Hình ảnh bà Alice Guo, thị trưởng thành phố Bamban, Philippines. (Ảnh chụp màn hình từ video của NTD)
Bamban là một thành phố hạng hai thuộc tỉnh Tarlac, phía bắc thủ đô Manila của Philippines. Bà Alice Guo (tên tiếng Hoa: 郭華萍, phiên âm là: Quách Hoa Bình), thị trưởng thành phố, 35 tuổi, gần đây bị nghi ngờ là gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Hơn nữa, người ta còn nghi ngờ bà thị trưởng dính líu đến các vụ lừa đảo xuyên quốc gia của Trung Quốc, khiến dư luận hết sức quan tâm. Đối với vấn đề này, bà Alice Guo đã ra tuyên bố hôm 20/05, khẳng định mình không phải là gián điệp và nói rằng “Tôi yêu Philippines.” Đồng thời, bà công khai rằng mình là “con riêng” có cha là người Trung Quốc và mẹ là người Philippines. Quá trình trưởng thành của bà khá mơ hồ.
Vào tháng Ba năm nay, chính phủ Philippines đã tiến hành đột kích vào một khu vực đánh bạc trực tuyến ở Bamban. Cảnh sát phát hiện rằng thực tế đây là một khu lừa đảo qua mạng, liên quan đến buôn người và giam giữ người trái phép. Họ đã giải cứu gần 700 người bị ép buộc, trong đó có hơn 200 người Trung Quốc và 3 người Đài Loan, 73 người ngoại quốc bị ép tham gia lừa đảo tình cảm qua mạng. Sự kiện này vô tình tiết lộ thân thế con lai Trung Quốc-Philippines của thị trưởng Alice Guo.
Trung tâm lừa đảo này chiếm diện tích khoảng 8 hecta, bên trong có các cơ sở như cửa hàng bách hóa, kho hàng, bể bơi, hầm rượu, … Bà Alice Guo có quyền sở hữu một nửa khu đánh bạc này, và trung tâm lừa đảo này nằm ngay sau văn phòng của bà. Sau đó, có thông tin tiết lộ rằng bà Alice Guo sở hữu một chiếc trực thăng và một chiếc xe SUV Ford Expedition cao cấp. Việc bà Alice Guo sở hữu nhiều tài sản khi tuổi đời còn trẻ khiến nhiều người không khỏi tò mò về con người và thân thế gia đình của bà.
Các công ty đánh bạc trực tuyến (POGO) có vốn đầu tư chủ yếu đến từ người Hoa, và khách hàng mục tiêu cũng là du khách Trung Quốc. Dưới thời cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, các công ty này đã phát triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. lên nắm quyền và chuyển sang chính sách ngoại giao thân Mỹ, cùng với các căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines về vấn đề Biển Đông, thân thế của nữ thị trưởng gốc Hoa này càng thu hút nhiều sự chú ý hơn. Bà Alice Guo cũng bị công kích dữ dội trên truyền thông xã hội.
Hình ảnh bà Alice Guo, thị trưởng thành phố Bamban, Philippines. (Ảnh chụp màn hình từ video của NTD)
Cuối cùng, bà Alice Guo bị yêu cầu ra trước Thượng viện để trả lời chất vấn. Tại buổi điều trần ở Thượng viện, bà khẳng định rằng tài sản và đất đai nói trên đã được bán từ lâu, và bản thân không dung túng cho khu đánh bạc thực hiện hành vi lừa đảo, cũng không làm người bảo kê cho khu đánh bạc.
Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ Philippines Sherwin Gatchalian cho biết: “Thật khó để tin tưởng thị trưởng Guo. Bà ấy luôn trả lời các câu hỏi của chúng tôi bằng câu: ‘Tôi không rõ.’ Bà ấy thậm chí không nhớ được nơi mình từng sống.”
Đối với việc có nghị sỹ Quốc hội nghi ngờ bà Alice Guo là gián điệp của ĐCSTQ, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cũng bày tỏ sự quan tâm đến sự việc này và thẳng thắn nói rằng, “Không ai biết bà Alice Guo là ai.” Ông Marcos Jr. ủng hộ việc tiếp tục điều tra thân thế của bà Alice Guo để xác thực liệu bà có đủ tư cách đảm nhận chức vụ công quyền hay không. Nếu không thể chứng minh được quốc tịch của mình thì bà có thể bị buộc tội khai man. Tuần trước, Bộ Nội vụ và chính quyền địa phương ở Philippines đã đệ đơn xin tạm đình chỉ chức vụ của bà trong quá trình điều tra.
Thật sự không ai biết bà Alice Guo là ai sao?
Theo tìm hiểu, họ “Guo” (Quách) là một họ hiếm gặp trong cộng đồng người Hoa ở Philippines. Các quan chức địa phương ở các thị trấn Philippines thường có sự hậu thuẫn từ các thế lực gia tộc, nhưng ở một thị trấn nhỏ với dân số chưa đến 80,000 người này, cho đến khi bà Alice Guo được bầu làm thị trưởng vào năm 2022, hầu như không ai ở địa phương biết đến bà. Các hồ sơ công khai cho thấy, bà Alice Guo mãi đến năm 17 tuổi mới ghi danh làm giấy khai sinh. Quá trình trưởng thành và học vấn của bà không rõ ràng. Năm 2021, bà bất ngờ xuất hiện và ghi danh ứng cử chức thị trưởng Bamban, sau đó đắc cử một cách thuận lợi. Điều này có rất nhiều điểm đáng ngờ.
Bà Alice Guo tự nhận cha mình là người Hoa Kiều, mẹ là người Philippines, nhưng hồ sơ chính thức lại cho thấy cha bà là một công dân Trung Quốc. Trong buổi điều trần, bà Alice Guo, người nói thành thạo tiếng Tagalog (ngôn ngữ chính của Philippines), giải thích rằng bà sinh ra tại nhà chứ không phải bệnh viện, và được học tại nhà cho đến khi lên trung học. Vì vậy, đến năm 17 tuổi, bà mới ghi danh làm giấy khai sinh. Tuy nhiên, bà không thể nói rõ về kế hoạch học tập trong thời gian học tại nhà của mình, cũng không nhớ tên tổ chức giúp đỡ cho quá trình học tại nhà, chỉ có thể nêu tên một giáo viên.
Bức ảnh quảng cáo về bà Alice Guo. (Ảnh: Trang web chính thức của thành phố Bamban, Philippines)
Đối mặt với nhiều nghi ngờ, bà Alice Guo bộc bạch rằng lý do trước đó bà không công khai rõ ràng là vì bản thân là con riêng của một người cha Trung Quốc và một người mẹ làm giúp việc tại Philippines. Không lâu sau khi sinh bà, mẹ bà đã bỏ đi. Bà lớn lên cùng cha và cảm thấy xấu hổ về thân phận con riêng, nên bà mơ hồ về quá trình trưởng thành của mình.
Theo BBC, bà Alice Guo nhấn mạnh rằng bà thực sự lớn lên ở trang trại nuôi heo và được giáo dục tại nhà. Do xuất thân là con riêng nên bà không có bạn bè hay người chơi cùng. Về việc bị nghi ngờ vì khu lừa đảo nằm gần văn phòng của bà và vì bà sở hữu nhiều tài sản khi còn trẻ, bà Alice Guo nhấn mạnh rằng mình không liên quan đến nhóm lừa đảo, “Tôi không giỏi như vậy, và chỉ là một công dân bình thường đến từ một thành phố hạng hai.”
Bà Alice Guo tuyên bố rằng sẽ không từ chức và sẽ tiếp tục phục vụ cử tri, bà sẽ tái tranh cử vào năm sau. Tuy nhiên, do người ngoại quốc không thể đảm nhiệm chức vụ công quyền nên việc bà Alice Guo tự nhận là con riêng liệu có được chính phủ Philippines chấp nhận hay không thì còn phải chờ kết quả điều tra của Cục Di trú.
Bà Alice Guo tỏ ra khá ấm ức, bà nói: “Tôi nghe nói rằng tôi sẽ bị trục xuất. Mẹ tôi đã bỏ rơi tôi. Bây giờ, đất nước của tôi cũng sẽ trục xuất tôi sao?”
Ủy ban Bầu cử Philippines và Phó Tổng chưởng lý đang điều tra vụ việc của bà Alice Guo để xác định xem bà có vi phạm quy định khi đảm nhiệm chức vụ công quyền hay không. Nếu được xác thực, bà có thể bị bãi nhiệm.
Về lý do tại sao người ta nghi ngờ bà Alice Guo là gián điệp của ĐCSTQ, ngoài thân thế không rõ ràng, điều đáng lo ngại hơn là trong nhiều năm qua, ĐCSTQ đã sử dụng nhiều hình thức cài cắm gián điệp ở hải ngoại, trong đó có việc sử dụng mỹ nhân kế để thâm nhập, kết nối với nhiều chính trị gia của các quốc gia khác. Những trường hợp này không hiếm gặp và rất đa dạng.
Dùng ‘mỹ nhân kế’ để gài bẫy Thượng nghị sỹ Nhật Bản
Hôm 21/02, theo tin tức từ hãng truyền thông Asahi Shimbun, cảnh sát Tokyo đã chuyển hai phụ nữ Trung Quốc sang cơ quan công tố với cáo buộc “lừa đảo.” Họ bị cáo buộc đã nói dối một tiệm dịch vụ tình dục thành một cơ sở massage hợp pháp và lừa đảo 1 triệu yên tiền trợ cấp đại dịch của chính phủ Nhật Bản trong đại dịch COVID-19. Cả hai đều là lãnh đạo cấp cao của Liên đoàn các Hiệp hội Phúc Châu tại Nhật Bản. Trong đó bà Hà Lệ Hồng (He Lihong), tên giả là Ngô Lệ Hương (Wu Lixiang), 44 tuổi, mang danh hiệu “thư ký ngoại giao” và “cố vấn ngoại giao” của Thượng nghị sỹ Nhật Bản Shinphei Matsushita. Bà Hà thậm chí còn sở hữu “thẻ thông hành” có quyền ra vào tòa nhà Thượng viện.
Bà Hà Lệ Hồng đến từ Phúc Kiến, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các doanh nghiệp và hiệp hội người Hoa tại Nhật Bản. Sau đó, bà được các doanh nhân người Hoa giới thiệu với Thượng nghị sỹ Nhật Bản Shinphei Matsushita. Với “khí chất như diễn viên,” bà Hà nhanh chóng trở thành thư ký của ông Matsushita. Sau đó, bà nhận được thẻ thông hành ra vào tòa nhà Thượng viện, từ đó có thể tự do di chuyển trong trung tâm chính trị của Nhật Bản.
Ông Shinphei Matsushita công khai tuyên bố rằng “Nhật Bản không thể tách rời khỏi Trung Quốc,” và “Nhật Bản chỉ có thể thừa nhận Trung Quốc.” Các cuộc họp chính trị của ông Matsushita cũng thu hút giới thượng lưu từ Trung Quốc. Khi bà Hà đảm nhiệm vai trò cố vấn ngoại giao cho ông Matsushita, bà đã tham gia các hội thảo quan trọng có sự tham gia của các quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cùng các nghị sỹ nước này. Điều đó khiến dư luận lo ngại về việc rò rỉ thông tin cơ mật và các sự kiện lập pháp quan trọng. Không lâu sau, ông Matsushita và người vợ thuộc giới chính trị của ông rơi vào tranh chấp ly hôn.
Nghị sỹ gốc Việt tại Canada bị gài bẫy mỹ nhân kế
Nghị sỹ Canada Kevin Vuong (Vương Khởi Vinh) cũng từng tuyên bố mình bị rơi vào mỹ nhân kế của ĐCSTQ. Ông Vương đã che giấu vụ án mà trong đó ông bị cáo buộc tấn công tình dục. Mặc dù cuối cùng không bị truy tố, nhưng ông Vương đã bị khai trừ khỏi Đảng Tự do Liên bang vào năm 2021. Ông Vương giải thích rằng người đứng sau cáo buộc tấn công tình dục chống lại ông vào năm 2019 chính là một điệp viên của ĐCSTQ. Ông cho rằng mình đã bị gài bẫy “mỹ nhân kế của ĐCSTQ” nên mới rơi vào tình trạng này.
Ngoài ra, năm ngoái, Hội đồng Di trú và Tị nạn Liên bang Canada đã phán quyết rằng một phụ nữ gốc Hoa tên là Trương Tịnh (Jing Zhang) từng làm việc tại Văn phòng Kiều vụ của ĐCSTQ và nói rằng văn phòng này bị cáo buộc thực hiện các hoạt động gián điệp tại Canada và gây áp lực lên người Hoa ở hải ngoại. Lệnh trục xuất được ban hành vào ngày 28/08/2023 và được công khai vào đầu năm nay.
‘Mỹ nhân kế’ của ĐCSTQ nguy hiểm ngang với IS
Quân đội Vương quốc Anh trước đây cũng truyền ra thông tin rằng một số sỹ quan vi phạm quy định, đưa nữ gián điệp Trung Quốc vào doanh trại. Một số tờ báo Anh quốc dẫn nguồn tài liệu mật của Cơ quan Tình báo Anh (MI6), cho biết chính phủ Trung Quốc đã cử hàng trăm người đẹp, sử dụng “mỹ nhân kế” để quyến rũ các cựu quan chức. Thậm chí, một số lãnh đạo cơ quan tình báo đã thông báo với Thủ tướng Anh David Cameron rằng, mức độ nguy hiểm của các gián điệp nữ Trung Quốc cao hơn nhiều so với tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo (IS).”
Một số người trong ngành cũng tiết lộ với giới truyền thông rằng ĐCSTQ rất thành thạo trong việc sử dụng phương pháp “cổ điển nhưng hiệu quả” này. Mỹ nhân kế đặc biệt hiệu quả đối với các doanh nhân và quan chức trung niên. Người này nói: “Có hàng trăm người đẹp trong đội ngũ gián điệp của Trung Quốc. Họ rất giỏi trong việc quyến rũ những người đàn ông cô đơn để lấy cắp bí mật. Nếu việc này không hiệu quả, họ sẽ sử dụng các biện pháp đe dọa.”
Các vụ ‘mỹ nhân kế’ nổi tiếng ở Hoa Kỳ
Trong hai năm gần đây, vụ việc nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ liên quan đến mỹ nhân kế là vụ cô Phương Phương (Fang Fang), một gián điệp được cho là của ĐCSTQ. Vào cuối năm 2020, cô Phương bị phát hiện đã quyến rũ ông Eric Swalwell, một nghị sỹ liên bang của Đảng Dân Chủ ở tiểu bang California. Cô này dùng tiền bạc cùng nhan sắc để lôi kéo ông Swalwell và nhiều chính trị gia khác của Đảng Dân Chủ.
Khi đó, truyền thông Hoa Kỳ cũng đưa tin rằng ít nhất có 2 thị trưởng khu vực miền Trung và miền Tây có “quan hệ tình cảm” hoặc “quan hệ tình dục” với cô Phương. Do đó, dư luận nghi ngờ rằng cô Phương đã lợi dụng sắc đẹp và các mối quan hệ để thâm nhập vào giới chính trị Hoa Kỳ, từ đó đánh cắp các bí mật và thông tin quan trọng của quốc gia. Khi tìm kiếm trang Facebook của cô Phương, có rất nhiều hình ảnh cô chụp cùng các chính trị gia Hoa Kỳ, bao gồm nhiều quan chức đương nhiệm ở San Francisco và California. Cô Phương đột ngột rời Hoa Kỳ trở về Trung Quốc vào năm 2015 và từ đó không quay lại nữa.
Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Rick Grenell từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, các gián điệp của ĐCSTQ hiện diện khắp Liên Hợp Quốc. Họ thâm nhập vào mọi ngóc ngách trong tổ chức này, và tận dụng mọi kẽ hở. Nhiều quan chức Hoa Kỳ đã bị gián điệp của ĐCSTQ dụ dỗ bằng sắc đẹp. Nhiều nghị sỹ Nghị viện, thống đốc tiểu bang của Đảng Dân chủ, và các quan chức địa phương đã trở thành mục tiêu của gián điệp.
Epochtimes Việt ngữ - Nhóm sản xuất loạt bài “Sự Thật Về Nhân Vật” (Character Truth Unmasked) thực hiện - (Hoa Hưng biên dịch)
(Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ)