Tàu chiến HMAS Adelaide của Hải quân Úc cập cảng Vuna Wharf ở Nukualofa, Tonga, vào ngày 26/1/2022. (Ảnh: Mary Lyn Fonua/Matangi Tonga/AFP/Getty Images)
QUỐC TẾ - Úc đang xem xét yêu cầu của Hoa Kỳ về việc điều một tàu chiến hải quân đến khu vực Trung Đông trong bối cảnh cuộc xung đột Israel - Hamas diễn ra ở Biển Đỏ (Hồng Hải).
Hôm 13/12, một tàu chở dầu của Na Uy ở Biển Đỏ ngoài khơi Yemen đã bị một tay súng bắn và nhắm mục tiêu bằng hỏa tiễn, sau khi những kẻ khủng bố Houthi ở Yemen cảnh báo các tàu tránh di chuyển về phía Israel.
Kể từ khi Israel tấn công vào Gaza, nhóm khủng bố Houthi do Iran hậu thuẫn đã tìm cách hỗ trợ Hamas bằng cách phóng hỏa tiễn vào và tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các tàu của Israel và hướng tới Israel.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Úc Matt Thistlethwaite cho biết quyết định của Úc về việc điều tàu chiến tới hỗ trợ Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ được thực hiện vì “lợi ích của Úc”.
Ông Thistlethwaite nói vào ngày 12/12: “Chúng tôi chắc chắn có truyền thống tham gia vào các hoạt động của đồng minh, nơi mà chúng tôi tuân thủ luật pháp quốc tế, cố gắng đảm bảo hòa bình và ổn định, đặc biệt liên quan đến hoạt động thương mại đang diễn ra - và đó là điều thực sự đang bị đe dọa”.
“Rõ ràng, hiện tại khu vực này đang có một điểm nóng với cuộc chiến ở Israel và điều đó gây ra một số rủi ro, nhưng chúng tôi đảm bảo rằng chúng tôi đưa ra quyết định dựa trên những lợi ích của nước Úc”.
Thư ký báo chí của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, Chuẩn tướng Không quân Patrick Ryder, cho biết Mỹ đang đánh giá tình hình ở Biển Đỏ là “vô cùng nghiêm trọng”.
Ông Ryder cho biết vào ngày 12/12: “Những hoạt động mà chúng tôi chứng kiến từ các lực lượng Houthi này là [hành vi] gây bất ổn, nguy hiểm và rõ ràng là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”.
“Và vì vậy đây là một vấn đề quốc tế đòi hỏi một giải pháp quốc tế. Chúng tôi tiếp tục tham khảo ý kiến chặt chẽ với các đồng minh và đối tác quốc tế về việc triển khai lực lượng đặc nhiệm hàng hải".
Úc là một trong 39 quốc gia thành viên thuộc lực lượng đặc nhiệm hàng hải quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Thượng nghị sĩ Đảng Tự do Jane Hume cho biết phe đối lập sẽ ủng hộ chính phủ Thủ tướng Albanese nếu họ đồng ý với yêu cầu này.
Bà Hume nói với chương trình Today hôm 14/12 rằng “Úc vẫn sẵn sàng sát cánh cùng các đồng minh của chúng tôi ở Trung Đông và đặc biệt bảo vệ các tuyến đường thương mại đó, vì có khả năng chúng tôi có thể được yêu cầu làm như vậy. Tất nhiên, chúng tôi sẽ ủng hộ việc sát cánh cùng Israel theo bất cứ cách nào họ cần và yêu cầu từ Mỹ”.
'Thông điệp hỗn hợp' của Chính phủ Úc về Hamas
Tuy nhiên, bà Hume đã chỉ trích chính phủ Thủ tướng Albanese về việc ủng hộ đề nghị của Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn ở Gaza mà không lên án Hamas.
Bà Hume nói: “Phải thừa nhận rằng chính phủ Úc đã đưa ra tuyên bố cùng với Canada và New Zealand kêu gọi trao trả con tin - và đó là một điều tốt”.
“Nhưng kiến nghị mà chúng tôi ủng hộ, cùng với các quốc gia như Syria, Nga, Iran, Taliban, không phản ánh tuyên bố mà Úc đã đưa ra trước đó”.
“Tôi nghĩ đó là một sai lầm nghiêm trọng và nó gửi những thông điệp trái chiều tới cộng đồng Do Thái ở Úc".
Vào ngày 13/12, Úc đã thay đổi lập trường về cuộc chiến Israel - Hamas và bỏ phiếu ủng hộ lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Liên Hợp Quốc. Úc cùng với New Zealand và Canada thực hiện lệnh ngừng bắn bền vững khẩn cấp.
Hôm 13/12, Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã đưa ra tuyên bố chung và bày tỏ quan ngại về điều kiện nhân đạo đang ngày càng xấu đi ở Gaza; ông cũng kêu gọi Hamas thả con tin ngay lập tức.
“Chúng tôi công nhận quyền tồn tại và quyền tự vệ của Israel. Để tự vệ, Israel phải tôn trọng luật nhân đạo quốc tế. Dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự phải được bảo vệ. Chúng tôi lo ngại về không gian an toàn ngày càng suy giảm đối với dân thường ở Gaza. Cái giá của việc đánh bại Hamas không thể là nỗi đau khổ liên tục của tất cả người dân Palestine”, Thủ tướng Úc, Canada và New Zealand cho biết trong tuyên bố chung.
Phát ngôn viên đối ngoại của phe đối lập Simon Birmingham cho biết lệnh ngừng bắn bền vững duy nhất là lệnh ngừng bắn mà Hamas thả tất cả con tin và hạ vũ khí.
Ông Birmingham nói với Đài ABC hôm 14/12: “Đề nghị của Liên Hợp Quốc trong việc thông qua nỗ lực kêu gọi ngừng bắn mà không hề đề cập đến Hamas là một đề nghị rất thiếu thỏa đáng”.
Ông nói, nếu Hamas có cơ hội tập hợp lại, điều đó có nghĩa là sẽ có thêm một cuộc tấn công khác, đồng thời, ông nói thêm rằng thường dân thiệt mạng là một thảm kịch chiến tranh.
Đảng viên Đảng Lao động Úc chỉ trích động thái của chính phủ
Nghị sĩ Đảng Lao động Josh Burns đã chỉ trích nghị quyết ngừng bắn của Liên Hợp Quốc mà Úc đã ký kết.
Ông Burns cho biết ông chỉ trích động thái không lên án Hamas này của chính phủ Úc.
Ông Burns cho hay "Bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng phải là kết quả đàm phán của hai bên. Bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng phải là thỏa thuận giữa hai bên. Và trong tuyên bố của mình, Bộ trưởng Ngoại giao và Thủ tướng đã nhắc lại rằng Hamas không thể là một phần của chính quyền Gaza trong tương lai và họ cần phải được giải giáp".
Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc đã lên án động thái ngừng bắn của Liên Hợp Quốc, đồng thời mô tả động thái này là "đạo đức giả" và cuối cùng hỗ trợ mục tiêu của nhóm khủng bố nhằm tiêu diệt Israel.
Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Gilad Erdan nói rằng Hamas cần phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công của họ và nhấn mạnh rằng Israel đã “thực hiện mọi biện pháp” để tạo điều kiện thuận lợi cho viện trợ nhân đạo vào Gaza. Đồng thời, ông nói thêm rằng lệnh ngừng bắn “không liên quan gì đến nhân loại”.
Ông Erdan nói: “Nghị quyết này không những không lên án Hamas về tội ác chống lại loài người, mà còn không hề đề cập đến Hamas. Điều này sẽ chỉ kéo dài tình trạng chết chóc và tàn phá trong khu vực; đó chính xác là ý nghĩa của lệnh ngừng bắn".
(Theo The Epoch Times)
(ntdnv.net, Lam Giang biên dịch)