Nguồn: “Elizabeth II never laid down the heavy weight of the crown.” The Economist, 08/09/2022.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

(nghiencuuquocte.org)

 

Đối với hàng triệu người đón xem lễ đăng quang của Nữ hoàng Anh vào ngày 2 tháng 6 năm 1953 — lần đầu tiên một lễ đăng quang như vậy được phát trên truyền hình — phần xúc động nhất nằm ở cuối buổi lễ. Đó là khi chiếc vương miện hoàng gia, nạm 2.868 viên kim cương và nặng hơn một kg, được đặt lên mái tóc đen mỏng của Elizabeth Windsor và đưa bà trở thành Nữ hoàng Elizabeth II.

 

Nhưng đối với Nữ hoàng, theo lời của một số ít nhân vật thân thiết, phần áp lực nhất của buổi lễ diễn ra trước nghi thức trao vương miện, và không được phát trên truyền hình. Như các đời vua trước từ thời Trung cổ, Elizabeth phải cởi bỏ y phục ngoài để thực hiện nghi thức xức dầu thánh: một biểu trưng cho thấy vương quyền không chỉ đến từ dòng máu Hanover, mà còn từ Chúa. Đó là lời nhắc nhở rằng bà có một nghĩa vụ linh thiêng và vĩnh cữu. Và Nữ hoàng chưa bao giờ quên điều đó.

 

Dáng người nhỏ nhắn, luôn mang chiếc túi xách lớn cùng sở thích mặc áo khoác màu pastel, Nữ hoàng đã đi khắp nước Anh và thế giới. Bà trở thành chủ đề nói đùa vì cách chào hỏi của mình (“Bạn có phải đi xa không?”), vì bộ găng tay và mũ đặc trưng, và vì lối sử dụng từ ngữ ngắn gọn nhưng đầy quý tộc. Những đặc điểm này làm người ta nghĩ bà cần được bảo vệ, nhưng rồi, từ cái nhìn chằm chằm và những lời dí dỏm, uyên bác trong các bài phát biểu, bà hiện lên vô cùng mạnh mẽ. Báo chí Anh phẫn nộ khi các lãnh đạo nước ngoài chạm vào người Nữ hoàng. Michelle Obama thậm chí còn vuốt lưng bà, nhưng bà bình tĩnh bỏ qua. Sau hàng nghìn tương tác giữa con người với con người — nhận hoa, chào đám đông, xem các điệu múa bộ lạc, khai trương tòa nhà, hạ thủy tàu chiến — chế độ quân chủ ngày càng bắt rễ trong tình cảm công chúng, ở Anh và trong Khối Thịnh Vượng chung, theo một cách đáng ngạc nhiên trong thế kỷ 20.

 

Nhưng không ai thực sự hiểu người phụ nữ đứng sau tất cả những điều đó. Chắc chắn đã có một Elizabeth vô tư và hồn nhiên hơn nhiều trước khi cha bà đột ngột lên ngôi vua vào năm 1938, và khi vào một buổi sáng tháng 2 ảm đạm năm 1952, bà nhận ra mình đã là nữ hoàng. Nhưng có thể là không? Ngay từ khi còn bé, bà đã có một vẻ ngoài mẫu mực, một cô con gái lớn có trách nhiệm vừa chăm vườn vừa trông em. Và trong thời kỳ chiến tranh, khi còn rất trẻ, bà đã gia nhập Lực lượng Bổ trợ Địa phương (ATS) và làm công việc lái xe tải; chiếc áo đồng phục hoàn toàn vừa vặn với bà. Ngay cả chiếc váy cưới năm 1947 cho cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc với Hoàng thân Philip của Hy Lạp cũng được làm từ phiếu mua quần áo quyên góp. Sau khi lên ngôi không lâu, bà đã gửi một công thức viết tay món bánh nướng nhân bơ sữa cho tổng thống Mỹ Eisenhower. Bà có lẽ đã thực sự mặc một chiếc tạp dề và thử làm chúng.

 

Sự thẳng thắn của Philip trước công chúng cho thấy bà có lẽ cũng có ý kiến ​​chính trị và không quá kiệm lời trong cuộc sống riêng tư. Dĩ nhiên bà không thể hiện chúng. 15 thủ tướng phục vụ trong thời gian bà nắm quyền đều được Nữ hoàng đón nhận một cách bình tĩnh. Bà được cho là khá thích nhà lãnh đạo có khiếu hài hước của Công đảng, Harold Wilson, và cả Margaret Thatcher, mặc dù một số cử chỉ trước công chúng không cho thấy điều đó. Quả thật, không ai bên ngoài vòng thân cận của bà biết chắc điều đó. Lần gần nhất bà đưa ra một tuyên bố chính trị là vào năm 2014, khi Scotland xem xét việc tách khỏi vương quốc; trên đường đến nhà thờ ở lâu đài Balmoral, bà đã cảnh báo người dân Scotland phải cẩn thận.

 

Bà từng công khai thừa nhận nỗi buồn vào năm 1992, khi Charles và Diana chia tay nhau, và lâu đài Windsor, nơi bà yêu thích, bị hỏa hoạn làm hư hại nặng: bà gọi nó là “năm hạn” của mình. Một năm không kém phần thách thức là 2019, được đánh dấu bởi vụ bê bối tình dục xuyên Đại Tây Dương của Hoàng tử Andrew và việc hoàng gia bị cuốn vào câu chuyện Brexit, khi bà được khuyên nên cho phép Boris Johnson đình chỉ Nghị viện, một hành động sau đó bị xác định là vi hiến. Nữ hoàng không nói gì, nhưng nhiều người nói bà rất tức giận vì Hoàng gia bị kéo vào chính trị. Trong nhiều chục năm trước đó, bà luôn giữ một quan điểm cẩn trọng, và chỉ tham gia đọc, với ít biểu đạt cảm xúc nhất có thể, danh sách các luật mới được đề xuất tại mỗi kỳ khai mạc Nghị viện.

 

Thay vì nắm giữ bất kỳ quyền lực thực tế nào, công việc của bà dần trở thành làm chỗ dựa tinh thần cho người dân. Khi Covid-19 xuất hiện, bà cổ vũ đất nước bằng các bài nhạc của Vera Lynn, một ca sĩ rất được yêu thích trong Thế chiến 2; và khi Philip, “sức mạnh và chỗ dựa” của bà, qua đời vào năm ngoái, bà tiếp tục các nhiệm vụ hoàng gia mà hầu như không hề nghỉ ngơi. Nó khác hoàn toàn với cách “lưu đày nội tâm” sau tấm mạng che mặt màu đen suốt nhiều năm của người tiền nhiệm vĩ đại của bà, Nữ hoàng Victoria. Ngay giữa đại dịch Covid, bà biết người dân cần mình.

 

Để thư giãn, ngay từ đầu, luôn có các cuộc đua ngựa. Niềm vui sướng nhất của Nữ hoàng là khi ngựa của bà chiến thắng. Chú ngựa Horseflesh là tình yêu lớn của bà; trong khi những cuốn sách về ngựa được cho là chiếm phần lớn thời gian đọc của bà, và bà thường xuyên được nhìn thấy cưỡi ngựa một mình dưới mưa tại các lâu đài ở thôn quê, trong trang phục khăn trùm đầu và áo khoác da.

 

Việc nắm quyền lâu như thế, đặc biệt khi bản thân người kế vị bà cũng già đi nhanh chóng, đôi khi trở nên không quá thuyết phục. Nhưng càng ngày nó càng trở thành câu chuyện về cách quản lý khôn ngoan. Trở thành người đứng đầu “Doanh nghiệp” (biệt danh của Hoàng gia) có thể không phù hợp với Charles, đặc biệt với phong cách mơ mộng và phá cách của ông; có lẽ nó sẽ an toàn hơn trong tay người khác. Quan niệm về chế độ quân chủ như một doanh nghiệp gia đình, đánh giá lời lỗ và không ngừng nuôi dưỡng thương hiệu, trước đây là điều không tưởng. Nhưng Nữ hoàng không nghĩ vậy.

 

Đặc biệt trong những năm cuối đời, khuôn mặt Nữ hoàng càng hiện lên lòng quyết tâm phải tiếp tục, đơn giản vì bà đã thề trước Chúa sẽ không bao giờ làm khác. Trước khi đăng quang, bà làm quen với sức nặng của chiếc vương miện bằng cách đội nó vào mỗi bữa sáng; và theo một nghĩa nào đó, bà không bao giờ cởi nó ra nữa. Vào một ngày tháng 6 năm 1953, bà được giao nghĩa vụ thiêng liêng phải giữ cho đất nước, vốn đã trở nên đa dạng, phù phiếm, và bất kính hơn bao giờ hết trong những thập niên sau đó, được thống nhất. Nữ hoàng đã làm chính xác điều đó trong những năm trị vì của mình.