉnh Oddar Meanchey và Preah Vihear, khi quân đội Thái Lan tìm cách chiếm giữ các vị trí để thiết lập căn cứ.

 

Còn tại các khu vực Đền Ta Moan Thom, Đền Ta Krabey, Thma Daun, Chubkakir, Đền Preah Vihear, Tathav, Phnom Khak và khu vực Veal Intri, giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn không ngừng với các đợt pháo kích dữ dội, vẫn theo Khmer Times.

 

Phía Thái Lan chưa đưa ra phản hồi về vấn đề này.

 

 

 

Thái Lan: Sơ tán thêm 9.300 người ở bốn tỉnh

 

Người dân sơ tán ở huyện Kantharalak, tỉnh Sisaket hôm 26/7

 

 

Tính đến 16 giờ chiều ngày 26/7, Thái Lan đã sơ tán thêm hơn 9.300 người dân - nâng tổng số người dân được sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm là 97.431 người, theo Trung tâm Chỉ huy Quân khu 2.

 

Việc di tản người dân đến các điểm tập kết an toàn trong nội địa bốn tỉnh - Buri Ram, Surin, Sisaket và Ubon Ratchathani vẫn đang được liên tục tiến hành.

 

Có ghi nhận thiệt hại dân cư ở các khu vực Làng Nong Thanon và Làng Sai Tho 10 Tai và Sai Tho 8 Tai ở tỉnh Buri Ram - nơi quân đội báo cáo có tổng cộng 28 quả đạn pháo BM-21 rơi xuống, nhưng không có thương vong về người được ghi nhận, vẫn theo Trung tâm Chỉ huy Quân khu 2.

 

 

 

 

Thêm nhiều trường học, bệnh viện ở Thái Lan sơ tán

 

Cảnh sát đứng gác tại một trung tâm sơ tán được thành lập ở Buri Ram sau khi giao tranh nổ ra. Ảnh: Getty Images

 

 

Giới chức Thái Lan vào hôm 27/7 đã ra lệnh sơ tán người dân địa phương tại các huyện Chalerm Phrakiat, Lahan Sai và Non Dindaeng thuộc tỉnh Buri Ram khi đạn pháo bắn trúng Lahan Sai và tiếng súng, tiếng nổ vẫn tiếp tục, Bangkok Post đưa tin. Trước đó, chỉ có người dân ở huyện Ban Kruat được sơ tán.

 

Bệnh nhân và nhân viên y tế đã được sơ tán khỏi Bệnh viện Chalerm Phrakiat và Bệnh viện Lahansai tại các huyện Chalerm Phrakiat và Lahan Sai.Theo các nhà chức trách giáo dục ở Buri Ram, 85 trường học nằm gần biên giới thuộc các huyện Ban Kruat và Lahan Sai đang bị đóng cửa vô thời hạn.

 

Cư dân địa phương được khuyến cáo di chuyển từ các khu vực rủi ro đến nhà người thân và các nơi trú ẩn tại trường học, chùa chiền nằm xa phạm vi tấn công của pháo binh và vũ khí hạng nặng.

 

 

 

Campuchia: 25.000 gia đình phải sơ tán, 130.000 trẻ em bị ảnh hưởng

 

 

Trung tướng Maly Socheata, Đảng Nhân dân Campuchia

 

 

Hôm 27/7, Trung tướng Maly Socheata, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng, cho biết trong một cuộc họp báo rằng cuộc giao tranh với Thái Lan đã khiến 25.000 gia đình Campuchia phải sơ tán và việc học của 130.000 trẻ em bị gián đoạn.

 

Bà nhấn mạnh: “Chỉ trong bốn ngày, số lượng gia đình sơ tán ở Preah Vihear, Oddar Meanchey và Pursat đã tăng vọt lên 25.000, ảnh hưởng đến hơn 80.000 người”.

 

Tính đến trưa ngày 26/7, 536 trường học trên 14 huyện thuộc năm tỉnh Campuchia đã buộc phải đóng cửa, khiến 130.000 học sinh không thể đến trường "do các cuộc ném bom và xâm lược liên tục của Thái Lan", vẫn theo tuyên bố của vị trung tướng.

 

 

 

Lãnh đạo hai bên nói gì?

 

Ản: Getty Images

 

 

 

Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai đã xác nhận rằng "về nguyên tắc, phía Thái Lan đồng ý ngừng bắn".

 

Nhưng ông nói rằng Thái Lan "muốn thấy sự chân thành của phía Campuchia trong vấn đề này". Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng đã xác nhận Campuchia "đồng ý với đề nghị ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện giữa hai lực lượng vũ trang". Ông Hun Manet mong rằng Thái Lan không "thay đổi lập trường" về thỏa thuận ngừng bắn.

Đề nghị ngừng bắn đã được hai bên đề cập, nhưng ông Phumtham nói cần xem xét tình hình an ninh dọc theo cả bảy tỉnh biên giới Thái Lan-Campuchia trước khi đưa ra quyết định, theo trang The Nation.

 

 

 

Xung đột lan ra sáu tỉnh Thái Lan

 

Lực lượng Campuchia gần khu vực tranh chấp với Thái Lan. Ảnh: Getty Images

 

 

Vào hôm 26/7, quân đội Thái Lan thông báo về các cuộc đụng độ ở Sa Kaeo, nâng số tỉnh biên giới bị cuốn vào cuộc giao tranh lên sáu trong số bảy tỉnh, theo Bangkok Post.

 

Cả hai bên đều nói rằng họ sẵn sàng ngừng bắn trong cuộc giao tranh hiện đang diễn ra với máy bay chiến đấu, xe tăng và bộ binh, nhưng đã cáo buộc đối phương phá hoại các nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn.

 

Quân đội Thái Lan đã yêu cầu người dân ở các khu vực biên giới cảnh giác cao độ trong bối cảnh lo ngại rằng Campuchia có thể phóng hỏa tiễn do Trung Quốc sản xuất, thứ có tầm bắn trúng mục tiêu trong phạm vi 130km, theo một bài đăng trên Facebook.

 

Trước đó, phía Trung Quốc nói rằng kể từ khi căng thẳng bùng phát dọc biên giới Thái Lan - Campuchia, Bắc Kinh chưa từng cung cấp bất kỳ thiết bị quân sự nào cho Phnom Penh để chống lại Thái Lan.

 

“Tất cả thiết bị quân sự có nguồn gốc từ Trung Quốc nằm trong kho của Campuchia đều là kết quả từ các chương trình hợp tác trong quá khứ. Xin đừng tin vào tin giả do những các đối tượng xấu tung ra”, The Nation dẫn lời Đại tá Thịnh Vĩ, đại diện Trung Quốc, nói.

 

 

 

 

Thái Lan và Campuchia cảm ơn ông Trump vì đã làm trung gian, nhưng pháo kích vẫn tiếp diễn

Ảnh: Getty Images

 

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã gọi điện cho các nhà lãnh đạo Campuchia và Thái Lan, thúc giục họ ngừng bắn ngay lập tức sau các cuộc đụng độ biên giới. Cả hai nước đều cảm ơn ông về sự quan tâm và nỗ lực của ông. Campuchia đã chấp nhận yêu cầu ngừng bắn của ông, trong khi Thái Lan nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại giữa hai nước. Tuy nhiên, sau các cuộc gọi của Tổng thống Mỹ, các cuộc pháo kích vẫn tiếp diễn dọc biên giới trong đêm. Phản ứng từ thủ tướng Thái Lan và Campuchia đối với các cuộc điện đàm của Trump là tích cực, nhưng cả hai bên đều chưa thay đổi lập trường. Campuchia đã đề nghị ngừng bắn; quân đội của họ yếu hơn Thái Lan và đang mất dần lãnh thổ và trang thiết bị trước các cuộc pháo kích và không kích của Thái Lan.

 

 

 

(Theo BBC)

 

(Phụ đính: DanViet News)