Một phi công của Lực lượng Không quân Mỹ đi trước chiếc T-38 Talon - máy bay huấn luyện phản lực siêu thanh hai động cơ - tại Căn cứ Không quân Columbus, Mississippi, hôm 11/11/2020. (Ảnh:Davis Donaldson/Lực lượng Không quân Mỹ)

 

Cựu phi công Thủy quân lục chiến Mỹ và hiện là công dân Úc, ông Daniel Duggan, sẽ không thể bán ngôi nhà ở Úc của mình sau khi Tòa án Tối cao của New South Wales (Úc) quyết định giữ nguyên lệnh cấm của Mỹ đối với tài sản của ông.

 

Ông Duggan, 55 tuổi, hiện đang bị giam trong nhà tù an ninh tối đa tại Trung tâm Cải huấn Lithgow ở Sydney (Úc) và có nguy cơ bị dẫn độ về Hoa Kỳ với cáo buộc ông đã đào tạo phi công quân sự Trung Quốc một cách bất hợp pháp.

 

Nếu bị dẫn độ, ông Duggan sẽ phải đối mặt với bốn tội danh, bao gồm: âm mưu lừa gạt chính phủ Mỹ bằng cách xuất khẩu trái phép các dịch vụ quốc phòng sang Trung Quốc, âm mưu rửa tiền, vi phạm luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí của Hoa Kỳ và vi phạm quy định về buôn bán vũ khí quốc tế. Ngoài ra ông cũng phải đối mặt với án tù lên tới 60 năm.

 

Theo một bản cáo trạng năm 2017 được Tòa án Quận Hoa Kỳ ở Washington công bố vào tháng 12/2022, ông Duggan đã ba lần huấn luyện quân sự cho các phi công Trung Quốc thông qua một trường bay ở Nam Phi vào năm 2010 và 2012, khi ông còn là công dân Hoa Kỳ. Chính phủ Mỹ cáo buộc rằng, động thái trên của ông Duggan đã vi phạm luật kiểm soát vũ khí của Mỹ.

 

Được biết, cựu binh Duggan đã bị giới chức Mỹ cáo buộc nhận 116.000 USD hoặc 166.000 USD vào năm 2011 hoặc 2012 để huấn luyện các phi công Trung Quốc cách hạ cánh trên tàu sân bay.

 

Vào tháng 11/2022, ông Duggan đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Tối cao NSW để yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm của Cảnh sát Liên bang Úc (AFP). Mỹ đã áp đặt lệnh cấm này đối với nhà ở của ông ở Saddleback Mountain (Úc).

 

Theo đó, ông Duggan đã đệ đơn khiếu nại vì thứ nhất, việc chủ sở hữu tài sản, Công ty TNHH Power Art Trading (Power Art Trading Ltd), đã bị ghi sai tên trong tờ khai của AFP là "Power Art Trading Pty Ltd”.

 

Thứ hai là ông Duggan bị ghi nhầm tên là giám đốc của Power Art Trading Ltd. Thay vào đó, vợ ông, bà Saffrine Duggan, là giám đốc duy nhất của công ty, và các luật sư cho rằng đây là “tài sản duy nhất” của vợ và các con ông.

 

Tuy nhiên, vào ngày 6/12 năm nay, Thẩm phán Tòa án Tối cao NSW Nicholas Chen đã bác bỏ vụ kiện của ông Duggan, nói rằng sai sót trên là "sự sơ ý vô tội và không chú ý đến chi tiết", và hầu hết đó là "sự liên quan đến bằng chứng ngoại vi".

 

Viên chức AFP lý giải rằng ông đã “giả định hoặc suy luận sai” rằng ông Duggan là giám đốc công ty và không nhận ra sai lầm của mình cho đến khi người bào chữa đề cập đến vấn đề này trong thư.

 

Gia đình ‘suy sụp’

 

Bà Duggan cho biết gia đình bà “vô cùng thất vọng và đau khổ” trước quyết định này.

 

“Những mệnh lệnh này đã kéo theo một đám mây đen, [che phủ] tương lai của 6 đứa trẻ Úc. Điều này cũng sẽ gây khó khăn rất lớn cho chúng tôi trong việc đấu tranh đòi công lý cho người chồng thân yêu của tôi, người đã bị biệt giam mà không bị truy tố tại địa phương trong gần 14 tháng”.

 

“Chúng ta không chỉ phải đối mặt với Giáng sinh thứ hai không có Dan; mà quyết định này còn khiến chúng tôi gần như không thể đấu tranh đòi tự do cho anh ấy”.

 

Vào tháng 11/2022, bà Duggan đã đưa ra một bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu trả tự do cho chồng mình và ngăn chặn việc dẫn độ ông sang Hoa Kỳ.

 

Bà nói rằng, ông Duggan đã bị cuốn vào một vụ án có động cơ chính trị, vốn là một phần của "Sáng kiến ​​Trung Quốc" và hiện sáng kiến này đã bị mất uy tín ở Hoa Kỳ. "Sáng kiến ​​Trung Quốc" này đã bị Quốc hội Mỹ, giới học thuật, các nhóm dân quyền và cộng đồng người Mỹ gốc Á chỉ trích.

 

Bà nói thêm: “Ông Daniel đã bị cuốn vào một cơn bão địa chính trị khi làm việc ở Trung Quốc, làm công việc mà các phi công phương Tây, châu Phi và châu Âu đã làm ở đó trong nhiều thập kỷ với sự hiểu biết toàn diện về các chính phủ này”.

 

“Ông Daniel phải xa con cái, gia đình thân yêu, bạn bè và cộng đồng vì một vụ án rõ ràng có động cơ chính trị dựa trên bản cáo trạng năm 2017 - vốn là một phần của “Sáng kiến Trung Quốc” hiện đã mất uy tín tại Hoa Kỳ. Sáng kiến này đã bị các thành viên của Quốc hội Mỹ, giới học thuật, các nhóm dân quyền và cộng đồng người Mỹ gốc Á chỉ trích là phân biệt chủng tộc và về cơ bản là phân biệt đối xử".

 

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles ngày 14/9 đã trình Quốc hội nước này Dự luật Bảo vệ Bí mật Quân sự quốc gia.

 

Theo đó, dự luật này sẽ thắt chặt luật hình sự nhằm cấm nhân viên quốc phòng Úc cung cấp huấn luyện quân sự cho chính phủ nước ngoài, ngoại trừ các đối tác tình báo Five Eyes của Úc gồm: Anh, Hoa Kỳ, New Zealand và Canada.

 

Theo dự luật được đề xuất, lệnh cấm trên sẽ được áp dụng đối với công dân Úc tham gia huấn luyện quân sự cho các quốc gia được coi là gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Úc. Bất kỳ ai bị kết tội sẽ phải đối mặt với mức án 20 năm tù.

 

Bên cạnh đó, tất cả công dân và thường trú nhân ở Úc cũng cần phải được cấp phép khi tham gia huấn luyện với nước ngoài, liên quan đến hàng hóa quân sự được kiểm soát cũng như các chiến thuật, kỹ thuật và thủ tục quân sự.

 

“Những người Úc làm việc hoặc đã từng làm việc trong ngành Quốc phòng nắm giữ bí mật quốc gia có nghĩa vụ lưu giữ những bí mật đó ngoài công việc của họ với Khối thịnh vượng chung. Đây là một nghĩa vụ lâu dài và việc tiết lộ bất kỳ bí mật nào trong số đó sẽ bị coi là phạm tội”, theo một tuyên bố của chính phủ.

 

Phó Thủ tướng Richard Marles nhấn mạnh: “Luật mới này sẽ giúp tăng cường an ninh quốc gia của Úc bằng cách đảm bảo những bí mật quân sự của chúng tôi được giữ kín. Cải cách hợp lý này củng cố các luật pháp vững chắc mà chúng tôi hiện có bằng cách nâng cao khả năng của chính phủ trong việc ngăn chặn việc chuyển giao thông tin quốc phòng nhạy cảm không mong muốn cho quân đội nước ngoài. Điều quan trọng là nó không nhằm mục đích cấm các cựu nhân viên quốc phòng tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài. Đây là việc giữ bí mật của Úc trong tay người Úc”.

 

Phi công Úc thứ 2 bị điều tra vì huấn luyện phi công chiến đấu Trung Quốc

Động thái này diễn ra sau khi một cựu phi công Úc thứ 2 bị điều tra vì huấn luyện phi công chiến đấu Trung Quốc.

 

Phi công này là ông Keith Hartley, sống ở Nam Úc. Ông đã bị chính quyền điều tra vì vai trò là Giám đốc điều hành tại Học viện Chuyến bay thử nghiệm của Nam Phi (TFASA), một học viện bay mà chính quyền Anh đã cảnh báo là đóng vai trò trung gian giúp Bắc Kinh tuyển dụng các phi công đã nghỉ hưu.

 

Các quan chức Anh cho hay, Trung Quốc không trực tiếp tuyển dụng mà tuyển dụng thông qua bên thứ ba - Học viện Chuyến bay thử nghiệm của Nam Phi.

 

Các phi công bị ‘mua chuộc’ được cho là đã phục vụ trong quân đội Anh chứ không chỉ phục vụ trong Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF). Họ từng lái Typhoons, Jaguars, Harriers và Tornados.

 

Động thái tuyển dụng của chính phủ Trung Quốc được coi là nhằm giúp các phi công chiến đấu của quân đội nước này hiểu rõ cách thức hoạt động của các phi công phương Tây, điều này rất quan trọng trong mọi trận chiến tiềm tàng giữa phương Tây và Trung Quốc.

 

(ntdvn.net, Huyền Anh tổng hợp)