Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói tại một cuộc họp báo ở Amsterdam, vào ngày 12/04/2023. (Ảnh: Piroschka van de Wouw/Reuters)

 

 

ÂU CHÂU - Romania là quốc gia cuối cùng trong số 32 thành viên NATO tán thành Thủ tướng Hà Lan đảm nhận vị trí đứng đầu liên minh này.

 

Ông Mark Rutte, thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan, sẽ trở thành tổng thư ký tiếp theo của NATO sau khi ứng cử viên đối lập duy nhất còn lại rút khỏi cuộc đua.

 

Tổng thống Romania Klaus Iohannis, người theo đuổi vị trí lãnh đạo của liên minh quân sự này, đã chính thức tuyên bố rằng ông không còn quan tâm sau một cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng Tối cao Romania hôm 20/06. Cũng tại cuộc họp đó, hội đồng đã chấp thuận tặng một hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, điều mà Kyiv đã đang yêu cầu.

 

Theo hội đồng này, ông Iohannis đã yêu cầu các thành viên hội đồng ủng hộ nỗ lực của ông Rutte. Người ta cũng nói rằng cuối tuần trước ông Iohannis đã thông báo cho NATO về ý định thôi ứng cử của mình.

 

Hành động này xóa bỏ rào cản cuối cùng cho việc ông Rutte lên nắm giữ vị trí đứng đầu NATO. Hôm 18/06, Hungary và Slovakia tuyên bố ủng hộ ông Rutte, vì vậy lúc đó Romania trở thành quốc gia cuối cùng trong số 32 thành viên NATO chưa tán thành vị thủ tướng Hà Lan này.

 

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phản đối nỗ lực của ông Rutte nhưng hồi tháng Tư họ đã rút lại quyết định phủ quyết.

 

Ông Iohannis tham gia tranh cử vào giai đoạn muộn; khi ông tuyên bố tranh cử hồi tháng Ba thì phần lớn các đồng minh NATO đã đứng về phía ông Rutte.

 

Tổng thư ký NATO chịu trách nhiệm chỉ thị quá trình tham vấn và ra quyết định trong liên minh, đại diện cho tổ chức này trên vũ đài thế giới, và giám sát nhân viên tại trụ sở chính ở Brussels.

 

Vị Tổng thư ký này được bổ nhiệm qua các cuộc đàm phán ngoại giao khép kín không chính thức, và việc bổ nhiệm cuối cùng được thực hiện khi tất cả các thành viên đạt được sự đồng thuận.

 

Tổng thư ký đương nhiệm Jens Stoltenberg, cựu thủ tướng Na Uy, sẽ từ chức vào ngày 01/10 sau một thập niên đảm nhiệm chức vụ. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và Ngoại trưởng Latvia Krisjanis Karins cũng thể hiện sự quan tâm đến công việc này.

 

Khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine diễn ra ác liệt mà không có hồi kết rõ ràng, ông Rutte nổi lên như một ứng cử viên sáng giá hơn những ứng cử viên đến từ Romania và các nước vùng Baltic, vốn là những nước chịu áp lực quân sự trực tiếp từ Nga vì ở gần Nga. Trên thực tế, không ứng cử viên nào từ một quốc gia từng tham gia Hiệp ước Warsaw—đối tác cộng sản của NATO ở Đông Âu—từng đứng đầu NATO.

 

Ông Rutte là thủ tướng tại vị lâu nhất trong vương quốc của ông và là nhà lãnh đạo tại vị lâu thứ hai trong NATO sau ông Viktor Orban của Hungary.

 

Hồi tháng 07/2023, ông Rutte tuyên bố sẽ rút lui khỏi chính trường Hà Lan sau khi nội các của ông sụp đổ vì vấn đề người tị nạn. Ông giữ chức vụ thủ tướng tạm quyền sau cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2023, trong đó liên minh chính trị của ông mất tổng cộng 37 ghế trong Hạ viện 150 ghế.

 

 

(Epochtimes Việt ngữ; Cẩm An lược dịch)

(Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times)