Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 164.613 trường hợp mắc COVID-19 và 4.958 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên gần 10 triệu người. Đại dịch đang có xu hướng trở lại và lây lan trên diện rộng.

 

 

 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Casablanca, Maroc ngày 7/6/2020. Ảnh: THX

 

 

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 26/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 9.685.431 ca, trong đó có 488.917 người thiệt mạng.

 

Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 5.249.151 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 57.506 và 3.947.363 ca đang điều trị tích cực.

 

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm Brazil (35.640 ca), Mỹ (35.612 ca) và Ấn Độ (18.185 ca); trong khi các nước Brazil (1.097 ca), Mexico (947 ca) và Mỹ (571 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong ngày.

 

 

 

Tháp Eiffel tại thủ đô Paris, Pháp ngày 18/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến lo ngại bắt đầu xuất hiện trở lại ở châu Á, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai như Trung Quốc, Nam Hàn và Iran, trong khi số lượng bệnh nhận tăng mạnh tại Ấn Độ.

 

Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, nguy cơ làn sóng dịch thứ hai đang ngày càng rõ và một số quốc gia châu Âu đã phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội và phòng ngừa.

 

Ở khu vực Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico và Chile... Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới. Giới chuyên gia đánh giá thậm chí Mỹ Latinh còn chưa qua đỉnh dịch.

 

 

 

Một nhà hàng có không gian ngoài trời mở cửa trở lại phục vụ khách hàng tại New York, Mỹ ngày 22/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh, ghi nhận 2.498.166 ca mắc, trong đó có 124.852 ca tử vong.

 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 có chiều hướng gia tăng trở lại, ngày càng nhiều tiểu bang của Mỹ như Washington, California hay Bắc Carolina... đã đưa ra yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở những nơi công cộng.

 

Công viên giải trí Disneyland ở tiểu bang California đã phải hoãn kế hoạch mở cửa trở lại trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại đây đang tăng nhanh. Khu nghỉ dưỡng gần Los Angeles, trong đó có hai công viên là Disneyland và Disney California Adventure, ban đầu dự định mở cửa đón khách trở lại vào ngày 17/7 tới và đang chờ được chính quyền phê duyệt đề xuất này. 

 

 

 

 

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 7/4/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Diễn biến đại dịch đang khá phức tại tại Mỹ. Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát tại  New York, số người phải nằm viện vì COVID-19 đã xuống thấp chỉ còn khoảng 1.000 người, và thành phố New York, tâm dịch nặng nhất của bang, đang tích cực chuẩn bị và sẽ chính thức mở cửa lại giai đoạn 3 vào ngày 6/7 tới.

 

Thị trưởng Bill de Blasio cho biết khi thành phố New York mở lại giai đoạn 3, các hoạt động thể thao sẽ được mở lại hết, trong đó có nhiều môn phổ biến như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt và bóng rổ,  đồng thời các nhà hàng, quán ăn cũng sẽ được phép cho khách ngồi ăn trong nhà.

 

Hiện Mỹ có 8 bang trong danh sách điểm nóng đại dịch là Alabama, Arkansas, Arizona, Florida, Bắc Carolina, Nam Carolina, Utah và Texas. Tiểu bang Texas đã phải dừng lộ trình mở cửa lại sau khi số ca nhiễm bệnh đột ngột tăng vọt trở lại.

 

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ngày 25/6, nhận định số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ có thể sẽ lên tới 20 triệu người, cao hơn gấp 10 lần con số đã dự báo trước đó.

 

 

 

 Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Toronto, Canada ngày 18/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Tại Canada, tỷ lệ mắc COVID-19 có xu hướng tăng ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên đang làm dấy lên tâm lý lo ngại về nguy cơ dịch bệnh lây lan mạnh khi các nhà trẻ và trường học tại nước này mở cửa trở lại.

 

Mặc dù nhóm người ở độ tuổi dưới 20 khi mắc COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ và ít bị biến chứng nghiêm trọng so với nhóm người cao tuổi, nhưng một số chuyên gia lo ngại số ca nhiễm gia tăng ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên sẽ khiến dịch bệnh lây lan mạnh sang các nhóm dễ bị tổn thương.

 

Tới sáng 26/6, Canada ghi nhận 102.576 ca mắc COVID-19, trong đó có 8.501 ca tử vong

 

 

 

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở Buenos Aires, Argentina ngày 7/5/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Michael Ryan cho rằng dịch COVID-19 tại châu Mỹ vẫn chưa lên tới giai đoạn đỉnh điểm và châu lục này sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca tử vong trong vài tuần tới.

 

Các quan chức WHO nhấn mạnh có một thực tế cần lưu ý là châu Mỹ đang trong mùa cúm, do đó, dễ có sự nhầm lẫn giữa những bệnh nhân cúm thông thường và bệnh nhân COVID-19 khi số ca bệnh về đường hô hấp gia tăng.

 

Tuy nhiên, hệ thống giám sát bệnh hô hấp ở châu Mỹ cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có kết quả dương tính với các loại cúm khác là vào khoảng 30% - 40%.

 

 

 

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa Roma Termini ở Rome, Italy, ngày 3/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Trong khi đó, châu Âu đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 kể từ khi các quốc gia trong khu vực bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.

 

Trao đổi với báo giới ngày 25/6, Giám đốc  Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, Hans Kluge cho biết,  tuần trước, châu lục này đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc COVID-19 hằng tuần lần đầu tiên trong những tháng qua. Ông cho biết hơn 20 quốc gia châu Âu đã chứng kiến sự tái bùng phát số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

 

Ngoài ra, có 30 nước cũng ghi nhận số ca nhiễm mới lũy kế tăng trong 2 tuần qua; tốc độ dịch bệnh lây lan nhanh chóng tại 11 nước trong số này đã khiến tái bùng phát số ca mắc và nếu không có biện pháp ngăn chặn, hệ thống y tế tại châu Âu có nguy cơ lại phải đối mặt với tình trạng quá tải. Hiện châu Âu tiếp tục ghi nhận trung bình gần 20.000 ca mắc mới và hơn 700 ca tử vong mới do dịch COVID-19 mỗi ngày.

 

 

 

Người dân đi thuyền gondola tại thành Venice, Italy, ngày 30/5/2020 khi lệnh hạn chế do dịch COVID-19 được nới lỏng. Ảnh: AFP

 

 

 

Ngày 25/6, chính quyền vùng Campania ở phía Tây Nam Ý Đại Lợi đã phải huy động quân đội tới giám sát ổ dịch tại thành phố Mondragone sau khi một số trường hợp mắc COVID-19 tìm cách rời khỏi khu vực cách ly. 

 

Cơ quan chức năng cho biết một nhóm người Bulgaria cư trú trong khu Palazzi ex Cirio ở Mondragone đã phản đối các biện pháp hạn chế tại ổ dịch này, nơi ghi nhận 49 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Căng thẳng đã xảy ra giữa cảnh sát và số công dân Bulgaria cố tìm cách rời khỏi khu vực này. 

 

Chủ tịch vùng Campania, Vincenzo De Luca cho rằng việc hơn 50 công dân nước ngoài cố tình rời khỏi khu vực cách ly là hành động không thể chấp nhận và gây lo ngại cho cư dân trong khu vực. Ông đã liên lạc với Bộ trưởng Nội vụ Luciana Lamorgese để điều khẩn cấp lực lượng cảnh sát tới kiểm soát chặt ổ dịch này, trong khi quân đội đã được triển khai tới khu vực.

 

 

 

Du khách tham quan Tháp Eiffel tại thủ đô Paris, Pháp ngày 25/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Ngày 25/6, Tháp Eiffel đã mở cửa trở lại lần đầu tiên sau 3 tháng đóng cửa do Chính phủ Pháp áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

 

Tháp Eiffel sẽ đón những du khách đầu tiên kể từ 10h sáng (theo giờ địa phương).

 

Đây là thời điểm mang tính biểu tượng khi Pháp bắt đầu nối lại hoạt động của ngành du lịch sau thời gian tạm ngừng vì đại dịch COVID-19.

 

 

Thuốc remdesivir và baricitinib. Ảnh: Yonhap

 

 

 

Theo thông cáo ngày 25/6 của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA), thuốc kháng virus do công ty Gilead Science sản xuất, đã trở thành liệu pháp điều trị COVID-19 đầu tiên nhận được sự ủng hộ của EMA.

 

Thuốc Remdesivir được khuyến nghị dùng để điều trị COVID-19 ở người lớn và thiếu niên từ 12 tuổi trở lên bị viêm phổi cần phải thở oxy bổ sung. Đây là loại thuốc chống COVID-19 đầu tiên được khuyến nghị cho phép ở EU.

 

EMA trích dẫn kết quả đáng khích lệ của Remdesivir trong các thử nghiệm lâm sàng, cho thấy việc điều trị là an toàn và hiệu quả. Cơ quan này cũng nhắc tới một thử nghiệm lâm sàng trên hơn 1.000 bệnh nhân nhập viện do COVID-19. Những người được điều trị đã hồi phục, trung bình sớm hơn 4 ngày so với các trường hợp được cho dùng giả dược.

 

 

 

Học sinh được kiểm tra sức khỏe trước khi vào lớp tại Modiin, Israel, ngày 3/5/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Tại Israel, ngày 26/6, Bộ Y tế  Israel công bố thêm 668 trường hợp nhiễm virus corona, nâng tổng số ca nhiễm hiện tại lên hơn 22.712. Các chuyên gia y tế dự báo Israel có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần 2  do tỷ lệ lây nhiễm vẫn tăng mạnh.

 

Các chuyên gia cũng dự đoán số ca nhiễm COVID-19 có thể  sẽ lên tới hàng nghìn vào tuần tới. Ngày 26/6, đã có thêm một ca tử vong, nâng tổng sốlên 309 ca. Cùng ngày, Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Israel Hezy Levi đã ra lệnh phong tỏa cục bộ tại một số khu vực có tỷ lệ lây nhiễm gia tăng, bao gồm cả ở các thị trấn phía Nam khu vực Rahat và Arara.

 

Trước đó, ngày 25/5, người phát ngôn Cơ quan quản lý hàng không Israel xác nhận Israel sẽ kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài ít nhất cho đến ngày 1/8 do sự gia tăng đáng lo ngại của dịch bệnh COVID-19.

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran, ngày 23/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Ở Iran, nhà chức trách ngày 25/6 thông báo ghi nhận thêm 134 ca tử vong do dịch COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 10.130 ca. Bộ Y tế Iran xác nhận đây là ngày thứ 7 liên tiếp nước này có hơn 100 ca tử vong trong một ngày.

 

Trong 24 giờ qua, Iran đã ghi nhận thêm 2.595 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 215.096 ca. Tỷ lệ nhập viện cao nhất là tại các tỉnh Bushehr, Hormozgan, Kermanshah, Khuzestan và Kurdistan.

 

Quan chức này kêu gọi người dân tuân thủ các quy định y tế, đặc biệt là người lớn tuổi và có bệnh nền, đồng thời hối thúc trẻ em và thanh niên không nên tụ tập đông người, duy trì giãn cách với những người lớn tuổi.   

 

 

 

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 21/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 19 ca mắc COVID-19, gồm 14 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 5 ca nhập cảnh.

 

Trong số các ca lây nhiễm cộng đồng, 13 ca được ghi nhận ở thủ đô Bắc Kinh và 1 ca ở tỉnh lân cận Hà Bắc. Trong 5 ca nhập cảnh có 3 ca ở tỉnh Cam Túc, 1 ca ở tỉnh Quảng Đông và 21 ca ở tỉnh Thiểm Tây.

 

 

Trung Quốc là nơi khởi phát đại dịch COVID-19 hồi cuối năm 2019, làm lây lan dịch bệnh Covid-19 ra toàn thế giới, và hiện nay cũng đang lo ngại làn sóng dịch thứ hai bùng phát trong nước.

 

 

 

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở thành phố Daegu, Nam Hàn ngày 21/2/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Nam Hàn ngày 25/6 ghi nhận số ca nhiễm mới đã giảm xuống dưới 30 ca, song nước này vẫn đề phòng nguy cơ bùng phát đợt dịch mới trong bối cảnh số ca nhiễm từ nước ngoài và tại các ổ dịch trong nước tiếp tục gia tăng.

 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Nam Hàn (KCDC), nước này ghi nhận thêm 28 ca mắc COVID-19, trong đó có 23 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 5 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.563 người.

 

 

 

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại thành phố Daegu, Nam Hàn 2/3/2020. Ảnh: THX

 

 

 

 

Trong số các ca nhiễm mới, 18 ca được ghi nhận ở thủ đô Seoul và các vùng lân cận, 4 ca ở thành phố Daejeon, cách Seoul khoảng 160 km về phía Nam. Nam Hàn cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở nước này do COVID-19 lên 282 ca. 10.974 bệnh nhân đã khỏi bệnh và được xuất viện.

 

Vùng đô thị Seoul đang hứng chịu một đợt dịch thứ 2, đồng thời cảnh báo Nam Hàn cần nỗ lực cho một cuộc chiến lâu dài chống COVID-19. Giới chức y tế cảnh báo có thể xem xét mở rộng trên phạm vi cả nước các biện pháp phòng dịch chặt chẽ hơn hiện đang được áp dụng tại vùng đô thị Seoul.

 

 

 

 

Khử trùng các phương tiện nhằm ngăn dịch COVID-19 bùng phát tại Karo, Bắc Sumatra, Indonesia ngày 20/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

 

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì virus SARS-CoV-2.

 

Indonesia tình hình ngày càng nghiêm trọng khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong tiếp tục ở mức cao. Indonesia đang dẫn đầu khu vực về số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Trong ngày, khu vực có 5 nước ghi nhận các ca mắc mới.

 

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 4.046 người dân ở khu vực này, tăng 50 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 138.709 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 78.120 trường hợp.

 

 

 

Người dân đi chợ tại thủ đô Bangkok của Thái Lan. Ảnh: AFP

 

 

 

Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp.

 

Nhiều nước ASEAN đang đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

 

Dù vậy, tâm lý lo sợ một làn sóng dịch thứ hai đang ngày càng gia tăng.

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Cairo, Ai Cập, ngày 12/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Ngày 25/6, Bộ Y tế Ai Cập thông báo, nước này đã ghi nhận thêm 1.569 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia Bắc Phi này lên tới 61.130 người.

 

Số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập đang có chiều hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây, khi mỗi ngày trung bình đều ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới.

 

Ngoài ra, đã có thêm 83 bệnh nhân tử vong do COVID-19, và tính đến nay tổng số ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này ở Ai Cập đã lên đến 2.533 người. Bên cạnh đó, Ai Cập cũng ghi nhận thêm 403 bệnh nhân đã bình phục và được ra viện, qua đó nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 16.338 người.

 

Mặc dù số ca mắc COVID-19 vẫn chưa giảm, song Ai Cập vẫn đang xúc tiến kế hoạch từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong đó có rút bớt thời gian giới nghiêm vào ban đêm. Ngoài ra, kể từ ngày 27/6 tới, Ai Cập sẽ cho phép mở cửa trở lại các nhà hàng, quán cà phê và các câu lạc bộ thể thao với công suất hoạt động tối đa 25% trong giai đoạn đầu nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội. 

 

 

 

Nhân viên giới thiệu mẫu vaccine phòng COVID-19 được nghiên cứu tại một công ty công nghệ sinh học ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 16/3/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Ngày 25/6, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, đại dịch COVID-19 đang có chiều hướng thuyên giảm tại châu Âu, song lại diễn biến xấu đi trên toàn cầu với số ca mắc bệnh được dự báo có thể lên tới 10 triệu người, trong khi số ca tử vong chạm mức 500.000 vào tuần tới.

 

Phát biểu trong một hội nghị trực tuyến với các thành viên Ủy ban Y tế của Nghị viện châu Âu, Tổng giám đốc WHO cho biết, ngay khi đại dịch kết thúc, thế giới không nên quay trở lại trạng thái trước đây mà nên thiết lập một "trạng thái bình thường mới", xanh hơn và giúp chống biến đổi khí hậu.

 

Cũng tại hội nghị trên, Tổng giám đốc Tedros nhận định rằng, chưa có gì chắc chắn rằng các nhà khoa học sẽ tạo ra một loại vaccine hiệu quả để chống lại virus SARS-CoV-2, song có thể phải mất một năm để sáng chế ra một loại vaccine như vậy. 

 

Theo người đứng đầu WHO, tổ chức này đã có hơn 100 mẫu vaccine tiềm năng, trong đó có một loại đang ở trong giai đoạn phát triển tiến xa hơn các loại khác. Việc sở hữu vaccine phòng ngừa COVID-19 có thể rút ngắn bớt một vài tháng nếu công tác nghiên cứu được đẩy nhanh.