Trung Quốc đòi độc chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông. Ảnh minh họa. AFP

 

 

 

 

 

Cuối tuần qua, Bắc Kinh tuyên bố kể từ ngày 01/09/2021, tức là chỉ vài ngày sau khi thông báo, các tàu nước ngoài đi qua vùng biển được coi là “lãnh hải” của Trung Quốc phải khai báo các thông tin chi tiết.

 

 

Yêu cầu mới này của Bắc Kinh được cho biết dựa theo Luật An toàn Giao thông Hàng hải Sửa đổi của Trung Quốc, được thông qua hồi tháng Tư, 2021.

 

 

Theo đó, các tàu nước ngoài đi vào vùng “lãnh hải” của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông phải khai báo thông tin cho Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc.

 

 

Trong trường hợp tàu nước ngoài không khai báo theo yêu cầu thì cơ quan này sẽ ra lệnh bắt buộc tàu nước ngoài phải rời đi ngay lập tức và dùng các biện pháp như trục xuất bắt buộc, theo luật định hiện hành của Trung Quốc.

 

 

Quy định mới về yêu cầu tàu nước ngoài khai báo khi đi vào vùng “lãnh hải” của Trung Quốc, ở Biển Đông, áp dụng đối với tất cả tàu dân sự được sử dụng cho mục đích quân sự.

 

 

Thông báo mới nhất của Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp tại khu vực Biển Đông, cũng như các quốc gia phương Tây do Mỹ dẫn đầu ngày càng mở rộng hiện diện quân sự tại vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương.

 

 

Trước đó, hồi năm 2016, Tòa Trọng tài Quốc tế-PCA ra phán quyết bác bỏ chủ quyền “đường chín khúc” của Trung Quốc tự vẽ ra chiếm đến hơn 80% diện tích Biển Đông, qua vụ Philippines vào năm 2013 đệ đơn kiện Trung Quốc về vấn đề tranh chấp bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham) giữa Manila và Bắc Kinh. Một điểm nhập nhằng khác là chiến hạm các nước nhất là của Mỹ có thể bị diễn giải là “tàu gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải Trung Quốc”.

 

 

Hiện chưa biết Trung Quốc tìm cách áp đặt quy định mới như thế nào, và cộng đồng quốc tế phản ứng ra sao. Nhưng nếu không bảo đảm quyền đi qua vô hại vốn được Hoa Kỳ rất coi trọng, Bắc Kinh có thể gây thêm căng thẳng tại Biển Đông.