Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp của Hội Đồng An Ninh, bàn về răn đe bằng vũ khí nguyên tử, điện Kremlin, Moscow, Nga, ngày 25/09/2024. AP - Alexander Kazakov

 

 

Hôm ngày 08/10/2024, Nga cho biết vẫn duy trì ‘‘đường dây nóng’’ với Mỹ và liên minh quân sự NATO để giảm nguy cơ khủng hoảng nguyên tử trong bối cảnh Moscow và phương Tây đang trong giai đoạn đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

 

‘‘Đường dây nóng’’ Mỹ-Nga, kênh liên lạc trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước, đã được lập ra vào năm 1963, để giảm bớt những nhận định sai lầm về đối phương, từng gây ra ‘‘khủng hoảng hỏa tiễn Cuba’’ năm 1962. Đường dây nóng đã được sử dụng nhiều lần trong các cuộc khủng hoảng lớn, như Chiến tranh Sáu ngày ở Cận Đông năm 1967, cuộc tấn công Afghanistan của Liên Xô năm 1979, các cuộc tấn công của Al-Qaida nhắm vào Mỹ ngày 11/09/2001 và cuộc tấn công Irak của Hoa Kỳ năm 2003.

 

Theo Reuters, cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, kéo dài hơn 2 năm rưỡi, đang bước vào giai đoạn mà giới lãnh đạo Nga cho là nguy hiểm nhất khi các lực lượng Nga tiến sâu hơn vào đất Ukraine, và Mỹ đang cân nhắc cho phép Kiev dùng hỏa tiễn phương Tây tấn công vào các mục tiêu trên đất Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 12/09, cảnh báo việc phương Tây bật đèn xanh cho hành động này đồng nghĩa với ‘‘NATO, Hoa Kỳ và các nước Âu châu trực tiếp tham chiến ở Ukraine’’.

 

 

Trả lời hãng thông tấn nhà nước Nga RIA hôm ngày 8/10, thứ trưởng Ngoại Giao Nga, Alexander Grushko, phụ trách quan hệ với Âu châu và NATO, cho biết Moscow nhận thấy NATO đang gia tăng vai trò của vũ khí nguyên tử trong chiến lược của mình, và thông báo là Nga đang cập nhật học thuyết nguyên tử để gửi đi một tín hiệu ‘‘khiến các đối thủ không ảo tưởng về mức độ sẵn sàng của Nga trong việc bảo đảm an ninh quốc gia bằng mọi phương tiện có sẵn’’. Tổng thống Nga chủ trương hạ thấp ‘‘ngưỡng’’ sử dụng vũ khí nguyên tử đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường.

 

 

Ukraine tấn công cảng dầu lớn nhất ở bán đảo Crimée

 

Quân đội Ukraine dùng hỏa tiễn tầm xa oanh kích vào cảng dầu lớn nhất ở bán đảo Crimée rạng sáng ngày 07/10/2024.  Theo hãng thông tấn Nga Ria Novosti, đám cháy rộng khoảng 2.500 m², cho đến ngày 8/10 mới được dập tắt. Hơn 1.000 dân sống xung quanh cảng này đã được sơ tán. Phía Nga thừa nhận kho dầu ở thành phố cảng Féodossia bốc cháy, nhưng không chỉ ra nguyên nhân.

 

Thông tín viên Emmanuelle Chaze tường trình từ Kiev :

‘‘Trong những ngày gần đây, việc Nga giành được thêm một số lãnh thổ ở miền đông Ukraine, đáng chú ý là việc chiếm được Vuhledar, căn cứ chiến lược của Kiev cách Pokrovsk 50 km về phía nam, cũng như các bước tiến xa hơn ở miền nam Ukraine, cho thấy Nga giành thêm lãnh thổ chỉ ớ mức tối thiểu nhưng liên tục. Quân đội Ukraine gặp rất nhiều khó khăn trong việc đẩy lùi quân xâm lược có lợi thế về quân số, đặc biệt là ở các chiến tuyến miền đông.

Nhưng chiến trường không chỉ giới hạn ở miền đông Ukraine, Kiev không chỉ tăng cường các hoạt động trên bộ trên đất Nga như ở tỉnh biên giới Kursk, nơi Ukraine tuyên bố kiểm soát khoảng một trăm phường xã, mà còn tấn công vào nhiều kho đạn, nhà máy lọc dầu và căn cứ không quân ở sâu trong đất Nga, cũng như tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Vào đêm Chủ nhật rạng sáng thứ Hai, Kiev đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào kho cảng dầu “lớn nhất” của Crimée ở bến cảng Feodosia, một nguồn cung của quân đội Nga. Kể từ đầu năm đến nay, Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công kiểu này trên lãnh thổ Nga với vũ khí tự chế và bằng hỏa tiễn tầm xa nhắm vào các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, với hy vọng có thể làm gián đoạn việc tiếp tế và các cơ sở hậu cần của quân đội Nga, hiện đang chiếm đóng trái phép gần một phần tư lãnh thổ Ukraine.’’

 

 

(Theo RFI Việt ngữ)