Mã Lai Á tuyên bố sẽ là bên trung gian hòa giải giữa Thái Lan và Cam Bốt vào hôm 27/7, ngày thứ tư của cuộc giao tranh. Diễn biến này xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm với lãnh đạo hai bên để tìm giải pháp chấm dứt giao tranh.
Tóm tắt:
-Như đã làm trước đó, Thái Lan và Cam Bốt đổ lỗi cho nhau về việc ai tấn công trước vào rạng sáng ngày 27/7, ngày thứ tư của cuộc xung đột.
-Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm với lãnh đạo hai bên để tìm giải pháp chấm dứt giao tranh, Mã Lai Á tuyên bố sẽ là bên trung gian hòa giải cho hai nước.
-Thái Lan cho rằng có thể Cam Bốt đang xử dụng hệ thống pháo phản lực PHL-03 của Trung Quốc và một số võ khí được sản xuất ở nước ngoài khác. Cam Bốt bác bỏ thông tin việc xử dụng PHL-03 ngay sau đó.
29 tháng 7 2025
Cam Bốt: Yên ắng ở một số nơi, quân Thái vẫn tiến vào lãnh thổ
Đền Preah Vihear chụp vào ngày 24/7/2025, ngày đầu tiên của xung đột biên giới Thái Lan – Cam Bốt. Ảnh: Getty Images
Tính đến 21 giờ 50 phút ngày 27/7, phía Cam Bốt cho biết tình hình chiến sự tại khu vực đền Preah Vihear đã tạm lắng, nhưng ở khu vực Mom Tei, binh sĩ Thái Lan "vẫn tiếp tục mở rộng phạm vi tiến vào lãnh thổ Cam Bốt mặc dù họ "không xử dụng bộ binh để tấn công", theo trang Fresh News của Cam Bốt.
Sau khi quân đội Cam Bốt "trả đũa dữ dội" quân đội Thái Lan, vẫn theo Fresh News, tình hình chiến sự ở Preah Vihear, 5 Makara, Veay Entrey và Phnom Trop đã " lắng dịu đôi chút" vào tối 27/7.
Trang tin cũng dẫn lại các báo cáo từ tiền tuyến và cho hay rằng vào tối 27/7, sau khi quân Thái "tấn công và nã pháo vào lãnh thổ Cam Bốt bằng võ khí hạng nặng", quân đội Cam Bốt đã đáp trả để "tự vệ", buộc đối thù "phải ngừng pháo kích, do đó có thể đánh giá rằng căn cứ của chúng chắc chắn đã bị trúng đạn."
Fresh News không nói rõ quân đội Cam Bốt đã đáp trả như thế nào.
Trước đó, vào lúc 21 giờ cùng ngày, Quân đội Hoàng gia Thái Lan cho biết quả pháo BM-21 của quân Cam Bốt đã khiến một người đàn ông Thái Lan 59 tuổi thiệt mạng và một người khác bị thương ở tỉnh Sisaket.
27 tháng 7 2025
Thái Lan: một tình nguyện viên thiệt mạng do pháo BM-21
Ảnh minh họa: một chiếc xe tải trang bị bệ phóng pháo BM-21 do Nga sản xuất tại tỉnh Oddar Meanchey phía bắc Cam Bốt, giáp biên giới Thái Lan, được chụp vào ngày 27/7/2025. Ảnh: Getty Images
Vào khoảng 21 giờ tối 27/7, Quân đội Hoàng gia Thái Lan thông báo một vụ việc xảy ra vào bốn tiếng trước đó, khi một quả pháo BM-21 của Cam Bốt đã tấn công khu vực xã Sao Thong Chai, huyện Kantharalak, tỉnh Sisaket và khiến một người tử vong và một người bị thương.
Họ là:
-Ông Somsri Lappaboon, 59 tuổi, tử vong do mảnh đạn.
-Ông Jai Tharnamthiang, khoảng 48 tuổi, bị thương ở đầu do mảnh đạn.
Quân nhân đã sơ cứu ban đầu và đưa người bị thương đến Bệnh viện Sisaket để điều trị.
Theo Quân đội Hoàng gia Thái Lan, cả hai người đàn ông này đều là tình nguyện viên dân sự giúp "canh gác làng trong thời kỳ bất ổn dọc khu vực biên giới."
Thông báo này đưa tổng số người dân thường thiệt mạng tại Thái Lan lên 14 người.
Phía Cam Bốt chưa đưa ra phản hồi về tuyên bố trên.
Tuy nhiên, vào sáng cùng ngày, Trung tướng Maly Socheata, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Cam Bốt, đã bác bỏ việc Thái Lan cáo buộc Cam Bốt dùng pháo BM-21 để tấn công đền Ta Moan, một trong những khu vực tranh chấp tại biên giới hai nước.
27 tháng 7 2025
Thái Lan kêu gọi người dân bình tĩnh trước thông tin chưa xác định về việc Cam Bốt tấn công bằng pháo
Người dân tại một trung tâm sơ tán ở tỉnh biên giới Sisaket của Thái Lan vào hôm 26/7/2025. Ảnh: Getty Images
Chiều ngày 27/7, Quân đội Hoàng gia Thái Lan đã kêu gọi người dân giữ bình tĩnh sau khi có thông tin lan truyền rằng Cam Bốt có thể khai triển các bệ phóng pháo tầm xa có thể tấn công các mục tiêu trong bán kính 130 km.
Quân đội cho biết chưa xác nhận về vị trí hoặc tình huống khai triển nào như vậy, theo một bài đăng trên trang Facebook chánh thức của Quân đội Hoàng gia Thái Lan.
Phát ngôn viên quân đội, Thiếu tướng Winthai Suvaree, cho biết các báo cáo bắt nguồn từ tin tình báo chưa được xác minh và hiện tại không có dấu hiệu nào về việc Cam Bốt sẽ khai triển hoặc nhắm bắn bằng các bệ phóng pháo PHL-03 do Trung Quốc sản xuất.
Phát biểu của ông được đưa ra nhằm đáp lại các cảnh báo trên mạng xã hội gửi tới cư dân ở một số tỉnh đông bắc, bao gồm Ubon Ratchathani, Surin, Sisaket và Buri Ram, cũng như một số nơi tại Yasothon, Roi Et, Maha Sarakham và Nakhon Ratchasima.
Cũng trong ngày 27/7 trước đó, báo Bangkok Post đã đưa tin rằng Quân đội Thái Lan đã yêu cầu người dân ở các khu vực biên giới cảnh giác cao độ trong bối cảnh lo ngại rằng Cam Bốt có thể phóng hỏa tiễn do Trung Quốc sản xuất, thứ có thể bắn trúng mục tiêu trong phạm vi 130km.
27 tháng 7 2025
‘Mã Lai Á sẽ là bên trung gian hòa giải Thái Lan và Cam Bốt’
Bộ Ngoại giao Mã Lai Á/BBC
Thái Lan và Cam Bốt đã đồng ý để Mã Lai Á đóng vai trò trung gian hòa giải trong xung đột biên giới, Bộ trưởng Ngoại giao Mã Lai Á, Mohamad Hasan, cho biết hôm 27/7.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các bên tham chiến đều cáo buộc bên kia đã tiến hành thêm các cuộc tấn công bằng pháo binh trên khắp các khu vực tranh chấp.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet và Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai dự kiến sẽ đến Mã Lai Á vào tối 28/7, hãng tin Reuters dẫn lại lời của Bộ trưởng Ngoại giao Mohamad Hasan nói với hãng thông tấn nhà nước Mã Lai Á Bernama.
"Họ hoàn toàn tin tưởng Mã Lai Á và đề nghị tôi làm trung gian hòa giải", ông Mohamad nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông đã trao đổi với những người đồng cấp Cam Bốt và Thái Lan và họ nhất trí không có quốc gia nào khác nên can dự vào vấn đề này.
Các cuộc đàm phán tại Mã Lai Á diễn ra sau khi Thủ tướng Mã Lai Á, Anwar Ibrahim, chủ tịch diễn đàn khu vực ASEAN, đề nghị ngừng bắn vào hôm 25/7 và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết một ngày sau đó rằng hai nhà lãnh đạo đã đồng ý hợp tác đề cùng ngừng bắn.
Bốn ngày sau khi cuộc giao tranh tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ nổ ra giữa hai nước láng giềng Đông Nam Á, số người chết đã lên tới hơn 30, bao gồm 13 thường dân ở Thái Lan và tám người ở Cam Bốt.
Các nhà chức trách cho biết hơn 200.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực biên giới giữa hai nước.
27 tháng 7 2025
Quân đội Thái: Cam Bốt phóng bốn quả pháo' không rõ loại gì' sang Thái Lan
Ảnh minh họa: Lính Cam Bốt chuẩn bị đạn dược tại tỉnh Preah Vihear vào ngày 24/7/2025, ngày đầu tiên của xung đột biên giới Thái Lan – Cam Bốt. Ảnh: Getty Images
Trung tâm Tác chiến Quân khu 2 phía Thái Lan vừa cho biết, tính đến 6 giờ 30 phút sáng hôm 27/7, phía Cam Bốt đã bắn bốn quả pháo (rocket) "không rõ loại gì" từ phi trường Krung Samrong, có thể hiểu là nơi người Cam Bốt gọi là phi trường Samraong ở tỉnh Oddar Meanchey.
Việc này đã gây thiệt hại cho hai ngôi nhà và năm con vật nuôi của người dân Thái, vẫn phía Thái Lan.
Các khu vực mà Cam Bốt vẫn đang cố gắng "xâm nhập" bao gồm Chong Ta Thao, phía trước Preah Vihear và Phu Makuea, Chong Chom, Prasat Ta Khwai và Prasat Ta Muean.
"Việc xâm lược này có thể gây ảnh hưởng đến người dân dọc biên giới do việc bắn võ khí không theo quy tắc và không tuân thủ quy tắc giao chiến của phía Cam Bốt," Trung tâm Tác chiến Quân khu 2 nói thêm.
27 tháng 7 2025
Bộ Quốc phòng Cam Bốt phản hồi cáo buộc từ Thái Lan
Bộ Quốc phòng Cam Bốt - Trung tướng Maly Socheata
Trung tướng Maly Socheata, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Cam Bốt, đã tái khẳng định rằng cho đến thời điểm hiện tại, quân đội Cam Bốt chưa có bất kỳ lý do cần thiết nào để xử dụng võ khí hạng nặng - pháo phản lực tầm xa PHL-03.
Bà cho rằng thông tin đến từ phát ngôn viên Lục quân Thái Lan này là "bịa đặt, sai sự thật, nhằm gây hoang mang và bôi nhọ Cam Bốt."
Trang Fresh News dẫn lời bà Maly Socheata: "Việc phổ biến thông tin này là hành động đầu độc thông tin đối với chính người dân nước họ và cộng đồng quốc tế. Cho đến nay, Cam Bốt hoàn toàn chưa thấy bất kỳ sự cần thiết nào để xử dụng loại võ khí PHL-03".
PHL-03, do Trung Quốc sản xuất được đánh giá là một trong những dàn phóng rocket – hay còn gọi là pháo phản lực - mạnh nhất hiện nay.
27 tháng 7 2025
Đảng Pheu Thai: Đụng độ biên giới không phải do xích mích giữa Hun Sen và Shinawatra
Ông Thaksin Shinawatra (trái) và ông Hun Sen gặp nhau tại Phnom Penh vào tháng 9/2011. Ảnh: Getty Images
Ông Danuporn Punnakanta, phát ngôn viên của Đảng Pheu Thai, cho biết nguyên nhân của các cuộc đụng độ biên giới là do ch1nh phủ Thái Lan tăng cường trấn áp các băng nhóm lừa đảo công nghệ ở Cam Bốt, chứ không phải do xích mích giữa hai gia tộc, theo trang Facebook chánh thức của Pheu Thai chiều ngày 27/7.
Ông Danuporn nói: “Đây không phải là xung đột giữa các cá nhân hay các gia tộc chánh trị như gia đình Shinawatra và Hun Sen. Đó là về hậu quả từ việc trấn áp tội phạm mạng. Các nhân vật chủ chốt ở Cam Bốt đang bị ảnh hưởng, và có ngày càng nhiều bằng chứng để chứng minh điều này.”
Ông đã trích dẫn lệnh bắt giữ ông Kok An của Thái Lan, một người Cam Bốt đang bị Thái Lan điều tra vì bị cho là có dính líu tới các mạng lưới lừa đảo ở Poipet, Cam Bốt.
Ông Kok An được cho là có mối quan hệ gần gũi với Chủ tịch Thượng viện Cam Bốt Hun Sen.
Nói về nhân vật này, hôm 9/7, ông Hun Sen viết trên Facebook cá nhân: "Nếu việc điều tra và trấn áp Kok An là vì ông ta thân thiết với tôi, thì tòa án Thái Lan cũng nên mở cuộc điều tra đối với ông Thaksin," ông viết.
"Ai cũng biết Thaksin cực kỳ thân với tôi - thân đến mức ông ấy còn có sẵn một phòng riêng tại nhà tôi."
Mối quan hệ của hai gia tộc bước sang một giai đoạn căng thẳng khi việc ông Hun Sen rò rỉ cuộc điện đàm giữa ông và Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra khiến bà bị đình chỉ chức vụ.
Sự kiện này khiến cho cha của bà - cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, lên tiếng cắt đứt mối quan hệ anh em với ông Hun Sen đã kéo dài cả thập kỷ trước đó.
Bà Paetongtarn Shinawatra là ứng cử viên duy nhất của đảng Pheu Thai và thắng cử vào năm 2024. Cha của bà, ông Thaksin, là người thành lập đảng này.
(Theo BBC)