Sinh viên năm nhất Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh luyện tập kỹ năng bắn súng, trong một buổi huấn luyện quân sự ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 11/9/2007. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

 

 

Xuất hiện bằng chứng mới cho thấy Trung Quốc ép một số du học sinh phải phục vụ các mục tiêu chính trị và tư tưởng của chế độ, nếu không sẽ bị cho về nước.

 

 

Bài bình luận

 

 

Trung Quốc hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — một thế lực độc tài toàn trị, sẵn sàng thực hiện các cuộc diệt chủng, vì vậy, việc đào tạo công dân Trung Quốc về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) cũng góp phần phục vụ các mục tiêu toàn trị của Trung Quốc.

 

Những quy định nghiêm ngặt ĐCSTQ áp đặt lên sinh viên Trung Quốc đã được tìm thấy trong các tài liệu mà những sinh viên nhận tài trợ từ Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC) phải tuân theo. Tại Vương quốc Anh, học bổng CSC được chính phủ Anh tài trợ một phần. Nhiều sinh viên đến từ Trung Quốc đã và đang theo học tại các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Vương quốc Anh, bao gồm Cambridge và Oxford.

 

CSC cũng tài trợ cho sinh viên theo học tại các trường đại học nghiên cứu của Hoa Kỳ, bao gồm Harvard, Yale, Princeton và Stanford.

 

Một báo cáo mới đây đã chỉ ra rằng, trước chuyến đi đến Vương quốc Anh, sinh viên Trung Quốc phải học các chủ đề về chính trị, tư tưởng và chủ nghĩa dân tộc, bao gồm cả “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Tác giả của báo cáo là ông Robert Clark.

 

Ông Robert Clark là nhà nghiên cứu tại Civitas - một viện nghiên cứu của Anh tập trung vào các vấn đề xã hội dân sự. Trong báo cáo, ông đã đưa ra bằng chứng mà ông tìm được.

 

ĐCSTQ rà soát từng sinh viên, những người “có vấn đề” sẽ không được phép đi du học. Điều này “làm dấy lên những lo ngại về an ninh”, theo cây bút Louisa Clarence-Smith của The Telegraph - hãng thông tấn đầu tiên đưa tin về báo cáo của ông Clark. Bà Clarence-Smith viết: CSC “được Bộ giáo dục Trung Quốc thành lập vào giữa những năm 1990 để hỗ trợ sinh viên Trung Quốc học ở nước ngoài”.

 

 

Sinh viên đi bộ trong khuôn viên trường Đại học Princeton ở New Jersey, Mỹ, ngày 4/2/2020. (Ảnh: Thomas Cain/Getty Images)

 

 

Ông Clark phát hiện ra rằng có hơn 600 sinh viên đã nhận học bổng CSC, chủ yếu là nghiên cứu sinh Trung Quốc về khoa học và công nghệ. Các tài liệu của CSC do ông Clark tìm được cho thấy những sinh viên muốn đi du học phải tham gia một số khóa học bắt buộc; các khóa học này đào tạo về “chính trị và tư tưởng, cũng như lòng yêu nước” và “cập nhật đầy đủ các khuynh hướng tư tưởng” của ĐCSTQ.

 

Sinh viên phải “phục vụ chiến lược quốc gia” và “thực hiện triệt để Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”. Theo một trong số các tài liệu của CSC, những sinh viên “có vấn đề” sẽ không được phép ra nước ngoài du học.

 

Ông Clark phát hiện ra rằng có tới 1/3 trong tổng số khoảng 62 triệu USD tiền tài trợ của Trung Quốc cho các trường đại học ở Anh [học bổng mà Trung Quốc trao cho sinh viên nước này theo học tại các trường đại học ở Anh] trong 5 năm qua là đến từ các nguồn có liên quan đến Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hoặc các nguồn nằm trong danh sách cấm của Mỹ, bao gồm cả những nguồn liên quan đến tên lửa siêu thanh, máy bay chiến đấu phản lực và vệ tinh.

 

Ông Clark viết cho The Epoch Times: “Trọng tâm tuyệt đối của một chiến lược mạnh mẽ trong tương lai là phải gắn kết tốt hơn các biện pháp trừng phạt của Anh với các biện pháp trừng phạt của Mỹ, bao gồm cả việc cấm các thực thể Trung Quốc có rủi ro cao như các công ty quân sự, và [khiến các thực thể này] phải chịu các hạn chế thương mại và đầu tư”.

 

Ông cho rằng nên giảm số lượng sinh viên Trung Quốc ở Anh “để từ đó giảm sự phụ thuộc quá mức về tài chính vào tiền của Trung Quốc trong trường hợp chúng ta [Vương quốc Anh] cần phải hành động chống lại các hành vi ác ý của Trung Quốc”.

 

Theo ông Clark, “việc cấp nhiều hơn thị thực sinh viên cho sinh viên Hong Kong và Đài Loan là rất quan trọng, việc bảo vệ quyền tự do của những sinh viên này trong khuôn viên trường học - điều mà hiện tại hầu hết các trường đại học không thực hiện đủ tốt bởi vì các chiến dịch của Mặt trận Thống nhất [của Trung Quốc] đã thành công thâm nhập nền giáo dục đại học Vương quốc Anh - cũng rất quan trọng”.

 

Việc từ chối tài trợ của Trung Quốc cho giới học thuật đã bắt đầu bằng việc cho ngừng các Viện Khổng Tử và ít nhất một lần cho ngừng nguồn tài trợ của CSC. Theo The Telegraph, Đại học Erlangen-Nuremberg của Đức đã đình chỉ hợp tác với các sinh viên nhận học bổng CSC “để giảm thiểu rủi ro về gián điệp công nghiệp”.

 

Nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc trong những năm 1970, Đặng Tiểu Bình, từng thương lượng một cách cứng rắn với Tổng thống Mỹ Jimmy Carter về việc mở cửa cho Trung Quốc vào năm 1979, dẫn đến việc Mỹ chuyển đổi sự công nhận từ Đài Loan sang Trung Quốc. Đặc biệt, ông Đặng đã thương lượng để các trường đại học Hoa Kỳ tiếp nhận sinh viên STEM từ Trung Quốc. Vào thời điểm đó, ông Đặng đã đúng đắn khi tin rằng thiếu kiến thức STEM là điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc.

 

Để đổi lấy khả năng tiếp cận sâu rộng hơn công nghệ và thị trường của Hoa Kỳ, ông Đặng đã mở cửa thị trường của chính Trung Quốc. Sau đó, phần lớn dòng chảy công nghệ đã chảy từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc, phần lớn dòng chảy hàng xuất khẩu lại đi theo hướng ngược lại, do vậy, ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh ở Washington lớn hơn của Washington ở Bắc Kinh, nên có vẻ như ĐCSTQ đã có được phần tốt hơn trong thỏa thuận.

 

Hiện nay, ở Washington có nhiều hoạt động vận động hành lang mạnh mẽ về học thuật và kinh doanh nhằm duy trì các dòng chảy thương mại với Trung Quốc - thứ mà các nhóm lợi ích đặc biệt của Mỹ và Anh phụ thuộc vào.

 

Báo cáo của ông Clark đã chỉ ra sự phụ thuộc này ngay từ tiêu đề của nó: “Sự Phụ thuộc Chiến lược của các Trường Đại học Vương quốc Anh vào Trung Quốc – và tiếp theo chúng nên chuyển hướng sang đâu?”

 

Khi tôi đi tìm câu trả lời của riêng tôi về chủ đề này, một sinh viên Trung Quốc đã tốt nghiệp Đại học Oxford nói với tôi vào năm 2018 rằng “tất cả” sinh viên tốt nghiệp Oxford, những người là công dân Trung Quốc, thì đều là thành viên của ĐCSTQ; ngụ ý rằng nếu không trở thành thành viên của ĐCSTQ thì sinh viên Trung Quốc sẽ không thể vươn tới mức đó. Một nghiên cứu sinh của Oxford ở khoa khoa học vật liệu (bản thân anh ấy không phải là người Trung Quốc) nói với tôi rằng các nghiên cứu sinh Trung Quốc ở đó không làm ra những công trình mang tính đột phá; điều này đặt ra câu hỏi liệu họ có đang che giấu công trình tốt nhất của mình để sử dụng riêng ở Trung Quốc hay không. Không có điều nào trong số này có được câu trả lời gần như chắc chắn và tất cả đều cần nhiều nghiên cứu hơn để có thể được xác nhận.

 

Tuy nhiên, điều rõ ràng là Trung Quốc hiện nằm dưới sự kiểm soát của một đảng chính trị diệt chủng và độc tài toàn trị. Do đó, quá trình sinh viên Trung Quốc tăng cường khả năng tiếp cận khoa học và công nghệ được tiến hành theo cách phi tự do, bất chấp tuyên bố mù quáng của giới học thuật rằng giới học thuật ủng hộ nghiên cứu “mở”. Không có nghiên cứu nào thực sự mở nếu nó bị hạn chế về mặt chính trị trước khi sinh viên đến được nước ngoài.

 

Các quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản và Đức - những nước coi trọng chủ quyền và quyền tự do dân chủ của mình - cần hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các kiến thức STEM nhạy cảm vốn có tác dụng thúc đẩy sức mạnh kinh tế và quân sự (những kiến thức mà ĐCSTQ và các kẻ thù của nền dân chủ đang cần đến). Điều này có nghĩa là cần thay thế sinh viên STEM từ các quốc gia đối địch như Trung Quốc và Nga bằng sinh viên từ các quốc gia thân thiện hơn như Đài Loan và Ukraine. Tăng cường sức mạnh cho bạn bè của chúng ta — chứ không phải cho đối thủ của chúng ta — là hành động có ý nghĩa.

 

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

 

(Theo The Epoch Times|)

(Xuân Hoa biên dịch)

 

Anders Corr

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics Inc. - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).