Một khách hàng trẻ đang xem đồ trang sức bằng vàng được trưng bày tại cửa hàng Chow Tai Fook ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 5/2/2024. (JADE GAO/AFP via Getty Images)
Trung Quốc đang trải qua tình trạng giảm phát nghiêm trọng nhất trong 15 năm qua, thị trường chứng khoán biến động và lãi suất ngân hàng quá thấp. Gen Z Trung Quốc đang đặt an ninh tài chính của mình vào những 'hạt đậu vàng'.
Gen Z là viết tắt của Generation Z, nghĩa là Thế hệ Z. Các nhà nghiên cứu và phương tiện truyền thông đại chúng coi những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ cuối những năm 1990 cho đến đầu những năm 2010 là người thuộc Gen Z.
Đối với rất nhiều người, vàng là lựa chọn đầu tư đáng tin cậy nhất để duy trì giá trị tài sản trong thời kỳ bất ổn và suy thoái kinh tế. Do đó, những 'hạt đậu vàng' chỉ nặng 1 gram này ngày càng được giới trẻ Trung Quốc xem là lựa chọn đầu tư an toàn. Từ vàng miếng đến hạt đậu vàng và vòng tay bằng vàng, ở Trung Quốc đã và đang rộ lên cơn sốt tiêu thụ vàng.
'Hạt đậu vàng' trở thành mặt hàng hot mới nhất ở Trung Quốc
Theo Bloomberg, cô Tina Hong, 18 tuổi, là một trong những người trẻ đầu tư vào ‘hạt đậu vàng’. Cô Hong là sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành khoa học máy tính tại một trường đại học ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Cô đã mua 'hạt đậu vàng' từ tháng 1 năm nay vì giá 'hạt đậu vàng' tương đối thấp, khoảng 600 nhân dân tệ (83 USD) mỗi gram. Cô cho biết cô đã có hơn 2 gram 'hạt đậu vàng' và sẽ tiếp tục mua miễn là chúng có giá thấp hơn giá vàng quốc tế.
Cô Hong nói “Đơn giản là, mua vàng thì không thể lỗ được”.
Những hạt đậu vàng được đựng trong lọ thủy tinh đang là mặt hàng hot nhất trong các cửa hàng trang sức ở Trung Quốc. Người mua chủ yếu là các khách hàng trẻ tuổi. Theo "Báo cáo Xu hướng Tiêu dùng Trang sức Trung Quốc năm 2023" do Tập đoàn Trang sức Chow Tai Fook có trụ sở tại Hong Kong công bố, do bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và tình trạng giảm phát, người tiêu dùng Gen Z ở Trung Quốc hiện đã trở thành một trong những nhóm người tiêu dùng trang sức vàng lớn nhất ở nước này.
Niềm tin của người Trung Quốc đối với các loại hình đầu tư truyền thống như cổ phiếu, bất động sản và các sản phẩm quản lý tài sản khác đã chạm đáy, điều này đã thúc đẩy tạo nên cơn sốt vàng ở Trung Quốc.
Kể từ khi thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh vào năm ngoái, một trong những chỉ số chính của nó đã giảm xuống mức của năm 2018. Các nhà đầu tư Trung Quốc vô cùng thất vọng và từng chạy vào tài khoản mạng xã hội của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Trung Quốc để đăng bình luận cầu cứu.
Bất động sản từng là sản phẩm đầu từ chính của người Trung Quốc, chiếm 60% đến 70% tài sản hộ gia đình Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng bất động sản trong những năm gần đây đã ảnh hưởng đến tài sản của rất nhiều gia đình.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cơ bản 4 lần kể từ tháng 12/2021, điều này đã ăn mòn lợi nhuận của các sản phẩm tài chính.
Kim loại quý hiện là một trong những thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất ở Trung Quốc. Người phát ngôn của hãng kim hoàn Trung Quốc Lukfook Holdings International cho biết, việc mua 'hạt đậu vàng' làm quà tặng và đầu tư cũng đạt đỉnh điểm trong thời gian Tết Nguyên đán vừa qua. Thậm chí, các ngân hàng cũng tham gia cùng các nhà bán lẻ vàng truyền thống để bán 'hạt đậu vàng'.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin trong dịp Tết Nguyên đán năm nay rằng, nhiều cửa hàng vàng trong các trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Sơn Đông, vùng Tây Bắc và các khu vực khác đã xảy ra hiện tượng cháy hàng, tạm hết hàng; bên cạnh các đồ trang sức bằng vàng truyền thống vốn luôn bán chạy, những thỏi vàng Năm Thìn và một số đồ trang sức bằng vàng theo chủ đề Năm Thìn cũng đã trở thành những mặt hàng hot.
Ông Li, chủ một công xưởng chế tác trang sức vàng ở Quảng Châu, nói với phóng viên The Epoch Times vào ngày 16/2 rằng công xưởng của ông có hơn 30 nhân viên và đã phải làm việc tăng ca ngay từ trước Tết Nguyên đán, mỗi ngày họ phải gia công hàng trăm món trang sức bằng vàng theo yêu cầu.
Thống kê của Hiệp hội Vàng Trung Quốc cho thấy, lượng tiêu thụ vàng của Trung Quốc trong năm 2023 là 1.089,69 tấn, tăng 8,78% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo The Paper, cô Liu đến từ Bắc Kinh bắt đầu để ý đến những gram vàng nhỏ này sau khi được bạn bè giới thiệu. Cô cho biết, mỗi tháng tiết kiệm một 'hạt đậu vàng' là mục tiêu quản lý tài chính của cô. Theo cô Liu, việc này tương tự như đầu tư dài hạn.
Nếu không hiểu rõ vàng thật và vàng giả, người đầu tư sẽ gặp rủi ro
Theo Bloomberg, ông Nikos Kavalis, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Metals Focus có trụ sở tại London, cho biết giới trẻ Trung Quốc đang bỏ qua thói quen “tiêu tiền mua niềm vui”, thay vào đó là mua những “trang sức kiểu tài sản” như 'hạt đậu vàng' để vừa làm vật trang sức, vừa đầu tư.
Tuy nhiên, ông Kavalis cảnh báo rằng không có ích gì khi đầu tư vào 'hạt đậu vàng' hoặc các mặt hàng vàng khác vì giá của chúng thường cao hơn giá giao ngay từ 10% đến 30%. Ông cho biết, các nhà đầu tư sẽ được phục vụ tốt hơn nếu gửi tiền vào các quỹ giao dịch (ETFs) của sàn giao dịch vàng.
Tuy nhiên, cơn sốt vàng vẫn đang tiếp tục trên mạng xã hội Trung Quốc. Mọi người đang thi nhau đăng thông tin về việc mua vàng. Nhiều cư dân mạng nước này còn chụp ảnh hoặc quay video số vàng nhỏ mà họ đã mua được và đăng tải lên. Trong phần bình luận của những bài viết trên thường có những bình luận kiểu như “trữ tiền không bằng trữ hạt đậu vàng”. Hiện nay, tích lũy 'hạt đậu vàng' đã trở thành phương thức quản lý tài chính được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng.
Có chuyên gia chỉ ra, khách hàng mua ‘hạt đậu vàng’ và các sản phẩm vàng khác sẽ gặp rủi ro nếu họ không hiểu được sự khác biệt giữa vàng thật và vàng giả.
Cô Lily Chen, một nhân viên văn phòng 26 tuổi ở Thượng Hải, gần đây muốn đổi 'hạt đậu vàng' lấy một chiếc vòng tay bằng vàng nhưng lại phát hiện ra rằng hầu hết số 'hạt đậu vàng' mà cô mua đều bị pha tạp chất sắt, kẽm và đồng.
Cô Chen nói với Bloomberg “Tôi bảo đảm là đã mua [hạt đậu vàng] từ các cửa hàng trực tuyến được xếp hạng sao. Nhưng tình trạng này vẫn có thể xảy ra".
(Theo The Epoch Times tiếng Trung)
(ntdvn.net; Đông Phương biên dịch)