Một thủy thủ đoàn Hải quân Hoa Kỳ kéo ống dẫn nhiên liệu qua bong tàu sân bay USS Kitty Hawk (CV63) ở Vịnh Bengal, trong cuộc tập trận Malabar ngày 7/9/2007. (Nguồn ảnh: Deshkalyan Chowdhury / AFP / Getty Images)
Sau khi bị Bắc Kinh gây áp lực kinh tế do có quan hệ với Đài Loan, quốc đảo Palau đã tặng đất cho Hoa Kỳ để Washington tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực Thái Bình Dương.
Palau là một quốc đảo ở Thái Bình Dương, giáp phía tây nam đảo Guam của Hoa Kỳ.
Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - ông Mark Esper vào tháng 9/2019, Tổng thống của Palau là ông Tommy Remengesau Jr., đã đề nghị Hoa Kỳ sử dụng đất của quốc gia mình để xây dựng cảng, căn cứ quân sự và sân bay.
Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng, Tổng thống Remengesau có yêu cầu rất đơn giản với Hoa Kỳ, đó là: "Hãy xây dựng các cơ sở sử dụng chung, rồi đến và sử dụng chúng thường xuyên".
Tướng Kenneth Wilsbach phụ trách khu vực Thái Bình Dương đã bày tỏ sự hoan nghênh với đề nghị này của quốc đảo Palau, nói rằng lực lượng không quân “rất mong chờ” việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Palau.
Ông Wilsbach nói: “Đó là một vị trí khá tốt để hoạt động, mặc dù các sân bay sẽ không thể chứa nhiều hơn vào thời điểm này ngoài máy bay loại C-130. Nhưng đó là điều mà chúng tôi rất mong chờ. Thành thật mà nói, chúng tôi đánh giá cao việc chính phủ Palau đề nghị chúng tôi tham gia”.
Đề nghị của quốc đảo Palau được đưa ra sau khi quốc gia này phải chịu áp lực kinh tế gia tăng từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chế độ này đã cấm các công ty lữ hành Trung Quốc bán các gói du lịch đến quốc đảo này từ năm 2017 khi Palau được cho là từ chối cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Hiện tại, chỉ có 4 quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương tiếp tục có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. ĐCSTQ luôn tự cho rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai của mình, cần phải được sáp nhập để chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Nguồn thu kinh tế chính của Palau đến từ ngành du lịch, chiếm 80% GDP hàng năm, theo Ngân hàng Lloyds. ĐCSTQ đã đưa ra lệnh cấm sau 2 năm bùng nổ du lịch từ Trung Quốc đến quốc gia Thái Bình Dương này. Sự thiệt hại về ngành du lịch đã khiến nhiều người dân ở Palau vật lộn để trả nợ cho các khoản vay đầu tư phát triển.
Bà Leilani Reklai là cựu Chủ tịch Hiệp hội du lịch Palau, cho biết, một số người dân Palau đã thấy rủi ro từ việc đầu tư vào kinh doanh du lịch dựa vào đa phần khách du lịch từ Trung Quốc. Tuy vậy, vẫn có nhiều người tận dụng dòng tiền nên đã vay để đầu tư vào du lịch và kết cục là nợ nần chồng chất.
“Đây là chiến lược của Trung Quốc, đây là những gì họ làm, họ sẽ đổ rất nhiều tiền vào đây, khiến bạn bị nghiện như nghiện nước giải khát Coca và sau đó đóng nó lại”.
Nhà phân tích châu Á - Thái Bình Dương tại Stratfor tên là Evan Rees, nói với The Guardian rằng, Trung Quốc sử dụng lệnh cấm du lịch như một phần của biện pháp rộng lớn hơn nhằm ép buộc quốc gia khác tuân theo yêu cầu của ĐCSTQ.
Ông Michael Shoebridge từ Viện Chính sách Chiến lược Úc cũng có cùng nhận định.
Trả lời Epoch Times vào tháng Năm, ông nói: “Ý tưởng về việc nhà nước Trung Quốc sử dụng sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng như một vũ khí kinh tế, không phải là mới, mà đã tồn tại”.
Úc cũng đã bị ĐCSTQ gây áp lực kinh tế theo cách tương tự vào đầu năm 2020 khi Bắc Kinh ra lệnh cấm nhập khẩu thịt bò, lúa mạch và rượu vang từ Úc, đồng thời cảnh báo sinh viên Trung Quốc không được đến nước này.
Chiến lược cho các Mục tiêu Thái Bình Dương của Mỹ và Úc.
Lời đề nghị này của Palau là một chiến lược tốt cho Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh như Úc vì quốc đảo này nằm ở vị trí được coi là “đám mây đảo thứ hai”. Vị trí này sẽ cho phép Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh nắm giữ khu vực Thái Bình Dương nếu Trung Quốc tiếp tục có các hành động gây hấn ở Biển Đông.
Trong 6 tháng qua, Bắc Kinh đã gia tăng các động thái bành trướng hung hãn, bao gồm hoạt động ở Biển Đông, những chuyến bay quân sự ở eo biển Đài Loan, giao tranh ở biên giới với Ấn Độ và ban hành luật an ninh quốc gia để hạn chế quyền tự trị của Hong Kong.
Palau cũng có vị trí chiến lược gần Darwin, Úc, đảo Guam, Philippines, và Nhật Bản, nơi Hoa Kỳ có các cơ sở quốc phòng đang hoạt động.
Gần đây Úc và Hoa Kỳ đã tăng cường sự hiện diện của lực lượng quốc phòng ở khu vực Thái Bình Dương sau khi các chuyên gia cảnh báo rằng khu vực này có nguy cơ bị Trung Quốc thâu tóm.
Vào tháng Chín, lực lượng quốc phòng của Hoa Kỳ và Úc đã tiến hành tập trận máy bay ném bom ở Lãnh thổ phía Bắc với các máy bay bay từ đảo Guam để kiểm tra khả năng tích hợp giữa hai lực lượng quốc phòng và thể hiện năng lực của lực lượng này trong khu vực.
Trong khi vào tháng Bảy, 2 quốc gia này cũng đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải khi trên đường đến tập trận chung Rimpac cùng với thành viên của Bộ Tứ là Nhật Bản qua biển Philippines.
Trong khuôn khổ Chương trình An ninh Hàng hải Thái Bình Dương, Úc đã và đang cung cấp cho quốc đảo Palau một đội tàu tuần tra để bảo vệ tuyến hàng hải. Khi bàn giao tàu tuần tra gần đây nhất vào ngày 18/9, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương từ Úc, ông Alex Hawke cho biết Tàu tuần tra rất quan trọng đối với an ninh khu vực.
Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh
(ntdvn.com)