Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫy tay chào trước khi lên chiếc Không lực Một, khởi hành từ Sân bay Zurich ở Zurich vào ngày 26 tháng 1 năm 2018, sau khi tham dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos. (Ảnh của Nicholas Kamm / AFP / Getty Images)

 

 

 

 

Mục tiêu của những người theo chủ nghĩa toàn cầu - cái gọi là hòa bình và thịnh vượng cho tất cả nhân loại - cần phải được thay thế tốt hơn bởi phiên bản "chủ nghĩa dân tộc" của Tổng thống Trump. Những gì những người theo chủ nghĩa toàn cầu đưa ra thực chất là một chế độ chuyên chế, giả dạng như sự khai sáng. (Edward Ring)

 

 

 

Với những đọc giả chưa từng đặt câu hỏi về mặt trái của toàn cầu hóa, thì có thể tiêu đề "bóng ma đằng sau chủ nghĩa toàn cầu hóa" ở trên sẽ khiến bạn khó chấp nhận. Tại sao "hệ tư tưởng toàn cầu hóa" vốn tốt đẹp, nhân văn như vậy - lại có thể trở thành một thế lực chính trị? Tại sao toàn cầu hóa lại có thể trở thành bóng ma ám ảnh tương lai của nhân loại? 

 

 

NTDVN hy vọng có thể cung cấp thêm cho đọc giả một góc nhìn khác, một phân tích khác, cũng để liễu giải tại sao mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung ngày càng sâu sắc và bất ổn đến thế, và tại sao Tổng thống Trump lại bị phản ứng dữ dội đến thế... 

 

 

Chúng ta đang sống trong một thời đại nơi thế giới dường như không còn ranh giới quốc gia, nơi văn hóa giao thoa, nơi dòng vốn, công nghệ, lao động và tài nguyên chuyển dịch tự do... và dường như đó là thành quả của toàn cầu hóa.

 

 

Không nghi ngờ gì nữa, giữa hàng ngàn thông tin tốt đẹp về lợi ích và xu thế tất yếu của toàn cầu hóa, khi dòng tiền của các ông lớn đổ vào thúc đẩy tiến trình này, với tuyên bố là để "khai sáng" cho thế giới, thì bất kỳ một tiếng nói phản đối nào cũng rơi vào hư vô. 

 

 

Nhưng những lời phản đối "toàn cầu hóa" không vì thế mà ít đi, vì kết quả, số liệu và tham vọng của hệ tư tưởng toàn cầu hóa, của các thế lực thúc đẩy toàn cầu hóa, của những kẻ đang lợi dụng toàn cầu hóa để thâu tóm quyền lực từ thế giới này đã và đang hiện hữu ngày một rõ ràng hơn bao giờ hết.

 

 

Là những công dân sống trong thời đại "toàn cầu hóa", chúng ta nên biết rốt ráo toàn cầu hóa đang dẫn dắt tương lai của chúng ta về đâu, “hình thái thế tục” của chủ nghĩa toàn cầu hóa hay hệ tư tưởng toàn cầu hóa mà tác giả Edward Ring sử dụng là gì; trước khi hiểu tại sao Tổng thống Trump không được lòng chính giới và báo chí thiên tả trong lòng nước Mỹ. 

 

 

Tổng thống Trump bị phản đối vì quay lưng lại với hệ tư tưởng toàn cầu hóa

Theo Edward Ring, có một lý do mà những nhóm lợi ích “đặc biệt mạnh mẽ” ở Hoa Kỳ đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để đánh bại Tổng thống Donald Trump, và điều đó không liên quan gì đến việc các phương tiện truyền thông miêu tả ông là một kẻ phân biệt chủng tộc. Nó cũng không liên quan gì đến tính cách bị cho là thẳng thắn quá mức của ông.

 

 

 

Tổng thống Trump đã nhận ra âm mưu của "toàn cầu hóa" từ trước khi ông ra tranh cử tổng thống. (Ảnh: NICHOLAS KAMM / AFP qua Getty)

 

 

 

 

Tác giả này cũng giả định rằng nếu tổng thống tuân theo chủ nghĩa toàn cầu và sẵn sàng đặt công dân Hoa Kỳ vào tình trạng cách ly hoàn toàn, cho phép hàng triệu người tị nạn kinh tế tràn qua biên giới, chuyển nhiều việc làm hơn đến châu Á, và sau đó "bần cùng hóa" bất cứ thứ gì còn lại của vùng trung Mỹ với lý do là "chống lại biến đổi khí hậu", thì ông hẳn sẽ không gặp mấy khó khăn để tiến tới cuộc tranh cử này.

 

 

Nói cách khác, nếu Trump là một người theo chủ nghĩa toàn cầu, thay vì một người theo chủ nghĩa dân tộc, Hoa Kỳ sẽ không có những "chiến binh" [Antifa và Black Live Matters] được “tài trợ tận răng”, thản nhiên phá hủy các thành phố mà không có báo chí dòng chính nào đưa tin. Và tiền từ những Gã khổng lồ công nghệ và các tỷ phú Phố Wall có lẽ sẽ đổ vào chiến dịch của ông Trump, thay vì ủng hộ đối thủ của ông.

 

 

Vào tháng 1 năm 2018, trong một bài phát biểu rõ ràng nổi bật, Trump đã mô tả tầm nhìn của ông về chủ nghĩa dân tộc Mỹ. Phát biểu trước các nguyên thủ quốc gia và giới kinh doanh ưu tú tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sĩ, bài phát biểu của ông Trump giống như một lời tuyên chiến với những người theo chủ nghĩa toàn cầu. Khi đó Ông đã nói:

 

“Hoa Kỳ sẽ không còn nhắm mắt làm ngơ trước các hành vi kinh tế không công bằng, bao gồm hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ lớn, trợ cấp công nghiệp và quy hoạch kinh tế phổ biến do nhà nước lãnh đạo. Những hành vi này và các hành vi săn mồi khác đang bóp méo thị trường toàn cầu và gây hại cho các doanh nghiệp và người lao động, không chỉ ở Hoa Kỳ mà trên toàn cầu. Cũng giống như chúng tôi mong muốn các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác bảo vệ lợi ích của đất nước họ, với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ, tôi sẽ luôn bảo vệ lợi ích của đất nước, công ty và công dân của chúng tôi”.

 

 

Những lời này tạo thành mối đe dọa đối với hệ tư tưởng toàn cầu, không phải vì phiên bản chủ nghĩa dân tộc của ông Trump đặc biệt độc hại, mà bởi vì ông đã phơi bày bản thân "tầm nhìn toàn cầu" là sai lầm và nguy hiểm.

 

 

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu tại trung tâm Congres trong cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, vào ngày 21 tháng 1 năm 2020. (Ảnh của Fabrice COFFRINI / AFP / Getty Images)

 

 

 

 

Những gì mà những người theo chủ nghĩa toàn cầu muốn vốn dĩ sẽ không mang lại hòa bình hoặc thịnh vượng cho thế giới. Tuy nhiên, các tỷ phú theo chủ nghĩa toàn cầu và các tập đoàn toàn cầu muốn những gì có thể khiến họ trở nên giàu có và quyền lực hơn bao giờ hết.

 

 

Hình thái thế tục của toàn cầu hóa: Xây dựng thiên đường toàn cầu? 

Khác với những người thiết kế, thúc đẩy toàn cầu hóa, chúng ta (gồm cả người dân và chính phủ các nước đang phát triển) hầu hết là những kẻ hưởng thụ, cảm nhận thụ động về "chủ nghĩa toàn cầu hóa" mà thôi.

 

 

Và hiển nhiên, khi mở toang cửa của nền kinh tế, khi dòng vốn, công nghệ và tri thức nhờ toàn cầu hóa mà chảy vào một nước nghèo, các công nhân nước đó lại còn có thể di chuyển tới các nước phát triển để học tập và làm việc... Chúng ta đang chỉ nhìn thấy lợi ích của toàn cầu hóa mà thôi. 

 

 

Toàn cầu hóa, còn gọi là “chủ nghĩa toàn cầu” (globalism), phát triển nhiều thập kỷ gần đây chủ yếu trên ba phương diện là kinh tế, chính trị, văn hóa. Ba phương diện này của toàn cầu hóa đã hợp thành một hình thái ý thức thế tục của chủ nghĩa toàn cầu. Loại hình thái ý thức này biểu hiện ra các diện mạo khác nhau ở các trường hợp khác nhau, có lúc thậm chí còn bao hàm những diễn giải hoàn toàn trái ngược, nhưng trong thực tiễn, lại biểu hiện ra đặc trưng rất giống với chủ nghĩa cộng sản. 

 

 

Chủ nghĩa toàn cầu hóa lấy thuyết vô Thần và chủ nghĩa duy vật làm cơ sở, hứa hẹn mang đến cho con người một xã hội không tưởng tốt đẹp, một thiên đường trên mặt đất phồn vinh, bình đẳng, không có bóc lột, áp bức và kỳ thị — một nơi được coi sóc bởi một chính phủ toàn cầu nhân từ.

 

 

Có hay không một thiên đường như vậy? 

Chúng ta khó có thể quên rằng “thử nghiệm thiên đường” trên quy mô quốc gia chưa từng thành công ở bất cứ nơi nào trên thế giới, trong bất cứ thời điểm lịch sử nào. Nhưng những mục tiêu tốt đẹp được truyền đi bởi chủ nghĩa toàn cầu hóa quả thật rất hấp dẫn, và khó ai có thể nhận ra rằng chúng mang đến những bất ổn cho thế nhân trong dài hạn. 

 

 

Loại hình thái ý thức như vậy tất sẽ bài xích văn hóa truyền thống của mọi dân tộc vốn dựa trên sự tín Thần, trọng đức. Những năm gần đây, ngày càng có thể thấy rõ loại hình thái ý thức này dựa vào “phải đạo chính trị” (political correctness), “công bằng xã hội” (social justice), “thái độ trung lập đối với các giá trị” (value neutrality), và “chủ nghĩa bình quân tuyệt đối” (absolute egalitarianism) của cánh tả. Đây chính là toàn cầu hóa về hình thái ý thức.

 

 

 

 

Họ biết tất cả các tội ác của ĐCSTQ nhưng khi gặp Tập Cận Bình thì họ nhìn thấy đó là một anh hùng. ĐCSTQ luôn đi đầu trong chiến dịch "toàn cầu hóa về hình thái ý thức" theo hệ tư tưởng của ĐCSTQ (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp từ Getty images)

 

 

 

Mỗi quốc gia có nền văn hóa riêng, nhưng theo truyền thống thì đều được đặt định dựa trên các giá trị phổ quát. Chủ quyền quốc gia và truyền thống văn hóa của các dân tộc giữ vai trò trọng yếu đối với di sản và quyền tự quyết của dân tộc, bảo vệ các dân tộc khỏi bị các thế lực lớn bên ngoài thâm nhập.

 

 

Nhưng một khi chính phủ siêu cấp toàn cầu được hình thành, chủ nghĩa toàn cầu sẽ tiêu diệt quyền tư hữu, tiêu diệt quốc gia, sắc tộc, văn hóa truyền thống, tín ngưỡng của mỗi dân tộc dễ như trở bàn tay. Và hãy nhìn xem, chúng ta đã có sẵn một chính phủ toàn cầu gồm: nền luật pháp toàn cầu, chính phủ toàn cầu (UN), Ngân hàng trung ương toàn cầu (WB), Bộ tài chính toàn cầu (IMF), cảnh sát toàn cầu (Interpol)... 

 

 

Mỹ quả thực đã thất bại bởi chủ nghĩa toàn cầu và đó là lý do Tổng thống Trump quay lưng với nó 

 

Năm 2016, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã phát hành một video ngắn có tên “8 dự đoán cho thế giới vào năm 2030”, đây vẫn là một bản tóm tắt chính xác về tầm nhìn toàn cầu hóa cho tương lai. Đây là điểm mấu chốt:

  • Bạn sẽ không sở hữu gì. Và bạn sẽ hạnh phúc. Mọi thứ bạn muốn, bạn sẽ thuê, và nó sẽ được giao bằng máy bay không người lái.
  • Hoa Kỳ sẽ không phải là siêu cường hàng đầu thế giới. Thay vào đó, một số ít quốc gia sẽ thống trị.
  • Bạn sẽ không chết khi chờ một người hiến tạng. Chúng tôi sẽ không cấy ghép nội tạng. Chúng tôi sẽ in (3d) ra những bộ phận mới thay thế.
  • Bạn sẽ ăn ít thịt hơn. Thịt là một món ăn xa xỉ không thường xuyên, không phải là một món thiết yếu. Là vì lợi ích của môi trường và sức khỏe của chúng ta.
  • Một tỷ người sẽ phải di dời do biến đổi khí hậu. Chúng ta sẽ phải làm tốt hơn nữa trong việc chào đón và hòa nhập với người tị nạn.
  • Người gây ô nhiễm sẽ phải trả tiền để thải ra khí cacbon. Sẽ có một mức giá toàn cầu về carbon. Điều này sẽ giúp chấm dứt nhiên liệu hóa thạch (dầu lửa).
  • Bạn có thể chuẩn bị lên sao Hỏa. Các nhà khoa học sẽ tìm ra cách giúp bạn khỏe mạnh trong không gian.
  • Các giá trị phương Tây sẽ bị thách thức đến mức sụp đổ. Không được quên nguyên tắc kiểm soát và cân bằng làm nền tảng cho nền dân chủ của chúng ta.

 

 

Bản chất của danh sách này, hay chương trình nghị sự, có thể được chắt lọc thành những điều sau: Tài sản tư nhân sẽ bị bãi bỏ (theo khát vọng của chủ nghĩa Karl Marx), Hoa Kỳ sẽ mất chủ quyền, lương thực sẽ bị phân chia, hàng triệu người tị nạn được nhà nước hỗ trợ sẽ đến và phân tán vào từng thành phố và thị trấn Mỹ, năng lượng sẽ bị phân chia, các giá trị và thể chế truyền thống của Mỹ sẽ bị xóa sổ.

 

 

Và trên thực tế, cho tới khi Tổng thống Trump bước vào tòa Bạch Ốc, toàn cầu hóa đã khiến Mỹ phải trả theo đúng lịch trình nêu tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016: 

  • Mỹ đứng trước nguy cơ mất chủ quyền khi nền sản xuất trống rỗng và hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc; 
  • Mỹ mất đi tiếng nói, vị thế trong Liên hợp quốc và các tổ chức chức năng của Liên hợp quốc, Trung Quốc thao túng hầu hết; 
  • Mỹ bất lực trước tổ chức khủng bố tại Trung Đông, để mặc Trung Quốc quân sự hóa Biển đông ở Châu Á; 
  • Người Mỹ mất việc làm và phụ thuộc vào phúc lợi cao; 
  • Phúc lợi cao của nước Mỹ phụ thuộc vào thuế thu cao hơn và đẩy cả nước Mỹ trở nên nghèo đi, suy yếu hơn; 
  • Hơn 20 triệu người nhập cư trái phép vào Mỹ, một số trong đó là tội phạm;
  • Đặc biệt, các giá trị làm nên sự hưng thịnh của Mỹ bị xói mòn, khái niệm bình đẳng về cơ hội bị bóp méo thành cào bằng.

 

 

Mỹ chưa bao giờ đứng trước nhiều nguy cơ đến thế. 

 

 

 

Lối thoát nào cho nhân loại bước ra khỏi cuộc chiến tranh phi bạo lực mang tên Toàn cầu hoá mà ĐCSTQ sắp thành công? (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

 

 

 

 

Đương nhiên, đây là một tầm nhìn sâu sắc về tương lai. Nếu tương lai thật sự đi theo con đường đó, đó không phải là thiên đường nơi con người có thể sống. Edward phân tích rằng, tầm nhìn này thất bại trên mọi cấp độ thực tế, nhưng được tiếp thị không ngừng bởi tất cả các tổ chức tương tự tấn công Tổng thống Trump. 

 

 

‘Bạn sẽ không sở hữu gì cả. Và bạn sẽ hạnh phúc'?

Về bề ngoài, toàn cầu hóa có một sức hấp dẫn đạo đức mạnh mẽ. Hãy xem xét những lời bài hát theo chủ nghĩa toàn cầu của John Lennon: “Hãy tưởng tượng không có quốc gia nào, việc đó không khó để làm, không có gì để giết hoặc chết, và cũng không có tôn giáo”. 

 

 

Điều này nghe có vẻ tuyệt vời, cho đến khi bạn đối mặt với thực tế là một số quốc gia hùng mạnh khác cố tình phá hoại nền văn hóa hoặc nền kinh tế của họ. Điều này có nghĩa là “người tị nạn do biến đổi khí hậu” sẽ không đổ vào Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, hay bất kỳ quốc gia độc lập và hùng mạnh nào khác.

 

 

Điều đó có nghĩa là các quốc gia đó sẽ tiếp tục tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch rẻ và dồi dào, cho phép họ phân bổ tỷ lệ phần trăm GDP cao hơn cho các khoản đầu tư hiệu quả hơn bao gồm nghiên cứu, phát triển công nghiệp, nâng cấp cơ sở hạ tầng và chi tiêu quân sự.

 

 

Việc cố tình cản trở nền kinh tế Mỹ, đơn phương, nhân danh chống lại “biến đổi khí hậu” sẽ làm tăng giá của mọi thứ có thể tưởng tượng - năng lượng, nước, thực phẩm, nhà ở, giao thông vận tải và mọi sản phẩm và dịch vụ đòi hỏi những nhiên liệu cơ bản đó để có thể sản xuất. 

 

 

Đồng thời, việc thêm hàng chục triệu “người tị nạn khí hậu” vào dân số Hoa Kỳ mà không quan tâm đến việc họ có đi kèm với các kỹ năng sản xuất hay không sẽ tạo thêm gánh nặng cho một nền kinh tế vốn đã khó khăn.

 

 

Thậm chí tệ hơn, chương trình nghị sự này bao hàm một hệ tư tưởng thống trị mới, vốn đã được thiết lập tốt, tấn công các giá trị cốt lõi vốn đã làm cho nước Mỹ vĩ đại. Nó biện minh cho sự phục tùng của người Mỹ đối với việc phân chia khẩu phần và nhập cư ồ ạt thông qua tuyên bố cơ bản rằng “chủ nghĩa tư bản đế quốc Mỹ là nguyên nhân gây ra cả cuộc khủng hoảng khí hậu” và sự khốn khổ về kinh tế ở các quốc gia khác. 

 

 

Nó tiếp tục bác bỏ tiền đề cơ bản nhất của chủ nghĩa tư bản, đó là quyền sở hữu cá nhân đối với tài sản, và hướng nhân loại theo loại "tà thuyết": “Bạn sẽ không sở hữu gì cả. Và bạn sẽ hạnh phúc”

 

 

Nhưng cũng giống như việc phó mặc số phận của thế giới cho các quốc gia đang trỗi dậy như Trung Quốc — một quốc gia áp bức nhân quyền, bất khả xâm phạm với tham vọng nô dịch thế giới. Rõ ràng là, từ bỏ các giá trị tư bản cho một xã hội mà “bạn sẽ không sở hữu gì” cũng là một công thức dẫn đến khốn khổ. 

 

 

Làm mất đi khả năng sở hữu tài sản của cá nhân chính là làm mất đi động lực để mọi người làm việc chăm chỉ và phấn đấu để cải thiện điều kiện cho bản thân và gia đình. 

 

 

Sự thất bại của các nền kinh tế áp dụng mô hình "tước đoạt sở hữu tư nhân" (theo chủ nghĩa xã hội) cho thấy việc xóa bỏ chế độ tư hữu không chỉ mang lại nghèo túng, đói khát, bất công bằng xã hội mà nguy hại hơn, nó dẫn tới chế độ chuyên chế giết người và tàn phá kinh tế. Hầu hết các quốc gia đi theo mô hình này đều đã sụp đổ, các chính quyền này đều đã bị xét xử hoặc bị tòa án quốc tế kết luận về tội ác chống lại loài người. 

 

 

Chất lượng cuộc sống tốt hơn: Không cần "chủ nghĩa toàn cầu" với thiên đường hoang tưởng

Cho đến nay, giới tinh hoa có ảnh hưởng của Mỹ, từ những Gã khổng lồ công nghệ và Truyền thông đến một số lượng đáng kể trong giới học thuật và cộng đồng doanh nghiệp, đã không thể chấp nhận tầm nhìn thay thế mà Tổng thống Trump đại diện. Đây là một sự thất bại trong trí tưởng tượng cũng như bằng chứng về sự tham nhũng. Bởi vì “có một tương lai khác thay thế” mà không dẫn đến sự suy giảm của Mỹ.

 

 

Sự thay thế này - thay vì làm hoang tàn cảnh quan với hàng triệu tuabin gió - chúng ta sẽ có nhiên liệu hóa thạch sạch; trong khi năng lượng thủy điện và năng lượng hạt nhân được bãi bỏ quy định và được phép tạo ra năng lượng dồi dào, giá rẻ ở Mỹ và ở xung quanh thế giới. 

 

 

 

Nếu các nước phát huy mạnh mẽ quyền tự chủ, văn hoá bản sắc của mỗi dân tộc thì nhân loại sẽ đón nhận một tương lai hạnh phúc, phồn vinh lâu dài. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp từ Shutterstock)

 

 

 

Điều này sẽ gây ra sự gia tăng nhanh chóng về mức sống và chất lượng cuộc sống ở các quốc gia đang phát triển, dẫn đến tỷ lệ biết chữ và tỷ lệ sinh thấp hơn. Ở Châu Phi, Ấn Độ và các nơi khác, phát triển kinh tế cũng thúc đẩy dân di cư tự nguyện vào các trung tâm đô thị, loại bỏ áp lực lên hệ sinh thái và động vật hoang dã.

 

 

Kịch bản này - nơi các quốc gia có chủ quyền được khuyến khích phát triển năng lượng thông thường và đầu tư cơ sở hạ tầng lớn - đã hoàn toàn bị trật đường bởi nỗi ám ảnh của phương Tây về việc chống biến đổi khí hậu. 

 

 

Kết quả là môi trường bị tàn phá do con người đổ vào các vùng hoang dã được bảo vệ để tìm kiếm củi và thịt thú rừng. Và đó là một sự thật lạnh lùng, tàn khốc. 

 

 

Các chính sách của Tổng thống Trump đã khuyến khích phát triển công nghiệp, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, và cả trên toàn thế giới. 

 

 

Trong khi chương trình nghị sự của những người theo chủ nghĩa toàn cầu thì kêu gọi việc phát triển “được kiểm soát chặt chẽ”, di cư ồ ạt và phân phối lại, theo đường lối xã hội chủ nghĩa, tất cả đều dưới sự quản lý "nhân từ" của các tập đoàn đa quốc gia và ngân hàng quốc tế.

 

 

Nhưng ngay cả khi ý định của họ là “hoàn toàn vô tội”, kế hoạch của họ, nếu có thể thành hiện thực, sẽ gây ra thảm họa.

 

 

Những gì những người theo chủ nghĩa toàn cầu đưa ra là chế độ chuyên chế, giả dạng như sự khai sáng. Ông Edward cho rằng hệ tư tưởng toàn cầu hóa với mục tiêu bề ngoài của nó là hòa bình và thịnh vượng cho toàn nhân loại, cần được thay thế tốt hơn bởi phiên bản chủ nghĩa dân tộc của Tổng thống Trump. 

 

 

Những gì ông Trump hình dung - cạnh tranh hòa bình giữa các quốc gia, tất cả đều hướng tới lợi ích quốc gia của riêng mình - mang đến cho nhân loại một con đường tương lai có thể thành hiện thực, mà không bị tổn thương, đặc biệt nếu nước Mỹ vẫn đoàn kết và thịnh vượng, và có thể thực hiện vai trò lãnh đạo. 

 

 

Tác giả: Edward Ring là thành viên cấp cao của Trung tâm "Vì sự vĩ đại của Mỹ" và là người đồng sáng lập vào năm 2013 của Trung tâm chính sách California.

 

 

Đức Duy - Trà Nguyễn

Mời các bạn đón đọc phần tiếp theo của Chuyên đề : ‘Hệ tư tưởng toàn cầu hóa’ và mối liên hệ mật thiết với chủ nghĩa xã hội (Phần 2)"

(NTDVN.COM)