Ảnh tư liệu: Các bồn trữ hydrogen xanh tại Puertollano, miền trung Tây Ban Nha, ngày 28/03/2023. AP - Bernat Armangue
Với nguồn tài nguyên biển phong phú cùng điều kiện nắng và gió thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất hydrogen xanh hàng đầu ở châu Á, qua đó giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần đến sự trợ giúp của các nước phát triển, trong đó có Pháp.
Hydrogen xanh là một loại hydrogen được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, như năng lượng Mặt trời và gió. Khác với hydro "xám", quá trình sản xuất hydro xanh sử dụng điện năng để điện phân nước, tách nước thành hydro xanh và oxygen, không phát thải CO2 và các chất ô nhiễm khác. Các lợi ích về môi trường và tính linh hoạt của nó trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, công nghiệp và sản xuất điện khiến hydro xanh ngày càng trở nên quan trọng khi các quốc gia nỗ lực đạt được mục tiêu trung hòa cacbon, như mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết cho năm 2050
Trả lời RFI Việt ngữ từ Jakarta ngày 26/08/2024, ông Mathieu Geze, giám đốc đặc trách khu vực châu Á của công ty Hydrogène de France ( HDF Energy ), một trong những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hydrogen, nhận định về tiềm năng phát triển hydrogen xanh của Việt Nam:
“Hydrogen có thể được sản xuất từ những nguồn năng lượng tái tạo, như năng lượng Mặt trời hoặc gió. Việt Nam có những tiềm năng rất lớn về hai loại năng lượng này, nên cũng có tiềm năng lớn về hydrogen xanh, mà công ty HDF Energy của chúng tôi cố gắng giúp khai thác.
Nói chung, tiềm năng về hydrogen là rất lớn trong lĩnh vực hóa dầu, cụ thể là tập đoàn Petrovietnam với một số nhà máy lọc dầu của công ty này, hay các nhà máy dùng hydrogen để sản xuất một số sản phẩm như phân bón.
Hiện nay, hydrogen xám chủ yếu được sản xuất từ khí đốt. Nhưng trong tương lai, nhờ tiềm năng về năng lượng tái tạo, ta có thể sản xuất hydrogen xanh để phi cacbon hóa những ngành như ngành hóa dầu, hay ngành giao thông, như xe lửa. Chẳng hạn như Công ty Đường sắt Việt Nam hiện nay chủ yếu sử dụng các đầu máy chạy bằng diesel. Hydrogen có thể đóng một vai trò trong việc kéo dài tuổi thọ của một số đầu máy, đồng thời góp phần phi cacbon hóa ngành này.
Về phần công ty HDF Energy, trong giai đoạn đầu, chúng tôi cố gắng giúp phi cacbon hóa ngành điện. Việt Nam có những vùng xa xôi hẻo lánh, chẳng hạn như các đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, nơi mà hydrogen có thể được dùng để tích trữ một cách ổn định các nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, nguồn điện từ năng lượng Mặt trời hay năng lượng gió có thể không ổn định, vì nắng lúc có lúc không, gió thì lúc mạnh lúc yếu. Hydrogen có thể được sử dụng để tích trữ lượng điện đó và cung cấp cho mạng lưới điện những khi thiếu nắng và gió.”
Với những tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và năng lượng Mặt Trời, Việt Nam đã phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển hydrogen xanh đến năm 2050. Mục tiêu cụ thể là sản xuất từ 100.000 đến 500.000 tấn hydrogen xanh từ đây đến năm 2030, để sau đó đạt được sản lượng từ 10 đến 20 triệu tấn từ đây đến năm 2050.
Chính phủ Việt Nam hiện đang tìm các nhà đầu tư ngoại quốc có thể hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất hydrogen xanh qua nhiều nguồn năng lượng khác nhau, không chỉ có năng lượng gió, năng lượng Mặt trời, mà cả than đá, dầu hỏa và khí đốt. Theo dự báo của chính phủ Hà Nội, hydrogen xanh sẽ đáp ứng 10% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Việt Nam từ đây đến năm 2050. Ông Mathieu Geze, giám đốc châu Á của HDF Energy nhận định về mục tiêu này:
“Tôi nghĩ là có thể đạt được mục tiêu đó, vấn đề chủ yếu chỉ là thời gian. Nhưng do có tiềm năng rất lớn về điện Mặt trời và điện gió, do nhu cầu phải phi cacbon hóa đất nước, do phải đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng cùng với đà phát triển của kinh tế, công nghiệp, hydrogen có thể góp phần đáp ứng nhu cầu đó. Tỷ lệ 10% theo tôi là một mục tiêu khả thi”.
Pháp là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hydrogen xanh tính theo số lượng sáng chế, nghiên cứu, phát triển, sản xuất trang thiết bị và doanh nghiệp ở mọi quy mô. Công ty Pháp HDF Energy đã hợp tác với Việt Nam từ vài năm nay trở lại đây. Mới đây, công ty này đã đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất pin nhiên liệu ( fuel cell ) tại vùng ngoại ô thành phố Bordeaux.
Giám đốc châu Á của HDF Energy Mathieu Geze nêu bật những khả năng hợp tác giữa Pháp với Việt Nam về hydrogen xanh:
“Nói chung, nước Pháp có những công ty hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, như Tập đoàn Điện lực Pháp EDF, nếu tôi không lầm thì đã có mặt ở Việt Nam từ nhiều năm qua, hoặc là những công ty khác cũng có thể có tham vọng đầu tư vào Việt Nam. Như vậy nước Pháp có thể đóng vai trò quan trọng với khả năng đầu tư, kỹ thuật, để hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là về thủy điện hay về điện hạt nhân.
Riêng công ty HDF sẽ tập trung vào những dự án mà chúng tôi có thể chuyển giao các kỹ năng quan trọng cho phía Việt Nam, khác với những đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là tại những vùng xa xôi, hẻo lánh, hay một số đảo, nơi mà một phần của hệ thống điện phụ thuộc nhiều vào các máy phát điện chạy bằng diesel”.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2022, HDF Energy đã khai triển nhiều dự án hợp tác với các Bộ Công Thương, Bộ Giao Thông Vận Tải, Tập đoàn Đường sắt và Tập đoàn Điện lực Quốc gia. Công ty cũng có ký kết, làm việc, hoặc trao đổi phát triển các dự án ở nhiều tỉnh thành như Kiên Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, là những địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, điện gió trên đất liền, hay điện Mặt trời.
Đây cũng chính là những nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen "xanh" phục vụ ngành giao thông vận tải. Đặc biệt, HDF Energy đã làm việc với Công ty Đường sắt Việt Nam để nghiên cứu cơ hội chuyển đổi gần 200 động cơ diesel cũ đã vận hành từ cách đây hàng chục năm, chuyển sang sử dụng hydrogen. Về dự án này, ông Mathieu Geze cho biết:
“Nói chung chúng tôi có tham vọng hỗ trợ ngành đường sắt để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của ngành này tại Pháp và tại nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi thấy nhiều đầu máy xe lửa còn phụ thuộc vào động cơ diesel, vì cần phải đầu tư rất nhiều cho việc điện hóa các tuyến xe lửa. Một số tuyến có nhu cầu rất hạn chế hoặc rất khó lấy lại vốn khi đầu tư vào. Hydrogen sẽ là một giải pháp đơn giản để phi cacbon hóa các đầu máy đó bằng cách, nói theo tiếng Anh, retrofit chúng, thay thế động cơ diesel bằng động cơ chạy điện. Vì lý do bảo mật, tôi không thể nói chi tiết hơn, nhưng chúng tôi đang nghiên cứu các dữ liệu để xác nhận tiềm năng đó tại một số nơi ở Việt Nam.”
Đối với ông Mathieu Geze, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam hiện nay đã đủ thuận lợi cho việc phát triển hydrogen xanh:
“Đây vẫn là những vấn đề rất phức tạp ở tất cả các nước mà các tổ chức công nghiệp, các nhà đầu tư vẫn trông chờ một sự yểm trợ về mặt chính trị, thể hiện qua một khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các dự án.
Cá nhân tôi thì nghĩ rằng dù trong khuôn khổ pháp lý như thế nào, các công ty phát triển dự án, các nhà đầu tư, các tổ chức công nghiệp cũng nên tỏ ra thực dụng. Nếu dự án được xem là đáng giá về mặt kinh tế, về mặt kỹ thuật, tôi có thể chắc chắn là dự án đó sẽ được sự hỗ trợ của chính quyền, dù ở cấp quốc gia, với bộ Công Thương hay ở cấp địa phương với chính quyền các tỉnh.
Tôi nghĩ là các quy định luật lệ hiện nay ở Việt Nam đủ để chúng tôi có thể đề xuất các ý tưởng, các dự án và thực hiện các ý tưởng, dự án đó. Nếu trong tương lai các cơ quan lập pháp hỗ trợ mạnh hơn đối với các năng lượng tái tạo thì càng tốt”.
(Theo RFI Việt ngữ)