Tổ chức World Press Photo (WPP - Giải Ảnh Báo chí Thế giới) mới đây đã thông báo tạm ngừng ghi tên tác giả một trong những bức ảnh thời chiến mang tính biểu tượng nhất của thế kỷ 20, Em bé Napalm.

 

WPP nêu lý do của quyết định này là do "mức độ nghi ngờ quá lớn", nhưng cũng "thiếu bằng chứng thuyết phục và xác thực để xác nhận một nhiếp ảnh gia khác là tác giả."

 

Việc ngưng ghi tên tác giả ảnh sẽ được duy trì cho đến khi có thêm bằng chứng xác thực, có thể xác nhận hoặc bác bỏ quyền tác giả ban đầu một cách rõ ràng.

 

WPP cũng khẳng định rằng giải thưởng dành cho bức ảnh vẫn được giữ nguyên, chỉ có tác quyền là đang được xem xét lại.

 

Em bé Napalm từng giành giải Ảnh Báo chí Thế giới năm 1973 và giải Pulitzer, trong suốt 50 năm qua được cho là do phóng viên Nick Út (Huỳnh Công Út) của hãng tin AP chụp.

 

Quyết định của WPP được đưa ra sau các tranh cãi gần đây về tác giả bức ảnh, mà khởi nguồn là từ phim tài liệu The Stringer (Phóng viên tự do) của đạo diễn người Mỹ gốc Việt Bảo Nguyễn.

 

Bộ phim được công chiếu tại Liên hoan phim Sundance ở Park City, Utah, Mỹ, hôm 25/1 đã đưa ra kết luận chấn động rằng một nhiếp ảnh gia tự do người Việt Nam ít được biết đến, ông Nguyễn Thành Nghệ, chính là tác giả của bức ảnh.

 

The Stringer dựa trên cuộc điều tra kéo dài hai năm do cựu nhiếp ảnh gia chiến tranh Gary Knight chỉ đạo, phỏng vấn 55 nhân chứng.

 

Ngoài nhân vật trung tâm là ông Trần Thành Nghệ, hai nhân chứng chính khác có thể kể đến là ông Carl Robinson và ông Trần Văn Thân, anh rể ông Nghệ.

 

Các nhà làm phim còn thuê cả INDEX, một nhóm giám định của Pháp, để giúp xác định khả năng ông Nick Út có ở vị trí để chụp được bức ảnh này hay không.

 

Nhóm giám định kết luận rằng khả năng ông Nick Út đã chụp bức ảnh này là rất thấp.

 

Trong phim The Stringer, ông Nguyễn Thành Nghệ, 87 tuổi, hiện sống tại California, Mỹ, đã tuyên bố mình là tác giả của bức ảnh, nhưng không nói lý do tại sao sau hàng chục năm ông mới công bố việc này.

 

Ông Carl Robinson - cựu biên tập viên ảnh của AP - là người đầu tiên tuyên bố Nick Út không phải là người chụp bức ảnh.

 

Ông Gary Knight là người chỉ đạo cuộc điều tra về tác giả bức ảnh trong phim The Stringer.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Phúc, nhân vật chính trong bức ảnh Em bé Napalm, và nhiếp ảnh gia Nick Út. Ảnh: Getty Images

 

 

 

Hãng AP - nơi ông Nick Út từng làm việc - cũng tiến hành hai cuộc điều tra độc lập vòng chưa đầy bốn tháng về người thực sự đã chụp bức ảnh đoạt giải Pulitzer này.

 

Cuộc điều tra lần thứ nhất kéo dài sáu tháng, được tiến hành trước khi phim The Stringer công chiếu nên thiếu các tài liệu mà đoàn phim sử dụng, đồng thời chưa phỏng vấn được ông Nguyễn Thành Nghệ.

 

Cuộc điều tra thứ hai thực hiện sau khi phim được công chiếu, phỏng vấn sâu hơn, với các nghiên cứu về máy ảnh, xây dựng mô hình 3D hiện trường và nghiên cứu các bản phim âm bản còn sót lại từ ngày 8/6/1972, ngày bức ảnh được chụp. Đặc biệt, AP đã phỏng vấn được ông Nguyễn Thành Nghệ.

 

Kết quả điều tra lần thứ hai, AP cho hay có sự không nhất quán ở cả hai phía.

 

Thứ nhất, bức ảnh Em bé Napalm dường như được chụp bằng máy ảnh Pentax, chứ không phải máy ảnh Leica như ông Nick Út tuyên bố từ lâu.

 

Thứ hai, ông Nguyễn Thành Nghệ nói với AP rằng ông không làm việc cho NBC News vào ngày bức ảnh được chụp, trái với điều ông nói trước đó.

 

Trong số 10 người có mặt tại hiện trường vào ngày 8/6/1972 mà AP tiếp cận để phỏng vấn, ông Nghệ là người duy nhất tin rằng ông Nick Út không chụp bức ảnh.

 

Báo cáo điều tra của AP cũng cho rằng để tin vào câu chuyện của ông Nghệ đòi hỏi phải có "một niềm tin lớn", kể cả chuyện tin rằng lần duy nhất ông bán được một bức ảnh cho một hãng tin phương Tây lại tình cờ là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất thế kỷ.

 

Do đó, AP tuyên bố "không có bằng chứng xác đáng" để thay đổi thông tin về tác giả bức ảnh, dù vẫn "để ngỏ khả năng rằng Nick Út không chụp bức ảnh này."

 

Trong khi đó, đại diện của WPP, Giám đốc điều hành Joumana El Zein Khoury, cho biết, sau khi phim được công chiếu, tổ chức này cũng tiến hành phân tích điều tra của riêng mình về tác giả bức ảnh Em bé Napalm.

Bà Joumana El Zein Khoury viết trên website của tổ chức:

"Phân tích của chúng tôi bao gồm đánh giá kỹ lưỡng cả những phát hiện của phim tài liệu và cuộc điều tra nội bộ chuyên sâu của AP.

"Điều quan trọng là chúng tôi đã tiến hành đánh giá của mình một cách đồng thuận, minh bạch và với mục đích hiểu biết chứ không phải cáo buộc.

"Chúng tôi cũng đã chọn không tiết lộ kết luận của mình cho đến khi AP công khai chia sẻ kết quả điều tra của họ, để đảm bảo một quá trình công bằng và tôn trọng."

WPP nói rằng họ "không đóng vai trò là thẩm phán hay trọng tài cuối cùng, mà chỉ tạo không gian cho những cuộc trao đổi thẳng thắn và trung thực."

Tổ chức ảnh báo chí lâu đời này kết luận rằng, điều đáng chú ý là sau cả ba cuộc điều tra - của WPP, AP và các nhà làm phim - thì "vẫn còn nghi ngờ về quyền tác giả của bức ảnh".

"Mặc dù bức ảnh này được ghi nhận là của Nick Út, nhưng bằng chứng hiện có chỉ ra khả năng cao ông Nguyễn Thành Nghệ đã chụp nó, nhưng cũng nêu ra khả năng Huỳnh Công Phúc [một phóng viên ảnh khác] có thể đã ở vị trí tốt hơn để chụp bức ảnh

Dựa trên quy trình chấm giải của mình, chúng tôi kết luận rằng mức độ nghi ngờ hiện tại là quá lớn để có thể tiếp tục giữ nguyên việc ghi nhận tác quyền như trước.

Đồng thời, do thiếu bằng chứng thuyết phục và xác thực xác nhận một nhiếp ảnh gia khác là tác giả, chúng tôi cũng không thể ghi lại quyền tác giả cho bất kỳ ai khác."

Cũng theo WPP, việc ngưng ghi tác giả ảnh "có thể không phải là một giải pháp hoàn hảo. Nhưng là một quyết định được đưa ra một cách thận trọng và dựa trên nguyên tắc" nhằm "tôn trọng tính phức tạp của vấn đề" và "khuyến khích đối thoại mang tính phản biện."

 

 

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

 

Ông Horst Faas (trái), phóng viên ảnh chiến tranh nổi tiếng, hai lần được trao giải Pulitzer, trưởng phòng ảnh của hãng AP tại Sài Gòn trong Chiến tranh Việt Nam, và nhiếp ảnh gia Nick Út. Ảnh: Getty Images

 

 

Một trong các lý do khiến các cuộc điều tra nói trên không đưa ra được kết luận thuyết phục, là do thiếu các nhân chứng vật chứng mang tính quyết định. Trong đó có việc phim âm bản đã bị mất và một số nhân vật quan trọng có liên quan đã mất.

 

Các nhân vật then chốt này gồm:

Horst Faas - trưởng văn phòng AP tại Sài Gòn năm 1972 - người chọn bức Em bé Napalm để công bố cho toàn thế giới.

 

Yuichi "Jackson" Ishizaki - biên tập viên ảnh phòng tối của AP năm 1972.

 

Arthur Lord - trưởng văn phòng NBC News tại Sài Gòn năm 1972 - sếp của ông Nguyễn Thành Nghệ.

 

Bên cạnh đó, câu hỏi lớn nhất được nhiều nhà phê bình đặt ra sau khi phim The Stringer được công chiếu là tại sao ông Nghệ và ông Robinson lại giữ bí mật này suốt hơn 50 năm dù họ đã có nhiều cơ hội để nói ra?

 

Và bộ phim, dù gây xúc động mạnh mẽ, đặc biệt là những ký ức do các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Thành Nghệ kể lại một cách "rất cuốn hút", nhưng nhân chứng trung tâm của phim là ông Nghệ không có bức ảnh mà ông nói do mình chụp, để chứng minh.

 

Và dù lý do mà ông Nghệ nói là vợ cũ của ông đã xé bức ảnh "có thể chấp nhận được", nhưng việc không trưng ra được bức ảnh này vẫn làm giảm đáng kể độ tin cậy lời khẳng định của ông, theo bình luận của biên tập viên David Friend trang VanityFair.

 

Lời kể của nhân chứng trong phim cũng có những điểm mâu thuẫn.

 

Ông Nghệ nói rằng chính ông mang cuộn phim chưa tráng đến văn phòng AP. Nhưng sau đó anh rể ông lại nói rằng chính ông ấy mới là người giao phim.

 

Ở một thời điểm khác, ông Nghệ khẳng định rằng việc đổi tên tác giả bức ảnh là "có chủ ý. Tôi biết ngay lập tức" - nhưng đồng thời lại nói rằng phải sáu hoặc bảy tháng sau khi bức ảnh được công bố, ông mới biết về việc Nick Út được ghi công và trở nên nổi tiếng.

 

Ngoài ra, nhiều nhà phân tích phim chỉ ra rằng dù ông Nghệ nói là làm việc cho hãng NBC News nhưng ông không hề công bố được thêm bất cứ bức ảnh nào khác trong toàn bộ sự nghiệp chụp ảnh của ông.

 

 

(Theo BBC)