(Ảnh: nghiencuuquocte.org)

 

 

Nguồn: “How China and Russia could hobble the internet”, The Economist, 11/07/2024

 

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương (nghiencuuquocte.og)

 

 

THẾ GIỚI - Cách đây không lâu, một bộ phận của chính phủ Anh đã yêu cầu RAND Europe, một tổ chức tư vấn tại Cambridge, Anh, tiến hành nghiên cứu về cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển. Tổ chức tư vấn này đã nghiên cứu các bản đồ công khai về cáp internet và cáp điện. Họ phỏng vấn các chuyên gia và tổ chức phỏng vấn theo các nhóm tập trung. Giữa quá trình, Ruth Harris, trưởng dự án, nhận ra rằng bà đã vô tình khám phá ra nhiều chi tiết nhạy cảm có thể bị Nga hoặc các đối thủ khác khai thác. Khi bà tiếp cận bộ phận chính phủ giấu tên, họ đã rất sốc. Bà Harris nhớ lại phản ứng của họ: “Ôi trời ơi. Đây là bí mật.” Khi biết rằng nhóm của bà Harris được tập hợp từ khắp Âu châu , họ yêu cầu nhóm phải được thay đổi, bà nói: “Vấn đề này chỉ người Anh mới được phép tiếp cận.”

 

 

Các chính phủ phương Tây đã âm thầm lo ngại về an ninh của các tuyến cáp dưới biển, vốn mang phần lớn lưu lượng truy cập internet trên thế giới, trong nhiều năm. Nhưng chỉ gần đây vấn đề mới được chú trọng, do một loạt sự cố mờ ám từ biển Baltic đến Biển Đỏ và nhận thức rộng rãi hơn rằng cơ sở hạ tầng, dưới mọi hình thức, là mục tiêu của sự phá hoại.

 

Trên khắp châu Âu , các gián điệp Nga và các lực lượng ủy nhiệm của họ đã tấn công các mục tiêu liên quan đến Ukraine, tấn công mạng nhắm vào các cơ sở cấp nước, đốt cháy nhà kho và âm mưu tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức. Người ta lo ngại rằng hệ thống thông tin liên lạc dưới nước có thể bị tê liệt trong khủng hoảng hoặc chiến tranh, hoặc bị khai thác để lấy bí mật trong thời bình. Và khi Mỹ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng trên khắp Á châu , cáp ngầm đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc cạnh tranh của họ.

 

Theo TeleGeography, một công ty dữ liệu, có hơn 600 cáp ngầm đang hoạt động hoặc được lên kế hoạch lắp đặt trên khắp các đại dương trên thế giới, với chiều dài tổng cộng hơn 1,4 triệu km, gấp ba lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng. Chúng truyền tải phần lớn lưu lượng truy cập internet. Lấy một ví dụ, Âu Châu  được kết nối với Mỹ bằng khoảng 17 tuyến cáp, chủ yếu qua Anh và Pháp. Hơn 100 tuyến cáp bị hư hại mỗi năm trên khắp thế giới, rất thường xuyên do các tàu đánh cá và tàu thuyền bất cẩn khi sử dụng neo.

 

Vấn đề là rất khó phân biệt giữa tai nạn với phá hoại. Ví dụ như thiệt hại gây ra cho đường ống dẫn khí Balticonnector và một tuyến cáp liên lạc gần đó ở Vịnh Phần Lan vào tháng 10 năm 2023. Các quan chức khu vực nghi ngờ sự liên quan của Newnew Polar Bear, một tàu container do Trung Quốc sở hữu, trước đó đã đổi thủy thủ đoàn ở Kaliningrad, một vùng đất biệt lập của Nga, và sau đó xuất hiện ở Archangel với chiếc mỏ neo đã biến mất. Chín tháng sau, chính quyền Phần Lan tin rằng vụ việc có thể là một tai nạn thực sự. Các quan chức phương Tây khác tiếp tục nghi ngờ hành vi sai trái của Nga.

 

 

Âm mưu dưới biển

 

Điều đó là dễ hiểu. Nga đã đầu tư rất nhiều vào năng lực hải quân dùng để phá hoại dưới nước, chủ yếu thông qua GUGI, một đơn vị bí mật vận hành tàu ngầm nước sâu và drone hải quân. “Nga đang hoạt động tích cực hơn những gì chúng ta đã chứng kiến trong nhiều năm trong địa vực này,” giám đốc tình báo của NATO cảnh báo năm ngoái. Một báo cáo được công bố vào tháng 2 bởi Policy Exchange, một tổ chức tư vấn ở London, tuyên bố rằng kể từ năm 2021, đã có tám sự cố đứt cáp “không rõ nguyên nhân nhưng đáng ngờ” ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương và hơn 70 vụ tàu Nga được ghi nhận công khai “hành xử bất thường gần các cơ sở hạ tầng hàng hải quan trọng”. Trong báo cáo thường niên vào tháng 2, cơ quan tình báo Na Uy cho biết Nga cũng đã lập bản đồ cơ sở hạ tầng dầu khí quan trọng của nước này trong nhiều năm. “Việc lập bản đồ này vẫn đang được tiến hành, cả về mặt vật lý và trong môi trường kỹ thuật số [và] có thể trở nên quan trọng trong tình huống xung đột.”

 

Vấn đề không chỉ giới hạn ở Âu châu. Vào tháng 2, ba tuyến cáp ngầm chạy qua Biển Đỏ đã bị hư hại, làm gián đoạn internet trên khắp Đông Phi trong hơn ba tháng. Nguyên nhân có thể là do một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào tàu Rubymar, một tàu chở phân bón, bởi Houthis, một nhóm phiến quân tại Yemen đang tiến hành các hoạt động đe dọa các tàu buôn để thể hiện sự đoàn kết với Hamas ở Gaza. Khi Rubymar bị thủy thủ đoàn bỏ rơi, sau đó chìm xuống, người ta cho rằng mỏ neo của nó đã kéo lê dưới đáy biển và cắt đứt các dây cáp. Vào tháng 3, sự gián đoạn tương tự đã xảy ra trên khắp Tây Phi khi một hệ thống cáp quan trọng khác bị cắt đứt ngoài khơi Bờ Biển Ngà, có thể do hoạt động địa chấn ở đáy biển.

 

Các chiến lược gia Mỹ cũng lo lắng về mối đe dọa tiềm tàng của Trung Quốc đối với các tuyến cáp ở Á châu . Đặc biệt, Đài Loan phụ thuộc quá nhiều vào cáp ngầm để liên lạc quốc tế và có số lượng trạm cập bờ tương đối ít. Trong một cuộc chiến, Elsa Kania của Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), một tổ chức tư vấn ở Washington, nói rằng PLA sẽ tìm cách áp đặt “phong tỏa thông tin” đối với hòn đảo này. Cắt cáp “gần như chắc chắn sẽ là một phần của chiến dịch đó”. Vào tháng 2 năm 2023, một tàu chở hàng Trung Quốc và một tàu đánh cá Trung Quốc bị nghi ngờ đã cắt đứt hai tuyến cáp phục vụ Mã Tổ, một hòn đảo xa xôi của Đài Loan, cách nhau sáu ngày, làm gián đoạn kết nối của hòn đảo này trong hơn 50 ngày—mặc dù không có bằng chứng chắc chắn về hành vi phá hoại.

 

Chiến thuật cắt cáp cũng có thể phục vụ các mục tiêu chiến tranh rộng lớn hơn. “Cách tốt nhất để hạ gục hạm đội drone của Mỹ, hoặc thực sự làm suy yếu hệ thống tình báo Ngũ Nhãn, vốn phụ thuộc rất nhiều vào giám sát internet, là tấn công các dây cáp ngầm.” Richard Aldrich và Athina Karatzogianni, hai chuyên gia sử học về tình báo, viết. Các giả lập chiến tranh do CNAS điều hành vào năm 2021 đã phát hiện ra rằng các cuộc tấn công cáp của Trung Quốc “thường dẫn đến việc mất kết nối internet trên đất liền ở Đài Loan, Nhật Bản, Guam và Hawaii và buộc các hòn đảo này phải dựa vào thông tin liên lạc qua vệ tinh băng thông thấp hơn và dễ bị tổn thương hơn”. (Ngược lại, các giả lập chiến tranh tương tự đã phát hiện ra rằng Nga, với các đơn vị cắt cáp chuyên biệt hạn chế, “không thể nhanh chóng xóa sổ các hệ thống cáp liên lạc dày đặc giữa Bắc Mỹ và Châu Âu”.)

 

Các chính phủ phương Tây đang cố gắng để dựng lên các hệ thống phòng thủ tốt hơn. Ưu tiên của họ là hiểu những gì thực sự đang xảy ra dưới nước. Các quốc gia NATO đã tăng cường tuần tra trên không và trên biển gần cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả các tuyến cáp. Vào tháng 5, liên minh lần đầu tiên triệu tập Mạng lưới Cơ sở hạ tầng Dưới biển Quan trọng, với mục đích chia sẻ thêm thông tin giữa các chính phủ và với các công ty tư nhân có xu hướng vận hành cáp. Một “khái niệm đại dương kỹ thuật số” vào tháng 10 cũng hình dung “một mạng lưới cảm biến quy mô toàn cầu, từ đáy biển đến không gian” để xác định các mối đe dọa. Một sáng kiến ​​của Liên minh Âu Châu  đang xem xét một mạng lưới “các trạm dưới nước” ở đáy biển, nơi có thể cho phép drone sạc pin và truyền dữ liệu về những gì chúng đã thấy.

 

Một khi cáp bị hư hỏng, việc sửa chữa rất khó khăn. Thế giới chỉ có khoảng 60 tàu sửa chữa, đồng nghĩa với việc có thể mất nhiều tháng để khắc phục sự cố. Evan D’Alessandro từ trường King’s College London, chuyên gia nghiên cứu về cáp ngầm, cho biết nhiều tàu không thuộc sở hữu của Mỹ hoặc đồng minh. Thách thức này sẽ càng trở nên nghiêm trọng trong thời chiến, khi việc cắt cáp của Trung Quốc tập trung vào các khu vực tranh chấp gần bờ biển Đài Loan.

 

D’Alessandro quan sát thấy rằng trong hai cuộc chiến tranh thế giới, các tàu sửa chữa cáp phải được hộ tống bởi tàu chiến. Ông D’Alessandro lưu ý rằng trong một cuộc chiến ở Thái Bình Dương,  hải quân Mỹ và đồng minh sẽ có rất ít tàu dự phòng cho nhiệm vụ đó. Để giảm thiểu vấn đề này, Lầu Năm Góc đã thành lập Hạm đội An ninh Cáp vào năm 2021, trong đó các công ty vận hành các tàu lắp đặt cáp mang cờ Mỹ và có thủy thủ đoàn người Mỹ sẽ nhận được khoản trợ cấp hàng năm 5 triệu USD để đổi lấy việc sẵn sàng ứng phó trong vòng 24 giờ khi có khủng hoảng và sẵn sàng phục vụ trong thời chiến.

 

Tuy nhiên, mối lo ngại không chỉ là phá hoại mà còn là do thám. Mỹ và các đồng minh hiểu rõ mối đe dọa này hơn ai hết, bởi vì trong nhiều thập kỷ, họ đã thực hiện điều đó. Vào những năm 1970, Mỹ đã tiến hành các chiến dịch táo bạo để do thám cáp quân sự của Liên Xô bằng cách sử dụng tàu ngầm được trang bị đặc biệt có thể khai triển và thu hồi thiết bị dưới đáy biển. Khi internet lan rộng trên toàn cầu, cơ hội cho hoạt động gián điệp dưới nước tăng lên nhanh chóng. Vào năm 2012, GCHQ, cơ quan tình báo tín hiệu của Anh, đã nghe lén hơn 200 cáp quang mang lưu lượng điện thoại và internet, nhiều cáp trong số đó thuận tiện đi vào bờ biển phía tây của đất nước. Cơ quan này cũng đã làm việc với Oman để nghe lén những tuyến cáp khác chạy qua Vịnh Ba Tư. Bài học – rằng tuyến đường và quyền sở hữu cáp có thể rất quan trọng đối với an ninh quốc gia – đã không bị lãng quên.

 

Thật vậy, nỗi sợ hãi về chiến dịch gián điệp của Trung Quốc là một lý do tại sao Mỹ đặc biệt quan tâm đến cơ sở hạ tầng cáp đang phát triển nhanh chóng của Á châu . Từ năm 2010 đến 2023, khoảng 140 tuyến cáp mới đã được lắp đặt trong khu vực, so với chỉ 77 tuyến ở Tây Âu. Trung Quốc đã trở thành một nhân tố quan trọng trong cuộc đua cáp thông qua HMN Technologies, một công ty trước đây được gọi là Huawei Marine Networks. Công ty tự hào rằng họ đã lắp đặt hơn 94.000 km cáp thông qua 134 dự án.

 

Vào năm 2020, Mỹ, lo ngại về xu hướng này, đã chặn sự tham gia của HMN vào một dự án cáp trị giá 600 triệu đô la được đề xuất từ Singapore đến Pháp, qua Ấn Độ và Biển Đỏ, được gọi là SeaMeWe-6, bằng cách cung cấp tài trợ cho các công ty cạnh tranh và đe dọa trừng phạt HMN. Điều này có thể sẽ ngăn các công ty Mỹ sử dụng tuyến cáp này. Theo một cuộc điều tra gần đây của hãng tin Reuters, đó là một trong số ít nhất sáu thỏa thuận về cáp ở Á châu bị Mỹ phá vỡ từ năm 2019 đến 2023.

 

 

Khó khăn trước mắt

 

Các đồng minh trong khu vực của Mỹ cũng rất muốn kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Vào năm 2017, nỗ lực của Trung Quốc nhằm kết nối Úc và Quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương đã bị chính phủ Úc phản đối, chính phủ này đã thiết lập một dự án thay thế liên có sự tham gia của Nokia, một công ty Phần Lan. Úc hiện đang tài trợ cho hai tuyến cáp khác đến Palau và Đông Micronesia, một cặp quần đảo nơi Trung Quốc, Mỹ và Úc đang cạnh tranh ảnh hưởng lẫn nhau trong những năm gần đây. Những nỗ lực này đã làm chậm đáng kể tham vọng cáp của Trung Quốc. HMN vẫn là một công ty nhỏ so với SubCom của Mỹ, NEC Corporation của Nhật Bản và Alcatel Submarine Networks của Pháp, bộ ba công ty thống trị thị trường lắp đặt cáp toàn cầu.

 

 

Ngay cả với khả năng giám sát dưới biển tốt hơn và nhiều tuyến đường dự phòng hơn, mối đe dọa khó có thể giảm bớt. Việc cắt cáp dưới biển sâu từng đòi hỏi đầu tư lớn vào năng lực hải quân. Các drone hải quân với khả năng ngày càng phát triển đang thay đổi điều đó. Sidharth Kaushal từ RUSI, một tổ chức tư vấn khác, nói: “Khả năng khai triển ở độ sâu cực lớn có thể không còn là đặc quyền của các cường quốc nữa”. Kaushal nói thách thức đối với các cường quốc nhỏ hơn thường là việc xác định chính xác tuyến cáp. Điều đó có thể mất nhiều năm giám sát trong thời bình. Do đó, không có gì lạ khi nhiều chính phủ phương Tây thà giữ kín những chi tiết như vậy.

 

(Theo nghiencuuquocte.org)