Gần đây, Tòa án Thụy Điển đã ban hành lệnh trục xuất một người đàn ông Tây Tạng bị tình nghi làm gián điệp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. (JOHN MACDOUGALL/AFP/Getty Images)

 

 

 

 

Gần đây, Tòa án Thụy Điển đã ban hành lệnh trục xuất một người đàn ông Tây Tạng bị tình nghi làm gián điệp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Người đàn ông này đã bị cảnh sát Thụy Điển buộc tội gián điệp và bị kết án 22 tháng tù vào năm 2018.

 

 

"Trang về Tây Tạng" (Xizangzhiye) đưa tin rằng khi người đàn ông này mãn hạn tù, cơ quan an ninh Thụy Điển đã yêu cầu chính phủ trục xuất ông ta khỏi Thụy Điển. Nhật báo nổi tiếng của Thụy Điển Göteborgs-Posten đưa tin: "Cơ quan an ninh Thụy Điển tin rằng việc nghi phạm này cư trú ở Thụy Điển sẽ gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia, vì vậy ông ta phải bị trục xuất".

 

 

Điệp viên ĐCSTQ này tên là Doje Jianshen, 52 tuổi. Ông ta bị cơ quan an ninh Thụy Điển bắt vào lúc nửa đêm ngày 26/2/2017. Tòa án quận của Thụy Điển đã mở phiên tòa xét xử vào ngày 15/6/2018, tố cáo ông ta là tình nghi có tham gia “hoạt động tình báo bất hợp pháp quy mô lớn” từ tháng 7/2015 đến năm 2017 và kết án ông này 22 tháng tù.

 

 

Theo phán quyết của tòa án Thụy Điển, “Doje Jianshen đã đến Phần Lan nhiều lần để gặp một nhân viên tình báo Trung Quốc (ĐCSTQ), và thực hiện các hoạt động theo dõi tình báo cộng đồng người Tây Tạng ở địa phương”.

 

 

Theo bài báo, về sự việc nhân viên tình báo của ĐCSTQ đã tiết lộ thông tin chi tiết về các hoạt động chính trị, hội họp, nhà ở và các mối quan hệ cá nhân của cộng đồng người Tây Tạng Thụy Điển, tòa án cho rằng: “Rất có thể gây thiệt hại cực lớn cho người Tây Tạng Thụy Điển và cộng đồng người Tây Tạng ở các nước khác".

 

 

Truyền thông Thụy Điển cũng tiết lộ rằng, điệp viên này đã nhận hối lộ tổng cộng 50.000 Krona Thụy Điển (tương đương 6.000 USD) từ các nhân viên tình báo của ĐCSTQ.

 

 

Bà Jiang Yang Quzhen, cựu Phó Chủ tịch Hiệp hội người Tây Tạng ở Thụy Điển, cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Đài truyền hình Trung ương Tây Tạng: “Đây không phải là lần đầu tiên một điệp viên Trung Quốc theo dõi cộng đồng người Tây Tạng địa phương. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chính quyền phương Tây truy tố người Tây Tạng vì nghi ngờ tham gia vào hoạt động gián điệp của ĐCSTQ. Tôi hy vọng rằng các nước khác sẽ rút ra bài học kinh nghiệm từ Thụy Điển và hành động càng sớm càng tốt để ngăn Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện những âm mưu nham hiểm như vậy ở nước ngoài".

 

 

Khi nói về việc các cộng đồng nên làm gì để chống lại sự việc tương tự, bà Jiang Yang Quzhen nói: "Về vấn đề này, cộng đồng Tây Tạng nên đoàn kết nhất trí để chống lại chiến lược gián điệp của ĐCSTQ".

 

 

Bà Jiang Yang Quzhen không chỉ theo dõi sát vụ án mà còn thay mặt cộng đồng Tây Tạng phát biểu trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, nhấn mạnh rằng loại trừ nghi phạm và tạo cảm giác sợ hãi là thủ đoạn cuối cùng của gián điệp ĐCSTQ. Bà nói: "Nếu chúng ta không chống chọi lại nỗi sợ hãi và hỗn loạn do ĐCSTQ tạo ra, chúng ta sẽ bị Trung Quốc (ĐCSTQ) đánh lừa, điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và hòa bình của chúng ta".

 

 

Bà nói thêm: “Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) mới thực sự là mối đe dọa, chứ không phải là tai mắt mà họ sắp đặt giữa chúng ta. ĐCSTQ mới là đối tượng mà chúng ta cần phải thách thức, chứ không phải là những gián điệp bị mua chuộc. Vậy nên, cùng với việc duy trì cảnh giác cao độ, tất cả các quốc gia trên thế giới vẫn có thể tiếp tục tiếp nhận người Tây Tạng như trước đây".

 

 

Vào thời điểm mà các vụ gián điệp của ĐCSTQ ngày càng trở nên nghiêm trọng, một cảnh sát gốc Hoa ở thành phố New York, Hoa Kỳ, cũng đã bị giam giữ vì bị cho là đang giúp ĐCSTQ thu thập thông tin về người Tây Tạng sống ở New York.

 

 

Việc ĐCSTQ cố gắng thâm nhập vào công việc bầu cử của những người Tây Tạng lưu vong cũng là một phần trong chiến lược nham hiểm của họ. Điều này cũng bao gồm các cuộc tấn công mạng vào trung tâm hành chính Tây Tạng và cộng đồng Tây Tạng.

 

 

ĐCSTQ cũng sử dụng nhiều Viện Khổng Tử, các hiệp hội học giả và du học sinh Trung Quốc để giám sát và kiểm soát những tiếng nói chống lại chính quyền ĐCSTQ.

 

 

Thụy Điển là quốc gia đầu tiên ở Châu Âu đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử. Hiện nay các nền dân chủ khác bao gồm Hoa Kỳ cũng đã làm theo. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng tuyên bố rằng, ông hy vọng tất cả các Viện Văn hóa Khổng Tử ở Hoa Kỳ sẽ đóng cửa vào cuối năm nay.

(Theo ntdvn.com)