Ngày 19/9, chính quyền quân sự Mali bày tỏ thái độ giận dữ đối với những cảnh báo từ giới lãnh đạo phương Tây và khu vực cho rằng, Bamako không nên tuyển mộ lính đánh thuê từ công ty an ninh tư nhân Wagner của Nga.

 

 

Rộ tin Mali tuyển lính đánh thuê Nga để huấn luyện lực lượng vũ trang trong nước và bảo vệ các lãnh đạo của quốc gia Tây Phi.

 

 

 

 

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mali nêu rõ: “Về ý kiến cho là các cơ quan chức năng của Mali có ý định tuyển mộ ‘lính đánh thuê’, chính phủ chuyển tiếp do quân đội lãnh đạo mong muốn thực thi chủ quyền của chúng tôi”.

 

 

Mặc dù không nêu đích danh bất cứ nước nào hoặc Wagner Group, song bộ trên khẳng định, Mali “sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào sắp đặt sự lựa chọn cho chúng tôi… và lại càng không thể quyết định đối tác nào mà chúng tôi có thể theo đuổi”.

 

 

Ngoài ra, chính quyền quân sự Mali cũng chỉ trích “những tin đồn và thông tin thất thiệt là một phần trong chiến dịch bôi nhọ đất nước và các nhà lãnh đạo của chúng tôi”.

 

 

Tuần trước, truyền thông châu Phi dẫn nguồn tin giấu tên tiết lộ, chính quyền quân sự Mali đang đàm phán với tập đoàn Wagner của Nga để thuê khoảng 1.000 nhân viên của tập đoàn này với mục đích huấn luyện cho lực lượng vũ trang và bảo vệ các lãnh đạo cấp cao của quốc gia Tây Phi.

 

 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mali dù không lên tiếng phủ nhận những cuộc đàm phán với Wagner, song cho biết, Mali chưa ký bất kỳ thỏa thuận nào với tập đoàn này. Trong trung hạn, Mali có kế hoạch đa dạng hóa các mối quan hệ nhằm tăng cường đảm bảo an ninh quốc gia.

 

 

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã cảnh báo Mali về thỏa thuận trên, cho rằng, rất đáng lo ngại nếu chính quyền quân sự của quốc gia Tây Phi ký hợp đồng này, vì nó đi ngược lại những gì Paris đã triển khai những năm qua và dự định hỗ trợ cho các quốc gia khu vực Sahel của châu Phi.

 

 

Cùng với Pháp, Đức cũng cho rằng, thỏa thuận như vậy sẽ đặt ra vấn đề về cam kết quân sự của 2 quốc gia châu Âu này tại Mali.

 

 

Tương tự, khối Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) cũng đã lên án thỏa thuận trên, nhưng không đề cập Wagner Group, đồng thời cảnh báo, thỏa thuận này sẽ khiến tình hình an ninh ở Mali trở nên xấu đi.

 

 

Tuy nhiên, cũng trong tuần trước, Điện Kremlin tuyên bố, không có cuộc thảo luận chính thức nào về hợp tác quân sự giữa Nga với Mali và cũng không có đại diện nào của các lực lượng vũ trang Nga ở Mali.