(Ảnh: nghiencuuquocte.org)
Nguồn: Stephen Kotkin, “The Five Futures of Russia,” Foreign Affairs, 18/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)
Và Mỹ nên chuẩn bị thế nào cho những gì sẽ xảy đến?
Vladimir Putin đã bước sang tuổi 71 vào ngày 7/10 năm ngoái, một cách tình cờ, cũng là ngày mà Hamas tấn công Israel. Tổng thống Nga chắc hẳn đã xem vụ tấn công như quà sinh nhật cho mình – nó đã làm thay đổi bối cảnh xung quanh chiến dịch quân sự của ông ở Ukraine. Có lẽ là nhằm thể hiện thái độ của mình, ông đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Nga mời các đại diện cấp cao của Hamas tới Moscow vào cuối tháng 10, theo đó làm nổi bật sự liên kết về lợi ích. Vài tuần sau, Putin tuyên bố ý định tranh cử nhiệm kỳ thứ năm trong một cuộc bầu cử không có lựa chọn vào tháng 3/2024, rồi sau đó tổ chức cuộc họp báo thường niên, trao cho một nhóm nhà báo dễ bảo đặc quyền được nghe ông tự mãn nói về sự mệt mỏi của phương Tây trước cuộc chiến ở Ukraine. “Gần như trên toàn bộ chiến tuyến, các lực lượng vũ trang của chúng ta, nói một cách khiêm tốn, là đang cải thiện vị thế của mình,” Putin khoe trong buổi phát sóng trực tiếp.
Ngày 16/02 vừa qua, Nhà tù Liên bang Nga ra thông báo về cái chết đột ngột của nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny, 47 tuổi, tại một trại giam phía trên Vòng Bắc Cực, nơi ông đang hướng dẫn hàng triệu người ủng hộ mình cách phản đối cuộc bầu cử của Putin. Một tháng sau, điều tối đa mà người ta có thể nói là Điện Kremlin chí ít cũng đã chịu đợi cho đến khi cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống được tổ chức xong mới công bố chiến thắng của Putin.
Putin tự xem mình là sa hoàng mới. Nhưng một sa hoàng thực sự sẽ không phải lo lắng về một cuộc khủng hoảng kế vị đang cận kề và những ảnh hưởng của nó lên quyền lực của ông trong hiện tại. Nhưng Putin có lo lắng, và đó là một phần lý do tại sao ông phải can thiệp vào các cuộc bầu cử. Ông sẽ giữ chức vụ của mình cho đến năm 2030, khi ở tuổi 78. Tuổi thọ của nam giới ở Nga thậm chí không đạt tới 67, nhưng những ai sống đến 60 tuổi có thể mong đợi mình sẽ sống đến khoảng 80. Những người sống trên 100 tuổi được xác nhận ở Nga rất ít. Putin đương nhiên có thể sống đến 100 tuổi. Nhưng ngay cả Stalin cũng chết.
Người tiền nhiệm của Putin, Boris Yeltsin, hóa ra là vị sa hoàng hiếm hoi chịu chỉ định người kế nhiệm và dọn đường cho người đó lên nắm quyền. Năm 1999, đối mặt với bệnh tật cùng nỗi lo rằng ông và “gia đình” gồm những tay chân tham nhũng có thể phải đối mặt với án tù sau khi ông từ chức, Yeltsin đã quyết định chọn Putin để bảo vệ quyền tự do và di sản của mình. “Hãy chăm lo cho nước Nga,” Yeltsin đưa ra lời khuyên cho Putin trước khi rời nhiệm sở. Năm 2007, ở tuổi 76, ông qua đời như một người tự do. Nhưng người được bảo trợ đã không noi gương người bảo trợ của mình. Năm 2008, Putin tạm thời rời chức tổng thống sau khi thừa nhận giới hạn hai nhiệm kỳ liên tiếp mà Yeltsin phải đối mặt. Sau đó, ông bổ nhiệm một kẻ vô danh chính trị thay thế mình, còn mình thì lui về giữ chức thủ tướng, nhưng đã sớm quay lại với nhiệm kỳ tổng thống thứ ba vào năm 2012 và sau đó là thứ tư. Cuối cùng, ông yêu cầu cơ quan lập pháp bù nhìn sửa đổi hiến pháp để loại bỏ mọi giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. Stalin cũng từng cố gắng níu giữ quyền lực, bất chấp tình trạng bệnh tật ngày càng trầm trọng. Ông từ chối chấp nhận một người kế vị, để rồi cuối cùng ngã gục sau một cơn đột quỵ và qua đời bên vũng nước tiểu của chính mình.
Putin không phải là Stalin. Nhà lãnh đạo người gốc Gruzia đã dựng nên một siêu cường trong khi khiến hàng chục triệu người phải chết trong nạn đói, trại lao động cưỡng bức, hầm hành quyết, và một cuộc chiến phòng thủ được quản lý kém. Ngược lại, Putin đã dựng nên một quốc gia bất hảo trong khi đẩy hàng trăm ngàn người đến chỗ chết trong một cuộc chiến phi nghĩa. Tuy nhiên, một so sánh vẫn là hữu ích. Hệ thống của Stalin không thể tồn tại nếu không có ông, ngay cả khi vẫn có một đảng cầm quyền được thể chế hóa. Thế nhưng, giữa đống tro tàn, kể từ khi Liên Xô tan rã kéo dài đến tận năm 1991, Putin đã củng cố một chế độ chuyên chế mới. Sự kết hợp giữa tính dễ bị tổn thương và sự phụ thuộc vào quá khứ này xuất phát từ nhiều yếu tố không thể dễ dàng thay đổi: địa lý, bản sắc đế quốc-dân tộc, văn hóa chiến lược đã ăn sâu vào tâm trí. (Nhà văn người Nga sống ở thế kỷ 19 Mikhail Saltykov-Shchedrin đã châm biếm đất nước của ông, rằng mọi thứ thay đổi chóng mặt cứ sau 5 đến 10 năm, nhưng lại chẳng có gì thay đổi suốt 200 năm.) Nhưng dù Putin có ra đi lúc nào hay bằng cách nào, thì chế độ chuyên chế cá nhân của ông, và rộng hơn là nước Nga, cũng phải đối mặt với những câu hỏi về tương lai.
Chế độ của Putin tự xem mình là tàu phá băng, thay mặt nhân loại đập tan trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo. Washington cùng các đồng minh và đối tác của họ đã nhiều lần cho phép mình bị Putin làm cho bất ngờ – ở Libya, Syria, Ukraine, và Trung Phi. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về điều bất ngờ khó chịu tiếp theo. Nhưng về lâu dài thì sao? Xét đến những yếu tố bất khả kháng như việc lãnh đạo qua đời và các yếu tố cấu trúc rộng lớn hơn, nước Nga liệu sẽ phát triển, hoặc không phát triển, như thế nào trong thập niên tới và thậm chí là xa hơn?
Những độc giả đang cố gắng hình dung quỹ đạo của nước Nga nên tham khảo thị trường cá cược. Tuy nhiên, điều mà các quan chức phương Tây và những người ra quyết định khác cần làm là xem xét một loạt các kịch bản: ngoại suy từ các xu hướng hiện tại theo cách có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập kế hoạch dự phòng. Các kịch bản được lập ra là để người ta không bị bất ngờ. Rõ ràng, thế giới liên tục đối mặt với bất ngờ và điều không thể đoán trước vẫn có thể xảy ra như thiên nga đen. Giữ thái độ khiêm tốn là điều cần thiết. Tuy nhiên, hiện vẫn có thể dự đoán năm tương lai có thể xảy ra cho nước Nga, và Mỹ cùng các đồng minh nên lưu ý đến chúng.
Trải qua nhiều đời tổng thống, Washington đã thấm thía bài học khó khăn rằng họ thiếu đòn bẩy để biến đổi những đất nước như Nga và Trung Quốc, vốn xuất thân từ những đế chế trên lục địa Á-Âu, luôn tự hào là những nền văn minh cổ đại đã có từ rất lâu trước khi Mỹ được thành lập, chứ chưa nói đến sự hình thành của phương Tây. Họ không phải là nhân vật trong vở kịch Pygmalion của George Bernard Shaw, họ không thể được biến đổi từ một cô gái quê mùa thành một quý cô thanh lịch, nghĩa là không thể biến đổi từ chế độ độc tài, đế quốc thành những bên tham gia có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế do Mỹ thống trị. Những nỗ lực thay đổi “bản chất” của họ luôn dẫn đến sự chỉ trích và vỡ mộng từ cả hai phía. Các nhà lãnh đạo như Putin và Tập Cận Bình của Trung Quốc đã không đảo ngược một tiến trình đầy hy vọng; nhưng ở một mức độ không hề nhỏ, họ chính là kết quả của tiến trình đó. Vì vậy, Washington và các đối tác không nên tin rằng mình có thể định hình quỹ đạo của Nga. Thay vào đó, họ nên chuẩn bị cho bất cứ chuyện gì sẽ xảy ra.
NGA GIỐNG NHƯ PHÁP
Pháp là một quốc gia có truyền thống tập quyền và quân chủ lâu đời – đồng thời cũng có truyền thống cách mạng đầy rắc rối. Các nhà cách mạng Pháp đã bãi bỏ chế độ quân chủ chỉ để chứng kiến nó quay trở lại dưới vỏ bọc của một vị vua và sau đó là hoàng đế, rồi lại biến mất khi các nền cộng hòa đến rồi đi. Pháp đã xây dựng và đánh mất một đế chế thuộc địa rộng lớn. Suốt nhiều thế kỷ, những người cai trị nước Pháp, không ai khác ngoài Napoleon, đã đe dọa các nước láng giềng của mình.
Ngày nay, những truyền thống này vẫn tồn tại theo nhiều cách. Như nhà tư tưởng người Pháp Alexis de Tocqueville đã nhận xét một cách sắc sảo trong tác phẩm Chế độ cũ và Cuộc cách mạng (1856), những nỗ lực của các nhà cách mạng nhằm dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ rốt cuộc lại vô tình củng cố các cấu trúc nhà nước tập quyền. Bất chấp việc củng cố hệ thống cộng hòa, chế độ quân chủ Pháp vẫn tồn tại một cách tượng trưng trong các cung điện ở Versailles và nhiều nơi khác, trong các bức tượng các vị vua của triều đại Bourbon có mặt khắp nơi, và trong một hình thức cai trị tập quyền quá mức với quyền lực và của cải phần lớn tập trung ở Paris. Ngay cả khi không còn là một đế chế chính thức, Pháp vẫn là một đất nước đầy kiêu hãnh, được nhiều công dân và người hâm mộ xem là một nền văn minh với ý thức về một sứ mệnh đặc biệt trên thế giới và ở Âu châu, cùng với một ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi vượt ra ngoài biên giới của mình (60% người nói tiếng Pháp ngày nay là công dân của nước khác). Nhưng điều quan trọng nhất là nước Pháp ngày nay được hưởng nền pháp quyền và không còn đe dọa các nước láng giềng nữa.
Nước Nga cũng sở hữu một truyền thống nhà nước tập quyền và quân chủ, vốn sẽ tồn tại bất kể bản chất của hệ thống chính trị tương lai, và một truyền thống cách mạng tuy không còn là một cuộc phiêu lưu đang diễn ra, nhưng vẫn tồn tại trong các thể chế và ký ức như một nguồn cảm hứng và cảnh báo. Chắc chắn, chế độ chuyên chế của Romanov thậm chí còn ít bị ràng buộc hơn so với chế độ quân chủ của Bourbon. Cách mạng ở Nga cũng tàn bạo và tàn khốc hơn cách mạng ở Pháp. Đế chế đã mất của Nga nằm ngay liền kề chứ không phải ở nước ngoài, và đã tồn tại lâu hơn – chính xác là gần bằng thời gian tồn tại của nhà nước Nga hiện đại. Ở Nga, sự thống trị của Moscow đối với phần còn lại của đất nước còn vượt xa cả Paris ở Pháp. Phạm vi ảnh hưởng địa lý của Nga cũng lấn át của Pháp, bao trùm toàn bộ đất nước ở Âu châu, cũng như vùng Caucasus, Trung Á, và Đông Á. Rất ít quốc gia có nhiều điểm chung với Nga. Nhưng có lẽ Pháp là nước có nhiều điểm chung nhất.
Một người đàn ông mặc áo in hình Tổng thống Nga Vladimir Putin, Saint Petersburg, tháng 5/2022 © Anton Vaganov / Reuters
Nước Pháp đương đại là một đất nước vĩ đại, dù không thể tránh khỏi những lời chỉ trích. Một số người lên án những gì họ cho là sự can thiệp quá nhiều của nhà nước, mức thuế cao cần thiết để chi trả cho các dịch vụ không đồng đều, cũng như tinh thần xã hội chủ nghĩa rộng rãi. Số khác lại nhắm vào những gì họ cho là tham vọng cường quốc và chủ nghĩa sô-vanh văn hóa của Pháp. Và còn những người than thở về chính sách ngặt nghèo của Pháp trong việc hòa nhập người nhập cư. Nhưng chúng ta có thể thất vọng về khía cạnh này hoặc khía cạnh khác của Pháp và vẫn công nhận rằng nước này cung cấp mô hình thực tế gần nhất cho một nước Nga hoà bình, thịnh vượng. Nếu Nga trở nên giống như Pháp – một nền dân chủ với hệ thống pháp quyền, tự hào về quá khứ chuyên chế và cách mạng, nhưng không còn đe dọa các nước láng giềng – thì đó sẽ là một thành tựu rất đáng kể.
Nước Pháp đã trải qua một con đường đầy gian nan để trở nên như ngày nay. Hãy nhớ lại thời kỳ khủng bố cách mạng của Robespierre, chủ nghĩa bành trướng thảm khốc của Napoléon, cuộc tự đảo chính của Napoléon III (từ tổng thống dân cử trở thành hoàng đế), sự thâu tóm quyền lực của Công xã Paris, sự thất bại nhanh chóng của Pháp trong Thế chiến II, chế độ thông đồng Vichy, chiến tranh thuộc địa Algeria, và những hành động ngoài vòng pháp luật của Tổng thống Charles de Gaulle sau khi xuất ngũ vào năm 1958. Người ta có thể bị cám dỗ bởi quan điểm cho rằng nước Nga cần de Gaulle của riêng mình để giúp củng cố một trật tự tự do từ trên xuống, dù vẫn chưa có vị cứu tinh nào như vậy xuất hiện trong tương lai gần. Nhưng chỉ có những kẻ viết sách thánh mới tin rằng một người đàn ông duy nhất đã tạo ra nước Pháp ngày nay. Dù có nhiều giai đoạn bất ổn, nhưng trải qua nhiều thế hệ, Pháp đã phát triển các thể chế chuyên nghiệp, công bằng – một cơ quan tư pháp, một nền công vụ, một không gian công cộng tự do và cởi mở – của một quốc gia dân chủ, cộng hòa. Vấn đề không nằm ở việc Yeltsin không phải de Gaulle, mà là nước Nga năm 1991 còn lâu mới đạt được một trật tự hiến pháp ổn định, theo kiểu phương Tây như nước Pháp ba thập niên trước đó.
NƯỚC NGA THU MÌNH
Một số người Nga có thể hoan nghênh việc đất nước họ chuyển đổi thành một quốc gia giống như Pháp, nhưng những người khác lại xem đó là một thảm hoạ. Những gì thế giới ngày nay nhìn nhận là chủ nghĩa Putin đã lần đầu tiên xuất hiện trong các tạp chí tiếng Nga định kỳ và các hiệp hội tình nguyện của những năm 1970: một chủ nghĩa dân tộc chuyên chế, phẫn nộ, thần bí, lấy chủ nghĩa bài phương Tây làm nền tảng, ủng hộ các giá trị được cho là truyền thống, và vay mượn một cách vụng về từ chủ nghĩa Slavơ, chủ nghĩa Á-Âu, và Chính thống giáo Đông phương. Hoàn toàn có thể tưởng tượng một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc chuyên chế ủng hộ những quan điểm này, và giống như Putin, ông có niềm tin không gì lay chuyển được rằng Mỹ đang cố gắng hủy diệt Nga, nhưng cũng vô cùng lo lắng trước tương lai lâu dài mờ mịt của đất nước và sẵn sàng chấp nhận đổ lỗi cho Putin về điều đó. Nói cách khác, ông là một người thu hút được sự ủng hộ của cử tri trung thành với Putin, nhưng lại đưa ra quan điểm rằng cuộc chiến chống Ukraine đang gây tổn hại cho Nga.
Nhân khẩu học là một điểm nhức nhối đặc biệt đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc dựa trên huyết thống và lãnh thổ ở Nga, chưa kể đến giới quân nhân và nhiều dân thường. Kể từ năm 1992, dù có lượng nhập cư đáng kể nhưng dân số Nga vẫn liên tục giảm. Dân số trong độ tuổi lao động của nước này đạt đỉnh vào năm 2006 với khoảng 90 triệu người và hiện chỉ còn ở mức dưới 80 triệu người, một xu hướng tai hại. Chi tiêu cho cuộc chiến ở Ukraine đã thúc đẩy cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, nhưng những hạn chế do lực lượng lao động giảm sút đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn ngay cả trong lĩnh vực được ưu tiên này, vốn đang thiếu khoảng năm triệu lao động có trình độ so với nhu cầu. Tỷ lệ người lao động thuộc nhóm tuổi làm việc hiệu quả nhất – từ 20 đến 39 – sẽ tiếp tục giảm trong thập niên tới. Không có điều gì, thậm chí kể cả việc bắt cóc trẻ em từ Ukraine, vụ việc khiến Tòa án Hình sự Quốc tế truy tố Putin, có thể đảo ngược được sự suy giảm dân số ở Nga, vốn đang trở nên trầm trọng hơn do tỷ lệ thương vong cao chót vót trong cuộc chiến Ukraine.
Những tiến bộ về năng suất có thể bù đắp cho những xu hướng nhân khẩu học này hiện vẫn chưa xuất hiện. Nga gần như xếp cuối cùng trên thế giới về quy mô và tốc độ tự động hóa trong sản xuất: quá trình robot hóa của nước này thua xa so với mức trung bình của thế giới. Ngay từ trước khi cuộc chiến mở rộng ở Ukraine bắt đầu tiêu tốn ngân sách nhà nước, Nga đã xếp hạng thấp một cách đáng ngạc nhiên trong bảng xếp hạng toàn cầu về chi tiêu giáo dục. Trong hai năm qua, Putin đã chấp nhận đánh mất phần lớn tương lai kinh tế của đất nước khi ông buộc hàng ngàn nhân viên công nghệ trẻ tuổi chạy trốn khỏi chế độ nghĩa vụ quân sự và nạn đàn áp. Đúng, nhóm người này là đối tượng mà những kẻ cuồng tín dân tộc cho là không cần thiết, nhưng trong sâu thẳm, nhiều người hiểu rằng một cường quốc cần đến họ.
Nhờ vị trí địa lý trải rộng khắp Á-Âu và quan hệ lâu dài với nhiều nơi trên thế giới, cũng như chủ nghĩa cơ hội, Nga vẫn có thể nhập khẩu nhiều linh kiện không thể thiếu cho nền kinh tế của mình bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Bất chấp sự tháo vát này, và bất chấp việc công chúng đã quen với chiến tranh, giới tinh hoa Nga vẫn biết về những số liệu thống kê đáng sợ. Họ ý thức được rằng, là nước xuất khẩu hàng hóa, sự phát triển lâu dài của Nga phụ thuộc vào việc chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến. Cuộc xâm lược Ukraine của Putin đã khiến việc sử dụng phương Tây làm nguồn cung trở nên khó khăn hơn, và việc ông ủng hộ chủ nghĩa hư vô của Hamas đã làm căng thẳng mối quan hệ của Nga với Israel, nhà cung cấp chính của nhiều hàng hóa và dịch vụ công nghệ cao. Ở mức độ cơ bản hơn, giới tinh hoa Nga đang bị tách biệt về mặt vật chất với các nước phát triển: những nơi ẩn náu ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), dù dễ chịu đến đâu, cũng không thể thay thế các biệt thự và trường nội trú ở Âu châu.
Dù chế độ chuyên chế của Nga một lần nữa chứng minh sức bền trong chiến tranh, nhưng việc Putin thiếu đầu tư và đa dạng hóa trong nước, tình trạng khó khăn về nhân khẩu học ngày càng gia tăng, và vai trò của ông trong việc khiến đất nước rơi vào tình trạng lạc hậu về công nghệ vẫn có thể buộc những người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn – trong số đó có nhiều người thuộc tầng lớp tinh hoa – phải thừa nhận rằng Nga đang đi trên con đường tự diệt. Nhiều người đã kết luận một cách riêng tư rằng tổng thống Nga đã gắn liền sự tồn vong của chế độ cá nhân già cỗi của ông ta với sự tồn vong của đất nước trong vai trò một cường quốc. Chí ít về mặt lịch sử, những nhận thức như vậy đã dẫn đến một sự thay đổi, chuyển từ bành trướng ra nước ngoài sang phục hồi trong nước. Mùa hè năm ngoái, khi đội quân của thủ lĩnh lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin hành quân đến Moscow, họ đã không được các sĩ quan quân đội ủng hộ, đó là một lý do khiến Prigozhin hủy bỏ cuộc binh biến. Nhưng nó cũng không khuyến khích những người ủng hộ chế độ đứng ra bảo vệ Putin. Tình tiết này vô tình tạo ra một cuộc trưng cầu dân ý bất đắc dĩ về chế độ, tiết lộ sự trống rỗng bên trong vỏ bọc đàn áp.
Nước Nga thu mình có thể là kết quả từ việc đẩy nhanh sự ra đi của Putin, hoặc có thể xảy ra sau cái chết tự nhiên của ông. Nó cũng có thể xảy ra mà không cần loại bỏ Putin, thông qua các đe dọa chính trị có ý nghĩa đối với sự cai trị của ông. Dù điều đó có xảy đến cách nào, nó cũng sẽ liên quan đến các động thái chiến thuật được thúc đẩy bởi sự thừa nhận rằng Nga thiếu phương tiện để chống lại phương Tây mãi mãi, họ phải trả giá cắt cổ cho việc cố gắng làm điều đó, và có nguy cơ để mất vĩnh viễn các mối quan hệ quan trọng ở châu Âu để đổi lấy sự phụ thuộc nhục nhã vào Trung Quốc.
(Còn tiếp)