Việc di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sẽ có “tác động tích cực theo cấp số nhân đối với nền kinh tế Ấn Độ"? (Ảnh: Matt Cardy/Getty Images)

 

 

 

Gần đây, tin tức về biên giới Trung-Ấn có vẻ khá hiếm hoi và không còn rầm rộ như trước. Tuy nhiên, hai nước lại đang giao tranh trên một chiến trường khác, đó là gì?

 

 

Hôm 9/10, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã triển khai 60.000 binh sĩ dọc theo biên giới Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện giờ, những tin tức như vậy không còn gì đáng ngạc nhiên nữa vì khả năng lại xảy ra xung đột biên giới Trung-Ấn vẫn luôn tồn tại. Chẳng qua là giới lãnh đạo ĐCSTQ sẽ không thể cáng đáng nổi nếu phải đấu với cả thù trong giặc ngoài, vậy nên họ đang tạm thời hạ nhiệt cuộc xung đột với Ấn Độ. Truyền thông đại lục cũng không còn đưa tin về biên giới Trung-Ấn nữa, trông thì có vẻ như xung đột này đã qua rồi. 

 

 

Ván cờ của ĐCSTQ ở biên giới Trung-Ấn

Bốn tháng trước, vì ĐCSTQ che giấu đại dịch và bị quốc tế lên án, nên giới lãnh đạo Trung Quốc đã áp dụng chiến lược đi gây hấn bốn bề để chuyển dịch sự chú ý của dư luận cả trong và ngoài nước. Vào ngày 10/5, biên giới Trung-Ấn bất ngờ nổ ra xung đột. Các nhà phân tích đều cho rằng, lãnh đạo ĐCSTQ đã cố gắng bắt chước cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, gây chiến với Ấn Độ như hồi năm 1962 để chuyển hướng sự chú ý và nhân cơ hội củng cố vị trí trong đảng. Nhưng sau đó tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu hơn, Ấn Độ đã điều động lượng lớn quân đội đến biên giới, phô bày sĩ khí hừng hực và mong muốn trả thù cho những chiến sĩ đã hi sinh. Tình hình quốc tế cũng nghiêng về một phía, ngay cả Nga - đối tác chiến lược mà ĐCSTQ tự nhận, cũng đã quay sang phía Ấn Độ.

 

 

Kết quả là ĐCSTQ đã phải tạm thời lặng lẽ lui binh, nhưng điều này không có nghĩa là giới lãnh đạo ĐCSTQ đã hoàn toàn từ bỏ ý định sử dụng xung đột biên giới Trung-Ấn để chuyển hướng sự chú ý. Nếu sức mạnh quân đội của ông Tập Cận Bình bị thách thức, ông ấy vẫn có thể liều mình chấp nhận rủi ro, xét cho cùng thì nguy cơ xảy ra chiến tranh cục bộ giữa Trung Quốc và Ấn Độ thấp hơn nhiều so với chiến tranh ở eo biển Đài Loan. Ngay cả khi thua, ĐCSTQ vẫn có thể tuyên truyền trong nước là họ đã chiến thắng. Ít nhất cho đến nay, không ai biết con số thương vong thực sự của quân đội ĐCSTQ trong trận xung đột hồi tháng Năm với Ấn Độ; cũng không rõ là ĐCSTQ đã chiếm thêm đất hay mất một số đồn trú trên tuyến kiểm soát thực tế LAC.

 

 

Sau khi bị kích động, Ấn Độ đã phản kích một cách mạnh mẽ, hiện nay xét tổng thể thì họ đã hoàn thành việc triển khai quân sự, có khả năng ăn miếng trả miếng với Trung Quốc, khiến lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ tăng thêm mối lo ngại, nên cũng đành phải theo lao mà triển khai quân ra biên giới Trung-Ấn.

 

 

Trong tình hình hiện tại, giới lãnh đạo ĐCSTQ sẽ không dễ dàng khai chiến với Ấn Độ như trước nữa, nhưng một cuộc chiến tranh Trung-Ấn khác đã và đang diễn ra - trận chiến chuỗi cung ứng mà ĐCSTQ đang ở thế thua.

 

 

Cuộc chiến chuỗi cung ứng do ĐCSTQ gây ra

ĐCSTQ vốn muốn dồn lực tuyên truyền về khả năng tiêu dùng du lịch trong kỳ nghỉ lễ dài ngày - "Quốc khánh ĐCSTQ 1/10", nhưng không ngờ lại phản tác dụng. Khả năng tiêu dùng thực tế giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc còn phải mất rất lâu mới có thể phục hồi.

 

 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã tiết lộ tình trạng việc làm thực tế: 8 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc có 7,81 triệu người mới gia nhập vào đội ngũ tìm việc, thậm chí 8,74 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học cũng không cách nào tìm được việc làm, đó là còn chưa kể đến các đối tượng khác. Ông Lý cũng không dám tiết lộ số liệu thất nghiệp thực sự.

 

 

Trung Quốc đại lục xuất hiện một lượng lớn người thất nghiệp như vậy, một phần là do dịch bệnh và một phần là do sự chuyển dịch nhanh chóng của chuỗi cung ứng. Bệnh dịch có thể qua đi và trạng thái xã hội có thể phục hồi, những chuỗi cung ứng sẽ rất khó để khôi phục trở lại.

 

 

Không chỉ các chuỗi cung ứng của Mỹ đang rời khỏi Trung Quốc mà các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu và Đài Loan cũng đang nhanh chóng rút khỏi Trung Quốc. Quốc gia hưởng lợi nhanh nhất là Việt Nam, còn quốc gia hưởng lợi lâu dài nhất lại là Ấn Độ.

 

 

Nguyên nhân Trung Quốc có thể trở thành công xưởng của thế giới là vì có lợi thế lớn nhất là lượng lớn lao động giá rẻ. Trung Quốc áp dụng chính sách đăng ký hộ khẩu nghiêm ngặt và cấm người dân di chuyển, điều này đã từng cô lập hàng trăm triệu lao động nông thôn khỏi các thành phố và thị trấn. Và các công ty đa quốc gia đã thông qua con đường này mà kiếm lợi một cách nhanh chóng. Chính quyền Trung Quốc cũng từng thực hiện các chính sách miễn giảm ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, nước này đã gia nhập WTO và có được tấm vé toàn cầu hóa.

 

 

Sau đó, ĐCSTQ lại thực hiện chính sách trợ cấp lượng lớn xuất khẩu, thiết lập các rào cản nhập khẩu và thao túng tỷ giá hối đoái, dẫn đến mất cân bằng thương mại nghiêm trọng; đồng thời, ĐCSTQ cũng điên cuồng đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, khiến các nước phương Tây ngày càng bất mãn. ĐCSTQ đã che giấu đại dịch gây thiệt hại nặng nề cho các quốc gia, nó cũng không ngừng đổ lỗi, phủ nhận và sử dụng chính sách ngoại giao chiến lang, cuối cùng làm bùng phát sự giận dữ đã tích tụ bấy lâu nay của các nước phương Tây.

 

 

Các quốc gia đã lần lượt rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, vậy thì một quốc gia khác có thể cung cấp lượng lớn lao động trẻ và giá rẻ chắc chắn là Ấn Độ. Đối với các chuỗi cung ứng có sản lượng không lớn, họ có thể chọn các nước Đông Nam Á; đối với các ngành đòi hỏi nhiều lao động hơn thì Ấn Độ đã trở thành lựa chọn hàng đầu. Đây đều là chiến lược phổ biến của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu và Đài Loan.

 

 

Ấn Độ có một cơ hội hiếm có

Chính phủ Ấn Độ thông báo rằng, Google, Amazon và quỹ tài sản có chủ quyền của Abu Dhabi (thủ đô của Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) đều đã công bố kế hoạch đầu tư dài hạn tại Ấn Độ. Khoản đầu tư hiện tại của các công ty đa quốc gia tại Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tạo ra 1,2 triệu việc làm cho Ấn Độ và tăng giá trị sản lượng hơn 150 tỷ USD.

 

 

Trung Quốc đã từng là cơ sở sản xuất chính của công ty Apple, nhưng sắp tới công ty này sẽ chỉ để lại dây chuyền sản xuất các sản phẩm bán cho thị trường Trung Quốc, phần lớn số còn lại sẽ được chuyển sang Ấn Độ; Samsung đã hành động nhanh hơn Apple và cũng đã triển khai tại Ấn Độ; một lượng lớn các công ty Đài Loan như Foxconn, Wistron và Pegatron... cũng chuyển đến Ấn Độ.

 

 

Nhằm đón lấy cơ hội hiếm có này, chính phủ Ấn Độ cũng nhanh chóng đưa ra ba chính sách ưu đãi nhằm thu hút rộng rãi đầu tư nước ngoài vào các ngành điện tử, dược phẩm, ô tô, dệt may và thực phẩm.

 

 

Cuộc đàm phán vừa kết thúc của “Bộ tứ Kim cương” Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng Ấn Độ. Trên đà này, Ấn Độ có thể sẽ thay thế Trung Quốc và trở thành một công xưởng thế giới khác. Theo ước tính sơ bộ, Ấn Độ hiện có ít nhất 500 triệu lao động trẻ, vậy nên triển vọng kinh tế rõ ràng là rất lạc quan.

 

 

ĐCSTQ thực sự đã trao vào tay Ấn Độ các cơ hội kinh tế.

 

Để thu hút đầu tư, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nêu rõ, việc tái tạo chuỗi cung ứng cần dựa trên sự tin tưởng và ổn định, thay vì chỉ xem xét chi phí. Câu nói này đã chọc thẳng vào điểm yếu của chính quyền Cộng sản Trung Quốc.

(Theo ntdvn.com)