Các container được xếp chồng lên nhau tại một cảng ở Liên Vân Cảng thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc. (Ảnh của STR / AFP qua Getty Images)
Đại dịch đã khiến các công ty trên thế giới phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng của họ. Bây giờ, sau khi trải qua những lần gián đoạn, họ muốn lập kế hoạch để tránh điều này xảy ra trong tương lai bằng cách xây dựng khả năng chống đỡ của chuỗi cung ứng. Đối với nhiều nước, điều này có nghĩa là không còn phụ thuộc vào Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát của Jabil, một công ty dịch vụ sản xuất có trụ sở tại Florida, cho thấy 78% chuỗi cung ứng thế giới đã bị gián đoạn do đại dịch.
18 tháng nay, chuỗi cung ứng vẫn liên tục bị gián đoạn do các lệnh phong tỏa, thiếu container, thời tiết mùa đông, bão, cháy rừng, lũ lụt, cháy nhà máy, việc tắc nghẽn kênh đào Suez và một loạt các lý do khác.
Những gián đoạn này đã gây ra sự thiếu hụt toàn cầu về chất bán dẫn và polyethylene (PE), polypropylene (PP) và monoethylene (MEG) - đây là những chất được sử dụng để sản xuất chất dẻo. Nhựa có trong hầu hết mọi sản phẩm mà chúng ta sử dụng, do đó và việc thiếu nhựa đã dẫn đến việc tạm ngừng nhà máy, tăng giá và đình trệ sản xuất trong vô số các ngành công nghiệp. Tình trạng thiếu hụt đang ảnh hưởng đến việc sản xuất mọi thứ, từ PPE, bao bì thực phẩm, thiết bị gia dụng, đồ nội thất, điện thoại thông minh và phụ tùng xe hơi cho đến thiết bị thể thao.
Tình trạng thiếu nguyên liệu tiền chất (hóa chất đầu vào) đã gây ra tình trạng khan hiếm vaccine đến từ Trung Quốc. Neodymium, một nguyên liệu đầu vào để sản xuất nam châm được sử dụng trong AirPods và động cơ xe điện, hiện đang được tinh chế ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vì Trung Quốc phong tỏa nhiều nhà máy lọc dầu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu này trên khắp thế giới. Thiếu động cơ xe điện, các nhà máy sản xuất xe điện ở nhiều nước trên thế giới phải tạm ngừng sản xuất, dẫn đến thất nghiệp, thiếu hụt và lạm phát giá cả.
Các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn được tạo ra để giữ cho chi phí sản xuất ở mức thấp và đầu tư cho hàng tồn kho ở mức tối thiểu. Với một chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả, các công ty có thể duy trì một lượng hàng tồn kho nhỏ, đặt hàng các sản phẩm hoặc nguyên vật liệu đầu vào mới thường xuyên, và được cung ứng nhanh chóng, tiện lợi.
Đại dịch đã khiến các công ty trên thế giới phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng của họ. Bây giờ, sau khi trải qua những lần gián đoạn, họ muốn lập kế hoạch sao cho tránh được chúng trong tương lai, bằng cách xây dựng khả năng chống đỡ của chuỗi cung ứng. Đối với nhiều nước, điều này có nghĩa là không còn phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong số 150 nhà sản xuất được National Law Review khảo sát, 43% đã chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc .
Hoạt động sản xuất sử dụng nhiều lao động được tiến hành ở Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng. Các lệnh phong tỏa do COVID ở Trung Quốc khiến các công nhân không thể đến nhà máy, đồng thời ngăn tài xế chở hàng đến cảng, và bản thân các cảng đôi khi cũng bị phong tỏa. Do đó, nhiều công ty quốc tế, ngành sản xuất thâm dụng lao động đã lên kế hoạch tái cơ cấu.
Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế, các quốc gia như Nhật Bản, Đài Loan và Singapore cũng tham gia vào sản xuất gia công - lĩnh vực đòi hỏi nhiều lao động. Các quốc gia này đã đầu tư rất nhiều vào việc cải thiện nguồn lực con người và cuối cùng là tăng cường chuỗi giá trị, tối đa hóa việc sử dụng công nghệ trong sản xuất, nâng cao đáng kể mức sống của người dân. Trong khi Trung Quốc đang cố gắng nâng cao chuỗi giá trị, tỷ trọng xuất khẩu của những công ty sử dụng nhiều lao động của nước này đã tăng từ 13.9% năm 2000 lên 26.9% năm 2018. Để duy trì tính cạnh tranh, Trung Quốc đã giữ mức lương cho ngành sản xuất thấp một cách giả tạo, nhưng mức lương ở Trung Quốc hiện là bội số của tiền lương sản xuất ở Việt Nam, Thái Lan hoặc Indonesia (Nam Dương).
18 tháng nay, chuỗi cung ứng vẫn liên tục bị gián đoạn do các lệnh phong tỏa, thiếu container, thời tiết mùa đông, bão, cháy rừng, lũ lụt, cháy nhà máy, việc tắc nghẽn kênh đào Suez và một loạt các lý do khác. (Ảnh: Flickr)
Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhưng phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc thực sự được sản xuất bởi các công ty nước ngoài. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung áp dụng mức thuế chung đối với các sản phẩm của các công ty Trung Quốc, bất kể công ty đó đang hoạt động ở quốc gia nào đi chăng nữa. Mức thuế cao, các lệnh trừng phạt kinh tế đối với các sản phẩm từ Tân Cương, chi phí lao động tăng, luân chuyển nhân viên cao, phong tỏa do COVID và lo ngại về việc phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đang khiến các nhà sản xuất nước ngoài rời bỏ đại lục.
Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy 29% các công ty Hoa Kỳ đang chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng các nhà máy sản xuất của Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản đang ồ ạt rời khỏi Trung Quốc. Tờ Financial Times đưa tin, hàng trăm nghìn công ty Đài Loan đang có ý định rời Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản đưa ra các biện pháp khuyến khích tài chính để thu hút các công ty Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc, vì lo ngại về an ninh do quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Do đó, các ngành công nghiệp nhạy cảm như dược phẩm và chất bán dẫn đã được khuyến khích chuyển đến Nhật Bản hoặc Đông Nam Á.
Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Tân Cương do vấn đề liên quan đến lao động nô lệ. Do đó, các nhà nhập khẩu của nước này đang phải tìm kiếm các thị trường khác để thay thế. Nhà sản xuất điện tử Đài Loan, Delta, đã cắt giảm 90% nhân viên của họ, nói rằng Trung Quốc không còn là nơi sản xuất tốt nữa. Các nhà máy nước ngoài ở Trung Quốc hiện đang phải trả lương cho nhân viên cao hơn nhiều so với trước đây, đồng thời họ còn phải đối mặt với thuế quan và các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi đó, ĐCSTQ vẫn phong tỏa các hoạt động sản xuất và vận tải do COVID.
Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp cực đoan đối với COVID-19, phong tỏa toàn bộ các thành phố khi mới chỉ có một vài trường hợp được phát hiện. Điều này đang khiến các nhà đầu tư e dè với chứng khoán Trung Quốc và khiến các nhà sản xuất miễn cưỡng dựa vào chuỗi cung ứng của đại lục.
Do sự bùng phát trở lại của đại dịch, Trung Quốc đã hủy bỏ nhiều chuyến bay, phong tỏa các thành phố và khu vực, đồng thời đình chỉ hoạt động thương mại dọc theo bờ biển. Cảng Yantian, cách Hong Kong khoảng 50 dặm về phía bắc, đã phải ngừng hoạt động gần một tuần. Khi mở cửa trở lại, cảng này hoạt động dưới công suất, tạo ra một lượng lớn container tồn đọng, tràn sang các cảng container ở Thâm Quyến và Quảng Châu. Các công ty vận tải biển cảnh báo khách hàng của họ rằng giá đã tăng đột ngột, vì thời gian chờ đợi tại các cảng này có thể lên tới 16 ngày.
Tỷ lệ vận chuyển bằng đường biển những năm gần đây đã tăng đáng kể trên khắp thế giới. Một trong những tuyến hàng hải có mức tăng gây sốc nhất là tuyến đường từ Thượng Hải đến Rotterdam, Hà Lan, tăng vọt đến tận 534%. Tình trạng tồn đọng các tàu container ở Châu Á đã khiến các cảng của Hoa Kỳ, đặc biệt là ở California, ngập trong container. Tất cả những vấn đề này dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng tồn kho và tăng giá hàng hóa trên quy mô lớn.
Để tự bảo vệ mình khỏi những gián đoạn tương tự trong tương lai, các công ty đang áp dụng chiến lược “Trung Quốc cộng một”, chuyển ít nhất một số công ty sản xuất tại Trung Quốc của họ sang Đông Nam Á hoặc Ấn Độ. Các công ty Mỹ cũng đang đánh giá hoạt động sản xuất nào có thể được chuyển đến Mexico sau đó nhập khẩu vào Hoa Kỳ, và được miễn thuế quan, theo NAFTA. Dù là Đông Nam Á hay Mexico, các chiến lược logistics mới sẽ phải được phát triển, vì các nền kinh tế này không phát triển như Trung Quốc. Ví dụ ở Việt Nam, có thể cần phải xây dựng đường xá hoặc trả tiền cho hệ thống điện và nước để lắp đặt cho nhà máy.
Kết nối với các cảng ở các nước này cũng có thể có vấn đề và công nghệ bên trong các cảng sẽ không ở mức tương tự như ở Trung Quốc. Các cảng của Trung Quốc hoạt động hiệu quả và công suất lớn, có khả năng tiếp nhận các tàu container lớn nhất. Ngoài ra, Trung Quốc có các dịch vụ vận chuyển đường biển trực tiếp đến các thị trường trên thế giới.
Mặc dù một số người có thể tin rằng các lệnh phong tỏa cuối cùng sẽ được dỡ bỏ, nhưng mức lương cao, các biện pháp trừng phạt và thuế quan thì khó có khả năng thay đổi. Ngoài ra, sự phụ thuộc vào Trung Quốc đổi với chất bán dẫn, thuốc và vật tư y tế đang được coi là mối đe dọa an ninh đối với các quốc gia như Mỹ hoặc Nhật Bản. Do đó, có vẻ như các công ty này sẽ chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và ban thưởng cho các đồng minh đáng tin cậy ở Đông Nam Á, giúp các nước đó phát triển, đồng thời giảm chi phí sản xuất dài hạn. Cuối cùng, điều này sẽ làm tăng độ tin cậy của chuỗi cung ứng.
Tác giả: Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA Trung Quốc của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Antonio làm giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, viết cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Ông đã xuất bản một số cuốn sách về Trung Quốc như "Vượt ra ngoài vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc" và "Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc".
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
(ntdvn.com - Theo The Epoch Times)