Người dân Palestine đi di tản, trú ẩn trong một khu định cư lều trại dọc bờ biển Địa Trung Hải, phía tây Deir al-Balah, dải Gaza. Ảnh chụp ngày 20/08/2024. AP - Abdel Kareem Hana
Tuyên bố của tổng thống Donald Trump về kế hoạch Hoa Kỳ « kiểm soát » dải Gaza của người Palestine, biến mảnh đất hoang tàn này thành một vùng trù phú, để lại nhiều dư âm. Washington đòi chiếm Groenland của Đan Mạch vì tài nguyên thiên nhiên, đòi thâu tóm Canada vì dầu khí, « thu hồi » kênh đào Panama để kềm tỏa Trung Quốc. Chiếm đóng Gaza có lợi gì cho Mỹ và cho nhà tỷ phú địa ốc New York ?
Mặc dù Tòa Bạch Cung đã đính chính nhưng vẫn chưa xua tan câu hỏi vì mục đích gì và nguyên thủ Mỹ « đùa hay thật » khi đòi kiểm soát Gaza, sát cạnh biên giới với Israel và Ai Cập ? Ở nhiệm kỳ đầu 2017-2021, tổng thống Mỹ thứ 45 đã nhiều lần khiến công luận bàng hoàng trước những tuyên bố « ngược đời » như khi ông quả quyết rằng nước tẩy rửa javel có thể trị virus gây đại dịch Covid 19. Trong nhiệm kỳ 2, trước khi trở lại cầm quyền, ông Trump khẳng định chỉ cần 24 giờ để chấm dứt chiến tranh Ukraina… Về chảo lửa ở Trung Đông, trong chưa đầy 2 tuần lễ ở cương vị tổng thống Mỹ thứ 47, ông đưa ra hai tuyên bố mạnh đòi trục xuất người Palestine khỏi Gaza, đưa họ sang Ai Cập hay Jordanie. Rồi Washington không loại trừ khả năng « sử dụng kể cả sức mạnh quân sự » để kiểm soát dải Gaza của người Palestine.
Gaza là một dải đất chật hẹp với chưa dầy 400 km2 (bằng một nửa diện tích của Singapore), đặt dưới sự kiểm soát của Ai Cập từ năm 1948 cho đến năm 1967. Từ 2023 Gaza bị quân đội Israel phong tỏa, gần 2 triệu người Palestine lâm vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo « chưa từng thấy ». Nếu có kiểm soát được vùng đất này đi chăng nữa thì Mỹ có lợi ích gì ?
Một số chuyên gia quan sát ghi nhận : Donald Trump là một tỷ phú địa ốc, một phần cơ nghiệp hiện nay có được là nhờ đã đầu tư vào những vùng « đầm lầy » ở New York, khi mà giá nhà đất còn rẻ như bèo vì không mấy ai muốn lui tới. Liệu rằng tổng thống Trump và những người thân cận đang trông thấy ở dải Gaza, một vị trí chiến lược về mặt kinh tế và là một địa điểm du lịch đầy tiềm năng trong tương lai ?
Lập luận này càng được châm thêm củi lửa khi mà Jared Kushner, con rể của tổng thống Hoa Kỳ và cũng là người từng được ông chỉ định đặc trách về hồ sơ Trung Đông ở nhiệm kỳ trước, gần đây từng bình luận « Gaza có triển vọng phát triển còn hơn cả Monaco » với rất nhiều những khu vực « hướng ra biển rất thuận lợi » và sẽ rất tốt cho mục tiêu phát triển du lịch.
Có lẽ không hẳn như thế vì từ đầu thập niên 1990, vài ngày trước khi đặt bút ký vào hiện định Oslo ở Camp David (ngày 13/09/1993) với thủ lĩnh Palestine Yasser Arafat, Shimon Peres trong cương vị ngoại trưởng Israel từng khẳng định Gaza có triển vọng trở thành một vùng đất giàu có, phát triển như « một Singapore của Trung Đông ». Theo lời Yoram Dori, nguyên cố vấn của ông Peres, dải Gaza có được ổn định và thịnh vượng thì Palestine mới hợp tác và chung sống trong hòa bình với Israel. Trong giả thuyết này, các chương trình phát triển Gaza sẽ do các kế hoạch viện trợ của cộng đồng quốc tế đài thọ. Nói cách khác hơn 30 năm trước đây, Israel đã xem phát triển kinh tế trong khu vực là chìa khóa mang lại hòa bình và ổn định cho Trung Đông.
Ý tưởng của ngoại trưởng Peres khi đó từng được lãnh tụ Palestine Yasser Arafat tán đồng. Tháng 8/1994 chủ tịch Cơ Quan Quyền Lực Palestine tuyên bố ý tưởng này không hoàn hảo nhưng ông cũng tin tưởng là « Gaza rồi sẽ phồn thịnh và trở thành một Singapore ở Trung Đông ». Nhưng rồi hiệp định Oslo đã chết yểu. Trung Đông lún sâu vào vòng xoáy bạo động với những cuộc chiến tranh ném đá liên tiếp và cho đến tận loạt khủng bố đẫm máu trên lãnh thổ Israel hồi tháng 10/2023.
Vậy phải chăng tổng thống Trump qua các tuyên bố gần đây về Trung Đông, về Gaza, về số phận người dân Palestine nhằm khởi động lại kế hoạch từng nảy sinh từ hơn 3 thập niên trước ?
Không ai phủ nhận lập trường của tổng thống Trump đứng về phía Nhà nước Do Thái và ông cũng là điểm tựa then chốt của thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Tuy nhiên, những tuyên bố của chủ nhân Tòa Bạch Cung đòi trục xuất người Palestine khỏi Gaza khiến công luận quốc tế ngỡ ngàng, đặt các nước Ả Rập thân Mỹ trong thế « kẹt ». Từ Ai Cập đến Jordanie hay Ả Rập Saudi đồng loạt chống đối mọi kế hoạch cưỡng bức người Palestine đi nơi khác định cư vì hai lý do : Ai Cập và Jordanie không muốn tiếp nhận thêm người tị nạn Palestine. Cairo luôn coi đây là một « lằn ranh đỏ » không thể vượt qua vì coi đó vừa là một dấu chấm hết đòi công lý cho người Palestine, vừa xem các làng sóng người tị nạn từ Gaza tràn vào lãnh thổ Ai Cập như một mối đe dọa cả về kinh tế lẫn an ninh. Về phần Jordanie và Ả Rập Saudi thì công luận tại hai quốc gia Ả Rập này không chấp nhận để kịch bản Nakba tái diễn sau « tai họa năm 1948 »
Trước mắt chỉ biết rằng, những tuyên bố bất lường của tổng thống Trump luôn bắt mọi người phải chú ý. Không ai đoán được rằng đây chỉ là một đòn hù dọa, một nước « cờ bạc bịp » để rồi Tòa Bạch Cung sẽ dơ cao đánh khẽ hay trong những tuyên bố đó là một phần chiến thuật để Washington định hướng công luận …
(Theo RFI)