Ảnh chụp màn hình Youtube từ Sky News Australia (trái) và CGTN (phải)

 

 

 

 

Úc nắm trong tay một lợi thế lớn chống lại các hạn chế của Bắc Kinh, nhưng giống như bất kỳ lựa chọn hạt nhân nào khác, đây là loại vũ khí mà Úc tốt nhất không nên mang ra sử dụng.

 

 

Khi quan hệ Trung Quốc – Úc đang trên bờ vực xấu đi, Bắc Kinh đã lựa chọn hành động trả đũa đối với các sản phẩm nông nghiệp của Úc, nhưng vẫn luôn không dám động đến quặng sắt của đối phương. 

 

 

Phân tích của giới truyền thông Mỹ cho rằng, quặng sắt của Úc chính là “lựa chọn hạt nhân” mà Úc đang nắm giữ trong chính sách ngoại giao đối với Trung Quốc, điều này mang lại cho Canberra (thủ đô nước Úc) một lợi thế lớn chống lại các hạn chế của Bắc Kinh.

 

 

Ngày 12/9, trang Bloomberg đã đăng tải bài viết với tiêu đề “ Úc có ‘lựa chọn hạt nhân ngoại giao’ đối với Trung Quốc“, bài viết nhìn nhận rằng thông qua việc kiểm soát xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc, hiện Úc đang chiếm ưu thế trong quyền phát ngôn với Bắc Kinh.

 

 

Kể từ đầu năm tới nay, mối quan hệ Trung-Úc đã xấu đi nhanh chóng. Đầu tháng 9, hai nhà báo Úc thường trú tại Trung Quốc đã phải mau chóng đào thoát khỏi đại lục, nhưng đã bị các nhân viên an ninh quốc gia bắt giữ và thẩm vấn vào lúc nửa đêm khi đang chạy trốn. Trước đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt giữ Thành Lôi (Cheng Lei), nữ MC có quốc tịch Úc dẫn chương trình kênh CGTV (Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc) mà không giải thích lý do với chính phủ Úc, khiến Canberra khá bất bình.

 

 

Tháng 4 năm nay, chính phủ Úc đã yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập mang tính toàn cầu đối với nguồn gốc virus viêm phổi Vũ Hán, còn gọi là Covid-19. ĐCSTQ ngay lập tức tỏ thái độ bất mãn và đe dọa chế tài kinh tế đối với Úc. Đáp lại, Úc cho biết họ sẽ không nhượng bộ. 

 

 

Những căng thẳng về ngoại giao đã lan rộng sang lĩnh vực kinh tế. ĐCSTQ đã cấm nhập khẩu thịt bò, rượu vang và lúa mạch của Úc như các đòn trả đũa thương mại. Đáp trả, hồi tháng trước, chính phủ Úc đã chặn thương vụ mua lại doanh nghiệp sữa Lion Dairy và Drinks của Úc của tập đoàn sữa Trung Quốc Mengniu Dairy từ công ty Kirin Holdings của Nhật.

 

 

Mặc dù quan hệ Trung – Úc rạn nứt, nhưng cho đến nay cả hai bên vẫn chưa đụng đến giao dịch quặng sắt.

 

 

“Vũ khí cốt lõi” của Úc nhắm trúng hạch tâm quản lý kinh tế của Bắc Kinh

Trang Bloomberg cho rằng, quặng sắt chắc chắn là sản phẩm cốt lõi trong việc lèo lái nền kinh tế Trung Quốc của Bắc Kinh. Trong một năm qua, Trung Quốc đã nhập khẩu 700 triệu tấn quặng sắt từ Úc, cao gấp đôi so với đầu những năm 2010 khi mối quan hệ giữa hai nước còn bền chặt. 

 

 

Đối với Bắc Kinh mà nói, việc phụ thuộc vào quặng sắt của Úc là một điểm yếu chí tử. Nhưng khác với bất kỳ lựa chọn hạt nhân nào khác, đây là loại vũ khí mà Úc tốt nhất không nên mang ra sử dụng. 

 

 

Bài báo chỉ ra rằng, một khi nhấn phải “cái nút hạt nhân” này, lực sát thương đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ là rất lớn. Các ngành sản xuất và ngành bán lẻ do các công ty tư nhân làm chủ đạo vẫn đang gặp khó khăn trước tác động của đại dịch viêm phổi Vũ Hán và hầu hết các khoản đầu tư vào tài sản cố định thậm chí còn đang thấp hơn mức trì trệ vào năm ngoái. 

 

 

Các ngành xây dựng và kỹ thuật do nhà nước lãnh đạo đã trở thành nguồn lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

 

 

Tuy nhiên, điều này lại đòi hỏi một lượng lớn gang thép, quặng sắt và than cốc để xây dựng và thi công. Nói cách khác, bộ máy kinh tế Trung Quốc phu thuộc rất lớn vào nguồn cung sắt thép để vận hành. 

 

 

Trung Quốc là nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới và Úc đóng vai trò hết sức quan trọng trong nguồn cung sắt thép cho Trung Quốc. Các mỏ sắt của Úc cung cấp 2/3 lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhập khẩu một lượng lớn than cốc từ Úc để sản xuất thép.

 

 

Trong xung đột ngoại giao với Trung Quốc, nếu Úc biến chuỗi cung ứng này thành một vũ khí sắc nhọn, điều này sẽ đánh trúng vào hạch tâm quản lý kinh tế của Bắc Kinh.

 

 

Tuy nhiên, Úc cũng sẽ không dễ dàng nhấn nút “lựa chọn hạt nhân” này, vì nó cũng sẽ tác động mạnh đến kinh tế Úc vốn phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu.

 

 

Quặng sắt Úc là mặt hàng khó thay thế

Hồi tháng 6 trang tin tài chính CNBC cũng đăng một bài phân tích đưa ra những kết luận tương tự. Bài báo cho rằng, mặc dù Bắc Kinh đã có các hành động trả đũa đối với một số sản phẩm nông nghiệp Úc, nhưng điều này vẫn không gây tổn hại lớn đến thương mại song phương. ĐCSTQ chưa hề đụng đến quặng sắt vốn là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ ​​Úc, bao gồm cả than cốc, thực tế là bởi ĐCSTQ hiện có rất ít nguồn cung thay thế khác để lựa chọn.

 

 

Hồi tháng 5 năm nay, một giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Gang thép Trung Quốc cho biết tuy rằng Trung Quốc có thể thay thế quặng sắt của Úc bằng quặng sắt châu Phi, nhưng muốn khai thác tài nguyên khoáng sản châu Phi thì phải sau 4 đến 5 năm nữa mới thực hiện được.

 

 

Theo số liệu của ngân hàng UBS, trong năm 2019, 21% lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Brazil. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của Brazil đang chịu ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, cộng thêm thời tiết ẩm ướt cùng hậu quả do một vụ tai nạn lớn gần đây, tờ Wood Mackenzie dự đoán xuất khẩu quặng sắt của Brazil sẽ giảm 4% vào năm 2020.

 

 

Tạp chí Tài chính Australia (AFR) cũng cho rằng, ĐCSTQ không thể thay thế quặng sắt của Úc bằng quặng sắt của Brazil, chính vấn đề này đã làm suy yếu khả năng đe dọa của ĐCSTQ đối với Úc. Theo AFR, các sản phẩm cốt lõi được dùng để sản xuất thép căn bản không thể thỏa mãn được nhu cầu của Trung Quốc.

 

 

“Thị trường này rất eo hẹp… bởi bạn không thể tìm thấy thêm tấn quặng sắt nào dư thừa trên thị trường”, nhà phân tích Glyn Lawcock từ tập đoàn UBS cho biết.

(Theo dkn.tv)