Ảnh: Reuters; 達賴喇嘛/Facebook.
‘Bộ Tứ’ bàn cách ứng phó Trung Quốc
AP đưa tin, Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm nay cho biết các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực khiến Bộ tứ Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ tăng cường hợp tác để bảo vệ đối tác và người dân của họ khỏi “sự bóc lột, tham nhũng và cưỡng bức” của Bắc Kinh.
Bình luận trên được ông Pompeo đưa ra tại cuộc họp ở Tokyo với các ngoại trưởng Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của Bộ tứ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Ngoại trưởng Pompeo cáo buộc chính quyền Trung Quốc bưng bít thông tin về Covid-19 và khiến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn, đồng thời đe dọa tự do, dân chủ và sự đa dạng trong khu vực bằng những hành động ngày càng hung hăng. Ông Pompeo nhắc đến Biển Đông, Đài Loan, Mekong, Himalayas và nhấn mạnh đó chỉ là “một vài ví dụ”.
Trong khi đó, Tokyo lo ngại việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Nhật Bản cũng coi hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh.
Ông Trump làm việc dưới hầm Nhà Trắng
Theo CNN, Văn phòng tạm thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ở hầm Nhà Trắng, ngay cạnh phòng y tế, sẽ giúp ông được các bác sĩ, thiết bị y tế chăm sóc và hỗ trợ kịp thời trong trường hợp cần thiết. Văn phòng này cũng sẽ giúp ông Trump cách ly với dinh thự riêng ở Cánh Tây, nơi phát hiện ngày càng nhiều ca nhiễm mới ở các thành viên chính quyền Trump tuần này.
Nhật siết thị thực đối với sinh viên, nhà nghiên cứu Trung Quốc
Trang The Strait Times dẫn tin từ báo Yomiuri thân chính phủ Nhật Bản ngày 5/10 cho biết, kể từ tháng 4/2021, Tokyo sẽ siết chặt quá trình xem xét trong việc cấp thị thực, đặc biệt với các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Tokyo lo ngại công nghệ nhạy cảm và tin tình báo an ninh của Nhật Bản bị rò rỉ sang Trung Quốc hoặc các quốc gia khác thông qua những đối tượng nhập cảnh vào Nhật Bản dưới diện sinh viên cao học hoặc nhà nghiên cứu.
Nếu điều này diễn ra, Nhật Bản sẽ nối gót Mỹ và Úc trong việc nâng cao cảnh giác chống lại sự can thiệp từ Trung Quốc.
Một chuyên gia về chính sách an ninh kinh tế nhận định: “Các sinh viên Trung Quốc bị Mỹ từ chối có thể thay đổi đối tượng của họ và chuyển sang Nhật Bản”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma dự định thăm Đài Loan
Taiwan News hôm qua đưa tin, Đức Đạt Lai Lạt Ma có kế hoạch thăm Đài Loan và phát biểu tại Đại học Quốc gia Thanh Hoa.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thông báo kế hoạch trên cho các tín đồ Đài Loan trong một cuộc hội thảo trực tuyến trên Facebook kéo dài ba ngày, bắt đầu từ 2/10.
Nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng hồi tháng trước bày tỏ hy vọng sẽ đến thăm Đài Loan nhưng không tiết lộ tổ chức nào đã gửi thư mời cho ông. Ông đã thực hiện các chuyến đi tới Đài Loan vào các năm 1997, 2001 và 2009 nhưng chưa đặt chân đến hòn đảo kể từ khi Tổng thống Thái Anh Văn lên nắm quyền.
Bà Âu Giang An, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm qua cho biết hòn đảo hoan nghênh chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Ấn Độ, Bộ cho biết chính phủ Đài Loan sẽ cần đảm bảo cả hai bên phải tuân thủ các quy trình kiểm soát dịch bệnh. Bà Âu cho biết thêm, Bộ Ngoại giao Đài Loan đến nay vẫn chưa nhận được thông báo từ Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Người biểu tình lao vào tù phóng thích cựu tổng thống Kyrgyzstan
Aljazeera đưa tin cựu tổng thống Kyrgyzstan, ông Almazbek Atambayev đã được thả tự do vào ngày 6/10 sau khi người biểu tình xông vào nhà giam. Có khoảng 2.000 người biểu tình cùng tham gia chiếm đóng, húc đổ cổng các tòa nhà.
Trước đó, con trai của ông Atambayev đã dẫn đầu nhóm biểu tình tấn công các văn phòng chính phủ và tòa nhà quốc hội Kyrgyzstan.
Người biểu tình bắt đầu xuống đường từ ngày 5/10 sau khi tố cáo cuộc bầu cử gian lận và cáo buộc Tổng thống Sooronbay Jeenbejov mua phiếu bầu và đe dọa.
Dự kiến, cựu tổng thống Atambayev sẽ tham gia với đám đông biểu tình tại quảng trường Ala-Too để kêu gọi hủy bỏ cuộc bầu cử quốc hội gây tranh cãi hôm 4/10.
Ảnh ghép lấy nguồn từ Reuters.
Đức và đồng minh lên án hồ sơ nhân quyền Bắc Kinh
Theo SCMP, trong một bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba (7/10), Đức đã chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và kêu gọi thế giới tiếp nhận những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị Bắc Kinh đàn áp. Bài phát biểu của Đức đã nhận được sự ủng hộ của 38 quốc gia
Nhóm các nước chủ yếu là phương Tây do đại sứ Christoph Heusgen của Berlin tại Liên Hợp Quốc đại diện cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt ở Hong Kong.
Ông Heusgen nói: “Trước những lo ngại của chúng tôi về tình hình nhân quyền ở Tân Cương, chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng Luật không gửi trả”. Luật không gửi trả là một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế ngăn cấm một quốc gia nhận người tị nạn trả lại cho một quốc gia mà họ có nguy cơ bị khủng bố dựa trên “chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, một nhóm xã hội cụ thể hoặc quan điểm chính trị”.
Bắc Kinh và số ít các đồng minh của họ tại Liên Hợp Quốc đã phản pháo lại, bác bỏ những gì họ cho là “hành vi” can thiệp vào “các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
Ba nhà khoa học chia sẻ giải Nobel vật lý
The Guardian đưa tin ba nhà khoa học Sir Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez đã cùng giành giải Nobel vật lý năm 2020 nhờ công trình nghiên cứu về sự hình thành lỗ đen và phát hiện ra lỗ đen siêu lớn ở trung tâm thiên hà
Giải thưởng được công bố vào thứ Ba (6/10) do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao tặng và phần thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (870.000 bảng Anh) sẽ được chia cho những người chiến thắng, với một nửa thuộc về Penrose và nửa còn lại được chia cho Genzel và Ghez.
Penrose là một giáo sư người Anh, làm việc tại Đại học Oxford, trong khi giáo sư Genzel là một nhà vật lý thiên văn người Đức, giám đốc của Viện Max Planck về Vật lý Ngoài Trái đất, còn Giáo sư Ghez là người Mỹ làm việc tại Khoa Vật lý và Thiên văn học tại Đại học California, Los Angeles.
Ông Pompeo lên án Bắc Kinh trong cuộc họp bộ tứ
Theo Reuters, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, đã tới Nhật Bản vào thứ Ba (6/10) để tập hợp sự ủng hộ từ các đồng minh thân cận nhất của Washington ở châu Á, kêu gọi hợp tác sâu hơn với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc nhằm hình thành một bức tường chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Chuyến thăm Đông Á sau hơn một năm của ông Pompeo trùng với thời điểm căng thẳng Mỹ-Trung đang ngày càng trầm trọng.
Trong các bình luận trước khi bắt đầu cuộc họp của Nhóm Bộ trưởng Ngoại giao bốn nước, ông Pompeo đã dùng những từ ngữ mạnh mẽ trực tiếp lên án đích danh Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong khi đó ba người đồng cấp của ông tỏ ra rụt rè hơn khi tất cả đều tránh đề cập trực tiếp tới Trung Quốc.
Ngoại trưởng nói “Là đối tác trong Bộ tứ này, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải hợp tác để bảo vệ người dân và đối tác của mình khỏi sự bóc lột, tham nhũng và cưỡng bức của ĐCSTQ”, ông Pompeo nói, đề cập đến đảng cầm quyền ở Trung Quốc.
“Chúng ta thấy nó [ĐCSTQ gây chuyện] ở Biển Đông và Hoa Đông, sông Mekong, dãy Himalaya, eo biển Đài Loan”
Ông Navalny kêu gọi EU trừng phạt tài phiệt thân Putin
Nhà phê bình Điện Kremlin Alexei Navalny hôm thứ Tư (7/10) đã lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu có hành động cứng rắn đối với các nhà tài phiệt thân cận với Putin, theo Reuters.
“Các biện pháp trừng phạt đối với cả nước [Nga] không có tác dụng. Điều quan trọng nhất là áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với những kẻ trục lợi từ chế độ và đóng băng tài sản của họ”, ông Navalny nói với tờ Bild, nhật báo bán chạy nhất của Đức, nơi ông đang phục hồi sau thời gian điều trị vì bị đầu độc. “Họ biển thủ tiền, ăn cắp hàng tỷ đô và cuối tuần bay đến Berlin hoặc London, mua những căn hộ đắt tiền và ngồi trong quán cà phê”.
Hôm thứ Ba, Đức cho biết họ đang thảo luận với các đối tác về hành động cần thực hiện sau khi cơ quan giám sát hóa chất toàn cầu xác nhận ông Navalny đã bị đầu độc bằng một biến thể mới chưa được phát hiện trong họ chất độc Novichok.
Một số chính phủ phương Tây cho biết chính phủ Nga phải giúp điều tra vụ đầu độc ông Navalny nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả.
(Theo dkn.tv)