Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) vừa công bố ‘Hồ sơ Pandora’ cho thấy hàng chục nhà lãnh đạo, tỉ phú và người nổi tiếng khắp thế giới lợi dụng các 'thiên đường thuế' để che giấu số tài sản khổng lồ.
"Hồ sơ Pandora" hé lộ hoạt động tài chính ngầm của nhiều lãnh đạo và nhân vật quyền lực, nổi tiếng trên thế giới - Ảnh: ICIJ
600 nhà báo điều tra
Hồ sơ công bố ngày 3-10 điểm mặt các nhân vật như tổng thống Ukraine, thủ tướng CH Czech, cựu thủ tướng Anh Tony Blair, nữ ca sĩ Shakira,…
Tổng cộng, hồ sơ tiết lộ tài sản và các thỏa thuận tài chính của hơn 100 tỉ phú, 30 lãnh đạo đương chức lẫn nghỉ hưu và 300 chính trị gia, quan chức cấp cao tại 91 quốc gia, vùng lãnh thổ có dính líu tới các thiên đường thuế Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ và Quần đảo Cayman.
Cuộc điều tra có sự tham gia của 600 nhà báo thuộc các tờ báo lớn như Washington Post, BBC và Guardian, dựa trên 11,9 triệu tài liệu rò rỉ từ 14 công ty dịch vụ tài chính trên thế giới.
Theo "Hồ sơ Pandora", những người có quyền lực, thay vì góp sức dọn dẹp các "thiên đường thuế" ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác.
Hãng tin AFP dẫn lời giám đốc ICIJ, ông Gerard Ryle, nó "Hồ sơ chứng tỏ những người có thể chấm dứt những bí mật ở (thiên đường thuế) nước ngoài, xóa bỏ những gì đang diễn ra, lại chính là những người đang hưởng lợi từ nó. Chúng tôi đang nói đến hàng nghìn tỉ USD".
Cụ thể, quốc vương Abdullah của Jordan được cho là đã sử dụng các tài khoản ở nước ngoài để chi hơn 100 triệu USD mua các căn nhà sang trọng ở Anh và Mỹ.
Theo hồ sơ, tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, được cho là đã chuyển 25% cổ phần trong một công ty bình phong ở nước ngoài cho 1 người bạn thân trong quá trình tranh cử.
Người bạn này sau đó trở thành cố vấn hàng đầu của tổng thống. Hồ sơ không đề cập trực tiếp đến Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng hé lộ tài sản các nhân vật thân cận với ông tại Monaco.
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair từng lên tiếng phản đối việc trốn thuế trong nhiều thập kỷ, nhưng các hồ sơ rò rỉ tiết lộ ông và vợ có thể đã né thuế để sở hữu một tòa nhà trị giá 8,8 triệu USD.
Thay vì trực tiếp mua tòa nhà, vợ chồng ông Blair đã mua cổ phần của một công ty bất động sản nước ngoài sở hữu tòa nhà để tránh phải nộp thuế tài sản tổng cộng 400,000 USD.
Ngoài ra, "Hồ sơ Pandora" còn tiết lộ chủ sở hữu thực sự của hơn 29.000 công ty nước ngoài. Một số công ty này được dùng để ẩn danh tài khoản ngân hàng, máy bay phản lực tư nhân, du thuyền, biệt thự và các tác phẩm nghệ thuật của Picasso và Banksy.
Người trong cuộc nói gì?.
Các nhân vật nổi tiếng khác được nhắc đến gồm nữ ca sĩ Shakira người Colombia, siêu mẫu Claudia Schiffer, tuyển thủ môn criket Sachin Tendulkar người Ấn Độ. Đại diện của 3 nhân vật này đã lên tiếng phủ nhận việc trốn thuế.
Theo báo Guardian, Tổng thống Ukraine Zelensky từ chối bình luận trong khi những nhân vật liên quan đến ông Putin cũng chưa phản hồi chất vấn của truyền thông.
Nhà vua Jordan không trả lời các câu hỏi của Guardian nhưng khẳng định việc ông sở hữu tài sản thông qua các công ty ở nước ngoài không có gì sai.
Trong khi đó, Thủ tướng CH Czech Andrej Babis khẳng định trên mạng xã hội Twitter là ông "chưa bao giờ làm gì sai hay phạm pháp”, sau khi hồ sơ Pandora cho rằng ông che giấu việc dùng một công ty đầu tư ở nước ngoài để mua bất động sản trị giá 22 triệu USD ở Pháp.
"Hồ sơ Pandora", với 2,94 TB dữ liệu, là vụ rò rỉ lớn nhất trong những năm gần đây so với "Hồ sơ Panama" (2016) và "Hồ sơ Paradise" (2017). Việc xác minh tính xác thực của "Hồ sơ Pandora" là cuộc kiểm định lớn nhất do ICIJ thực hiện cùng một nhóm gồm 150 tờ báo.
Tổng cộng, ICIJ đã tìm thấy mối liên hệ giữa gần 1,000 công ty ở các "thiên đường thuế" với các nhân vật nói trên. Hơn 2/3 số công ty này được thành lập tại Quần đảo Virgin thuộc Vương Quốc Anh.