Việc Bắc Kinh phát hiện ổ dịch Covid-19 mới sau 2 tháng không ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng là lời cảnh báo với các quốc gia khác trong bối cảnh nhiều nơi mở cửa trở lại.

 

Trung Quốc đã nâng cảnh báo khẩn cấp lên mức cao thứ 2, và huỷ hơn 60% các chuyên bay đến Bắc Kinh hôm 17/6, sau khi giới chức phát hiện một ổ dịch mới ở thủ đô với hơn 100 ca nhiễm chưa thể xác định được nguồn gốc.

 

 

 

Nhân viên của hãng hàng không China Eastern hướng dẫn du khách trình giấy chứng nhận không nhiễm Covid-19 tại nhà ga số 2 của Sân bay Quốc tế Bắc Kinh. Ảnh: AP.

 

 

Lo lắng khi nhìn Bắc Kinh

Đây được coi là gáo nước lạnh với quốc gia từng tuyên bố kiểm soát thành công virus vào tháng 3, và là lời cảnh báo cho phần còn lại của thế giới về mức độ lì lợm của loài virus gây chết người.

Tỷ lệ lây nhiễm cũng tăng đột biến ở Ấn Độ, Iran và các bang của Mỹ như Florida, Texas và Arizona trong bối cảnh giới chức phải vật lộn để cân bằng giữa việc khởi động lại hoạt động kinh tế và kiểm soát sự lây lan của đại dịch.

 

Nhiều quốc gia châu Âu mở cửa trở lại trong tuần này với tâm lý dè chừng trong bối cảnh châu Mỹ vẫn đang loay hoay khống chế làn sóng lây nhiễm đầu tiên, trong khi các nước châu Á như Trung Quốc và Nam Hàn phát hiện những ổ dịch mới, gây lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ 2.

 

Tại Trung Quốc, các quan chức đã mô tả tình hình ở Bắc Kinh là "cực kỳ nghiêm trọng".

"Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo cho chúng ta", Bí thư Thành uỷ Bắc Kinh Thái Kỳ phát biểu, trong cuộc họp của uỷ ban thường vụ thành phố.

 

1,255 chuyến bay đến và đi từ 2 sân bay chính của thủ đô đã chính thức bị huỷ bỏ vào sáng ngày 17/6. Sân bay Quốc tế Bắc Kinh là sân bay bận rộn thứ 2 thế giới, nếu tính về năng lực tiếp nhận hành khách.

 

Kể từ khi virus xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái và bắt đầu lan rộng trên toàn thế giới, đã có hơn 8,1 triệu ca nhiễm Covid-19 được xác nhận và ít nhất 443,000 trường hợp tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Các chuyên gia cho rằng con số thực tế còn cao hơn do có nhiều trường hợp tử vong không được xét nghiệm, bên cạnh các yếu tố khác.

 

Mỹ là nước dẫn đầu trong danh sách với số người nhiễm và số ca tử vong nhiều nhất thế giới, với 117.000 cái chết, vượt qua con số thương vong của nước này trong Thế chiến II. Trong khi mùa bão Đại Tây Dương chuẩn bị bắt đầu, nhiều thành viên của cơ quan dự báo bão Mỹ đã nhiễm virus, gây lo ngại về những gì có thể xảy ra trong thời gian tới.

 

Bang Arizona ghi nhận 2.400 ca nhiễm mới mỗi ngày, với tổng số hơn 39.000 người bệnh. Tại Texas, Thống đốc Greg Abbott đảm bảo rằng hệ thống chăm sóc sức khoẻ của bang có thể xử lý số ca bệnh đang tăng nhanh vào thời điểm hiện tại.

 

 

Ngày 16/6 đánh dấu lần thứ 8 trong 9 ngày vừa qua, số ca nhiễm mới trong ngày ở Texas lập kỷ lục.

 

 

Một trạm xét nghiệm lưu động ở bang Florida. Nhiều tiểu bang của Mỹ đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng kỷ lục. Ảnh: New York Times.

 

 

Ông Abbott nói "Đây là vấn đề đáng lo ngại, nhưng không có lý do gì để báo động vào lúc này".

 

Chính quyền Texas cho phép mở cửa hầu hết hoạt động kinh doanh từ ngày 1/5, và ông Abbott đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế.

 

Thống đốc nhận định rằng người dân Texas có thể đã không tuân thủ nghiêm ngặt quy định đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội, và kêu gọi mọi người ở nhà nhiều nhất có thể.

 

"Thất bại không thể chấp nhận" ở New Zealand.

Mỹ và Canada trong khi đó đã thoả thuận tiếp tục đóng cửa biên giới 2 nước đến ngày 21/7, sau khi nhiều người Canada lo ngại về việc virus sẽ đến từ biên giới phía nam.

 

"Đây là quyết định sẽ bảo vệ người dân ở cả 2 bên biên giới trong khi chúng ta tiếp tục chiến đấu với Covid-19", Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu.

 

Khi Mỹ vẫn đang vật lộn với làn sóng thứ nhất, nhiều nước khác từng nghĩ kiểm soát được virus, nay lại phải đối mặt với những diễn biến đáng lo ngại.

 

Tại Hàn Quốc, nhà chức trách báo cáo 43 ca nhiễm mới trong bối cảnh nhiều hoạt động công cộng mở cửa trở lại. 25 ca trong số này đến từ khu vực Seoul, nơi có hàng trăm ca nhiễm được phát hiện liên quan đến câu lạc bộ đêm, buổi họp mặt nhà thờ, nhân viên giao hàng và bán hàng tại nhà. 12 ca nhiễm được phát hiện ở các du khách quốc tế.

 

Cách đây chưa đầy một tuần, người dân New Zealand mở tiệc ăn mừng sau khi chính phủ thông báo nước này không còn virus. Nhưng hôm 16/6, hai công dân nước này trở về từ Anh được xác định nhiễm virus, và tệ hơn là trước đó họ được cho phép rời khỏi khu cách ly trong khi chưa xét nghiệm để gặp người thân hấp hối.

 

Thủ tướng Jacinda Ardern phải dùng tới một lãnh đạo quân sự hàng đầu để giám sát việc kiểm dịch biên giới, sau những gì bà mô tả là "thất bại không thể chấp nhận được bởi giới chức y tế".

 

Hai trường hợp ở New Zealand làm dấy lên quan ngại về việc mở cửa trở lại hoạt động hàng không quốc tế có thể dẫn tới sự gia tăng lây nhiễm, trong bối cảnh nhiều nước quyết định mở cửa các sân bay để thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch đang suy thoái nặng.

 

 

 

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern gọi việc 2 người trở về từ Anh nhiễm virus nhưng vẫn được cho ra ngoài khu cách ly mà không qua xét nghiệm là "không thể chấp nhận". Ảnh: Getty.

 

 

 

Việc nhiều chuyến bay đến và đi Bắc Kinh bị huỷ là một phần trong số các hạn chế mới được áp đặt xung quanh thủ đô. Thành phố từng trải qua 55 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, trước khi phát hiện ổ dịch mới ở khu chợ nông phẩm lớn nhất thủ đô.

 

Hôm 17/6, siêu đô thị 20 triệu dân đã nâng mức cảnh báo từ 3 lên 2, dẫn đến việc đóng cửa trường học, hoãn mở cửa một số hoạt động và yêu cầu người dân tuân thủ chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội.