Đảo Phú Lâm nơi Trung Quốc thành lập trái phép thành phố Tam Sa, trực thuộc tỉnh Hải Nam. (Ảnh: STR/AFP via Getty Images)

 

 

 

Chính quyền Trung Quốc đang có "âm mưu" mới khi thay đổi tên gọi khu vực Hoàng Sa thành "vùng ven biển".

 

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 6/8 khẳng định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam khi đưa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào trong quy tắc kiểm tra kỹ thuật tàu biển nội địa theo luật định 2020.

 

 

Vừa qua, chính quyền Trung Quốc đưa ra bản quy tắc hàng hải sửa đổi. Trong đó, Trung Quốc gọi khu vực nằm giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “vùng ven biển”, thay vì “ngoài khơi” như trước đây.

 

Trong văn bản mới này, Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là "vùng hàng hải Hải Nam - Tây Sa". Tây Sa là tên gọi trái phép Trung Quốc dùng cho quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Quy định sửa đổi này nối hai điểm ở đảo Hải Nam và ba điểm ở quần đảo Hoàng Sa và xem đó như bờ biển.

 

 

Để tàu thuyền Trung Quốc 'thoải mái' đi đến Hoàng Sa?

Bản quy định mang tên chính thức là “Các quy tắc kỹ thuật để kiểm tra tàu biển trong các tuyến nội địa”. Đáng chú ý là từ ngữ "nội địa" dùng ở đây.

 

Một chuyên gia về Biển Đông ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng động thái trên của Bắc Kinh có lẽ là nhằm tăng cường quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa bằng cách sử dụng các luật trong nước, theo trang tin SCMP.

 

Collin Koh, chuyên gia tại đại học công nghệ Nanyang Technological University (Singapore) nói, động thái của Trung Quốc “không phải điều đáng ngạc nhiên, nhất là sau khi Bắc Kinh đã thông báo thành lập hai quận hành chính để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa”.

 

Chuyên gia Collin nhắc lại rằng việc Trung Quốc thay đổi từ ngữ để chỉ vùng biển nằm giữa Hải Nam và Hoàng Sa đã được tiến hành từ đầu năm nay, nhưng nay mới có hiệu lực. Mục tiêu “chắc chắn là nhằm củng cố thêm đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh” trên vùng biển này.

 

Một nhà quan sát Biển Đông khác cho rằng động thái của Trung Quốc không đơn thuần là nhằm đẩy mạnh giao thông liên lạc và du lịch giữa Hải Nam và Hoàng Sa, mà còn mang ý nghĩa rộng hơn. Có nghĩa là kể từ nay, tàu biển Trung Quốc có thể thoải mái đi đến Hoàng Sa vì vùng biển đó chỉ là vùng “ven bờ”. Đây chính là biện pháp để chính quyền Trung Quốc gia tăng khống chế Biển Đông.

 

Đầu tháng 7 vừa qua, Mỹ và Úc đã chính thức tuyên bố phản đối yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc là không phù hợp với luật quốc tế.

 

 

Trung Quốc đang xây dựng hệ thống giám sát ở Biển Đông?

Ngày 5/8, tạp chí Forbes (Mỹ) đăng tải thông tin cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một hệ thống giám sát ở Biển Đông.

 

Bài báo cho biết hàng loạt trạm/máy móc phục vụ giám sát được rải rác khắp các khu vực ở Biển Đông, là một phần trong các nỗ lực hòng kiểm soát Biển Đông của Hải quân Trung Quốc.

 

Sáng kiến Minh bạch hàng hải (AMTI, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS) cũng có nghiên cứu về hoạt động này của Trung Quốc. Theo đó các trạm/máy móc do thám này là một phần trong "Mạng lưới thông tin đại dương xanh" của Trung Quốc. Một số thông tin về mạng lưới này đã được giới thiệu tại triển lãm Hàng hải và hàng không quốc tế Langkawi vào năm 2019.

 

Hôm 6/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đang trao đổi với các cơ quan chức năng về thông tin này.

(Theo ntdvn.com)